Nhiều nhộn nhạo trong đào tạo, cấp giấy phép lái xe
Phát hiện giấy phép lái xe (GPLX) giả thông qua xử lý vi phạm giao thông, trung tâm đào tạo cố tình bỏ qua một số khâu không theo quy định…, là những “báo động” về hiện tượng buông lỏng trong đào tạo cấp GPLX gần đây.
Trước thực trạng này, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có văn bản gửi UBND, Sở GTVT các tỉnh, thành và Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu phòng chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý chặt công tác đào tạo, sát hạch, cấp -đổi GPLX.
Khu vực miền núi phía Bắc vào danh sách thanh tra
Thanh tra Sở GTVT tỉnh Quảng Nam vừa có thông báo gửi Sở GTVT tỉnh Quảng Nam về việc đình chỉ tuyển sinh đào tạo lái xe ôtô đối với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp vận tải Quảng Nam (địa chỉ Khối 7A, phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn). Theo đó, Trung tâm này đã có các hành vi vi phạm hành chính như: Cơ sở đào tạo lái xe có các thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết, thời gian, quãng đường học thực hành lái xe của học viên nhưng không hoạt động theo quy định.
Vi phạm quy định tại điểm I khoản 4 Điều 37 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (mức phạt 7,5 triệu đồng). Cơ sở đào tạo lái xe đào tạo không đúng chương trình theo quy phạm quy định tại điểm b khoản 5 Điều 37 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (mức phạt 12,5 triệu đồng) và cơ sở đào tạo lái xe cấp chứng chỉ sơ cấp cho học viên sai quy định, vi phạm quy định tại điểm c khoản 5 Điều 37 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (mức phạt 12,5 triệu đồng). Tổng mức xử phạt hành chính 32 triệu đồng, ngoài ra Trung tâm này còn bị đình chỉ tuyển sinh 4 tháng.
Không chỉ có trung tâm kể trên, gần đây tại một cuộc họp về ATGT, chính Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng thẳng thắn cho biết, qua đánh giá từ các thông tin phản ánh, một số cơ sở ở các tỉnh miền núi phía Bắc có hiện tượng buông lỏng đào tạo, sát hạch lái xe.
Cũng theo người đứng đầu ngành Giao thông, các vi phạm từ các trung tâm đào tạo lái xe sẽ ảnh hưởng lớn đến xã hội và trực tiếp đến người dân, đơn vị vận tải, an toàn giao thông. Do đó, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng, UBND cấp huyện trên địa bàn triển khai các biện pháp cụ thể nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý chặt việc đào tạo, sát hạch, cấp đổi GPLX. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ dữ liệu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng của ngành Công an, Y tế và các bộ, ngành khác trong quản lý, giám sát đào tạo, sát hạch, cấp - đổi GPLX.
Không được sát hạch cấp bằng lái xe nếu dữ liệu DAT “có vấn đề”
Cũng liên quan đến vấn đề đào tạo, cấp GPLX, gần đây, nhiều cơ quan truyền thông và dư luận xã hội phản ánh học phí học lái xe ở một số nơi tăng cao, học viên không được học đủ các nội dung chương trình và các tình huống theo quy định.
Trước phản ánh này, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe, Cục đã yêu cầu các Sở GTVT tăng cường kiểm tra công tác tuyển sinh và quy trình học của học viên tại các cơ sở đào tạo để kịp thời phát hiện xử lý các vi phạm. Trong đó, chú trọng kiểm tra việc đăng ký học qua trung gian, thu học phí không đúng theo quy định và các điều kiện về độ tuổi, sức khỏe, trình độ văn hóa, thâm niên lái xe và số kilomet lái xe an toàn đối với người học...
Bên cạnh đó là kiểm tra việc lắp đặt và sử dụng thiết bị giám sát thời gian học môn pháp luật giao thông đường bộ, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường (DAT). Các Sở GTVT chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe kiểm tra dữ liệu các phiên học của từng học viên trên cơ sở dữ liệu thiết bị DAT, không đưa vào danh sách tham dự kỳ sát hạch đối với các học viên có dữ liệu của các phiên học không đúng quy định hoặc không học đủ nội dung bài học lái xe trên đường.
Bên cạnh đó, các Sở GTVT truy cập vào máy chủ của cơ sở đào tạo để kiểm tra, xử lý vi phạm về dữ liệu DAT. Cục Đường bộ Việt Nam cũng chỉ đạo các Sở GTVT yêu cầu các trung tâm sát hạch lái xe cung cấp tài khoản và phương thức truy cập để kết nối với hệ thống camera lắp đặt tại phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch, tổ chức giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trong quá trình sát hạch. Bà Hiền cũng nói rõ, các Sở GTVT kiểm tra máy chủ và các máy tính của phòng sát hạch lý thuyết, kiểm tra xe sát hạch thực hành trong hình trước khi học viên lên xe sát hạch để kịp thời phát hiện, xử lý đối với các trường hợp máy tính kết nối không đủ quy định, trên xe sát hạch có các thiết bị thu phát để gian lận trong quá trình sát hạch. Đồng thời, chỉ đạo các hội đồng sát hạch, tổ sát hạch có biện pháp ngăn chặn học viên sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận trong quá trình sát hạch.
Người dân ở Hà Nội ùn ùn đi đổi giấy phép lái xe
Những ngày gần đây, bộ phận một cửa tiếp nhận cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX) của Sở GTVT Hà Nội luôn trong tình trạng đông đúc. Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, lượng người dân đến làm thủ tục cấp, đổi GPLX đông đột xuất, gấp đôi, thậm chí có ngày gấp ba so với bình thường. Lý giải tình trạng đông đột biến, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, do thay đổi thời gian hiệu lực của GPLX từ 5 lên 10 năm.
Theo đó, Thông tư 12/2012 có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 quy định về việc đổi từ GPLX giấy sang chất liệu PET thì bằng lái xe được kéo dài thời gian có hiệu lực lên 10 năm thay vì 5 năm. Và như vậy, đến đầu năm 2023, số bằng lái xe đổi từ bằng giấy sang bằng PET đã đến thời gian đổi bằng mới theo quy định. Thống kê của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, vào năm 2013, số bằng lái xe mà Sở này đã cấp, đổi là 261.880 bằng (cấp mới là 173.089 và đổi là 88.791). Trong 173.089 bằng lái xe cấp mới có hơn 134.000 bằng A1, còn hơn 42.000 bằng lái xe ôtô.
Thêm vào đó, ngày 13/1/2023, Cục Đường bộ Việt Nam đã có thông báo về việc Cục dừng tiếp nhận cấp, đổi GPLX trực tiếp tại trụ sở của Cục ở Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy. Thay vào đó, đối với người lái xe thuộc các cơ quan trung ương, đoàn thể, các tổ chức quốc tế, ngoại giao có trụ sở cơ quan tại Hà Nội thì thực hiện thủ tục đổi GPLX tại các Sở GTVT địa phương; đối với các trường hợp người lái xe do Cục Đường bộ Việt Nam quản lý thì thực hiện đổi GPLX trực tuyến tại địa chỉ https://dvc4.gplx.gov.vn. Song, việc đổi GPLX trên cổng dịch vụ công trực tuyến còn bất cập, thậm chí từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều người gặp trục trặc nên đã đổ dồn về 2 điểm một cửa của Sở GTVT Hà Nội.