Làm sao đảm bảo nguồn thu để metro hoạt động?
Để chuẩn bị cho việc khai thác tuyến metro số 1, vừa qua Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã có văn bản lấy ý kiến của một số sở, ngành về giá vé đi metro dự kiến trình UBND thành phố quyết định.
Việc xây dựng và đưa ra mức giá vé của tuyến metro số 1 được Sở GTVT xác định dựa trên mức giá vé các tuyến xe buýt có chiều dài tương đương và mức giá vé của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông của TP Hà Nội. Trong đó, Sở GTVT đã xây dựng giá vé cho nhiều chặng với nhiều loại hình thời gian sử dụng đi lại để hành khách lựa chọn. Tuy nhiên, với suất đầu tư lên đến 43,7 nghìn tỷ đồng, nếu không có kế hoạch khai thác thương mại và thu hút quảng cáo, metro số 1 sẽ khó đủ chi phí vận hành. Từ đó sẽ khó dung hòa được mục tiêu áp dụng giá vé rẻ để thu hút người dân đi lại vừa đảm bảo nguồn thu để duy trì hoạt động.
Theo ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT, từ căn cứ giá vé của 2 loại phương tiện trên, cơ quan này đưa ra đề xuất giá vé 12 nghìn đồng/lượt cho hành trình có cự ly đến 5km. Khách đi từ 6 đến 10km giá vé dự kiến là 14 nghìn đồng, đi trên 10-15km giá vé là 16 nghìn đồng, đi từ 16km đến hết tuyến, giá vé là 18 nghìn đồng. Giá vé đi không giới hạn trong 1 ngày là 40 nghìn đồng và vé đi trong 1 tháng là 260 nghìn đồng.
Nhằm ổn định lượng hành khách đi metro, Sở GTVT đề nghị thời gian áp dụng mức giá vé này sẽ kéo dài 3 năm, tối đa là 5 năm khi dự án tuyến metro số 1 kết thúc thời hạn hỗ trợ vận hành và bảo dưỡng. Đây cũng là khoảng thời gian cần thiết để đánh giá về mức độ phù hợp của giá vé với thu nhập của người dân. Nhận xét về mức giá vé này, anh Huy Đông, một nhân viên văn phòng, làm việc ở quận 1, hiện sinh sống ở khu vực quận 9 cũ cho rằng sẽ bỏ hẳn xe máy để đi làm bằng metro hàng ngày do chi phí rẻ hơn đi xe máy, lại thuận tiện, an toàn và sạch sẽ. Theo anh Đông, để thu hút được những hành khách có nhà ở cách ga metro 4-5km, cần bố trí tuyến xe buýt thuận lợi hoặc có chỗ gửi xe máy ở các nhà ga metro.
Để thu hút khách, việc nâng cao khả năng kết nối của hệ thống vận tải khách công cộng với đường sắt đô thị, thì việc tạo thuận lợi nhất cho khách tiếp cận với nhà ga đường sắt đô thị cũng cần được đặt ra.
Tính toán về hiệu quả kinh tế trong khai thác của tuyến metro số 1, TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn và quản lý TP Hồ Chí Minh cho rằng, với tần suất khai thác là 6 phút/chuyến, 10 chuyến/giờ, 18 giờ mỗi ngày, một ngày trên cả 2 chiều cũng chỉ có 360 chuyến tàu chạy. Với sức chở tối đa là 930 hành khách/chuyến và giá vé 40 nghìn đồng/lượt suốt tuyến, thì tổng doanh thu mỗi năm từ tiền vé cũng chỉ đạt chừng 5.200 tỷ đồng. So với tổng vốn đầu tư trên, tuyến metro số 1 sẽ khó đảm bảo đủ nguồn thu từ tiền vé để chi phí hoạt động, khấu hao, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống…
Nhằm chuẩn bị nguồn khách cho tuyến metro số 1, hiện Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cũng xác định có 9 tuyến xe buýt có trợ giá có lộ trình trùng lắp một phần với hành lang tuyến metro số 1. Các tuyến xe buýt này đều có tỉ lệ số chuyển đúng giờ khá cao, đạt từ 93-99% và năm 2022 vừa qua các tuyến đã đạt hơn 13,4 triệu lượt hành khách. Dù vậy, đây chỉ là con số rất nhỏ so với khả năng vận chuyển của metro số 1.
Trong khi đó, nguồn cung cấp khách chủ lực cho tuyến metro số 1 thì hiện vẫn đang hoạt động khá èo uột do hàng nghìn đầu xe khách không chịu vào bến. Theo ông Nguyễn Lâm Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông mới, trong tháng 7 vừa qua có đến 12.882 chuyến xe đã đăng ký tuyến không được các đơn vị vận tải thực hiện do nhà xe không chịu đưa xe vào bến. Công suất thực tế so với khả năng phục vụ của Bến xe Miền Đông mới chỉ còn đạt 3%.
Mặc dù đã có dịch vụ vận chuyển miễn phí hành khách từ khu vực trung tâm ra Bến xe Miền Đông mới và ngược lại, nhưng tháng 7 vừa qua cũng chỉ có 226 chuyến xe được thực hiện với số lượng bình quân 1.204 khách/ngày. Do đó, metro số 1 cũng chẳng thể trông chờ nhiều vào nguồn khách từ bến xe liên tỉnh lớn nhất nước này. Đại diện một nhà xe cho rằng, đặc điểm của phần lớn hành khách đi xe liên tỉnh là thường mang theo hành lý, thực phẩm, rau trái rất lỉnh kỉnh. Nếu không đáp ứng nhu cầu này, metro sẽ khó thu hút lượng khách đi và đến Bến xe Miền Đông mới.
Thông tin về tình hình tài chính của đơn vị vận hành tuyến metro số 1 gần đây, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh cho biết, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 đã được Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho mượn số tiền 16 tỷ đồng để chi trả lương cho người lao động và đào tạo nhân sự. Khi đưa tuyến metro số 1 vào hoạt động, kinh phí ngân sách cấp cho hoạt động ra sao trong trường hợp thu không đủ chi là vấn đề cần tính toán ngay từ bây giờ. Bởi thực tế cho thấy, chỉ với khoản trợ giá cho hoạt động của xe buýt trên 1 nghìn tỷ đồng/năm đã là gánh nặng với ngân sách thành phố.