Cảng hàng không nào không phát huy được vai trò sẽ đưa ra khỏi quy hoạch
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa công bố Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050.
Nhiều địa phương có trong quy hoạch kỳ vọng tới đây có sân bay, kinh tế địa phương sẽ thêm phần khởi sắc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo lắng bởi thực tế cho đến thời điểm này, nhiều cảng hàng không đang trong tình trạng lỗ. Còn Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, không phải cảng hàng không nào cũng có khả năng sinh lời. Có những cảng hàng không bắt buộc phải có để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Liên quan tới Quy hoạch lần này, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng khẳng định, trong quy hoạch lần này, Bộ GTVT không khống chế cố định số lượng cảng hàng không. Bộ chỉ định hướng, tùy thuộc vào nhu cầu, khả năng phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, nhu cầu bảo đảm quốc phòng, phòng, chống cứu hộ cứu nạn thì cho phép bổ sung các vị trí mới, sân bay mới vào quy hoạch với địa phương. Việc này phải đáp ứng 3 tiêu chí như nhu cầu, có vị trí phát triển được cảng hàng không, sân bay và chuẩn bị các nguồn lực đầu tư bảo đảm cảng hàng không hoạt động hiệu quả.
Cũng theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, giao thông hàng không có vai trò quan trọng trong tổng thể giao thông quốc gia, đặc biệt là phương thức giao thông có tầm quan trọng rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội các vùng miền và cả nước nói chung. Với vai trò đó, lần quy hoạch này đã đưa ra những định hướng mới như huy động tối đa cơ sở hạ tầng các sân bay gồm sân bay dân dụng kết hợp khai thác lưỡng dụng. Quy hoạch được thông qua có tính mở cao, đưa ra các nguyên tắc bổ sung cảng hàng không mới và đưa cảng hàng không khai thác không hiệu quả ra khỏi quy hoạch.
Đặc biệt, trước thực trạng các địa phương ồ ạt xin quy hoạch và đầu tư các sân bay, ông Thắng khẳng định, mong muốn của các địa phương khi có sân bay là chính đáng. Tuy nhiên, cảng hàng không chỉ là điều kiện cần, không phải điều kiện đủ để địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, cơ cấu các cảng hàng không phụ thuộc các yếu tố như nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng miền cả nước, quan hệ giữa phương tiện hàng không với các loại hình giao thông khác và hiệu quả khai thác. Trong đó, hiệu quả là yếu tố quan trọng khi đặt vấn đề các địa phương nên có sân bay hay không và nên có vào thời gian nào.
"Sân bay có nguồn lực đầu tư và chi phí lớn để duy trì phát triển. Do đó, ngoài việc mang lại lợi ích chung vẫn phải bảo đảm hiệu quả nhất định để duy trì và phát triển, tránh tình trạng sân bay định ra rồi dừng khai thác", lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nói và cho biết thêm, trong quy hoạch này, Thủ tướng Chính phủ có quan điểm vừa đóng vừa mở. Cảng hàng không nào không phát huy được vai trò sẽ đưa ra khỏi quy hoạch. Cảng hàng không nào có nhu cầu, bảo đảm hiệu quả, thu xếp được nguồn lực đầu tư, sẵn sàng đưa vào quy hoạch.
Đánh giá về việc huy động các nguồn vốn "rót" cho hạ tầng sân bay khi tổng số tiền dự kiến cần để đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 lên tới 420 nghìn tỷ đồng, theo ông Thắng, trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đã có các định hướng quan trọng để các bộ, ngành có đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng, Quốc hội để ban hành những quy định, đặc biệt là hệ thống quy định pháp luật, tạo điều kiện phát triển hệ thống cảng hàng không, giữa hàng không và quốc phòng khi dùng chung cả tài sản, đất đai…
Bởi lẽ, các cảng hàng không là kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia, mục tiêu chính là để phục vụ cho đi lại của người dân. Do đó, hiệu quả cảng hàng không là hiệu quả tổng thể lợi ích quốc gia, xã hội, doanh nghiệp và người dân.
"Không phải cảng hàng không nào cũng có khả năng sinh lời. Nhưng có những địa điểm cảng hàng không bắt buộc phải có để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề là tổ chức mạng cảng hàng không làm sao để hạch toán toàn mạng mà vẫn có khả năng sinh lời và bảo đảm phát triển", lãnh đạo Cục Hàng không nói và khẳng định với cảng hàng không, không nên tiếp cận riêng lẻ. Phải phân cấp cảng hàng không trọng yếu, cửa ngõ hay địa phương có tính chất gom tụ. Ví dụ như Mỹ, chỉ có hơn 10 cảng hàng không mang tính gom tụ. Quốc gia này tổ chức theo hình thức trục nan, tức là các đường bay đều qua các trung tâm này. Từ đó, bảo đảm hiệu quả khai thác cũng như giá rẻ cho hành khách.