Gắn trách nhiệm của chính quyền, nhà trường, gia đình trong đảm bảo ATGT cho học sinh
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, ngày 24/9/2024, Cục CSGT đã ban hành Kế hoạch số 4897 về cao điểm bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh. Thực hiện cao điểm kế hoạch này, lực lượng CSGT cả nước đã tăng cường tuyên truyền, xử lý vi phạm, từ đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đặc biệt là phụ huynh và học sinh về việc đảm bảo ATGT, giảm thiểu tai nạn.
Tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) và tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến lứa tuổi học sinh ngày càng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Nhiều em học sinh điều khiển xe gắn máy, xe mô tô đến trường nhưng chưa hiểu các quy định của pháp luật về TTATGT, ý thức tham gia giao thông chưa cao, kỹ năng điều khiển phương tiện không có vì vậy tiềm ẩn nguy cơ rất lớn gây TNGT.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, ngày 24/9/2024, Cục CSGT đã ban hành Kế hoạch số 4897 về cao điểm bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh. Thực hiện cao điểm kế hoạch này, lực lượng CSGT cả nước đã tăng cường tuyên truyền, xử lý vi phạm, từ đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đặc biệt là phụ huynh và học sinh về việc đảm bảo ATGT, giảm thiểu tai nạn.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn về nội dung này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT.
Phóng viên: Bộ Công an đang triển khai kế hoạch cao điểm TTKS xử lý học sinh vi phạm TTATGT, đề nghị đồng chí cho biết mục tiêu của kế hoạch này?
Đại tá Phạm Quang Huy: Trước thực trạng tình hình TNGT đối với lứa tuổi học sinh ngày càng gia tăng, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, ngày 24/9, Cục CSGT đã ký, ban hành Kế hoạch số 4897 về cao điểm bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh; thực hiện từ 1/10 đến 31/10/2024.
Mục tiêu của kế hoạch này là huy động tối đa lực lượng, nòng cốt là lực lượng CSGT, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp từ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đến tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của các em học sinh, phụ huynh và chủ phương tiện.
Từ đó nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất TNGT liên quan đến lứa tuổi học sinh, nhất là TNGT rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023; đánh giá đúng thực trạng về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, việc sử dụng phương tiện giao thông, nhóm các hành vi vi phạm phổ biến của lứa tuổi học sinh; việc giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện…
Trên cơ sở đó, Cục CSGT tiếp tục chỉ đạo lực lượng CSGT có các giải pháp phù hợp trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm đạt hiệu quả trong thời gian tới.
Phóng viên: Đồng chí cho biết, việc phối hợp giữa Cục CSGT với các nhà trường trong tuyên truyền pháp luật về TTATGT đang được thực hiện như thế nào?
Đại tá Phạm Quang Huy: Cục CSGT đã tham mưu cho Bộ Công an báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 về tăng cường bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh. Bộ Công an với Bộ Giáo dục và đào tạo đã ký Chương trình phối hợp số 11/CTrPH-BCA-BGDĐT ngày 19/10/2022 tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022 - 2025.
Thực hiện Chỉ thị số 31 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình phối hợp số 11 giữa Bộ Công an với Bộ Giáo dục và đào tạo, Cục CSGT đã chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc phối hợp với các cơ sở giáo dục, đào tạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về TTATGT cho lứa tuổi học sinh, hướng dẫn các kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông an toàn; tổ chức ký cam kết cho các em học sinh, phụ huynh, cá nhân, tổ chức có phương tiện đưa, đón học sinh ký cam kết không vi phạm các quy định về TTATGT; không chở học sinh khi phương tiện không đủ điều kiện; không giao xe cho học sinh khi không đủ điều kiện điều khiển phương tiện; nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được triển khai và nhân rộng, như mô hình "Cổng trường an toàn giao thông", "Đội thanh niên tình nguyện", "Đội cờ đỏ" tại khu vực cổng trường trong các giờ cao điểm. Do vậy, đã góp phần phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về TTATGT.
Trước đó, từ Nghị quyết 12/NQ-CP ngày 19/2/2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông đã xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT và Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và đào tạo đưa nội dung giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT và văn hóa giao thông vào trong chương trình chính khóa dưới hình thức tích hợp vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông trung học.
Đến nay, nội dung này đã được luật hoá trong Luật TTATGT đường bộ. Các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm xây dựng, tích hợp, lồng ghép kiến thức pháp luật về TTATGT vào chương trình giảng dạy và giao Bộ Công an chủ trì chỉ đạo lực lượng CSGT phối hợp với các cơ sở giáo dục tổ chức hướng dẫn lái xe máy an toàn cho học sinh nhằm nâng cao kiến thức và kĩ năng tham gia giao thông an toàn cho các em học sinh, hình thành nên ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT ngay từ khi còn nhỏ, còn ngồi trên ghế nhà trường.
Phóng viên: Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, tỷ lệ vi phạm về TTATGT của thanh thiếu niên tăng một phần là do thiếu diễn đàn giáo dục, giảng dạy các quy định ATGT cho học sinh. Đồng chí đánh giá về ý kiến này như thế nào?
Đại tá Phạm Quang Huy: Như tôi đã nói ở trên công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT cho học sinh cơ bản đã được các cơ sở giáo dục quan tâm thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT và giảm TNGT cho lứa tuổi học sinh. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên vi phạm về TTATGT, nhất là trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Nguyên nhân là do: Nhiều thanh thiếu niên chưa thực sự quan tâm, chú trọng đến việc học tập nâng cao nhận thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn; một bộ phận phụ huynh, gia đình còn xem nhẹ việc chấp hành pháp luật về TTATGT, thậm chí vi phạm các quy định về TTATGT; việc xử lý các thông tin tiêu cực trên không gian mạng còn nhiều bất cập… ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và ý thức của lứa tuổi học sinh. Việc tổ chức các diễn đàn về TTATGT còn ít về số lượng, hình thức, nội dung tuyên truyền chưa đảm bảo tính chuyên sâu, chưa phù hợp với lứa tuổi học sinh, vì vậy không thu hút được các em học sinh hào hứng tham gia, thậm chí lồng ghép với các nội dung khác.
Hiện nay, một số trường học, cơ sở giáo dục đào tạo tổ chức cho học sinh ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về TTATGT còn hình thức, chưa tổ chức giám sát thường xuyên, chưa có sự phối hợp chặt chẽ với gia đình và các tổ chức chính trị - xã hội để giáo dục đối với các em học sinh vi phạm, cá biệt có cơ sở giáo dục còn "bệnh thành tích" nên chưa có hình thức xử lý phù hợp đối với các em học sinh vi phạm.
Phóng viên: Đồng chí có bổ sung thêm đề xuất gì về các giải pháp để giảm thiểu tình trạng vi phạm giao thông, TNGT của thanh thiếu niên?
Đại tá Phạm Quang Huy: Thông qua Kế hoạch cao điểm xử lý học sinh vi phạm TTATGT chúng tôi sẽ đánh giá và có giải pháp cụ thể, như:
- Thứ nhất, gắn trách nhiệm đối với cấp uỷ, chính quyền địa phương, nhà trường, gia đình,… trong việc quản lý các cháu học sinh điều khiển phương tiện vi phạm TTATGT.
- Thứ hai, đề nghị UBND các tỉnh có kế hoạch huy động lực lượng, lựa chọn những đồng chí trong các cơ quan Công an, giáo dục, giao thông vận tải, đoàn thanh niên,… để đào tạo, bồi dưỡng thành các tuyên truyền viên, báo cáo viên trực tiếp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông, tập trung hướng dẫn kĩ năng lái xe cho các cháu tại các trường, cơ sở giáo dục,…
- Thứ ba, tăng cường công tác TTKS nhằm phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm của các cháu học sinh, phụ huynh học sinh để xử lý nghiêm. Đồng thời xác minh các trường hợp học sinh vi phạm để gửi thông báo đến nhà trường có hình thức xử lý phù hợp; trường hợp phụ huynh có con em vi phạm là đảng viên, công chức... cơ quan chức năng gửi thông báo đến cơ quan, đơn vị công tác để xem xét, kiểm điểm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 23.
- Thứ tư, theo dự thảo Nghị định xử lý vi phạm hành chính hướng dẫn Luật TTATGT đường bộ, Chính phủ đã dự kiến tăng chế tài xử lý đối với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện để điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Cụ thể, nếu giao xe mô tô cho người không đủ điều kiện mức phạt cũ từ 600 đến 800 nghìn đồng, dự kiến mức phạt mới sẽ tăng lên từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Giao xe ôtô cho người không đủ điều kiện, mức phạt cũ từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng, dự kiến mức phạt mới từ 28 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Ngoài ra, lực lượng chức năng sẽ kiên quyết xử lý hình sự đối với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện để điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây ra TNGT, gây hậu quả theo quy định.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Qua 15 ngày cao điểm bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trên địa bàn cả nước, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 49.091 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 28 tỷ đồng; tạm giữ 24.298 mô tô. Trong đó, số trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy là hơn 23.000 trường hợp.
Quá trình xử lý vi phạm trong đợt cao điểm ghi nhận có tới 95 trường hợp vi phạm liên quan đến nồng độ cồn. Vi phạm quá tốc độ bị lập biên bản xử phạt 950 trường hợp, vi phạm chở quá số người quy định là 272 trường hợp. Đối với hành vi vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông có tới 304 trường hợp; không chấp hành hiệu lệnh và hướng dẫn của người điều khiển giao thông 222 trường hợp.
Một trong những vi phạm bị phát hiện nhiều ở lứa tuổi học sinh là hành vi vi phạm không đội mũ bảo hiểm khi có tới 15.457 trường hợp. Ngoài ra còn có nhiều lỗi vi phạm khác như đi ngược chiều… Lực lượng CSGT cũng tiến hành xử lý 9.904 trường hợp giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển. Hiện lực lượng chức năng đã gửi thông báo vi phạm 19.362 trường hợp tới các nhà trường, cơ sở giáo dục đồng thời tiếp tục xác minh các trường hợp vi phạm để gửi thông báo do có không ít người vi phạm dù đang ở độ tuổi học sinh nhưng không còn đi học hoặc cố tình khai sai lệch thông tin.