Nâng cao trách nhiệm và ý thức văn hóa, vì những cung đường bình an (bài cuối)
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, tháng 7/2024, toàn quốc xảy ra 1.889 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 860 người, bị thương 1.424 người. Chỉ trong vòng 1 tháng, 860 người ra đi mãi mãi, không thể trở về. Gia đình và người thân của họ sẽ phải chịu những tổn thương không gì bù đắp nổi.
Nỗi đau này sẽ không xảy đến nếu mỗi lái xe điều khiển phương tiện an toàn bằng cái tâm, bằng tất cả sự thận trọng, tập trung; nếu mỗi doanh nghiệp vận tải đều nâng cao trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn giao thông (ATGT).
Kiên quyết trừ điểm lái xe vi phạm
Năm 2024 có nhiều điểm đột phá về giao thông khi cả hai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ đều đã được Quốc hội thông qua. Đa phần các đại biểu Quốc hội đều đồng tình rằng, việc sớm đưa hai luật này vào cuốc sống sẽ góp phần lập lại trật tự ATGT. Đặc biệt, cả hai luật đã đưa ra nhiều quy định yêu cầu từ doanh nghiệp kinh doanh vận tải, đến lái xe đều phải nâng cao trách nhiệm khi tham gia giao thông.
Cụ thể, với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, ATGT đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Theo dự thảo Nghị định, ngoài phạt vi phạm hành chính bằng tiền, có 189 hành vi sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe từ 2 đến 12 điểm, trong đó 28 hành vi bị trừ 12 điểm. Đây đều là lỗi có tính cố ý, nguy hiểm, nguy cơ cao gây TNGT.
Các lỗi bị trừ 10 điểm gồm: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở.
Lỗi bị trừ 6 điểm gồm: Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; không chấp hành hướng dẫn của người điều khiển hoặc người kiểm soát giao thông; lái xe đi ngược chiều trên cao tốc, lùi xe trên cao tốc; gây tai nạn không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn...
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định, giấy phép lái xe được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất. Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm thì người có giấy phép lái xe không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo loại giấy phép lái xe đó. Sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe phải kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, do CSGT tổ chức; kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm. Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2025.
Theo Ban soạn thảo, việc trừ điểm giấy phép lái xe không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Người vi phạm đã bị trừ điểm giấy phép lái xe thì không bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đó. Việc quy định trừ điểm giấy phép lái xe vừa có tính chất răn đe vừa có tính chất giáo dục việc chấp hành pháp luật, mỗi lần bị trừ điểm như là "tiếng chuông" cảnh báo giúp người lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn. Giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện giao thông.
Tương tự, Luật Đường bộ vừa được thông qua cũng đã quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải có bộ phận theo dõi ATGT. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp vận tải khách có quy mô dưới 5 xe, việc thành lập bộ phận này không dễ. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, người đứng đầu đơn vị vận tải có trách nhiệm thành lập và giám sát hoạt động của bộ phận ATGT. Song do sợ tốn thêm chi phí, các đơn vị vận tải có quy mô nhỏ lẻ, các hợp tác xã dịch vụ chưa thực sự quan tâm vấn đề này.
Theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, đến hết năm 2023, có gần 90.000 đơn vị kinh doanh vận tải với 946.000 phương tiện (vận tải cả hành khách, hàng hóa). Tuy nhiên, hiện có đến hơn 82% đơn vị vận tải hành khách có dưới 5 xe. Nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, một trong những người có nhiều năm làm quản lý trong lĩnh vực vận tải cho biết, định nghĩa kinh doanh vận tải bao gồm cả các hộ kinh doanh cá thể. Thực tế, các hộ kinh doanh phần lớn chỉ có 1-2 xe, nhiều trường hợp chủ xe cũng chính là lái xe. Đối tượng này không đủ nguồn lực để trả chi phí riêng chỉ để theo dõi an toàn của phương tiện.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc một doanh nghiệp vận tải chuyên cho thuê xe du lịch bày tỏ: Khi doanh nghiệp không có bộ phận an toàn sẽ không thể kiểm soát và giảm thiểu các rủi ro cho phương tiện khi tham gia giao thông. Việc này còn gây hậu quả nghiêm trọng hơn khi các vụ tai nạn xảy ra. Ông Sơn cho biết, bộ phận ATGT của đơn vị có 5 người, bao gồm thanh tra, hành chính, bộ phận tổng đài, có trách nhiệm theo dõi, cập nhật nhật ký của từng phương tiện, cảnh báo với tài xế nếu vi phạm ATGT. Tuy vậy, đối với các đơn vị vận tải chỉ có vài xe, việc thành lập bộ phận này đối với họ là rất khó.
Để tháo gỡ “cái khó”, ông Nguyễn Văn Quyền đề xuất, có thể nghiên cứu hình thành những bộ phận làm dịch vụ chung. Theo đó, cho phép đơn vị vận tải, nhất là những đơn vị nhỏ lẻ, ít phương tiện được thuê đơn vị giám sát ATGT. Các đơn vị này có thể chính là các hợp tác xã vận tải hoặc đơn vị hoạt động chuyên nghiệp và độc lập, cung cấp các dịch vụ như kiểm tra, giám sát về ATGT. Tới đây khi xây dựng nghị định và thông tư hướng dẫn cần nghiên cứu phân định rõ: Đơn vị vận tải có quy mô ở mức nào mới phải có bộ phận theo dõi ATGT.
“Luật đã quy định thì khó cũng phải làm để đảm bảo an toàn. Quy định cụ thể sẽ được chi tiết hóa khi xây dựng nghị định và thông tư hướng dẫn thực hiện luật”, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam nhấn mạnh.
Tăng nặng hình thức xử phạt
Trước tình hình TNGT diễn biến phức tạp, mới đây Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo lực lượng CSGT và Công an các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ôtô. Cụ thể như vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy, chở hàng quá khổ, quá tải trọng, cơi nới thùng xe, chở quá số người quy định, xe hết hạn kiểm định, quá niên hạn sử dụng, vi phạm tốc độ, tránh, vượt, đi sai phần đường, làn đường, chuyển làn không đúng quy định, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, sử dụng giấy tờ không do cơ quan có thẩm quyền cấp (giấy tờ giả).
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu phát động phong trào toàn dân lên án, phát hiện và cung cấp tài liệu phản ánh vi phạm pháp luật về TTATGT để CSGT xử lý theo quy định của pháp luật. Đẩy nhanh tiến độ ứng dụng khoa học công nghệ để khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải, thống nhất với Bộ GTVT chuẩn bị phương án quản lý, khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải phù hợp với tiến độ triển khai Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo hướng tăng nặng mức phạt, hình thức xử phạt với nhóm các hành vi do lỗi cố ý, vi phạm nhiều lần trong khoảng thời gian nhất định trong hoạt động kinh doanh vận tải, như vi phạm về tốc độ, đón, trả khách không đúng quy định, vi phạm quy định về luồng tuyến và thời gian lái xe, tránh, vượt không đúng quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, chở quá số người quy định, vi phạm các quy tắc giao thông trên cao tốc, cố ý tắt thiết bị giám sát hành trình; nghiên cứu giải pháp quản lý tái phạm trong vi phạm về trật tự, an toàn giao thông. Nghiên cứu nâng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ phù hợp với tình hình thực tiễn (mức 2 năm).
Nhấn mạnh giải pháp tuyên truyền trong xây dựng văn hóa giao thông cho tài xế, TS Khương Kim Tạo, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, giải pháp này không chỉ là giáo dục trong nhà trường, mà còn phải thực hiện thông qua công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và phải làm nghiêm công tác này. Ý thức trách nhiệm của người tham gia giao thông, nhất là lái xe phải hằn sâu ở khâu này, tạo thành thói quen như lên xe là phải thắt dây an toàn. TS Khương Kim Tạo còn cho rằng, xây dựng văn hóa giao thông từ kỷ luật bắt buộc. “Nếu chúng ta làm nghiêm thì sẽ trở thành thói quen, nếu không kỷ luật bắt buộc thì sẽ chưa thể tạo ra những con người tham gia giao thông tự giác”.
Và biện pháp cứng rắn hơn, theo ông, ngoài việc điều chỉnh hành vi của tài xế thì phải điều chỉnh cả hành vi của chủ thể quản lý giao thông. Thượng tôn pháp luật sẽ tạo nên văn hóa giao thông. Dù xã hội nào, pháp luật nào, thì chỉ có ý thức, con người mới tạo nên một xã hội văn minh thực sự. Hy vọng, khi pháp luật về giao thông ngày càng hoàn thiện, chúng ta sẽ xây dựng được một nền văn hóa giao thông, để khi ra đường “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà!”.