Quản lý xe hợp đồng: Nhiều giải pháp mà vẫn khó... quản

09:00 23/08/2024

“Số lượng xe tư nhân hiện nay rất lớn, hàng trăm nghìn xe, lớn hơn xe hợp đồng rất nhiều, để họ tự do kết nối với nhau, khó quản lý. Hà Nội đã có chuyên đề 05, chống xe dù bến cóc nhưng chỉ trong phạm vi xe biển vàng, không kiểm soát được xe biển trắng…”, bà Đỗ Hương Giang - Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải Sở GTVT Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận khi nhắc đến vấn đề quản lý xe hợp đồng.

Đại diện Phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) thông tin, ở Hà Nội hiện có trên 37.000 xe hợp đồng, trong đó 18.000 xe dưới 9 chỗ. Xe tuyến cố định có 3.300 xe. Lượng xe hợp đồng gấp nhiều lần xe tuyến cố định, xe hợp đồng dưới 9 chỗ nhiều hơn xe taxi. Trên địa bàn còn tình trạng xe biển trắng đang hoạt động chở khách âm thầm, không đúng quy định nhưng chế tài quản lý vô cùng khó khăn.

Hà Nội là đơn vị đầu tiên thực hiện kiểm tra sai phạm của xe khách qua thiết bị giám sát hành trình.

Chia sẻ về hoạt động kinh doanh vận tải, ông Nguyễn Công Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho rằng, theo quy định, xe kinh doanh đổi biển vàng, tuy nhiên còn tình trạng phổ biến xe dù không đổi biển, chèn ép xe taxi khi đón khách. Lực lượng quản lý, thanh tra giao thông không đủ để xử phạt. Do đó, cần xác định rõ khái niệm xe hợp đồng, nếu gom khách là vi phạm, còn nếu vào bến, các đơn vị kinh doanh có khó khăn gì cần nêu ra để địa phương điều chỉnh.

“Cứ tình trạng này, thời gian tới taxi sẽ bỏ mào, hoạt động linh hoạt”, ông Hùng bày tỏ lo ngại. Đồng thời, đưa ra ví dụ: Chẳng hạn như Phú Thọ là tỉnh nhỏ, nhưng có tới 1.000 xe ghép. Cạnh sân bay Nội Bài có hơn 1.000 xe ghép, số lượng ngang với trong sân bay. Do đó, cần định nghĩa rõ như thế nào là trá hình, trá hình phải xử lý, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cần quy định, để địa phương cấp phù hiệu căn cứ siết chặt, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp, bến xe. UBND các tỉnh, thành phố giảm bớt điều kiện cho các bến xe, tính theo nhu cầu khách hàng.

Nói về giải pháp “đặc trị” nào để khắc phục tình trạng trên, ở góc độ quản lý bến xe, ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc Bến xe Nước Ngầm đề xuất: Giải pháp hiện cần bàn là chỗ đỗ xe, điểm trả khách cho xe hợp đồng. “Tôi nghĩ rằng bến xe không nên chỉ dành cho xe tuyến cố định mà còn có thể các xe chở khách hợp pháp khác vào bến. Như thế hài hòa hơn lợi ích cho các phương tiện khác. Cơ quan thuế cũng dễ quản lý hơn khi các xe vào bến. Bên cạnh đó có thể thay đổi việc đỗ xe trả khách không cần chỉ 1 sàn, mà có thể nâng lên nhiều sàn”, ông Lập nhấn mạnh.

Liên quan đến ý kiến chế tài mạnh với doanh nghiệp về thu hồi phù hiệu và ý kiến xử lý đưa ra thực hiện hay không, ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) nói sẽ tiếp tục nghiên cứu, đưa vào khi soạn thảo quy định pháp luật. Với xe dưới 8 chỗ được đi xe ghép trong khi taxi kê khai giá, sẽ thực hiện theo hướng dẫn của nghị định hướng dẫn Luật Giá và do UBND tỉnh, thành phố quyết định.

Liên quan đến vấn đề thuế của ngành vận tải, bà Lê Thị Duyên Hải - Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế, Tổng cục Thuế khẳng định, chính sách thuế không có sự khác nhau giữa các hình thức vận tải hành khách hợp đồng, xe tuyến cố định hay taxi. Tất cả đều chịu thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp phát sinh lãi chịu thuế khấu trừ doanh nghiệp…

Đại diện Vụ Kê khai và kế toán thuế cũng cho biết thêm, giải pháp trong ngành tương đối mạnh mẽ, đa số doanh nghiệp vận tải tuân thủ tốt. Dù vậy, ngành thuế vẫn đấu tranh để chống thất thu, tạo môi trường minh bạch, bình đẳng. Hồ sơ nào đến mức phải xử lý hình sự sẽ chuyển tới cơ quan Công an. Tới đây ngành thuế đẩy mạnh chuyên đề rà soát hoạt động kinh doanh vận tải, xem khoảng trống lớn nhất thuộc nhóm doanh nghiệp nào, cần sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với nhau, cơ quan nhà nước với doanh nghiệp để có giải pháp tốt hơn. Không chỉ xe hợp đồng không xuất đủ hoá đơn, xe tuyến cố định cũng có tình trạng không xuất đủ vé. Tuy nhiên, ngành thuế có bằng chứng về xe qua trạm thu và sẽ quản lý doanh nghiệp, cả hợp tác xã, hội kinh doanh.

Đặng Nhật

Những ngày này, đường phố, giao thông Hà Nội đang bị đảo lộn do một số tuyến đường bị ngập sâu trong nước. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng luôn ứng trực giúp người dân đi lại được thuận tiện, an toàn.

Việc tìm kiếm người mất tích tại 2 điểm sạt lở đất gây thương vong lớn tại xóm Bản Cái, thôn Nậm Tông và khu Nhà điều hành Thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc vẫn đang được gấp rút thực hiện với 350 người trực tiếp tham gia, trong đó có hơn 100 CBCS công an.

Trưa 12/9, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai. Tại các khoa điều trị, những người dân vô cùng may mắn đã sống sót sau cơn lũ dữ ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai đang được điều trị tích cực. Nỗi bàng hoàng, đau đớn vẫn vương trên những gương mặt thất thần…

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các địa phương thống kê thiệt hại đến 12h30 ngày 12/9, bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu bão khiến 327 người chết, mất tích (199 người chết, 128 người mất tích), 807 người bị thương.

Để đưa thi thể nạn nhân về huyện Nguyên Bình bàn giao an toàn cho gia đình, CBCS Công an huyện Bảo Lạc phải trực tiếp đi bộ hơn 20km, khiêng thi thể vượt qua nhiều tuyến đường nguy hiểm, do quãng đường di chuyển từ Bảo Lạc sang Nguyên Bình đang bị ách tắc nghiêm trọng vì đất đá sạt lở và mưa lũ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文