Còn nhiều "điểm nghẽn" cao tốc Bắc - Nam
Theo số liệu báo cáo, đến thời điểm hiện nay Hà Tĩnh đã hoàn tất việc bàn giao 100% mặt bằng cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn, với chiều dài hơn 102km. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc, một số "điểm nghẽn" mất nhiều thời gian nhưng vẫn khó xử lý dứt điểm như trang trại chăn nuôi lợn, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình điện...
Với gần 18,3km của 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng và 2 tuyến kết nối, song hành đi qua địa bàn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) phải thu hồi, bàn giao diện tích đất hơn 170ha. Mặc dù rất khẩn trương, quyết liệt song trên địa bàn vẫn còn vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, GPMB. Trong đó, "điểm nghẽn" lớn nhất là trang trại chăn nuôi lợn án ngữ cao tốc Bắc - Nam tại xã Việt Tiến của hộ ông Phạm Thanh Hải.
Mốc bàn giao được đưa ra ngay từ đầu là cuối năm 2023, song đến thời điểm hiện nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm. Theo báo cáo của chính quyền địa phương, khó khăn trong việc di dời trang trại chăn nuôi lợn giống ở xã Việt Tiến, ngoài diện tích 2ha trong tổng diện tích 14,3ha của trang trại nằm trong phạm vi GPMP cần di dời để triển khai dự án cao tốc gần như chiếm toàn bộ hệ thống chuồng trại, máy móc thiết bị thì 668 con lợn giống cùng thiết bị, máy móc do không có trong đơn giá bồi thường của tỉnh nên địa phương chưa thể xử lý. Đến nay, Hội đồng bồi thường, GPMB đã chi trả số tiền hơn 14 tỷ đồng cho ông Phạm Thanh Hải để chủ trang trại này bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Với 668 con lợn giống cùng thiết bị, máy móc hiện nay huyện Thạch Hà đang phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tiếp tục tìm phương án tháo gỡ.
Tại huyện Kỳ Anh, hiện nay còn vướng mắc trong vấn đề bồi thường, di dời hai nhà thờ họ Nguyễn và họ Nguyễn Thừa tại các xã Kỳ Phong và Kỳ Văn. Đại diện các dòng họ này chưa nhận tiền đền bù, chưa thống nhất phương án xử lý di dời nên chưa thể bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Tại xã Kỳ Lạc hiện còn 5 hộ dân đề xuất bồi thường về đất đai, công trình do phát sinh và sai sót; xã Kỳ Trung có 18 hộ chưa được hỗ trợ về chính sách chuyển đồi nghề do trước đó, các hộ này nhận hợp đồng giao khoán với Nông trường 12/9. Ngoài ra, trên địa bàn huyện này hiện còn phát sinh việc hàng chục hộ dân kiến nghị về chính sách bồi thường, đề xuất mở đường dân sinh hoặc hầm chui do ảnh hưởng trong quá trình thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, ngoài vướng mắc về công tác đền bù, GPMB của một số hộ dân trên địa bàn các xã Cẩm Lạc, Cẩm Sơn, Cẩm Hưng... thì vướng mắc liên quan đến dự án điện mặt trời Cẩm Hưng và việc chậm thi công, di dời các công trình đường dây lưới điện 110kV và 220kV cũng là tồn tại kéo dài. Trong đó, các công trình đường dây lưới điện 110kV và 220kV mặc dù đã ký hợp đồng với các đơn vị thi công, nhưng quá trình lập kế hoạch, tiến độ thi công còn chậm so với kế hoạch.
Mới đây, sau khi kiểm tra thực tế tại hiện trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà đã yêu cầu các nhà thầu khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công theo kế hoạch và hợp đồng đã ký. Đồng thời, chủ động rà soát, phối hợp chặt chẽ với ngành điện trong quá trình thực hiện các hồ sơ, thủ tục về cắt điện; không được lấy lý do chờ cắt điện làm chậm tiến độ bàn giao mặt bằng cho dự án.
Liên quan đến việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình điện để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và nhà thầu thi công Dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, theo địa phương này thì từ tháng 6/2023 đến nay tỉnh đã có 5 văn bản đôn đốc, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần trực tiếp đi kiểm tra và có ý kiến chỉ đạo tại hiện trường nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện. Tuy vậy, đến nay việc di dời hệ thống điện, đặc biệt là đường điện cao áp (500kV, 220kV) tại các huyện, thị xã vẫn còn rất chậm; một số địa phương như huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh đến cuối tháng 3/2024 vẫn chưa triển khai thi công.
Trước tình hình này, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương liên quan gồm: Thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Thạch Hà và Can Lộc khẩn trương, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công di dời các công trình lưới điện, đặc biệt là đường dây 500kV, 220kV. Trong quá trình thực hiện cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan trực thuộc Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam để được hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Liên quan đến các dự án di dời đường điện chậm tiến độ, theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Tĩnh, hồ sơ thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở các công trình đã được Bộ Công Thương thẩm định từ tháng 10/2023. Tuy nhiên, hệ thống điện truyền tải là các công trình điện trọng điểm, đặc biệt quan trọng, trong đó lưới điện 500kV thuộc danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh Quốc gia nên quá trình di dời, cải tạo các công trình cần rất nhiều thời gian do thuộc thẩm quyền quản lý của cấp Bộ, ngành Trung ương và việc ngừng giảm, cắt điện phục vụ thi công, đóng điện ảnh hưởng đến việc cấp điện các vùng, các tỉnh, khu vực.
Mặc dù vậy, theo đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh, mặc dù khó khăn nhưng để không ảnh hưởng chung đến tiến độ của dự án trọng điểm quốc gia, địa phương này yêu cầu các địa phương liên quan tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ di dời các công trình điện. Trường hợp để chậm trễ trong công tác GPMB di dời đường điện, ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn bộ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam thì người đứng đầu các địa phương phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và các cơ quan liên quan.
Được biết, tất cả các gói thầu xây lắp, di dời đường điện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh để phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam đều được thực hiện bằng hình thức chỉ định thầu nên việc chậm thực hiện dẫn đến ảnh hưởng tiến độ chung của dự án, cần phải xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư.