Bố trí trạm sạc cho xe điện để giảm phát thải từ giao thông
Tại một đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, theo tính toán của Sở Tài nguyên và Môi trường, Thành phố hiện đang thải ra khoảng 38,5 triệu tấn khí CO2 mỗi năm, chiếm khoảng 16% lượng phát thải của cả nước.
Trong đó nguồn phát thải từ lĩnh vực giao thông chiếm đến 45%. Do vậy, việc “xanh hóa” hệ thống phương tiện giao thông được xem là một nhiệm vụ quan trọng, nhất là khi số lượng ôtô, xe máy đăng ký tại Thành phố đã ở mức trên 8,2 triệu xe các loại.
Để kiểm soát khí thải đối với xe máy, Sở GTVT Thành phố đã phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam và Viện Khoa học và Công nghệ GTVT tổ chức triển khai đề án “Thí điểm kiểm soát khí thải môtô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn TP Hồ Chí Minh”.
Trước con số hơn 7,5 triệu xe gắn máy đăng ký tại Thành phố, nếu thực hiện kiểm soát khí thải xe máy, mỗi năm môi trường Thành phố sẽ giảm phát thải 56.403 tấn CO và 4.800 tấn HC. Với thực trạng này, nhiều chuyên gia và đại diện đơn vị đều cho rằng xe gắn máy là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Thành phố và đưa ra đề xuất kiểm soát khí thải xe máy từ năm 2023.
Để kiểm soát khí thải đối với xe máy, Đề án trên cũng đã xây dựng lộ trình dự kiến triển khai với nhiều giai đoạn. Trong giai đoạn đầu thực hiện từ năm 2021-2022 chủ yếu dừng lại ở bước tập trung tuyên truyền đến người dân.
Giai đoạn tiếp theo từ năm 2023 - 2025, Thành phố sẽ thí điểm kiểm soát khí thải xe máy có thu phí đối với xe máy của người dân ở khu vực quận 1,3 và quận 10. Sau năm 2025, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai ra khu vực các quận 5, Tân Bình và sau năm 2027 sẽ kiểm soát khí thải xe máy của người dân sinh sống tại các quận nội thành. Việc kiểm soát khí thải đối với xe máy sẽ được thực hiện đối với xe đã sử dụng trên 5 năm.
Nhận định về vấn đề phát triển xe chạy điện những năm gần đây, bà Trần Minh Ái, chuyên gia về đô thị cho rằng, trên thực tế, việc chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng phương tiện dùng điện là xu hướng chung trên toàn thế giới. Mặc dù Việt Nam là quốc gia đi sau, song tốc độ tăng trưởng cũng khá nhanh. So với tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện chạy bằng xăng, dầu, nhóm người dân sử dụng các phương tiện xanh còn rất thấp.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất xe gắn máy, ôtô đã cho ra mắt những loại phương tiện thân thiện với môi trường chạy bằng điện và nhận được sự đón nhận của người dân. Qua đó từng bước xây dựng thói quen sử dụng phương tiện giao thông xanh, nhất là tại các đô thị lớn.
“Một trong những vấn đề đặt ra đối với cư dân sinh sống trong các khu chung cư là thiếu trạm sạc chuyên dụng. Bởi dù tỷ lệ sử dụng phương tiện dùng nhiên liệu xanh còn rất thấp, song nhu cầu về trạm sạc tại các khu dân cư là hoàn toàn có thật”, bà Ái nhận định.