Hàng không Việt Nam tìm nhiều cách để tăng tốc trong năm 2025

08:49 01/03/2025

Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không tăng cao, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 trên 8%, từ những ngày cuối tháng 2, Cục Hàng không Việt Nam đã có nhiều chương trình thúc đẩy.  Cùng đó, các hãng hàng không phối hợp với các địa phương có cảng hàng không và đơn vị du lịch, lữ hành trong việc phát động thị trường và xây dựng sản phẩm hàng không-du lịch.

Liên tiếp mở đường bay kết nối quốc tế

Tin từ Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 2, thị trường hành khách có sự tăng trưởng ở cả hành khách nội địa và quốc tế. Theo đó, tổng thị trường hành khách đạt 7,3 triệu khách, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, khách quốc tế tăng 22%, đạt 4,2 triệu khách và khách nội địa tăng 1,6%, đạt 3,1 triệu khách. Trong số này, hành khách chuyên chở của các hãng hàng không Việt Nam đạt 4,8 triệu khách, tăng 6,2% so với tháng 2/2024. Riêng hành khách quốc tế được vận chuyển bởi các hãng hàng không Việt Nam tăng 15,4%, đạt 1,7 triệu khách.

Năm 2025, ngành Hàng không Việt được dự báo tiếp tục có sự tăng trưởng tích cực.

Ngoài việc thị trường khách tăng trưởng, thông tin từ Hãng hàng không Quốc gia cho biết, từ ngày 30/3 tới đây, hãng sẽ chính thức khai thác đường bay thẳng từ TP Hồ Chí Minh tới Bắc Kinh (Trung Quốc) thông qua sân bay lớn nhất thế giới với tên gọi Bắc Kinh Đại Hưng. Đường bay mới TP Hồ Chí Minh - Đại Hưng (Bắc Kinh) sẽ được khai thác với tần suất 5 chuyến/tuần vào các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Năm, thứ Sáu và Chủ nhật bằng máy bay Airbus A321.

Với việc mở thêm đường bay mới, Vietnam Airlines sẽ khai thác tổng cộng 6 đường bay kết nối Việt Nam và Trung Quốc, bao gồm Hà Nội - Bắc Kinh, TP - Đại Hưng (Bắc Kinh), Hà Nội - Thượng Hải, TP Hồ Chí Minh - Thượng Hải, Hà Nội - Quảng Châu, TP Hồ Chí Minh - Quảng Châu.

Tổng số chuyến bay giữa hai quốc gia cũng đạt 40 chuyến mỗi tuần, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách hai nước. Bên cạnh đường bay mới, Hãng hàng không Quốc gia cũng tăng tần suất trên đường bay Hà Nội - Bắc Kinh lên 7 chuyến/tuần. Các hoạt động này sẽ giúp khách hàng có thêm nhiều lựa chọn thuận tiện hơn khi đi từ khu vực phía Nam Việt Nam đến thủ đô của Trung Quốc mà không cần nối chuyến, qua đó tối ưu hóa thời gian di chuyển và nâng cao trải nghiệm bay.

Việc mở mới và tăng tần suất các chuyến bay tới Bắc Kinh không chỉ mở ra cơ hội du lịch và giao thương, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời khẳng định vị thế của Hãng hàng không Quốc gia trong việc kết nối Việt Nam với thị trường trọng điểm Trung Quốc và trong khu vực châu Á.

Nối tiếp việc mở rộng các đường bay quốc tế, Vietnam Airlines cũng cho hay, từ ngày 3/7/2025, Vietnam Airlines sẽ khai thác lại đường bay giữa Đà Nẵng và Osaka với tần suất 4 chuyến/tuần nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch của hành khách giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Kể từ năm 1994 đến nay, sau 30 năm khai thác, Vietnam Airlines đã thực hiện hơn 100.000 chuyến bay giữa hai nước, vận chuyển gần 16 triệu lượt khách. Thị trường Đông Bắc Á, đặc biệt Nhật Bản hiện vẫn là một trong những thị trường quốc tế quan trọng nhất với hàng không Việt Nam khi tăng trưởng bình quân 20% một năm.

Đẩy mạnh khai thác quốc tế đến sân bay địa phương  có các điểm du lịch

Không chỉ chú trọng tới các đường bay quốc tế, một trong những điểm nhấn mà Cục Hàng không Việt Nam muốn tập trung để tăng tốc đó là thị trường trong nước.  Để chuẩn bị cho năm 2025 được dự báo tiếp tục có sự tăng trưởng tích cực của ngành Hàng không, trên tinh thần chủ động, trách nhiệm, Cục Hàng không Việt Nam vừa đưa ra các giải pháp để phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải hàng không nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, trong bối cảnh là năm diễn ra nhiều sự kiện lớn của đất nước.

Theo đó, Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam tiếp tục mở rộng và phát triển hoạt động khai thác vận tải hàng không quốc tế; đặc biệt đẩy mạnh hoạt động khai thác quốc tế đến các cảng hàng không ở địa phương có các điểm du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Huế, Phú Quốc, Vân Đồn, Cát Bi, Đà Lạt.

Các hãng được yêu cầu thúc đẩy khai thác vận tải hàng không nội địa, bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của hành khách, đặc biệt trong các giai đoạn cao điểm nghỉ lễ 30/4-1/5, cao điểm Hè 2025 và lễ Quốc khánh 2/9; tăng cường lực lượng vận tải, bổ sung và nâng cao hiệu quả khai thác đội máy bay; tiếp tục tối ưu hóa công tác xây dựng lịch bay, điều hành, quản lý chuyến bay linh hoạt, phù hợp với thực tiễn cơ sở hạ tầng, năng lực phục vụ của từng cảng hàng không, sân bay.

Cục Hàng không yêu cầu hãng bay Việt nâng cao chất lượng dịch vụ, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ, tỷ lệ sử dụng và sử dụng đúng giờ hạ, cất cánh tại các cảng hàng không; xây dựng, sắp xếp kế hoạch bay bảo đảm thời gian quay đầu máy bay, giãn cách hợp lý; tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác bảo dưỡng, sửa chữa kỹ thuật máy bay; hạn chế tối đa tình trạng chuyến bay chậm, hủy. 

Các hãng hàng không thực hiện đúng các quy định pháp luật về giá vận chuyển hàng không nội địa, theo dõi tình hình bán vé, đặt chỗ để có giải pháp bổ sung tải cung ứng trên các đường bay có nhu cầu cao; tăng cường kiểm soát công tác bán vé của đại lý bán vé đảm bảo giá bán theo đúng quy định; xử lý nghiêm việc các đại lý bán vé không đúng quy định…

Quy hoạch lại sân bay Phú Quốc, công suất tới 10 triệu khách/năm

Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch được trình, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự. Thời kỳ 2021-2030, sân bay Phú Quốc có cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO) và sân bay quân sự cấp II. Công suất 10 triệu hành khách/năm và 25.000 tấn hàng hóa/năm.

ACV đầu tư gần 1.000 tỷ đồng nâng cấp Cảng Hàng không quốc tế Vinh

Thông tin từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), hiện đơn vị đang chuẩn bị đầu tư 3 dự án để cải tạo, nâng cấp Cảng HKQT Vinh, bao gồm: Dự án mở rộng, cải tạo sân đỗ máy bay đảm bảo khai thác 9 vị trí đỗ các loại máy bay code C, dự kiến khởi công trước ngày 30/4, hoàn thành trong tháng 12/2025 với tổng mức đầu tư 236,63 tỷ đồng.

Dự án cải tạo Nhà ga hành khách T1 hiện hữu, dự kiến khởi công trước ngày 30/4, hoàn thành trong tháng 12/2025 với tổng mức đầu tư 68,36 tỷ đồng. Dự án cải tạo đường cất, hạ cánh hiện hữu có chiều dài 2.400m, rộng 45m và hệ thống 2 đường lăn, dải hãm phanh, dải bảo hiểm… có tổng mức đầu tư hơn 623 tỷ đồng.

Với dự án này, dự kiến sẽ đóng sân bay Vinh để khởi công trước ngày 30/6 và khai thác trở lại trước ngày 31/12. Sau khi hoàn thành, Cảng HKQT Vinh sẽ đáp ứng lượng hành khách thông qua từ 3-3,5 triệu hành khách/năm đến giai đoạn năm 2030. Ba dự án đang được ACV chuẩn bị đầu tư để cải tạo, nâng cấp Cảng HKQT Vinh có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.

Đặng Nhật

Chiều 15/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (diễn ra từ ngày 14 đến ngày 15/4/2025). Chuyến thăm Việt Nam lần này của đồng chí Tập Cận Bình có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ giữa hai nước láng giềng, đặc biệt khi năm 2025 là năm đánh dấu 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (18/1/1950 - 18/1/2025).

Điều này nhằm quy định rõ trách nhiệm của Cơ quan Trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và khắc phục "khoảng trống" của Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) năm 2007 khi không quy định về cơ quan có trách nhiệm lập yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dẫn đến việc Việt Nam không thể chủ động trong vấn đề này.

Sau nhiều năm dồn phần lớn lượng rác thải sinh hoạt về Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (bãi rác Đa Phước) để chôn lấp, tháng 3 vừa qua TP Hồ Chí Minh đã cho khởi công nhà máy rác điện với công suất 2.000 tấn/ngày. Đây mới chỉ là nhà máy rác điện thứ 2 trong khi từ lâu lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày tại thành phố đã ở mức 8.000 - 9.000 tấn...

Sau hai ngày TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 8 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ Tổng Công ty Chè Việt Nam (Vinatea) trong vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Vinatea, gây thiệt hại của Nhà nước số tiền hơn 38 tỷ đồng, chiều 15/4, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã nêu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án đối với các bị cáo.  

Ngày 15/4, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Thị Minh Huệ (SN 1980, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hành vi của Huệ thể hiện qua việc chị ta khoe quen biết ngân hàng thu gom USD giá rẻ, sau đó lừa những người nhiều tiền để chiếm đoạt hơn 140 tỷ đồng.

Ngày 15/4, thông tin từ Công an phường Nam Sơn (quận An Dương, TP Hải Phòng) cho biết, đơn vị vừa phát đi thông báo đề nghị cung cấp thông tin, hình ảnh liên quan đến vụ việc cháu bé sơ sinh bị bỏ rơi tử vong trước công chùa trên địa bàn, để phục vụ công tác điều tra.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文