Giải pháp nào phát triển xe điện tại Việt Nam?
Ngày 10/11, Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện” được Báo Giao thông tổ chức tại Hà Nội. Với sự tham gia của hàng trăm đại biểu, hội thảo đã thảo luận, đưa ra những định hướng, giải pháp thúc đẩy việc chuyển đổi năng lượng xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT) tại Việt Nam.
Đề xuất 4 nhóm chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ôtô điện
Theo Quyết định 876 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về "Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải", đến năm 2040 sẽ dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ôtô, mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch; đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Trước lộ trình này, ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải cho biết, tại Việt Nam, hiện có 5 triệu xe ôtô với tốc độ tăng trưởng trung bình 13,3%/năm, trong đó, số lượng ôtô điện tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Đến nay có 20.065 xe ôtô điện sản xuất lắp ráp và nhập khẩu được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận. Về mô tô, xe gắn máy, hiện cả nước có 72 triệu xe máy đã đăng ký với tốc độ tăng trưởng 9,3%/năm. Riêng xe máy điện có khoảng 2 triệu xe đã đăng ký (chiếm 2,7% tổng số mô tô, xe gắn máy đã được đăng ký) với nhiều thương hiệu xe máy điện đến từ nhiều quốc gia.
Hệ thống trạm sạc điện có độ bao phủ cao nhất hiện nay tại Việt Nam là hệ thống của VinFast đặt tại các bãi đỗ xe, bến xe, trung tâm thương mại, trạm xăng dầu,... với hơn 150.000 cổng sạc cho xe máy điện và ôtô điện. Bên cạnh đó, loại hình taxi điện cũng đã xuất hiện tại thị trường Việt Nam sau thời điểm các dòng xe ôtô điện trong nước của VinFast được ra mắt. Đến tháng 7/2023, có khoảng 2.700 taxi điện đang hoạt động trên toàn quốc. Đây là cú hích thúc đẩy các doanh nghiệp taxi trên cả nước tích cực tham gia triển khai lộ trình chuyển đổi sang phương tiện điện.
Theo ông Chung, hiện nay, Việt Nam đã có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ôtô điện, một số chính sách hỗ trợ tương đương hoặc thậm chí cao hơn một số nước trong khu vực. Các chính sách để khuyến khích sử dụng ôtô điện của Việt Nam đang tập trung vào dòng xe điện chạy pin thông qua các ưu đãi về thuế dành cho cả doanh nghiệp sản xuất xe điện cũng như trong việc hỗ trợ cho người sử dụng xe điện được sử dụng xe điện với chi phí thấp hơn (thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ).
Ông Chung đề xuất 4 nhóm chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ôtô điện, bao gồm: Ưu đãi khuyến khích sản xuất lắp ráp, nhập khẩu; khuyến khích, hỗ trợ người sử dụng; phát triển hạ tầng trạm sạc điện; khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng sử dụng điện.
Ông Đỗ Phan Anh, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho hay, trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 876/QĐ-TTg, Sở GTVT Hà Nội đã gặp phải một số khó khăn, thách thức như: Chi phí đầu tư phương tiện năng lượng điện, năng lượng xanh (CNG/LNG) lớn, cao gấp 2-4 lần so với xe buýt diesel; áp lực về các khoản chi phí đầu tư hạ tầng cho doanh nghiệp (trạm biến áp, hệ thống cung cấp điện …); tạo nên áp lực lớn về chi phí đầu tư, chi phí lãi vay cho các doanh nghiệp vận tải và cũng tác động ảnh hưởng không nhỏ đến khoản chi phí trợ giá cho xe buýt hiện nay.
Trong khi đó, về phía cơ quan nhà nước, để có thể chuyển đổi sang phương tiện xanh cần thiết phải có đơn giá, định mức cho cả xe buýt điện trung bình và nhỏ, cũng như có hướng dẫn, quy định cụ thể. Đại diện Sở GTVT Hà Nội cũng đề xuất, cần rà soát và hoàn thiện hệ thống định mức, đơn giá cho các loại hình xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh để tổ chức đấu thầu, đặt hàng cung cấp dịch vụ; tiếp tục xem xét áp dụng đơn giá, định mức tạm thời để thực hiện đặt hàng trong thời gian chờ ban hành định mức, đơn giá chính thức…
Cần có lộ trình và chọn dòng xe điện thích hợp với Việt Nam
Trước câu hỏi về chiến lược phát triển xe điện đến 2030, tầm nhìn 2045, ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công thương cho rằng, không chỉ liên quan vấn đề môi trường ở COP26 mà còn nhiều hiệp định thương mại Việt Nam làm thành viên, đều có nội dung liên quan đến xe điện, đi kèm theo là công nghiệp chế tạo pin, công nghiệp phụ trợ và hạ tầng lưới điện. Ông Hội cũng nhận xét rằng, khi phát triển xe điện, các ngành hỗ trợ và đặc biệt là công nghiệp sản xuất pin cần nâng tỷ lệ nội địa hóa.
Còn ông Phan Lê Hoàng Linh, Trưởng phòng Chế tạo, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương chia sẻ thêm, phát triển xe điện hóa và xe thân thiện môi trường là một trong những nội dung được quan tâm nhất khi xây dựng chiến lược phát triển ngành ôtô giai đoạn 2030-2045. Ở vai trò quản lý nhà nước, Bộ Công Thương mong muốn làm nổi bật hai nội dung chính trong chiến lược. Đầu tiên là có lộ trình và chọn dòng xe điện hóa thích hợp với Việt Nam trong từng giai đoạn phát triển, dựa trên cam kết tại COP26, Quyết định 876/QĐ-TTg, thói quen sử dụng của người tiêu dùng và hạ tầng trạm sạc. Trên cơ sở đánh giá và đưa ra lộ trình phù hợp, cần xác định từng giai đoạn sẽ ưu tiên những chính sách nào, ví dụ như ưu đãi về thuế, ưu đãi đầu tư sản xuất xe điện hay hỗ trợ người dùng mua xe điện (miễn phí trước bạ, cầu đường...). Cần có tiêu chuẩn, quy chuẩn để phát triển hệ thống trạm sạc.
Tại buổi hội thảo, trả lời câu hỏi về việc Việt Nam nên ưu đãi cho người dân, người dùng xe điện như thế nào cho phù hợp? GS.TS Lê Anh Tuấn, Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định rằng, cách tiếp cận tốt hơn của Việt Nam là thông qua các dự án và chính sách ưu đãi thuế cho nhà sản xuất, giảm thuế cho người mua. Ví dụ, thuế tiêu thụ đặc biệt xe điện hiện giờ chỉ còn 3% cho đến 2027, trong khi xe truyền thống mức thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn từ 15 - 150%, lệ phí trước bạ cũng đang miễn cho xe điện, trong khi xe truyền thống mức lệ phí này vẫn khoảng 10% giá trị xe.
Thông tin thêm, ông Trần Hoài Anh, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ Xây dựng đang soạn thảo và đề xuất ban hành hai luật gồm: Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn và Luật Phát triển đô thị. Trong đó có các chính sách liên quan đến hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt là các phương tiện điện hóa và sử dụng năng lượng xanh. Cả hai luật này sẽ được trình lên Quốc hội trong năm 2024 và nếu thuận lợi, sẽ áp dụng từ đầu năm 2025. Các đơn vị liên quan cũng đang rà soát, điều chỉnh Quy chuẩn 01, trong đó lồng ghép các chỉ tiêu về việc tỉ lệ trạm sạc xe điện chiếm bao nhiêu % ở hầm gửi chung cư.