Khi tài xế ảo giác
Gần đây, lực lượng CSGT cả nước liên tục phát hiện tình trạng tài xế sử dụng ma túy khiến dư luận bức xúc và lo lắng. Thực tế đã có nhiều sự việc đau lòng, những vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều người thương vong liên quan đến người điều khiển phương tiện giao thôngsử dụng ma túy bị ảo giác…
Báo động tình trạng lái xe sử dụng chất kích thích
Thống kê từ Cục CSGT cho thấy, trong quý đầu năm 2022, số vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tăng so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 3 vụ, 12 người chết và 9 người bị thương). Đáng chú ý, TNGT trên các tuyến cao tốc đã xảy ra 49 vụ, làm 7 người chết, 19 người bị thương, so với cùng kỳ năm 2021, tăng 3 người chết, giảm 9 người bị thương.
Trong số các vụ TNGT xảy ra trong 4 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 80 vụ TNGT liên quan đến rượu, bia, làm chết 55 người, bị thương 54 người. Cùng đó có 2 vụ (Bình Dương và Lâm Đồng) liên quan đến người sử dụng ma tuý, khiến 1 người chết.
Cũng trong thời gian này, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã xử lý tới gần 60.000 trường hợp liên quan đến việc lái xe sử dụng chất có cồn khi tham gia điều khiển phương tiện; 494 trường hợp lái xe liên quan đến ma tuý; 509 trường hợp lạng lách đánh võng; 27.743 trường hợp đi không đúng phần đường; 12.516 trường hợp chở hàng quá tải; 23.495 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh…
Đáng chú ý, việc xử lý đối với các chuyên đề lái xe sử dụng chất kích thích còn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như trang thiết bị phục vụ kiểm tra ma túy còn thiếu; việc phát hiện, xử lý một trường hợp vi phạm dương tính với chất ma túy phải mất nhiều thời gian, nhiều bước thực hiện mới có kết quả làm cơ sở để xử phạt; lái xe chống đối, không hợp tác…
Bên cạnh những khó khăn trên, còn tồn tại nhiều vấn đề cần phải khắc phục, như việc xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn, dương tính với chất ma túy hiện nay chủ yếu do lực lượng CSGT phát hiện, xử lý thông qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm.
Trong khi đó, muốn giải quyết tốt vấn đề này phải có sự vào cuộc của các ngành, các địa phương nhằm tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa việc xử lý vi phạm đối với hành vi này; kiểm soát chặt chẽ việc bán rượu, bia và cần thiết nên coi việc lái xe sử dụng ma túy là tội phạm kể cả khi chưa gây hậu quả và có biện pháp phòng ngừa mạnh mẽ.
Việc phối hợp giữa các đơn vị Công an với các chính quyền địa phương, các đơn vị chức năng trong công tác truy nguyên nguồn gốc ma túy mà lái xe có được để sử dụng, việc quản lý lái xe sử dụng ma túy ở địa phương… chưa được chú trọng nên chưa thể xử lý tận gốc vấn đề này.
CSGT mới xử lý được phần ngọn của vấn đề
Trước câu hỏi, tình trạng lái xe sử dụng chất kích thích có diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng, phải chăng chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe? Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT) khẳng định, việc lực lượng CSGT xử lý người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng chất kích thích mới chỉ là phần ngọn của vấn đề.
Đại tá Nhật cho biết: “Tôi cũng không đồng tình với những ý kiến cho rằng, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Theo tôi, mức phạt như hiện nay ở Nghị định 100 cũng khá là cao. Cụ thể, trong quy định xử phạt nồng độ cồn, mức cao nhất là 30-40 triệu đồng. Và trong cơ thể có chất ma túy mà điều khiển ôtô, mức phạt cũng lên đến 30-40 triệu đồng, tước GPLX lên đến 24 tháng. Tuy nhiên, ở đây phải đánh giá cả một quá trình, như việc quản lý người lái xe, nhất là người kinh doanh vận tải. Bởi, trong quá trình kiểm tra vi phạm, nhất là vi phạm về người điều khiển và sử dụng chất ma túy, lực lượng CSGT nhận thấy một lượng lớn thuộc về người lái xe kinh doanh vận tải, xe tải, xe container. Cá biệt, có một số trường hợp người lái xe khách cũng có chất ma túy trong cơ thể. Điều này, rất nguy hiểm, và cũng đặt ra cho chúng ta vấn đề là quản lý người lái xe như thế nào. Chúng ta cũng phải nhìn nhận từ nhiều vấn đề. Từ doanh nghiệp quản lý vận tải, đã đến lúc họ cần phải nghĩ rằng, không phải chỉ đơn thuần là tiếp nhận người lái xe theo nhu cầu của mình, kiểm tra người lái xe xem có bằng lái xe phù hợp hạng xe mình thuê để điều khiển hay không? Mà chúng ta cũng cần phải quan tâm đến những vấn đề khác như sức khỏe, quá trình lái xe an toàn”.
Ngoài ra, việc kiểm tra sức khỏe đầu vào, cũng cần phải kiểm tra đột xuất, qua đó, mới phát hiện được lái xe đó có dương tính ma túy hay không. Nếu người lái xe vi phạm, cơ quan quản lý người lái xe cần thay đổi trong quản lý, giám sát lái xe và vi phạm của họ. Ví dụ, khi lái xe vi phạm nồng độ cồn, hay vi phạm ma túy, ngoài việc bị xử phạt hành chính, tước GPLX và kết thúc công việc thì cũng cần có đánh dấu, hoặc có biện pháp quản lý nhà nước nào để ngăn chặn và phòng ngừa người lái xe. Ví dụ, chúng ta phải có lịch sử lái xe an toàn và chính đó là điều kiện để người lái xe có thể xin việc.
Qua đó, có thể chứng minh cho nhà tuyển dụng biết mình là người lái xe an toàn, ổn định, giúp cho công ty tuyển dụng mình hoạt động tốt lên. Và ngay chính việc cấp đổi như thế, cũng hợp lý hơn. Vấn đề này cũng có đề xuất, áp dụng chấm điểm của người lái xe. Đây cũng là biện pháp quản lý để tăng tính răn đe, chứ không phải chúng ta chỉ sử dụng biện pháp nâng cao mức phạt, hay tước giấy phép.
Cũng theo Đại tá Nhật, từ tháng 3, Bộ Công an đã có kế hoạch xử lý xuyên suốt năm 2022 về nồng độ cồn và ma túy. Về vấn đề này, lực lượng CSGT tập trung vào các tuyến có nguy cơ. Cùng với kế hoạch đó, kết hợp việc thích ứng an toàn, linh hoạt trong việc kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, lực lượng CSGT sẽ có việc nắm bắt rất chặt chẽ những tuyến đường, địa bàn trọng điểm phức tạp, hay những nhà hàng, vũ trường, quán bar để tổ chức lực lượng, phương tiện kiểm soát được người vi phạm hiệu quả.
Về mặt thời gian, lực lượng CSGT cũng lựa chọn thời gian thích hợp, vào cuối giờ trưa, buổi tối. Đối với trường hợp kiểm soát lái xe dương tính ma túy, CSGT cũngxác minh để phát hiện những tình tiết, tang vật, đồ vật, dụng cụ sử dụng chất ma túy, ghi nhận lời khai… tổng hợp thành danh sách để thông báo cho UBND cấp xã, cơ quan, đơn vị nơi người đó làm việc, cư trú để có biện pháp quản lý theo quy định của Luật Phòng chống ma túy. Từ đó, lực lượng CSGT sẽ tìm ra những sơ hở để kiến nghị với Sở Giao thông - Vận tải có biện pháp trong quản lý, đào tạo và sát hạch, cấp đổi GPLX.