Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội vẫn vướng giải phóng mặt bằng
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), tính đến nay, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 74%, trong đó tiến độ đoạn trên cao đạt 89,5% và tiến độ đoạn đi ngầm đạt 33%. Tuy nhiên, đối với đoạn đi ngầm, công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc tại ga S9 và S11.
Sáng 29/11, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã trực tiếp kiểm tra công trường và việc thực hiện Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.
Bí thư Thành ủy và đoàn đã trực tiếp kiểm tra công trường ga S9 và máy khoan hầm TBM, ga S8; kiểm tra đoàn tàu và di chuyển bằng tàu từ ga S8 về khu Depot. Đoàn đã làm việc với nhà thầu thi công tại phòng họp tại ga S9, làm việc với các bên liên quan về tình hình dự án tại khu Depot.
Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội là đoạn đầu của tuyến Nhổn - Hoàng Mai (Tuyến đường sắt số 3) với tổng chiều dài 21km. Đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, trong đó có 8,5km đi nổi và 4km đi ngầm. Đây là dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn hỗn hợp khác. Dự án được phát lệnh khởi công vào ngày 25-9-2010.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), tính đến nay, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 74%, trong đó tiến độ đoạn trên cao đạt 89,5% và tiến độ đoạn đi ngầm đạt 33%. Đến nay, tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) đoạn trên cao đã hoàn thành. Tuy nhiên, đối với đoạn đi ngầm, công tác GPMB còn vướng mắc tại ga S9 và S11.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội kiến nghị UBND các quận Đống Đa, Ba Đình tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ban đẩy nhanh việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt các phương án bồi thường, hỗ trợ chi tiết. Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn trình tự thực hiện theo kiến nghị của ban và các quận, đồng thời tích hợp thêm các ý kiến của nhà tài trợ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để điều chỉnh chính sách bồi thường, hỗ trợ phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và hài hòa với chính sách an toàn của ADB.
Dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội đang được xây dựng có chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm (Kim Mã-ga Hà Nội, với 4 ga ngầm). Dự án có tổng mức đầu tư 1.176 triệu Euro, từ nguồn vốn vay ODA Ngân hàng đầu tư châu Âu, Chính phủ Pháp, Ngân hàng phát triển châu Á và vốn đối ứng trong nước.
Dự án có tổng mức đầu tư 783 triệu Euro, trong đó vốn vay ODA là 653 triệu Euro, vốn đối ứng 130 triệu Euro. Sau đó, tổng mức đầu tư điều chỉnh là 1.176 triệu Euro. Như vậy, tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án tăng khoảng 10.400 tỉ đồng.
Đối với gói thầu CP5 chậm trễ (mới đạt 70%) ảnh hưởng chính đến tiến độ chung phần nổi, MRB kiến nghị UBND TP tiếp tục tổ chức kiểm điểm tình hình hằng tháng và đề nghị Bộ Xây dựng (Đơn vị chủ quản của nhà thầu là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Hancorp) phối hợp đôn đốc tiến độ và giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, theo tuyên bố chung khi Thủ tướng Chính phủ thăm và làm việc tại Pháp (nhà tài trợ dự án) thì phần nổi 8,5km phải hoàn thành vào cuối năm 2022 để đưa vào khai thác sử dụng ngay; phần ngầm phải hoàn thành vào năm 2025. Ông Tuấn khẳng định, đối với đoạn đi nổi, vấn đề chính năm ở gói thầu CP05 với nhà thầu là Hancorp.
Sau khi kiểm tra và nghe báo cáo, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND TP phải chỉ đạo UBND TP và các đơn vị liên quan tập trung phân tích, làm rõ từng khó khăn, vướng mắc của dự án để có phương án giải quyết từng phần, thúc đẩy tiến độ chung của dự án.
Đặc biệt, Bí thư Thành ủy chỉ đạo phải bám sát tiến độ đã được nêu trong tuyên bố chung của Chính phủ nước ta với Chính phủ Pháp; đó là đến năm 2022 hoàn thành đưa vào vận hành phần đi nổi 8,5km; đến năm 2025 hoàn thành phần đi ngầm 4km và đưa vào vận hành toàn tuyến; coi đây là mốc thời điểm có tính pháp lệnh để tổ chức thực hiện. Riêng đối với đoạn đi nổi, để bảo đảm vận hành trong năm 2022, tiến độ thi công phải phấn đấu hoàn thành trước ngày 15-10-2022.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị, các nhà thầu trong và ngoài nước tham gia thi công dự án cùng chia sẻ, phối hợp chặt chẽ để giải quyết những vấn đề bất cập, vướng mắc để hướng đến thực hiện mục tiêu tiến độ nêu trên. Việc bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án không chỉ là mong muốn, kỳ vọng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Hà Nội mà còn là uy tín của các nhà thầu vốn đã có thương hiệu.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng đề nghị Tổng công ty Xây dựng Hà Nội tích cực, chủ động khắc phục khó khăn, giải quyết vướng mắc để hoàn thành nhanh nhất gói thấu CP05, góp phần hoàn thành tiến độ chung của dự án. Bí thư Thành ủy đề nghị Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội và các nhà thầu trong quá trình thi công phải quan tâm bảo đảm tuyệt đối an toàn và giữ gìn vệ sinh môi trường.
Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh, các quận liên quan gồm Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm nêu cao tinh thần trách nhiệm; chủ động, tích cực tham gia, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, nhất là tập trung tháo gỡ vướng mắc về GPMB, có kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận, ủng hộ dự án.
Lưu ý vì lần đầu tiên GPMB liên quan đến công trình ngầm, chưa có cơ chế cụ thể, đồng chí Đinh Tiến Dũng đề nghị Ban Cán sự đảng UBND TP báo cáo Thường trực Thành ủy xem xét cho ý kiến để trình HĐND TP cho phép UBND TP ban hành cơ chế để tiến hành GPMB, phấn đấu ban hành cơ chế này ngay trong tháng 12-2021 để tổ chức thực hiện.