Cao tốc Bắc-Nam mở ra không gian phát triển mới

07:43 03/09/2023

Vào đúng dịp 2/9, Dự án cao tốc QL45 - Nghi Sơn thông xe kỹ thuật. Việc thông xe đã giúp giảm tải cho tuyến QL1A, quãng đường từ Hà Nội về Nghệ An rút ngắn còn 1/3 thời gian so với trước. Điều đáng nói, đây chỉ là một trong số dự án cao tốc về đích sớm trong hàng nghìn kilomet cao tốc Bắc Nam đang được triển khai, góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh sự kết nối, phát triển kinh tế của các địa phương. Xung quanh câu chuyện làm đường cao tốc, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ.

PV: Hành lang vận tải trên trục Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng khi đi qua 32 tỉnh, thành phố, tác động đến hơn 62% dân số, đóng góp gần 66% tổng sản phẩm trong nước, kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm là Bắc bộ, miền Trung, phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long. Xin Thứ trưởng cho biết, viêc đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc Bắc-Nam đến nay đã và đang được thực hiện như thế nào?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ:  Hành lang vận tải Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng, là trục xương sống, hành lang kinh tế - vận tải huyết mạch của đất nước. Để tạo ra động lực đột phá, phát huy được tiềm năng, lợi thế các địa phương trên hành lang này, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông đã được quy hoạch với tổng chiều dài 2.063 km từ Cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau đi qua 32 tỉnh, thành phố. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã quyết nghị Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 với mục tiêu "Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, trong thời gian vừa qua, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và nhà đầu tư, nhà thầu xây lắp, đơn vị tư vấn đã nỗ lực, cố gắng, vượt qua khó khăn để sớm đưa các dự án thành phần vào khai thác.

Tính đến đầu tháng 9/2023, Bộ GTVT đã đưa vào khai thác 8/11 dự án thành phần của Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Theo kế hoạch đến cuối năm 2023, Bộ GTVT sẽ đưa vào khai thác Dự án thành phần cầu Mỹ Thuận 2 và trong năm 2024 sẽ đưa vào khai thác 2 Dự án thành phần còn lại là đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Hiện tại, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã cơ bản hoàn thành, khai thác liền mạch đoạn Lạng Sơn - TP Hà Nội - Diễn Châu (Nghệ An) và đoạn từ TP Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bình Thuận và Ninh Thuận. Đối với Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công vào ngày 1/1/2023, hiện nay tiến độ triển khai cơ bản theo sát kế hoạch và dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác toàn bộ 12 dự án thành phần cuối năm 2025.

Trong quá trình triển khai các dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ GTVT đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ và trực tiếp là đồng chí Thủ tướng Chính phủ; sự hỗ trợ, phối hợp trách nhiệm, hiệu quả của các Bộ, ngành trung ương; sự vào cuộc của các cấp chính quyền các địa phương; sự chia sẻ, ủng hộ của người dân trong khu vực Dự án đã sẵn sàng nhường đất, dời nhà bàn giao mặt bằng phục vụ thi công Dự án; sự nỗ lực, cố gắng bền bỉ các nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát. Đây là nền tảng quan trọng, giúp Bộ GTVT có thể đưa vào khai thác các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đúng kế hoạch, trong đó có một số dự án thành phần về đích sớm, góp phần cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đóng góp tích cực cho quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đất nước sau đại dịch COVID-19.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ.

PV: Việc đưa hàng loạt dự án vào hoạt động sớm đã mang lại những lợi ích cụ thể gì cho người dân, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Về những lợi ích cụ thể của việc hàng loạt dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được đưa vào sớm, tôi cho rằng, chính những người tham gia giao thông, doanh nghiệp vận tải đều có thể cảm nhận và đánh giá được. Lợi ích đầu tiên, rõ rệt nhất mang lại đó chính là các tuyến cao tốc Bắc - Nam vừa được đưa vào khai thác đã rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển giữa TP Hồ Chí Minh và Phan Thiết, Nha Trang, giữa TP Hà Nội và Thanh Hóa, Nghệ An việc đi lại đã thuận tiện hơn, giảm ùn tắc giao thông, giảm nguy cơ TNGT so với lưu thông trên các quốc lộ song hành. Thực tế cho thấy, đợt cao điểm du lịch vừa qua, lượng khách đến các khu du lịch của Thanh Hóa, Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận tăng lên rõ rệt. Các dự án đầu tư vào các tỉnh cũng được tăng lên do giao thông thuận lợi, chi phí logistics giảm. Nhờ đó tạo công ăn, việc làm, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân. Chúng tôi tin tưởng rằng, sau khoảng 2 năm nữa khi toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được thông xe, những lợi ích mà công trình này mang lại còn lớn hơn nữa, đặc biệt trong việc góp phần mở ra không gian phát triển mới, thu hút đầu tư, kéo giảm chi phí logistics, qua đó nâng cao sức cạnh tranh của cả nền kinh tế.

PV: Theo lộ trình, 12 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026. Ông có thể chia sẻ, trong hàng loạt các khó khăn mà lãnh đạo Bộ phải đối mặt trong quá trình triển khai dự án, thì khó khăn nào khiến lãnh đạo Bộ "đau đầu" và trăn trở nhiều nhất? Lãnh đạo Bộ đã có giải pháp gì để khắc phục những khó khăn này?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội khoá XV thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022.

Ngay sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 8/NQ-CP ngày 11/2/2022, trong đó giao nhiệm vụ với các mốc tiến độ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương cũng như quyết định một số cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án theo thẩm quyền. Đồng thời, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải để trực tiếp chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, định kỳ họp hằng tháng kiểm điểm tiến độ triển khai các dự án. Đây là cơ sở để Bộ GTVT có thể hoàn thành toàn bộ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án trong một thời gian rất ngắn, để có thể khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần vào ngày 1/1/2023. Ngay sau khi khởi công công trình, Bộ GTVT đã chủ động làm việc trực tiếp với các nhà thầu, phối hợp chặt chẽ với các địa phương có dự án đi qua để nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn ngay trong giai đoạn đầu tiên. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chủ trì nhiều cuộc họp ban chỉ đạo để giải quyết nhanh các vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ GTVT, đặc biệt là 2 nội dung quan trọng là mặt bằng và nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường.

Đối với công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), ngay từ khi bắt tay chuẩn bị Dự án, Bộ GTVT đã xác định đây là một công việc khó và thường kéo dài ảnh hưởng đến thời gian thực hiện dự án. Để có thể bàn giao sớm mặt bằng cho các đơn vị thi công, Bộ GTVT đã thực hiện song song công tác thiết kế, cắm cọc GPMB ngay trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu khả thi. Đến nay, các địa phương đã hoàn thành GPMB và bàn giao 652,88km/721,25km (đạt khoảng 90,5%), tạo điều kiện cho các nhà thầu tổ chức thi công đồng loạt theo đúng kế hoạch đề ra. Đối với nguồn vật liệu xây dựng thông thường, theo kết quả khảo sát thì nguồn vật liệu đáp ứng đủ nhu cầu cho các dự án cao tốc. Tuy nhiên, một số vướng mắc về thủ tục khi triển khai cơ chế đặc thù giao mỏ cho các nhà thầu, vướng mắc khi thỏa thuận với chủ sở hữu khu vực mỏ làm tiến độ khai thác vật liệu cho dự án bị chậm.

Đây chính là khó khăn lớn nhất trong công tác tổ chức triển khai thi công các dự án thành phần Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 trong giai đoạn hiện nay. Để đảm bảo đủ nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ để có các giải pháp tháo gỡ; tham mưu Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 57/CĐ-TTg ngày 19/2/2023 giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thủ tục cấp mỏ, Công điện số 194/CĐ-TTg ngày 1/4/2023 và 573/CĐ-TTg ngày 21/6/2023 yêu cầu các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn về vật liệu xây dựng cho các dự án. Bộ GTVT đã lập 2 tổ công tác với thành phần là các bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an trực tiếp làm việc với các địa phương để nắm bắt tình hình cung ứng vật liệu xây dựng phục vụ thi công các dự án thành phần và các khó khăn, vướng mắc để giải quyết theo thẩm quyền. Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo các đơn vị thi công tập trung triển khai các hạng mục có giá trị cao và không phụ thuộc vào nguồn đắp như cầu, hầm, cống, các đoạn tuyến đào, đắp sử dụng vật liệu điều phối …; tổ chức thi công cuốn chiếu, có công địa đến đâu thi công đến đó.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp tích cực, có hiệu quả của các bộ, ngành và địa phương, các khó khăn về nguồn vật liệu đắp nền đường cho Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sẽ được giải quyết dứt điểm trong năm 2023. Do vậy sang đến năm 2024 các dự án sẽ có đủ điều kiện để triển khai thi công đồng loạt, tiến độ thi công tại các dự án sẽ được đẩy nhanh, đáp ứng yêu cầu tiến độ hoàn thành dự án của Quốc hội và Chính phủ.

Trong năm 2023, Bộ GTVT có thể hoàn thành khoảng 400 km đường cao tốc.

PV:  Với hạn chế và khó khăn như lãnh đạo Bộ nói ở trên, từ nay đến cuối năm Bộ GTVT đặt ra mục tiêu sẽ đưa thêm bao nhiêu km đường cao tốc nữa vào hoạt động?  Cụ thể sẽ là những tuyến nào?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Có thể nói rằng với sự chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, những khó khăn, vướng mắc của các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam nói chung, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã từng bước được tháo gỡ. Trên nền tảng đó, Bộ GTVT đang đôn đốc các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu tập trung nguồn lực, tổ chức thi công "3 ca 4 kíp" bảo đảm đến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành thêm 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông là cầu Mỹ Thuận 2 và đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ với tổng chiều dài 30 km. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Tuyên Quang cũng đang nỗ lực triển khai phấn đấu cuối năm nay hoàn thành 40km thuộc Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ. Tính tổng cộng, trong năm 2023, Bộ GTVT có thể hoàn thành khoảng 400 km đường cao tốc. Những kết quả tích cực về việc phát triển hệ thống đường bộ cao tốc của năm 2023 sẽ giúp ngành GTVT đứng trước những thời cơ và điều kiện thuận lợi để hoàn thành mục tiêu mục tiêu từ nay đến năm 2025 cả nước có 3.000 km cao tốc, đến năm 2030 là 5.000 km.

Một thuận lợi rất lớn là được sự quan tâm, ủng hộ của Quốc hội trong việc sớm phê duyệt chủ trương đầu tư những Dự án quan trọng quốc gia, ưu tiên bố trí nguồn vốn thực hiện; bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả của các bộ, ngành và các địa phương, tạo ra nền tảng quan trọng để việc triển khai hệ thống đường bộ cao tốc có thể bám sát mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, đây vẫn là nhiệm vụ, trách nhiệm rất lớn trong thời gian tới. Với vai trò, vị trí và tầm quan trọng rất lớn của các dự án giao thông trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, vì vậy toàn hệ thống chính trị cần phải nhận thức và quyết tâm hành động để thực hiện thành công nhiệm vụ này, nhất là trong việc ban hành các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực cho đầu tư các dự án mới.

PV: Xin cảm ơn đồng chí Thứ trưởng!

Phạm Huyền (thực hiện)

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Công an huyện Lục Nam, Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 5 triệu đồng đối với M.V.S về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (QL50) đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 6,9km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến nối từ TP Hồ Chí Minh đi Long An, Tiền Giang dù đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 6/2021, nhưng đến nay nhiều gói thầu xây lắp chính mới đạt tỷ lệ rất thấp…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文