Phát hiện một phương tiện vận tải vi phạm gần 1.000 lần/tháng, Thừa Thiên Huế chỉ đạo... nóng
Số phương tiện lưu thông trên địa bàn Thừa Thiên Huế vi phạm tốc độ tháng sau tăng hơn tháng trước, trong đó có nhiều phương tiện vi phạm tốc độ lên đến hàng trăm lần trong 1 tháng. Trước tình trạng đó, cơ quan chức năng của địa phương này đang khẩn trương siết chặt quản lý phương tiện vận tải nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông…
Vi phạm tốc độ 974 lần/tháng
Giữa tháng 10/2024, Sở GTVT ra quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu xe vi phạm quy định về vận tải tháng 7/2024 (thông thường giám sát hành trình sẽ thông báo vi phạm sau 3 tháng - PV) đối với 93 phương tiện vận tải.
Lý do thu hồi là vi phạm quy định tại điểm b khoản 10 Điều 22 Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ, Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô (trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình mỗi phương tiện trong 1 tháng cho thấy có 5 lần vi phạm tốc độ/1.000km xe chạy, không tính các trường hợp vi phạm tốc độ từ 5km/h trở xuống).
Theo số liệu thống kê, chỉ trong tháng 7/2024, có rất nhiều phương tiện vi phạm tốc độ đến hàng trăm lần. Đơn cử như các phương tiện là xe hợp đồng của Công ty TNHH MTV Festival Bus (có địa chỉ ở phường Vỹ Dạ, TP Huế) vi phạm tốc độ liên tục; như xe 75B-01997 vi phạm tốc độ 974 lần/tháng; xe 75B-01917 vi phạm tốc độ 831 lần/tháng; xe 75B-01498 vi phạm tốc độ 488 lần/tháng…
Không chỉ xe hợp đồng vi phạm mà xe nhiều phương tiện contaniner, xe đầu kéo cũng vô tư vi phạm tốc độ trên 100 lần/tháng (tháng 7/2024). Đơn cử như xe container 75H-00872 của Công ty TNHH TCT Quang Trung (ở xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) vi phạm tốc độ 316 lần/tháng; xe đầu kéo BKS 75H-00021 cũng của Công ty TNHH Quang Trung vi phạm tốc độ đến 203 lần/tháng; xe đầu kéo BKS 75C-08034 của hộ kinh doanh cửa hàng Cường Ty (ở xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) cũng vi phạm tốc độ 205 lần/tháng.
Bên cạnh đó, có nhiều xe tuyến cố định chở khách cũng vi phạm từ hàng chục lần đến hàng trăm lần trong tháng 7. Điển hình như xe tuyến cố định 38G-00130 của Hợp tác xã Dịch vụ vận tải Tiến Lực (ở phường An Đông, TP Huế) vi phạm tốc độ 831 lần…
Không chỉ trong tháng 7/2024, Sở GTVT ra quyết định thu hồi 93 phù hiệu, biển hiệu xe vi phạm quy định về vận tải mà từ đầu năm đến nay, Sở GTVT cũng ra quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu hơn 330 phương tiện. Với những trường hợp này, Sở GTVT yêu cầu các bến xe khách từ chối thực hiện các thủ tục xuất bến, không xác nhận vào lệnh vận chuyển đối với các phương tiện vận tải hành khách tuyến cố định.
Theo Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế, thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, đơn vị chức năng của sở đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm dẫn đến buộc phải thu hồi phù hiệu, biển hiệu. Dù cơ quan chức năng đã gửi quyết định đến các đơn vị kinh doanh vận tải và đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở này nhưng vẫn có không ít đơn vị chưa chấp hành nộp phù hiệu về Sở GTVT theo quy định; trong số đó có không ít phương tiện vận tải phù hiệu, biển hiệu đã hết hiệu lực.
Để giải quyết triệt để, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định, ngoài việc giao lực lượng TTGT tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế còn chỉ đạo phối hợp với lực lượng CSGT, TTGT các tỉnh, thành phố trong cả nước; nếu trong quá trình thực thi nhiệm vụ, phát hiện các phương tiện, chủ phương tiện đã có thông báo quyết định thu hồi nhưng vẫn cố tình sử dụng phù hiệu để tiếp tục kinh doanh vận tải thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Sở GTVT tỉnh sẽ không cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu đối với các đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm cố tình phớt lờ, không chấp hành yêu cầu của cơ quan chức năng.
Tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm
Từ đây đến cuối năm là thời điểm các đơn vị kinh doanh vận tải tăng cường phương tiện để hoạt động chở khách, vận chuyển hàng hóa… Nhằm siết chặt quản lý phương tiện vận tải, nâng cao chất lượng quản lý phương tiện kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh, Sở GTVT đã có văn bản yêu cầu các đơn vị quản lý khai thác, kinh doanh bến xe khách trên địa bàn tăng cường kiểm tra điều kiện của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và các quy định về vận tải trước khi xe xuất bến. Nếu phát hiện phương tiện thiết bị giám sát hành trình và camera không truyền dữ liệu, nhân viên, lái xe uống rượu, bia thì dừng ngay việc ký lệnh xe xuất bến.
Bên cạnh đó, duy trì thường xuyên việc kiểm tra điều kiện của phương tiện đối với những xe chạy ban đêm có cự ly trên 300km, nhất là xe giường nằm, nếu không đủ tiêu chuẩn số lượng lái xe thì kiên quyết không cho xe xuất bến và thông báo cho đơn vị quản lý biết để khắc phục và bố trí xe thay thế. Nếu đơn vị không khắc phục, yêu cầu bến xe báo cáo về Sở GTVT để xử lý đơn vị có phương tiện đó.
Kiểm tra thiết bị giám sát hành trình của phương tiện ra, vào bến theo quy định; tuyệt đối không cho xuất bến đối với các phương tiện không có thông tin trên hệ thống quản lý dữ liệu về thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam theo quy định; không xếp quá số người, hành lý và hàng vượt quá trọng tải cho phép lên phương tiện.
Được biết, từ đầu tháng 11/2024, Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế có đợt ra quân kiểm tra kinh doanh và điều kiện kinh doanh đối với các hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh vận tải tham gia hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định nội tỉnh, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, thành lập các tổ kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra, kiến nghị đối tượng kiểm tra khắc phục các tồn tại, hạn chế được phát hiện qua công tác kiểm tra; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật…
Theo Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, từ nay đến cuối năm, lực lượng CSGT Công an tỉnh tiếp tục tăng cường phối hợp để theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị vận tải thực hiện đầy đủ các quy định về kinh doanh vận tải; thực hiện nghiêm việc truyền dẫn và cung cấp đầy đủ, chính xác, liên tục các thông tin bắt buộc theo quy định từ thiết bị giám sát hành trình trong suốt quá trình phương tiện tham gia giao thông.
Từ đó, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh các đơn vị vận tải và xử lý nghiêm khi phát hiện lái xe vi phạm như: chạy quá tốc độ, không truyền dữ liệu liên tục, quá thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày của lái xe. Cùng với đó, lực lượng CSGT, TTGT sẽ xử lý nghiêm xe hợp đồng trá hình, không đảm bảo an toàn giao thông…