Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội:

Kiểm toán Nhà nước yêu cầu rà soát tổng mức đầu tư

10:33 28/05/2022

Chính phủ mới đây đã trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo kế hoạch, đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô sẽ hoàn thành vào năm 2026, tuy nhiên trong lần trình này, thời gian hoàn thành đã được đề xuất lùi sang năm 2027. Cùng đó, nhiều cơ chế chính sách đặc biệt cũng đã được đề xuất áp dụng tại Dự án. Song theo Kiểm toán Nhà nước vẫn còn nhiều điểm cần xem xét lại ở dự án này.

Một số điểm cần làm rõ

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa vừa ký văn bản đóng góp ý kiến về chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước thống nhất với nội dung về sự cần thiết đầu tư dự án. Tuy nhiên, theo đơn vị Kiểm toán Nhà nước, tờ trình chưa làm rõ sự cần thiết phải đầu tư phần đường song hành hai bên đường Vành đai và chưa đánh giá mức độ ảnh hưởng của hệ thống đường song hành trong phương án thu phí đường cao tốc.

Liên quan đến phạm vi giải phóng mặt bằng, theo phương án được báo cáo trong nghiên cứu tiền khả thi, sẽ tiến hành một lần theo quy hoạch để thuận lợi khi đầu tư giai đoạn hoàn thiện. Tuy nhiên, phương án này chưa chứng minh được hiệu quả do chưa xác định được thời điểm triển khai giai đoạn hoàn thiện, theo số liệu dự báo nhu cầu vận tải thì tới năm 2040 dự án mới cần mở rộng 6 làn xe đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, như vậy sớm nhất 15 năm mới triển khai giai đoạn hoàn thiện.

Phạm vi giải phóng mặt bằng chủ yếu là đất nông nghiệp đang sản xuất ổn định, do đó việc thu hồi đất cho dự án nhưng chưa sử dụng sẽ làm mất đi một nguồn lực sản xuất của người dân. Ngoài ra, việc giải phóng mặt bằng một lần cần nguồn kinh phí rất lớn (19.590 tỷ đồng) sẽ tạo áp lực tài chính cho ngân sách địa phương.

Phương án giải phóng mặt bằng một lần đến từ việc triển khai đồng thời 2 tuyến đường đô thị song song tuyến cao tốc, trong khi sự cần thiết cũng như hiệu quả của 2 tuyến đường này là không thực sự rõ ràng. Như vậy cần nghiên cứu kỹ lưỡng và chứng minh, làm rõ sự cần thiết phải đầu tư 2 tuyến đường đô thị này ngay trong giai đoạn phân kỳ.

Trong trường hợp cần thiết, giai đoạn phân kỳ nên xem xét trước mắt đầu tư 1 bên sẽ mang lại hiệu quả cao hơn cho dự án do giảm được 50% vốn đầu tư đường gom (4.871 tỷ đồng), 50% chi phí giải phóng mặt bằng (9.975 tỷ đồng) và hơn 499ha đất trồng lúa vẫn được canh tác sản xuất thêm ít nhất là 15 năm…

Liên quan đến tổng mức đầu tư, nguồn vốn, theo Kiểm toán Nhà nước, việc tính khối lượng được nêu trong báo cáo chưa phù hợp, tính khối lượng cầu cạn sang cầu vượt đúc hẫng nhịp L63-90m sang cầu vượt đúc hẫng nhịp L120-135m làm tăng giá trị 491,7 tỷ đồng.  Đối với chi phí giải phóng mặt bằng trị giá 19.590 tỷ đồng, theo hồ sơ trình đang tính toán toàn bộ số hộ bị mất đất ở đều nằm trong diện tái định cư nên làm tăng chi phí hỗ trợ thuê nhà, chi phí giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư.

Cùng với đó, thời gian thi công dự án thành phần 3 trong tờ trình của Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là 2022-2027, tuy nhiên sơ bộ tổng mức đầu tư tính toán lãi vay từ 1/2024 đến tháng 12/2026 là chưa phù hợp với tiến độ thi công.

Trước những đánh giá nêu trên, Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo UBND TP Hà Nội rà soát lại phương án thiết kế sơ bộ để lựa chọn phương án tối ưu, tiết kiệm chi phí đầu tư, đảm bảo khả năng cân đối nguồn vốn thực hiện dự án; đồng thời Hà Nội và cơ quan liên quan cần rà soát kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án, tính khả thi của tổng mức đầu tư, nghiên cứu tham khảo số liệu tổng mức đầu tư của các dự án tương tự để xác định sơ bộ tổng mức đầu tư cho phù hợp.

Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước đề nghị xem xét lại việc tính toán phương án tài chính của 2 dự án Vành đai 4 so với dự án Vành đai 3: suất đầu tư Vành đai 4 khoảng 1,2 lần (cùng quy mô 4 làn cao tốc, Vành đai 4 tổng chiều dài 112,8km với giá trị 57.874 tỷ đồng nhưng Vành đai 3 tổng chiều dài 76,34 với giá trị 33.788 tỷ đồng), lưu lượng phương tiện Vành đai 3 cao hơn Vành đai 4 1,2 lần nhưng phương án tài chính Vành đai 4 hoàn vốn với thời gian thu phí 21 năm, còn Vành đai 3 không khả thi với thời gian thu phí 28 năm.

Sơ đồ mô phỏng đường Vành đai 4 đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Nguồn: VNE.

Tờ trình đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt triển khai đầu tư dự án

Trước đó, theo như báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội, phạm vi dự án sẽ có điểm đầu ở km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội); điểm cuối khoảng km 40+500 trên đường cao tốc Nội Bài-Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Dự án sẽ được giải phóng mặt bằng theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh rộng 90-135m, bao gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ cho đường sắt vành đai (đối với đoạn quy hoạch đường sắt tuyến vành đai phía Đông kết nối Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng - Thạch Lỗi đầu tư trước năm 2030 và vành đai phía Tây kết nối Ngọc Hồi - Thạch Lỗi đầu tư 2030-2050 theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050).

Công trình sẽ được bố trí 8 nút giao liên thông hoàn chỉnh gồm các vị trí giao cao tốc Hà Nội - Lào Cai; trục Mê Linh; Đại lộ Thăng Long; Quốc lộ 6; cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; QL 38; cao tốc Nội Bài - Hạ Long; hoàn thiện nút giao với đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang; bố trí các điểm bố trí lên, xuống cao tốc; cầu vượt ngang đảm bảo yêu cầu kết nối và phát huy hiệu quả của Dự án. Tổng diện tích chiếm dụng khoảng 1.34ha (thành phố Hà Nội 74ha; tỉnh Hưng Yên 274 ha; tỉnh Bắc Ninh 326ha), trong đó đất trồng lúa khoảng 816ha, đất nông nghiệp khác khoảng 258ha, đất dân cư khoảng 58ha, đất khác khoảng 209ha.

Kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 19.590 tỷ đồng (TP Hà Nội khoảng 13.370 tỷ đồng; tỉnh Hưng Yên khoảng 3.740 tỷ đồng; tỉnh Bắc Ninh khoảng 2.480 tỷ đồng).  Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng.

Bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 19.590 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị là 49.291 tỷ đồng; Chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác 5.266 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 9.309 tỷ đồng. Sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn BOT của nhà đầu tư để thực hiện đầu tư Dự án. Bao gồm, ngân sách Trung ương là 28.173 tỷ đồng; ngân sách địa phương khoảng  hơn 28 tỷ đồng…

Dự kiến tiến độ và thời gian thực hiện dự án: Dự án sẽ được chuẩn bị từ 2022-2024, đầu tư xây dựng hệ thống đường đô thị, đường song hành từ năm 2023-2027.

Để tăng tính khả thi triển khai theo phương thức PPP, tăng tính hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư và huy động vốn, báo cáo kiến nghị Dự án áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định tại Điều 82 Luật PPP.

Cùng đó, Chính phủ cũng báo cáo đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc biệt triển khai đầu tư dự án. Cụ thể như cho phép điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2021-2025), điều chuyển số vốn 14.250 tỷ đồng đã bố trí cho Bộ Giao thông Vận tải về các địa phương để thực hiện theo phương án phân bổ (Hà Nội 8.400 tỷ đồng; Hưng Yên 3.740 tỷ đồng, Bắc Ninh 2.110 tỷ đồng).

Đồng thời cho phép sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương đầu tư các dự án thành phần theo cơ cấu nguồn vốn đã được phân bổ tại hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án. Đề xuất phân chia Dự án thành 7 dự án thành phần và do các địa phương quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện. Giao UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn Dự án.

Đồng thời, báo cáo cũng đề xuất cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư được áp dụng trong 2 năm (2022-2023).

Đặng Nhật

Với sự quyết tâm cao của hai Bộ, cùng sự phối hợp chặt chẽ và tinh thần trách nhiệm từ các cấp, Dự án “Xây dựng Hệ thống quản lý dân cư và căn cước công dân” sẽ được triển khai thành công, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào lên tầm cao mới.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chỉ đạo dốc toàn lực, tập trung cứu chữa cho các nạn nhân của vụ cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội). Theo đánh giá lúc nhập viện, cả 4 nạn nhân tiên lượng nặng, nhiều nguy cơ diễn biến khó lường và có thể tử vong cao.

Ngày 20/12,  ông Võ Nguyên Chương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã thông tin về vụ việc thu hồi 238 sổ đỏ xuất phát từ một vụ án hình sự làm giả con dấu, tài liệu của của Nhà nước. Qua đó, Đà Nẵng đã có phương án xử lý có lợi nhất cho người dân.

Chỉ 5 giờ đồng hồ sau khi nhận được trình báo vụ cướp tài sản xảy ra tại khu vực nghĩa trang trên địa bàn, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã lập chiến công xuất sắc, nhanh chóng xác định và bắt giữ được thủ phạm gây án.

Năm 2016, ông Ngô Văn Long ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 2 thửa đất liền kề có tổng diện tích hơn 161m2, gồm một phần diện tích đất nông nghiệp và đất ở tại phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh từ chủ sử dụng đất là ông Ngô Nam Thắng và thực hiện đầy đủ thủ tục để cập nhật, đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Nhưng từ năm 2018 đến nay, ông Long đã nhiều lần kêu cứu khắp nơi để được bảo vệ quyền lợi chính đáng trước sự tắc trách của chính quyền địa phương…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文