Nhiều bất cập trong việc sử dụng gần 3.000 tỷ ngân sách mỗi năm của ngành đường sắt
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có Thông báo số 289/TB-KTNN thông báo kết quả kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động kinh tế đường sắt năm 2020 của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).
Theo đó, kiểm toán cũng đã chỉ ra còn nhiều điểm phải chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong hoạt động quản lý, sử dụng khoản ngân sách trị giá khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi năm mà Nhà nước dành cho bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.
Năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam được giao kinh phí hoạt động kinh tế đường sắt quốc gia số tiền 2.920 tỷ đồng, trong đó kinh phí bảo trì kết cấu hạn tầng đường sắt quốc gia là hơn 2821 tỷ đồng (chiếm 97%). Sau 2 đợt kiểm tra, đoàn kiểm toán đã phát hiện hàng loạt bất cập.
Theo đó, KTNN chỉ ra liên quan đến việc giao dự toán, đặt hàng bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia giữa Bộ GTVT và VNR.
Cụ thể, việc lập kế hoạch bảo trì công trình đường sắt gửi chậm so với quy định; chi phí chung công tác bảo dưỡng thường xuyên chưa thuyết minh rõ cơ sở lựa chọn; lập dự toán kinh phí tính bình quân cho các loại sản phẩm, chưa xét đến nội dung trạng thái kỹ thuật công trình đường sắt; tính cả phần khối lượng nhà cung cầu, cung đường, cung thông tin tín hiệu thuộc tài sản của doanh nghiệp đầu tư, không thuộc đối tượng ngân sách nhà nước cấp kinh phí bảo trì. Lập dự toán nâng cấp cải tạo đường ngang gồm 82 đường ngang theo tỷ suất đầu tư 2,5 tỷ/đường ngang nhưng thiếu thuyết minh cơ sở phương pháp tính, cao hơn nhiều so với thực tế; 200 đường ngang có gác để sửa chữa bổ sung thông tin tín hiệu số tiền là 523 tỷ chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung, chưa xét đến khả năng cân đối nguồn kinh phí…
Bên cạnh đó, tại khoản 1, Điều 49, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 quy định: “Sau khi được Chính phủ, UBND giao dự toán ngân sách, các đơn vị dự toán cấp 1 ở Trung ương và địa phương thực hiện phân bổ và giao dự toán ngân sách cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc”; điểm c, khoản 1, Điều 10, Nghị định số 46/2018/NĐ-CP quy định: “Trên cơ sở quyết định giao dự toán ngân sách nhà nước của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ GTVT giao dự toán ngân sách nhà nước cho cơ quan được giao quản lý tài sản, trong đó có phần kinh phí dành cho bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia”.
Giai đoạn trước năm 2018, việc VNR được Bộ GTVT giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt và tổ chức thực hiện thu từ khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt để phục vụ quản lý, bảo trì là hợp lý, đúng quy định. Tuy nhiên, từ tháng 9/2018, VNR là đơn vị thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và không còn thuộc Bộ GTVT. Do đó, KTNN cho rằng, việc Bộ GTVT giao dự toán năm 2020 cho VNR là chưa phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Cần phải nói thêm rằng, để khắc phục bất cập nói trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 636/TTg-CN ngày 19/5/2021, trong đó yêu cầu Bộ GTVT chịu trách nhiệm đặt hàng toàn bộ đối với việc bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 với VNR trước ngày 24/5/2021. VNR tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng, Bộ GTVT về việc tổ chức thực hiện quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, đảm bảo hoạt động giao thông đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác, theo đúng quy định của pháp luật.
Một hạn chế khác được chỉ ra liên quan công tác giao dự toán của Bộ GTVT. Cụ thể, KTNN ghi nhận việc phải điều chỉnh dự toán từ Cục Đường sắt Việt Nam sang VNR theo Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ đặt hàng về công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, nên đến tận ngày 17/4/2021, VNR mới ký được hợp đồng đặt hàng với các công ty.
Điều này là chưa phù hợp với thời gian bảo dưỡng thường xuyên, vốn phải được thực hiện ngay từ đầu năm. Việc giao dự toán kinh phí lần đầu để nâng cấp, cải tạo công trình đường ngang (theo Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/20214 của Thủ tướng Chính phủ) tại Quyết định số 1287/QĐ-BGTVT ngày 30/6/2020, trong khi kế hoạch triển khai được phê duyệt tại Quyết định số 2516/QĐ-BGTVT ngày 30/12/2019, dẫn đến công tác tổ chức thực hiện chậm, không kịp tiến độ, kinh phí gần như chưa sử dụng, số dư dự toán thời điểm cuối năm lên tới 97,76 tỷ đồng.
Thực tế, một số công trình đường ngang đã thực hiện hoàn thành từ năm 2017, nhưng đến nay, cấp có thẩm quyền vẫn chưa bố trí kinh phí để thanh toán với số tiền là 6,3 tỷ đồng. Ngoài ra, KTNN phát hiện, hầu hết hợp đồng đặt hàng bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng đường sắt của VNR với các đơn vị trực thuộc chưa thể hiện cụ thể các yêu cầu chất lượng công tác bảo trì theo hướng dẫn tại Điều 5, Thông tư số 06/2019/TT-BGTVT ngày 31/1/2019 về nghiệm thu kết quả bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.
VNR cũng bị chấn chỉnh việc chưa ban hành điều kiện đặt hàng sản phẩm bảo dưỡng thường xuyên với đơn vị được giao đặt hàng theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 về quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, như: năng lực tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, trình độ quản lý, đội ngũ lao động. Đặc biệt, KTNN phát hiện, VNR chưa thực hiện đấu thầu qua mạng 5 gói thầu xây lắp.
Trước hàng loạt bất cập, KTNN đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đầy đủ các kiến nghị của kiểm toán chỉ ra, báo cáo kết quả trước ngày 31/1/2022.