Loay hoay chuyện xử lý “xe dù, bến cóc”

08:25 03/01/2023

Để kiểm soát đối với “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định, Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định “xe hợp đồng, xe chở khách du lịch không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hằng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh".

Như vậy quy định này đã xác định rõ chủ thể áp dụng là đơn vị kinh doanh vận tải. Tiếp đó, Thông tư 12/2020/TT-BGTVT của Bộ GTVT cũng đã hướng dẫn việc xác định điểm đầu trùng lặp, điểm cuối trùng lặp đối với xe ôtô vận chuyển khách. Trước đó, Thông tư  số 73/2015/TT-BGTVT cũng đã quy định rõ về các hạng mục công trình tương ứng với từng loại bến xe khách. Các công trình này chỉ được phép khai thác khi được Sở GTVT các tỉnh, thành cấp phép, những nơi không cấp phép là hoạt động trái luật... Thời gian qua, các quy định trên đã được nhiều tỉnh, thành vận dụng để triệt xóa “xe dù, bến cóc” và xử lý xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định với những con số ấn tượng được công bố.

Bộ GTVT đề nghị UBND cấp tỉnh cần vào cuộc quyết liệt và chỉ đạo Sở GTVT xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý dứt điểm hiện tượng “xe dù, bến cóc”. Ảnh minh họa: CTV

Báo cáo với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vào tháng 12 vừa qua, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua Thành phố đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp, kế hoạch, chuyên đề thực hiện kiểm tra, phát hiện và kiên quyết xử lý vi phạm trong kinh doanh vận tải khách bằng ôtô trên địa bàn, nhất là hành vi đón, trả khách không đúng nơi quy định. Tuy nhiên, qua thực tiễn quản lý, điều hành và kiểm tra, xử lý vi phạm, UBND Thành phố nhận thấy còn một số khó khăn, vướng mắc cần được Bộ GTVT chỉ đạo, hướng dẫn. Cụ thể, về khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (GSHT), theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP, thì trong thời gian 1 tháng mỗi ôtô không được thực hiện quá 30% số chuyến xe có điểm đầu, điểm cuối trùng lặp. Việc xác định vi phạm được thực hiện qua dữ liệu trong thiết bị GSHT của xe và hợp đồng vận chuyển.

Một “bến cóc” ngang nhiên tồn tại trong nhiều năm.

Trong khi đó, theo quy định của Chính phủ và Bộ GTVT, việc tổ chức ứng dụng thông tin trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải thuộc trách nhiệm của Cục Đường bộ. Đến nay, hệ thống xử lý và khai thác dữ liệu từ thiết bị GSHT chưa được nâng cấp để truy xuất dữ liệu điểm đầu, điểm cuối trùng lặp trên tổng số chuyến xe trong 1 tháng. Đồng thời chưa triển khai phần mềm để các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng và du lịch cung cấp thông tin tối thiểu của hợp đồng vận chuyển khách trước khi thực hiện.

Lãnh đạo UBND Thành phố đề nghị Bộ GTVT khẩn trương nâng cấp hệ thống xử lý và khai thác dữ liệu từ thiết bị GSHT của Cục Đường bộ. Trường hợp Cục Đường Bộ chưa thể nâng cấp ngay, cơ quan này cần có cơ chế chặt chẽ về mặt pháp lý để chia sẻ dữ liệu từ thiết bị GSHT cho Sở GTVT Thành phố để truy xuất, khai thác dữ liệu từ xe khách hợp đồng, xe du lịch đi và đến TP Hồ Chí Minh làm căn cứ xử lý vi phạm.

Về xác định nội dung vi phạm lặp đi lặp lại hàng ngày trong hoạt động vận tải khách theo hợp đồng và du lịch, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP, chủ thể của hành vi vi phạm chưa được quy định rõ là toàn bộ xe ôtô khách của một đơn vị kinh doanh vận tải hay từng xe và số lần lặp đi lặp lại hàng ngày bao nhiêu lần là vi phạm. Đối với hành vi thành lập điểm đón, trả khách trái phép (bến dù, bến cóc), theo lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan chưa có khái niệm hoặc chưa quy định thế nào là điểm giao dịch đón, trả khách trái phép và chủ thể thực hiện hành vi vi phạm này là ai: cá nhân, tổ chức sở hữu nhà và quyền sử dụng đất tại địa điểm vi phạm hay cá nhân, tổ chức thuê địa điểm đang vi phạm để kinh doanh như cây xăng, bãi xe, văn phòng, chi nhánh hoặc chính đơn vị kinh doanh vận tải tổ chức việc đón trả khách trái phép tại địa điểm vi phạm? Đây là những vấn đề TP Hồ Chí Minh đang cần được Bộ GTVT hướng dẫn rõ hơn để xử lý “xe dù, bến cóc”.  

Để xử lý “xe dù, bến cóc” trên địa bàn, liên tiếp trong 2 tháng gần đây UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo về vấn đề này. Trong lần chỉ đạo vào tháng 11, lãnh đạo UBND Thành phố giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố, UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT về xử lý “xe dù, bến cóc”. Sở GTVT chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng "xe dù, bến cóc", "xe trá hình tuyến cố định", "xe ghép, xe tiện chuyến" trên địa bàn, kiểm tra, xử lý đối với các văn phòng đại diện của đơn vị vận tải, bãi đỗ trông giữ phương tiện, bãi đỗ xe tạm, tự phát trên địa bàn.

Nếu phát hiện có tổ chức đón, trả khách, “cò” khách thì kiên quyết xử lý. Lần chỉ đạo xử lý “xe dù, bến cóc” trong cao điểm vận chuyển khách Tết vào tháng 12 vừa qua, lãnh đạo UBND Thành phố còn yêu cầu ngoài lực lượng CSGT, Thanh tra GTVT, thì tất cả các địa phương phải ra quân xử lý đối với hoạt động dừng, đỗ, đón trả khách sai quy định.

Chỉ đạo kiên quyết, đồng bộ là vậy, nhưng đến nay 76 điểm đón, trả khách sai quy định trước trụ sở, khuôn viên cây xăng, tuyến đường, bãi xe… đã được Sở GTVT Thành phố xác định rõ từng vị trí vẫn cứ hoạt động như chưa có chuyện gì xảy ra. Các nhà xe chạy tuyến cố định trá hình bằng hợp đồng vận tải vẫn hoạt động ì xèo ở khu vực quận 1, quận 5, quận 12, TP Thủ Đức... một cách ngang nhiên, thách thức luật pháp và chèn ép các đơn vị bến xe cùng doanh nghiệp vận tải hoạt động trong bến.

Bảo Sơn

Từ ngày 1/1/2025, khoảng 100.000 đơn vị trên cả nước chính thức thực hiện tổng kiểm kê tài sản công (TSC). Mục tiêu của việc kiểm kê là để nắm được thực trạng  TSC về mặt số lượng, giá trị, cơ cấu, hiện trạng sử dụng..., làm cơ sở để hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng TSC.

Sau khi nhiều người dân tố cáo việc bị bà Nguyễn Thị Kim T (SN 1982, ngụ phường 13, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lên đến 300 tỷ đồng, ngày 14/2/2023 Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã có thông báo về việc tiếp nhận đơn tố giác tội phạm liên quan đến bà T và tiến hành xác minh vụ việc…

Ngày 1/1, thông tin từ Công an quận Hải An (TP Hải Phòng) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc một phụ nữ 65 tuổi cùng con trai 36 tuổi tử vong sau bữa ăn trưa.

Chiều 1/1/2025, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai tổ công tác làm nhiệm vụ đảm bảo TTATGT trên tuyến đường Phạm Hùng (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ của tổ công tác sử dụng camera nghiệp vụ để ghi hình người vi phạm giao thông, nhất là lỗi không tuân thủ đèn tín hiệu (vượt đèn đỏ).

Ngày 1/1/2025, Công an TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cho biết, vừa đột kích vào quán karaoke Nice (phường Tân Phú, TP Đồng Xoài), giải cứu nhiều cô gái. Trong đó, có những cô gái chỉ 13 - 15 tuổi bị "sập bẫy" nợ, bị "giam lỏng" trong thời gian dài để buộc làm công việc không mong muốn.

Ngày 1/1, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Phan Thị Ngọc Ánh (SN 1998, ngụ xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để điều tra về hành vi giết người. Ánh là người dùng dao đâm bạn trai sống cùng mình tại phòng trọ, khiến nạn nhân tử vong.

Vào ngày 5/1 tới đây, Đội tuyển Bóng đá Việt Nam sẽ tham gia thi đấu trận chung kết ASEAN Cup lượt về ở Sân vận động Rajamangala (Bangkok, Thái Lan). Sự kiện này đã khiến vé máy bay từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đi Bangkok trở nên "sốt", giá vé tăng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文