Giải quyết nguồn vật liệu, sớm đưa các dự án giao thông về đích
Giai đoạn 2021 - 2025, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đông Nam bộ triển khai thi công 16 dự án, dự án thành phần giao thông trọng điểm. Tổng nhu cầu vật liệu đắp nền các dự án khoảng 70 triệu m³ (đất đắp khoảng 7 triệu m³, cát đắp khoảng 63 triệu m³).
Đối với vật liệu cát, nguồn cung chủ yếu tập trung tại các tỉnh có sông Tiền và sông Hậu đi qua, đã xác định nguồn cung là 37/63 triệu m³, còn thiếu 26 triệu m³.
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau được khởi công vào đầu năm 2023, có tổng chiều dài hơn 110km. Tổng nhu cầu cát cho dự án là 18,5 triệu m³. Đến nay, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long đã xác định nguồn cung và cấp bản xác nhận khai thác là 16/18,5 triệu m³. Trong đó, 12,4 triệu m³ đủ điều kiện để khai thác nhưng công suất chưa đáp ứng tiến độ thi công.
Theo ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, tỉnh cung cấp 5 triệu m³ cát cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Hồi đầu năm 2024, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ký xác nhận cho 2 nhà thầu đối với 3 mỏ cát sông, tổng trữ lượng gần 2,5 triệu m³ và phân bổ 0,5 triệu m³ đối với mỏ cát đang khai thác. Phần trữ lượng còn lại khoảng hơn 2 triệu m³, UBND tỉnh Vĩnh Long đã có chủ trương cho lập thủ tục khai thác 2 mỏ mới và 3 mỏ gia hạn để cân đối đảm bảo trữ lượng đủ 5 triệu m³ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, công suất khai thác trung bình hiện nay đạt khoảng 20.000m³/ngày. Các mỏ hoàn thành thủ tục (khai thác 3 mỏ tại Vĩnh Long, 1 mỏ tại An Giang và nâng công suất 5 mỏ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp) để đưa tất cả vào khai thác thì mới đạt công suất bình quân 42.000m³/ngày. Trong khi đó, để đảm bảo hoàn thành công tác gia tải tuyến chính đến ngày 31/8/2024, dự án cần thêm 9,6 triệu m³ (trung bình 91.000m3/ngày). Với công suất hiện tại chỉ đáp ứng tối đa khoảng 4,3 triệu m³, còn thiếu khoảng 5,3 triệu m³. Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các tỉnh cần có giải pháp cấp thêm mỏ mới, tăng công suất các mỏ để bổ sung thêm công suất 49.000m³/ngày.
Là 1 trong 3 cao tốc trục ngang của ĐBSCL (cùng với Mỹ An - Cao Lãnh, Cao Lãnh - An Hữu), dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cần khoảng 29 triệu m³ cát. Các địa phương đã xác định nguồn cung là 18,5 triệu m³ và đã hoàn thành việc cấp bản xác nhận khai thác 11,8 triệu m³, đủ điều kiện khai thác 5,9 triệu m³ và còn thiếu khoảng 10,5/29 triệu m3. Hiện nay, công suất cung ứng trung bình cho dự án chỉ đạt 12.000m³/ngày, nếu khai thác toàn bộ các mỏ được cấp sẽ đạt 17.000m³/ngày. Tình hình khan hiếm cát cho các công trình giao thông lớn tại khu vực ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng đang gặp nhiều khó khăn. Dự án thành phần 2 qua TP Cần Thơ, nhu cầu nguồn cát san lấp khoảng 7 triệu m³. Đến giữa tháng 4, dự án mới có nguồn vật liệu cát san lấp khi tỉnh An Giang bàn giao mỏ cát trên sông Tiền, với tổng trữ lượng khoảng 3,28 triệu m³.
TP Cần Thơ đang tiếp tục tháo gỡ, liên hệ các tỉnh vùng ÐBSCL tìm thêm nguồn cát cho dự án. Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ cho biết: "Thành phố đã tổ chức đoàn đi Sóc Trăng và được lãnh đạo tỉnh hứa cung cấp 5 triệu m³. Tuy nhiên, con số này dựa trên khảo sát trước đó. UBND TP Cần Thơ đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng phối hợp Sở TN và MT tỉnh Sóc Trăng rà soát lại. Nếu trữ lượng còn đủ, Sóc Trăng cam kết giải quyết cung cấp cát cho dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng".
Còn dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, cần khoảng 3,2 triệu m³, đã xác định được nguồn 2,3 triệu m³. Công suất cung ứng hiện nay trung bình đạt 4.200m³/ngày, cần tăng thêm 4.800m³/ngày để đảm bảo tiến độ thi công. Riêng dự án Vành đai 3 (TP Hồ Chí Minh), tổng nhu cầu vật liệu đắp nền khoảng 9,3 triệu m³. Nguồn cung dự kiến đã xác định khoảng 6,3 triệu m³ từ 17 mỏ của tỉnh Tiền Giang, còn thiếu khoảng 3 triệu m³. UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre, cung cấp 4 triệu m³.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, qua khảo sát có 4 nguồn vật liệu có thể cung cấp cho các dự án, gồm: Nguồn từ các mỏ sông tại các tỉnh ĐBSCL; nguồn vật liệu từ hoạt động nạo vét; nguồn vật liệu cát biển và nguồn cát thương mại nhập khẩu từ Campuchia.
Nguồn từ các mỏ sông, Tiền Giang có khoảng 40 triệu m³ từ 35 mỏ, Bến Tre có tổng trữ lượng khoảng 15 triệu m³ từ 6 mỏ cát thuộc kế hoạch đấu giá năm 2024, An Giang có khoảng 2,5 triệu m³. Nguồn vật liệu từ hoạt động nạo vét các dự án do địa phương quản lý, An Giang dự kiến có khoảng 2 triệu m³, Bến Tre có trữ lượng khoảng 10 triệu m³. Riêng 12 dự án nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm do các đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải quản lý, dự kiến có khoảng 27 triệu m³. Về cát biển, tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng khoảng 145 triệu m³.
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thiện các thủ tục giao mỏ cát biển để sớm khai thác làm vật liệu cho dự án Cần Thơ - Cà Mau nói riêng và các dự án giao thông. Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bến Tre,… phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác liên ngành rà soát, thực hiện việc điều phối nguồn vật liệu, đảm bảo việc cung ứng đáp ứng kế hoạch triển khai các dự án, ưu tiên cung ứng các dự án có kế hoạch hoàn thành vào năm 2025. Các tỉnh xem xét cấp thêm mỏ cho các dự án theo cơ chế đặc thù để tăng công suất khai thác đủ cung ứng theo tiến độ thi công.
Ngày 12/5, sau khi khảo sát dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hoàn thành thủ tục để khai thác các mỏ, bao gồm cát biển, giải quyết xong trong tháng 5 các vấn đề về mỏ nguyên vật liệu cho dự án.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã khảo sát tình hình khai thác cát sông phục vụ san lấp các tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và chủ trì cuộc làm việc với các bộ, ngành để giải quyết vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm phía Nam. Phó Thủ tướng nêu rõ việc bảo đảm vật liệu san lấp là điều kiện quyết định đến tiến độ của các dự án giao thông trọng điểm quốc gia, kết nối liên vùng đang được triển khai trên cả nước. Các địa phương phải nhận thức rõ trách nhiệm chính trị trong bảo đảm cung cấp cát san lấp cho những tuyến đường huyết mạch trọng điểm vì sự phát triển của cả vùng.
Bộ Giao thông Vận tải lên kế hoạch cụ thể về nhu cầu vật liệu san lấp của từng dự án giao thông trọng điểm, kết nối liên vùng ở phía Nam theo tiến độ thi công, trữ lượng và công suất khai thác hiện nay của các mỏ cát và nghiên cứu phương án mở rộng thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp cho một số dự án giao thông trọng điểm, không để xảy ra tình trạng dự án phải "chờ cát".