Gắn “sao” cho xe khách để nâng cao chất lượng phục vụ

08:05 05/02/2024

Năm nay, trực tiếp đi kiểm tra các bến xe những ngày sát Tết, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cùng lãnh đạo Ủy ban ATGT quốc gia đã gợi ý nhiều giải pháp, trong đó có vấn đề gắn sao cho xe khách để nâng chất lượng dịch vụ, đồng thời yêu cầu liên ngành Công an, Giao thông vào cuộc ngăn cò mồi lôi kéo khách.

Hàng nghìn xe khách bị xử lý vi phạm mỗi năm nhưng tình trạng lôi kéo hành khách trước khi khách vào bến hoặc sau khi xe rời bến vẫn diễn ra mỗi dịp lễ Tết. Năm nay, trực tiếp đi kiểm tra các bến xe những ngày sát Tết, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cùng lãnh đạo Ủy ban ATGT quốc gia đã gợi ý nhiều giải pháp, trong đó có vấn đề gắn sao cho xe khách để nâng chất lượng dịch vụ, đồng thời yêu cầu liên ngành Công an, Giao thông vào cuộc ngăn cò mồi lôi kéo khách.

Đây là yêu cầu của ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khi đi thị sát bến xe Mỹ Đình trước cao điểm Tết Nguyên đán. Trực tiếp thị sát khu vực Bến xe Mỹ Đình, lãnh đạo UBND TP Hà Nội được "mắt thấy tay sờ", “kiểm tra tận nơi” thấy bến xe đổi mới, hiện đại, sạch đẹp, có phòng chờ tập trung, phòng chờ VIP”.

Nhiều doanh nghiệp vận tải tán thành việc gắn sao cho các loại xe theo chất lượng dịch vụ.

Từ đây, lãnh đạo Hà Nội cho rằng, bến xe cần nhanh chóng phân loại xe khách, có quy chuẩn thương hiệu phục vụ, gắn sao để phù hợp với nhu cầu của người dân. Thực tế vẫn còn nhiều lao động nghèo, họ chỉ có nhu cầu lựa chọn xe bình dân, giá rẻ nhưng cũng có nhiều người có điều kiện hơn muốn được đi xe cao cấp hơn. Ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến, chỉ đạo của lãnh đạo TP, sớm rà soát, đánh giá, xếp hạng sao cho xe khách.

Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết: Bến xe Mỹ Đình được thiết kế với công suất 2.000 phương tiện xe khách, nhưng số xe hiện chỉ khoảng trên 600 phương tiện mới chỉ đạt 1/3 so với công suất. Dự kiến cao điểm của kỳ lễ sẽ diễn ra vào các ngày 27, 28, 29 tháng Chạp, dự báo lượng khách qua bến trong thời gian này sẽ tăng khoảng 300% đến 350% so với ngày thường. Đối với một số tuyến như Thanh Hoá, Thái Bình, Nam Định, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, sẽ có thể xảy ra tình trạng ùn cục bộ vào từng thời điểm.

Công ty đã phối hợp với các đơn vị vận tải trên tuyến chuẩn bị tốt và đầy đủ phương tiện trong tuyến, phương tiện tăng cường giải tỏa đảm bảo khả năng vận chuyển hết khách trong ngày. Dự kiến lượng xe dự phòng tăng cường cho cả đợt phục vụ lễ, Tết là 2.500 xe, lượng xe được phân bổ cho từng tuyến theo kế hoạch dự báo phù hợp với lưu lượng hành khách đi lại. Ngoài ra, các tuyến buýt kế cận với tần suất cao cũng hỗ trợ giảm tải lượng hành khách liên tỉnh đi các tuyến đường ngắn.

Trước đó, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cũng đi thị sát yêu cầu các bến xe trên địa bàn Hà Nội và đề nghị, Ban ATGT TP Hà Nội tham mưu Chủ tịch UBND và Giám đốc Công an TP giao trách nhiệm cho trưởng Công an quận, huyện chủ trì xử lý dứt điểm các bến cóc trên địa bàn. Còn ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc bến xe Nước Ngầm cũng đề nghị cơ quan chức năng tăng cường lực lượng đảm bảo ANTT, ATGT vào các thời điểm từ 4h đến 7h30 nhằm giải tỏa phương tiện xe ôm, xe taxi dừng đỗ trên lòng đường Ngọc Hồi, Pháp Vân và giải tỏa số hàng quán hoạt động gần như 24/24h trên vỉa hè đường Ngọc Hồi gây cản trở người đi bộ cũng như bố trí lực lượng kịp thời nhằm hỗ trợ bến xe trong những tình huống đột xuất.

Trước thông tin gắn sao cho doanh nghiệp vận tải khách, nhiều chủ doanh nghiệp vận tải rất hào hứng, bởi họ cho rằng, doanh nghiệp vận tải hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, do đó, bản thân các doanh nghiệp cũng đã phải tự nâng cao chất lượng để cạnh tranh. Mặt khác, các đơn vị này cũng kiến nghị, gắn sao cho các loại xe theo chất lượng dịch vụ, phải có người thực hiện công tác hậu kiểm, quản lý chặt.

Cụ thể, Công ty CP Vận tải Thương mại Dịch vụ Đất Cảng bày tỏ quan điểm, gắn sao xe khách là cơ hội để doanh nghiệp kinh doanh vận tải nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Khi doanh nghiệp vận tải có thương hiệu sẽ dễ dàng cho hoạt động kinh doanh, đồng thời quyền lựa chọn của người dân, hành khách cũng được đảm bảo, tránh tình trạng “đánh đồng” giữa doanh nghiệp lớn có thương hiệu với doanh nghiệp nhỏ lẻ như hiện nay. Nếu đưa ra được các tiêu chí rõ ràng, doanh nghiệp sẽ có sự cạnh tranh lành mạnh, minh bạch.

Hiện nay, phân bố luồng tuyến, quản lý vùng hoạt động, quy hoạch xây dựng chưa chuẩn nên phải làm lại khoa học hơn. Cùng đó, các bến xe cũng phải gắn sao để tương xứng với hoạt động vận tải. Lãnh đạo nhiều công ty cũng cho hay, công tác hậu kiểm nên giao cho các Sở GTVT vì cơ quan này quản lý được cả số lượng và chất lượng phương tiện, đồng thời nắm được cả chất lượng dịch vụ vận tải của doanh nghiệp trên địa bàn.

Hà Nội xử phạt gần 14 nghìn trường hợp vi phạm trật tự ATGT

Tin từ Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, qua công tác kiểm tra vi phạm giao thông, đơn vị này đã lập biên bản xử lý tước tem kiểm định và thu hồi phù hiệu vận tải gần 1.000 phương tiện các loại. Cụ thể, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính 13.931 trường hợp, số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 51 tỷ đồng, tạm giữ 157 phương tiện, tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn 1.477 trường hợp, tước tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường 20 ôtô tải, tước phù hiệu xe 722 trường hợp. Từ nay đến cuối năm, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội sẽ phối hợp liên ngành lập lại trật tự, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đặng Nhật

Tổng công ty điện lực và công ty điện lực các tỉnh tập trung toàn bộ lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để ứng phó bão số 3, khẩn trương khắc phục các sự cố hệ thống lưới điện đảm bảo an toàn để cấp điện trở lại ngay sau khi bão đi qua.

Trước khi bão số 3 tiến vào Hà Nội, đã có rất nhiều nghĩa cử từ những người dân dành cho nhau trong lúc khó khăn. Đoàn xe ô tô chắn gió cho xe máy trên cầu hay những thông tin chia sẻ nhà ở tránh trú bão là những tình cảm ấp áp đang gây xúc động trên mạng xã hội.

Hàng chục hộ dân đang sống trong các ngôi nhà có nguy cơ sụp đổ trước bão đã được các quận ở Hà Nội di dời đến nơi an toàn, trong đó có 14 hộ dân tại chung cư P16A (phường Thuỵ Khuê) và 3 hộ với 11 nhân khẩu ra khỏi nhà G6A Thành Công (chung cư nguy hiểm cấp độ D). 

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Nguyễn Văn Hồi cho biết, vụ việc ở Mái ấm Hoa hồng có vấn đề liên quan đến công tác quản lý chưa chắc. Ngay việc hoạt động vượt công suất trên 100% nhưng thanh tra, kiểm tra chưa xử lý được. Đây có vấn đề liên quan đến buông lỏng quản lý.

16h chiều 7/9, người dân Hà Nội đã có thể nhận thấy rõ sự ảnh hưởng rõ rệt của bão số 3 khi mưa lớn diễn ra khắp Thủ đô cùng với gió giật mạnh. Đường phố Hà Nội vắng lặng, lác đác có người di chuyển nhưng rất khó khăn. Lực lượng CSGT ứng trực 100% quân số, liên tục tuần tra, tổ chức cắt dọn cây xanh bị quật đổ.

Nhằm chủ động ứng phó với bão số 3 (Yagi), thực hiện Điện số 03 của Ban Chỉ huy Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Công an tỉnh Hà Nam, Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động rà soát số lượng nhà không an toàn, đồng thời huy động lực lượng vận động, hỗ trợ nhân dân di rời đến nơi tránh, trú bão an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文