Nỗi lo đường ngang tự mở tiềm ẩn tai nạn trên tuyến đường sắt Bắc - Nam
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), trên dọc hành trình tàu chạy Bắc-Nam vẫn có 1.087 điểm tiềm ẩn có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt.
Không nên lơ là lối đi tự mở qua đường sắt
Mới đây tại Lào Cai, một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra tại tuyến đường sắt qua xã Bảo Hà (huyện Bảo Yên). Cụ thể, chiếc xe goòng chở hàng của Công ty CP đường sắt Yên - Lào lưu thông qua lối đi tự mở bất ngờ gặp 2 cháu bé (12 tuổi và 4 tuổi) đi xe đạp điện băng cắt qua đường ray. Vụ va chạm khiến 2 em tử vong tại chỗ.
Ông Trần Cao Thắng, Trưởng ban An ninh an toàn Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, vụ việc xảy ra tại lối đi tự mở, không có rào chắn và đèn cảnh báo. Nguyên nhân sơ bộ được xác định do các nạn nhân thiếu quan sát khi băng qua đường ray. Vị này cho biết thêm, trên cung đường sắt Hà Nội - Lào Cai nói riêng và đường sắt tại Việt Nam nói chung còn rất nhiều lối đi tự mở, không có rào chắn và đèn cảnh báo. Chính quyền địa phương cần phối hợp xóa các lối đi tự mở này, vận động người dân lưu thông qua những đoạn có rào chắn và hệ thống giám sát.
Không riêng gì Lào Cai, là đơn vị được giao quản lý 101 km đường sắt qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Công ty cổ phần Quản lý đường sắt Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ các giải pháp xóa lối đi tự mở qua đường sắt. Tuy nhiên, hiện nay trên tuyến vẫn đang còn tồn tại 78 lối đi tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông. Thời gian qua, UBND thị xã Nghi Sơn đã phối hợp với đơn vị quản lý đường sắt triển khai các giải pháp xóa bỏ lối đi dân sinh và đảm bảo trật tự giao thông qua đường sắt. Tuy nhiên, thị xã mới chỉ thu hẹp được các lối đi có nguy cơ cao, không để phát sinh, mở mới các lối đi…
Một chuyên viên Phòng Quản lý đô thị, UBND thị xã Nghi Sơn cho biết thêm: Lối đi dân sinh do lịch sử để lại, người dân đi lại theo thói quen. Việc xóa bỏ lối đi tự mở cần có thời gian, lộ trình nhất định. Không riêng thị xã Nghi Sơn, hiện nay trên tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn đang tồn tại 78 lối đi tự mở; trong đó đoạn qua huyện Nông Cống là 17 lối và Hà Trung còn 10 lối…
4 năm, cả nước mới xoá bỏ được 777 lối đi tự mở
Bộ GTVT vừa báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông lĩnh vực đường sắt từ năm 2019 đến hết năm 2023. Theo đó, từ năm 2019 đến hết năm 2023, cả nước đã thực hiện xóa bỏ được 777/4.093 lối đi tự mở (đạt 18,9%) trên địa bàn khu vực đông dân cư có mật độ chạy tàu cao và tại các vị trí tiềm ẩn nguy cơ cao về TNGT đường sắt, không để phát sinh lối đi tự mở trên các tuyến đường sắt. Bộ và địa phương đã thực hiện rào thu hẹp chiều rộng của 1.348/1.805 lối đi tự mở xuống dưới 3m đối với các lối đi tự mở có chiều rộng trên 3m (đạt 74,6%); cắm biển "Chú ý tàu hỏa" tại 2.993/3.316 lối đi tự mở (đạt 90,2%); tổ chức cảnh giới tại 358/592 điểm (đạt 60,4%). Địa phương và ngành đường sắt hiện mới xây dựng được 20.757m đường gom và 15.089m hàng rào ngăn cách giữa đường bộ-đường sắt; xây dựng hầm chui được 2/149 hầm (đạt 1,34%); xây dựng mới 3/297 đường ngang (đạt 1,01%).
Mặt khác, trên các tuyến đường sắt hiện còn tồn tại 5 điểm đen (Km81+487, Km109+350, Km257+990, Km267+500, Km299+625 tuyến đường sắt Bắc Nam); có 1.087 điểm tiềm ẩn có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường sắt.
Theo báo cáo, trước đó, Bộ GTVT đã có đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương để triển khai thực hiện xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt theo kế hoạch, lộ trình được phê duyệt. Đến nay, một số địa phương đã chủ động đầu tư kinh phí rào đóng xóa bỏ các lối đi tự mở nguy hiểm, duy trì cảnh giới an toàn giao thông; hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các dự án xây dựng hệ thống đường gom, hàng rào cách ly dọc đường sắt vốn ngân sách Trung ương, giúp việc đi lại của nhân dân được thuận lợi, an toàn.
Tuy nhiên, dù đã đưa ra nhiều phương án và đề xuất, song theo Cục Đường sắt Việt Nam, thống kê trong quý I năm 2024 trên các tuyến đường sắt quốc gia đã xảy ra 46 vụ, làm chết 21 người, bị thương 25 người. Trong đó, có 24 vụ, chiếm 54% số vụ tai nạn xảy ra tại lối đi tự mở. Lối đi do người dân tự mở để đi tắt, tiện cho việc sinh hoạt nên tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn. Vì vậy, cùng với khẩn trương triển khai các giải pháp thực hiện đề án của Chính phủ đến năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn các lối đi dân sinh qua đường sắt, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức về đảm bảo an toàn khi lưu thông ngang qua đường sắt, ngăn ngừa nguy cơ xảy ra tai nạn.
Thông tin từ Cục Đường sắt Việt Nam, đơn vị này đã công bố điện thoại đường dây nóng cho dịp lễ 30/4 - 1/5, nhằm kịp thời tiếp nhận, xử lý, phản ánh về phục vụ vận tải, công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường sắt. Theo đó, các khu vực Bắc, Trung, Nam sẽ có chung 1 số điện thoại đường dây nóng là 0865367565 và yêu cầu trực 24/24h.