Làm gì để khai thác tuyến Metro đạt hiệu quả?
Thông tin về tình hình khai thác tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh -Hà Đông tại hội thảo về vận tải hành khách công cộng tổ chức tại TP Hồ Chí Minh mới đây, TS Vũ Hồng Trường, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội cho biết, từ khi đưa vào khai thác tháng 11/2021 đến nay, tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông đã vận hành an toàn với thời gian mở cửa từ 5h30 sáng, đóng cửa vào 22h.
Trên tuyến, đơn vị đang khai thác 6 đoàn tàu, thời gian giãn cách chạy tàu là 10 phút/chuyến với tỷ lệ tàu chạy đúng giờ đạt hơn 99,9%. Tổng khối lượng khách đã vận chuyển tính đến giữa tháng 7 đạt 4.381.098 hành khách.
Nói về bài học kinh nghiệm bước đầu trong nâng cao hiệu quả khai thác tuyến đường sắt đô thị này, ông Trường cho rằng đơn vị quản lý, khai thác tuyến cần nghiên cứu đặc tính nhu cầu, quy luật đi lại và mong muốn của hành khách ngay từ giai đoạn thiết kế tuyến đường sắt lẫn trong giai đoạn vận hành khai thác tuyến. Kết quả khảo sát thực hiện tháng 4 vừa qua đối với 1.384 khách đi các ga trên tuyến cho thấy thực trạng hành khách chủ yếu đi bộ đến phần lớn các nhà ga và đi bằng xe máy đến những ga có bố trí bãi đậu xe. Khách đi tàu cũng phản ánh tuyến đường sắt đô thị này ít liên thông với các tuyến xe buýt.
Theo ông Trường, những góp ý trên của khách đi tàu đặt ra các thách thức cho đơn vị khai thác, cho chủ đầu tư và chính quyền địa phương về việc cải thiện lối đi cho người đi bộ để phục vụ hành khách sinh sống gần các nhà ga. Cùng lúc là việc bố trí bãi giữa xe máy và cải thiện về kết nối giữa xe buýt với đường sắt đô thị để phục vụ hành khách tốt hơn… ngoài ra cần xây dựng giá vé hợp lý, đa dạng hình thức thanh toán với các loại vé phù hợp để thu hút khách đi tàu…
Tương đồng với tuyến đường sắt đô thị trên cao đầu tiên của Hà Nội, tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối tiên của TP Hồ Chí Minh sẽ đưa vào khai thác trong năm 2023. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, vấn đề khó nhất đối với tuyến Metro số 1 của TP Hồ Chí Minh là suất vốn đầu tư khá lớn, lên đến hơn 43,7 nghìn tỷ đồng, cao gấp gần 2,5 lần suất đầu tư tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Do đó việc khai thác làm sao để đảm bảo tạo nguồn thu đủ để chi phí khấu hao, sửa chữa và duy trì hoạt động, chứ chưa nói đến việc trả lãi vay là không đơn giản.
Tính toán về hiệu quả kinh tế trong khai thác của tuyến Metro số 1, TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn và Quản lý TP Hồ Chí Minh cho rằng, với tần suất khai thác là 6 phút/chuyến, 10 chuyến/giờ, 18 giờ mỗi ngày, một ngày trên cả 2 chiều cũng chỉ có 360 chuyến tàu chạy. Với sức chở tối đa là 930 hành khách/chuyến và giá vé 30 nghìn đồng/lượt suốt tuyến, thì tổng doanh thu mỗi năm từ tiền vé cũng chỉ đạt chưa tới con số 4.000 tỷ đồng. So với tổng vốn đầu tư trên, tuyến Metro số 1 sẽ khó đảm bảo đủ nguồn thu từ tiền vé để chi phí.
Chuyên gia giao thông Mai Trọng Tuấn góp ý, chính quyền Thành phố cần quy hoạch dọc hai bên hành lang và kết nối với tuyến Metro số 1 để phát triển thành những khu phức hợp thu hút người dân đến kinh doanh, sinh sống hoặc vui chơi, giải trí. Đây không chỉ là phương án tạo nguồn thu từ kinh doanh thương mại, quảng cáo… mà còn góp phần thu hút khách cho đi Metro.
Để hỗ trợ tuyến Metro số 1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề tái cấu trúc mạng lưới xe buýt hiện hữu, phát triển hệ thống xe buýt truyền thống, các tuyến buýt trục liên vùng, hình thành mạng lưới "Buýt - Buýt trục - Metro" là việc cần phải được ưu tiên và khẩn trương thực hiện. Việc này sẽ giảm gánh nặng hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động của Metro.