Liệu có khả thi mốc không thu phí thủ công các phương tiện từ 1/6/2022
Theo yêu cầu của Chính phủ, vào tháng 5 tới đây, 90% phương tiện lưu thông qua trạm thu phí phải dán thẻ thu phí không dừng. Như vậy, sẽ có khoảng 2 triệu phương tiện phải hoàn thành việc dán thẻ.
Với tỷ lệ và tốc độ dán thẻ ETC như hiện nay, nhiều người cho rằng, việc đạt được mục tiêu trên là không hề dễ dàng. Thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, đến hết năm 2021, mới có hơn 2,3 triệu trong tổng số gần 5 triệu phương tiện trong cả nước dán thẻ thu phí không dừng, đạt khoảng 51%. Trong số này, lượng thẻ nạp tiền vào tài khoản để sử dụng dịch vụ đạt khoảng 65%.
Nói về nguyên nhân khiến chủ phương tiện chưa mặn mà với việc sử dụng thẻ thu phí tự động không dừng, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho rằng, doanh nghiệp vận tải có nhiều đầu xe, lại phải đóng trước một số tiền không nhỏ. Việc chủ phương tiện nạp tiền vào tài khoản giao thông sau đó trừ dần cũng chưa thực sự khuyến khích người dân sử dụng.
Còn theo ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC, có một số lượng lớn phương tiện chỉ lưu thông trong khu vực nội thành các thành phố lớn hay khu vực miền núi, không đi ra ngoài nên không dán thẻ. Bên cạnh đó, một số lái xe thuê nên họ cố tình không dán để có thể lấy vé giấy thanh toán với chủ xe.
Về vấn đề này, lãnh đạo Vụ Khoa học - Công nghệ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã đồng ý đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai chỉ thu phí không dừng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ đầu tháng 5/2022. Với xe không dán thẻ thu phí không dừng sẽ không được đi vào cao tốc. Giải pháp này tạo ra sự khác biệt về lợi ích cho những chủ phương tiện dán thẻ thu phí không dừng. Sau khi tổng kết sẽ nhân rộng giải pháp này ra các tuyến cao tốc khác, người dân nào ra khỏi thành phố dù chỉ 1 lần trong năm vẫn phải dán thẻ và sử dụng dịch vụ, qua đó nâng tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ khi tham gia giao thông.
Lãnh đạo Vụ Khoa học-Công nghệ cho biết thêm, hệ thống dữ liệu của hai dự án đã được kết nối, đảm bảo chủ phương tiện chỉ cần sử dụng 1 thẻ thu phí điện tử không dừng để lưu thông qua 113 trạm. Hiện nay, đã có 63 trạm lắp đủ 100% các làn thu phí ETC. Các trạm sẽ phải hoàn thành lắp đặt trong quý I/2022. Khi đó, mỗi trạm chỉ duy trì tối đa 1 làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều lưu thông. Khi không còn nhiều làn thủ công, phương tiện sẽ dán thẻ nhiều hơn để lưu thông.
Để đẩy nhanh tiến độ dán thẻ, ngày 3/4, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát, dán thẻ định danh toàn bộ các phương tiện ôtô thuộc phạm vi quản l; vận động cán bộ công chức, viên chức, người lao động gương mẫu dán thẻ định danh đối với các phương tiện cá nhân để tham gia dịch vụ thu phí ETC, bảo đảm không sử dụng hình thức thu phí thủ công kể từ ngày 1/6/2022.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng thẳng thắn yêu cầu, Tổng cục Đường bộ triển khai thí điểm chỉ thu phí ETC tại tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Phối hợp với Cục CSGT phân luồng giao thông, xử lý các phương tiện đi sai làn thu phí ETC để khuyến khích các phương tiện dán thẻ. Đồng thời, đôn đốc các địa phương, nhà cung cấp dịch vụ đẩy nhanh tiến độ dán thẻ bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cục Đăng kiểm Việt Nam được giao phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ, tuyên truyền, tổ chức dán thẻ định danh cho phương tiện tại các trạm đăng kiểm. Đồng thời, đồng bộ, chia sẻ dữ liệu các phương tiện với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các nhà cung cấp dịch vụ để hỗ trợ quá trình vận hành hệ thống thu phí ETC.
Liên quan đến các nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng, Bộ GTVT yêu cầu rà soát, khắc phục triệt để tồn tại, bất cập trong quá trình vận hành hệ thống; làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm cá nhân, đơn vị khi để xảy ra lỗi kỹ thuật, gây ùn tắc, khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Đối với các nhà đầu tư BOT, Bộ GTVT yêu cầu phối hợp, tạo điều kiện tối đa cho nhà cung cấp dịch vụ triển khai công tác dán thẻ tại các trạm thu phí. Đồng thời, lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng các làn thu phí còn lại bảo đảm tại mỗi chiều xe chạy chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp và hoàn thành trong quý 1/2022.
Mục tiêu đến tháng 6/2022, tối thiểu 90% phương tiện được dán thẻ và sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng là không dễ dàng, song lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, sẽ nỗ lực phối hợp với các bên để phấn đấu đạt được tỷ lệ theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT.