Đường ngang dân sinh tự phát - nguyên nhân của nhiều thảm họa

08:14 17/03/2015
Lực lượng chức năng kiến nghị xóa bỏ gần 700 đường ngang dân sinh tiềm ẩn tai nạn giao thông cao, nâng cấp hàng trăm đường ngang. Dù tăng cường kiểm tra, xử lí nhiều như vậy, nhưng vi phạm về TTATGT đường sắt vẫn hết sức phức tạp, dẫn đến hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng trong thời gian vừa qua.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an, chỉ  chưa đầy 2 tháng từ 16/1 đến 10/3, trên các tuyến đường sắt của cả nước đã xảy ra 57 vụ tai nạn, làm chết 35 người, bị thương 35 người. So với cùng kỳ năm 2014, tăng 3 vụ (5,6%), tăng 3 người chết (9,4%), tăng 4 người bị thương (12,9%). Đặc biệt trong những ngày gần đây đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn gây thiệt hại lớn về người và tài sản, làm tê liệt các tuyến đường sắt trong nhiều giờ liền, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của ngành Đường sắt.

Lực lượng Công an khám nghiệm, điều tra nguyên nhân vụ tai nạn tại Quảng Trị.

Trong 341 vụ tai nạn xảy ra của năm 2014 (trung bình mỗi ngày hơn 1 vụ) thì có tới 177 vụ, chiếm 51,9% là do lỗi người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người đi bộ qua đường dân sinh; 117 vụ, chiếm 34,3% do người đi, đứng, nằm ngồi trên đường sắt... Như vậy, rõ ràng lỗi trong các vụ tai nạn giao thông đường sắt chủ yếu là do chủ quan của con người, đặc biệt là do hành vi cố tình vượt đường sắt khi đã có tín hiệu đèn, còi cảnh báo.

Điển hình như vụ tai nạn mới đây nhất xảy ra tại Diên Sanh, Hải Lăng, Quảng Trị, xe ôtô tải đầu kéo BKS 75C-031.99 chở đá dăm do Nguyễn Xuân Hải, 41 tuổi, trú ở TP Huế điều khiển đi qua đường ngang không chấp hành tín hiệu cảnh báo tự động bị tàu đâm.

Hậu quả đầu máy D19E-968 của tàu bị móp méo, đứt ra khỏi đoàn tàu và trôi thêm khoảng 700 mét; phần đầu kéo xe ôtô bị văng ra bên phải hướng tàu chạy, còn thùng xe văng bên trái. Vụ tai nạn làm lái tàu bị chết tại chỗ; 2 hành khách đi tàu, 2 nhân viên toa xe hàng ăn và tài xế xe ôtô bị thương; 3 toa tàu bị văng ra khỏi đường sắt; giao thông đường sắt tuyến thống nhất ách tắc hơn 17 giờ đồng hồ.

Ngày 10/3/2014, Cục CSGT đã có kế hoạch kiểm tra, xử lí vi phạm trật tự, an toàn giao thông tại đường ngang và kết cấu hạ tầng đường sắt. Theo đó, Phòng 11 đã trực tiếp hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc tại các địa phương và phối hợp với CSGT các tỉnh, thành phố kiểm tra trên các tuyến đường sắt trọng điểm phức tạp gồm tuyến Hà Nội – Lào Cai; Hà Nội - Lạng Sơn và tuyến Thống nhất; ngoài ra, còn kiểm tra việc chấp hành quy trình, quy phạm của cán bộ, công nhân viên đường sắt.

Cụ thể, mỗi tháng, lực lượng chức năng đã xử phạt khoảng 600 trường hợp vi phạm; trong đó, lỗi vượt tín hiệu tại đường ngang vẫn chiếm chủ yếu với khoảng gần 50%; lỗi dừng, đỗ tại đường ngang chiếm khoảng 35%; quay đầu, lùi xe tại đường ngang chiếm gần 20%...

Lực lượng chức năng cũng đã xử phạt 6 cán bộ, nhân viên đường sắt và 2 đơn vị đường sắt vi phạm quy trình, quy phạm liên quan trực tiếp đến an toàn chạy tàu; lập biên bản hàng trăm hộ gia đình vi phạm an toàn đường sắt. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn kiến nghị xóa bỏ gần 700 đường ngang dân sinh tiềm ẩn tai nạn giao thông cao, nâng cấp hàng trăm đường ngang. Dù tăng cường kiểm tra, xử lí nhiều như vậy, nhưng vi phạm về TTATGT đường sắt vẫn hết sức phức tạp, dẫn đến hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng trong thời gian vừa qua.

Thượng tá Nguyễn Quang Khải, Phó trưởng phòng 11, Cục CSGT cho rằng, để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông đường sắt trong tình hình hiện nay, cần phải tiến hành ngay một số giải pháp cấp bách và lâu dài, trong đó, lực lượng CSGT, thanh tra giao thông phải tăng cường lực lượng kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lí nghiêm các hành vi vi phạm tại đường ngang, nhất là đường ngang liên quan đến đường bộ và đường sắt; phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành đường sắt, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương nơi có tuyến đường sắt đi qua trong công tác bảo đảm ATGT.

Theo thống kê, rà soát của Cục CSGT và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thì hiện nay, cả nước có 1.512 đường ngang hợp pháp, trong đó có 680 đường ngang có gác chắn; 832 đường ngang không gác. Các đường ngang hợp pháp đều đã có biển báo, cảnh báo tốc độ.

Ngoài ra còn có 4.575 đường ngang dân sinh, trong đó 137 đường ngang đang được bố trí cảnh giới và 154 đường ngang đang kiến nghị địa phương và các công ty quản lí đường sắt bố trí người cảnh giới. Đặc biệt, toàn tuyến hiện đang có 22 điểm đen về tai nạn giao thông, 928 đường ngang đang được đề nghị làm hàng rào, đường gom.

Phương Thủy

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文