Hà Nội: Sẽ có chương trình hỗ trợ để người dân đi xe điện, không đi xe máy
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, sẽ báo cáo thực hiện giải pháp trong tình huống khẩn cấp để sớm bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch. TP cũng sẽ xem xét hỗ trợ, giảm giá cho người dân đổi xe máy điện trong vùng phát thải thấp.
Chiều 11/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã trả lời chất vấn nhiều câu hỏi của các đại biểu HĐND TP về tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm các dòng sông… cùng các giải pháp xung quanh việc quản lý đô thị, xử lý ô nhiễm môi trường tại Thủ đô.
Nói về vấn đề ô nhiễm môi trường đối với các dòng sông ở nội đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, hiện nước thải sinh hoạt đã chảy vào hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, không còn chảy thẳng xuống sông Tô Lịch. Tuy nhiên, vào mùa khô, sông Tô Lịch sẽ cạn đáy nên TP sẽ báo cáo, xin Thủ tướng Chính phủ thực hiện giải pháp trong tình huống khẩn cấp để sớm bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch.
"Con sông này có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, thậm chí còn có chút tâm linh nên chúng ta phải trách nhiệm. Tôi vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin làm giải pháp khẩn cấp, trong tình huống khẩn cấp mới nhanh được, còn lập dự án đầu tư sẽ lâu lắm. Khẩn cấp phấn đấu 2/9 sang năm sẽ bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch. Về giải pháp, anh em các sở ngành cùng các chuyên gia, cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi khảo sát tuyến, hướng, giờ chỉ còn triển khai thôi", Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.
Theo đồng chí Trần Sỹ Thanh, khi làm được việc trên, sẽ tạo đà cho các dòng sông còn lại trong nội đô đang ô nhiễm được hồi sinh. Thời gian tới, TP sẽ phát động phong trào Hà Nội sạch, thí điểm thực hiện ở các quận nội đô.
Lãnh đạo Hà Nội cho biết, TP đã nghiên cứu vùng phát thải thấp và nghiên cứu phương án giảm thiểu xe máy chạy xăng chạy vào vùng này. "Người dân sống ở đây cần có chương trình hỗ trợ, giảm giá đổi xe để người dân cơ bản sử dụng xe điện. Có chương trình làm việc với các công ty sản xuất xe. Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm, thế mới "sạch" được", Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.
“Hà Nội cũng sẽ thí điểm thu gom rác, không có chuyện đến thập kỷ thứ 3, thứ 4 của thế kỷ 21 rồi vẫn đi mấy cái xe đẩy gom rác. Dứt khoát phải hiện đại, phải sạch, đặc biệt đối với bốn quận nội đô lịch sử. Chúng tôi đã có kế hoạch, đã có phương án và triển khai, chắc chắn từ 1/1/2025 tới đây. Chúng ta không có cơ chế xử lý, vận chuyển rác cho tốt là vỡ trận. Thủ đô là bộ mặt của cả nước, tầm quốc tế, tầm toàn cầu, cho nên chúng ta cứ "sạch" trước đã”, đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Về các máy quan trắc chất lượng không khí, Chủ tịch UBDN TP cho rằng phải được kiểm định chất lượng như máy đo nồng độ cồn. Máy đo chất lượng không khí phải chuẩn, bởi nếu một chiếc máy chất lượng kiểm định chưa tốt, cho thông số sai, thì "nhiều khi lấy thông số của mình ra mắng mình".
"Nhiều hôm tôi thấy trời trong veo mà chỉ số chất lượng không khí lại báo xấu, tôi cũng không hiểu. Có những hôm trời cũng mù thật, nhưng mù đến mức như Bắc Kinh, Ấn Độ ngày xưa thì chưa đến mức độ như thế. Mà chỉ số không khí lại báo là xấu quá thì tôi cũng không hiểu", Chủ tịch UBND TP Hà Nội băn khoăn.
Chủ tịch UBDN TP Hà Nội nhận lỗi về tiến độ cải tạo chung cư cũ
Về tiến độ cải tạo chung cư cũ, đồng chí Trần Sỹ Thanh cho biết, đây là vấn đề nhức nhối nhất của TP. Thay mặt UBND TP, đồng chí Trần Sỹ Thanh nhận lỗi với HĐND TP. "Chúng ta có kế hoạch, ban chỉ đạo, chương trình, đang làm nhanh nhưng mất gần 2 năm không biết lấy nguồn vốn nào để làm công tác quy hoạch. Đến nay có tiền rồi nhưng hiện vẫn chưa có quận, huyện nào hoàn thành xong công tác quy hoạch chi tiết cải tạo chung cư cũ", Chủ tịch UBND TP nói. Không có quy hoạch không thể xây được, ở quận Ba Đình có chung cư đã vận động xong, người dân đồng thuận nhưng không xây được vì không có quy hoạch.