Đầu tư gần 300 tỷ để xây cầu Ghềnh mới
- Cầu Ghềnh sập, cầu sắt Bình Lợi thấp thỏm
- Cầu Ghềnh sập và ‘bài toán’ giảm tải Ga Biên Hòa
- Lời khai của ba người gây sập cầu Ghềnh
- 3 nhân viên đường sắt giải cứu đoàn tàu trong lúc sập cầu Ghềnh
Tổng Công ty đường sắt Việt Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính Phủ về việc khôi phục khẩn cấp cầu Đồng Nai lớn (cầu Ghềnh) km 1699+860 tuyến đường sắt Hà Nội-Tp Hồ Chí Minh. Trong văn bản do ông Trần Ngọc Thành- Chủ tịch Hồi Đồng thành viên ký cũng nêu rõ về thực tế các cầu yếu trên tuyến đường sắt quốc gia.
Với chiều dài tuyến là 1.726km, trong đó có 1.454 cầu các loại, nguồn gốc kết cấu hạ tầng đường sắt được hình thành cách đây trên 100 năm. Về vận tải tần suất khai thác là 40 chuyến/ngày đêm (trong đó có 26 chuyến tàu khách và 14 chuyến tàu hàng).
Hiện trường vụ sập cầu Ghềnh. |
Trong những năm qua, đã có 756/1454 cầu đã được cải tạo, khôi phục và xây dựng mới, đến nay còn 698 cầu chưa được cải tạo, trong đó có 190 cầu yếu cần phải được đầu tư cải tạo sớm.
Cụ thể: Dự án 134 cầu yếu do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư, tính đến tháng 2/2016 đã thực hiện hoàn thành 89 cầu, còn 45 cầu chưa thể hoàn thành (do chưa có vốn để triển khai).
Dự án 56 cầu yếu dự kiến sử dụng vốn ODA (do Ban quản lý dự án đường sắt của Bộ GTVT làm chủ đầu tư) trong số 56 cầu này có cầu Đồng Nai lớn (cầu Ghềnh) vừa sập. Toàn bộ số cầu này chưa được triển khai do chưa thu xếp được vốn.
Đặc biệt, trong số 190 cầu yếu trên có cầu Đồng Nai lớn Km 1699+860, cầu Rạch Cát (Đồng Nai nhỏ); km 1699+245, cầu Gò Dưa 1715+396 và cầu Bình Lợi km 1719+089 (đang được Bộ GTVT xem xét để đầu tư theo hình thức BOT đường thủy), trừ cầu Đồng Nai lớn (cầu Ghềnh) đã sập và cầu Bình Lợi, 2 cầu còn lại là 2 cầu đặc biệt yếu cần phải được sửa chữa hoặc làm mới ngay.
Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính cho phép Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được triển khai thực hiện công trình khôi phục cầu Ghềnh theo lệnh khẩn cấp. Tổng mức đầu tư dự kiến là 298,5 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cũng xin cấp từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016. Đơn vị này cũng đặt ra tiến hộ hoàn thành công trình là 120 ngày kể từ ngày được Thủ tướng chính phủ quyết định.