Kiến nghị Hà Nội khôi phục vận tải đường bộ, hàng không
Tính đến chiều 2/10, Hà Nội vẫn chưa cho mở lại vận tải hành khách cũng như hàng không. Trước đó, sau khi Bộ Giao thông- Vận tải (GTVT) ban hành kế hoạch vận tải sau giãn cách, yêu cầu các địa phương lên phương án phục hồi giao thông trong điều kiện cho phép, trao đổi với lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, phóng viên nhận được câu trả lời: “Sở chờ chỉ đạo từ phía lãnh đạo Hà Nội”. Trước sự cẩn thận của Hà Nội, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, Hà Nội cần xác định sống chung với dịch về lâu dài, dần mở lại vận tải hành khách để tạo điều kiện cho người dân đi lại.
Nên mở lại tuyến xe khách đến các tỉnh đã hết dịch sau 15 ngày
Hà Nội đã thực hiện Chỉ thị 15 được hơn 10 ngày, nhưng vẫn dừng hoạt động xe khách liên tỉnh và xe buýt nội đô. Cùng với đó, thành phố kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục dừng đường bay đến Nội Bài, dừng vận tải khách bằng đường sắt đến Hà Nội. Lý do là tình hình dịch bệnh tại các tỉnh, thành phố phía Nam và một số địa phương khác còn phức tạp; nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Hà Nội còn rất cao.
Liên quan đến việc “khởi động” lại hoạt động xe buýt, ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội có văn bản trả lời đề xuất của Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng (HAPTA) kiến nghị cho phép xe buýt được hoạt động từ 1/10.
Theo đó, ông Long cho rằng, nhu cầu đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng chưa cao do trong điều kiện hiện nay, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vẫn đang bố trí người lao động làm việc theo nguyên tắc 50/50. Cùng đó, học sinh, sinh viên vẫn đang học trực tuyến; công nhân nhiều khu công nghiệp vẫn thực hiện "phương án 3 tại chỗ" (một cung đường, hai điểm đến); người già, trẻ em hạn chế đi lại để phòng, chống dịch nên nhu cầu đi lại bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng chưa cao. Sở GTVT Hà Nội đề nghị Hiệp hội và các doanh nghiệp quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị số 22 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội vẫn tiếp tục tạm dừng. Vì sự an toàn của Thủ đô và người dân, Sở GTVT đề nghị Hiệp hội và các doanh nghiệp tiếp tục khắc phục khó khăn, động viên người lao động an tâm và chuẩn bị đủ các điều kiện sẵn sàng hoạt động trở lại khi thành phố cho phép.
Lãnh đạo Sở nói vậy, song với góc nhìn chuyên gia, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội cho rằng, tình hình dịch bệnh ở Hà Nội đã cơ bản được kiểm soát, tỷ lệ người trên 18 tuổi tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 đạt hơn 90%. Đây là lượng người tham gia giao thông chính. Trong bối cảnh này, thành phố nên cho phép xe buýt nội đô, xe khách liên tỉnh hoạt động, áp dụng quy định phòng dịch với bến xe, người lái, người phục vụ và hành khách theo hướng dẫn của Bộ GTVT. Xe khách liên tỉnh không được dừng đỗ tại địa bàn có dịch. Nếu phòng dịch quá cẩn trọng thì không thể sống chung với dịch như chỉ đạo của Chính phủ và làm đứt đoạn chuỗi sản xuất, ảnh hưởng công việc của người dân.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng bày tỏ, Hà Nội nên mở lại tuyến xe khách đến các tỉnh đã hết dịch sau 15 ngày vì khi khôi phục sản xuất kinh doanh thì người dân các tỉnh có nhu cầu về Thủ đô làm việc. Bộ GTVT đã lập kế hoạch vận tải khách đã lấy ý kiến địa phương, trong đó có Hà Nội. Bộ ban hành hướng dẫn thì các địa phương cần thực hiện thống nhất, tránh mỗi nơi một kiểu. "Địa phương phải chịu trách nhiệm về phòng, chống dịch nên thường đặt ra yêu cầu riêng, song về chuyên ngành giao thông thì cần chấp hành hướng dẫn của Bộ GTVT", ông Quyền nói.
Không thể một bên mở, một bên đóng
Không chỉ là đường bộ, với hàng không, ông Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam nói, Hà Nội - TP Hồ Chí Minh là đường bay trục chính trong mạng nội địa, nối liền hai sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Từ đây, các chuyến bay nối chuyến đi tới các sân bay nội địa và quốc tế. Nếu Hà Nội vẫn đóng cửa Nội Bài thì kế hoạch phục hồi đường bay nội địa của ngành hàng không chưa thể thực hiện. Trục bay Nội Bài - Tân Sơn Nhất chưa được mở thì cơ hội vực dậy ngành hàng không càng chậm, ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế và sự đi lại của người dân.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, Hà Nội hay các địa phương khác không thể đơn phương quyết định việc mở cửa đường hàng không, đường sắt. Việc phục hồi kinh tế cần sự thống nhất xuyên suốt giữa các địa phương. Vị chuyên gia này nhấn mạnh có đi thì phải có đến, không thể một bên mở, một bên đóng.
Trước đó, báo cáo tại buổi giao ban công tác 9 tháng năm 2021 của Bộ GTVT, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không nêu quan điểm, khôi phục vận tải, trong đó có hàng không, là vấn đề sống còn, đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ có quan điểm thống nhất trên cả nước.
Theo ông Thắng, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch khôi phục mạng bay nội địa và Bộ Y tế đã đồng ý phương án hành khách chỉ cần đáp ứng điều kiện tiêm 1 mũi vaccine hoặc có giấy chứng nhận khỏi bệnh COVID-19. Trường hợp hành khách không thuộc 2 đối tượng này phải có xét nghiệm âm tính với COVID-19. Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Hàng không, vướng mắc lớn nhất trong việc triển khai kế hoạch bay nội địa trở lại nằm ở phía các địa phương, đặc biệt là Hà Nội.