Tai nạn đường sắt tăng mạnh: Nhiều lỗi chủ quan từ người dân

07:20 06/06/2025

Trong 5 tháng đầu năm 2025, tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất hiện một số vụ đặc biệt nghiêm trọng tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân còn hạn chế; đồng thời, tình trạng lấn chiếm hành lang đường sắt cũng góp phần làm gia tăng nguy cơ tai nạn.

Số vụ tai nạn tăng 300% trong 5 tháng đầu năm

Bộ Xây dựng cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2025, đã xảy ra 8 vụ TNGT đường sắt, khiến 4 người tử vong, 2 người bị thương - tăng 6 vụ (tăng 300%) và 2 người chết (tăng 100%) so với cùng kỳ năm 2024. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân còn hạn chế. Đồng thời, tình trạng lấn chiếm hành lang đường sắt cũng góp phần làm gia tăng nguy cơ tai nạn.

Trước tình hình này, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường sắt. Các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về giao thông đường sắt; lồng ghép yêu cầu đảm bảo ATGT khi cấp đất, phê duyệt quy hoạch khu dân cư gần đường sắt. Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định hành lang ATGT đường sắt.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trong việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Xây dựng và các địa phương có đường sắt đi qua. Trong đó, cần tổ chức chốt gác hoặc cảnh giới tại các lối đi tự mở nguy hiểm, xây dựng đường gom, hàng rào cách ly, thu hẹp hoặc xóa bỏ các lối đi tự mở trái phép. Tổ chức cắm mốc chỉ giới hành lang ATGT đường sắt và bàn giao cho địa phương quản lý. UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như mở lại lối đi tự mở đã đóng, nhổ cọc chắn, lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt, hoặc cố tình vượt qua đường ngang khi đã có tín hiệu cảnh báo, rào chắn.

Bộ Xây dựng cũng yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam tăng cường tuyên truyền pháp luật đến người dân sống dọc đường sắt, đặc biệt ở khu vực đường ngang, lối đi tự mở có nguy cơ cao. Đồng thời, phối hợp với công an địa phương điều tra nguyên nhân tai nạn và xử lý nghiêm vi phạm về hành lang và quy tắc giao thông tại đường sắt. Với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Bộ yêu cầu tăng cường kiểm tra đội ngũ nhân viên trực tiếp phục vụ chạy tàu, nhất là trực ban, lái tàu, gác đường ngang, gác cầu chung. Cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân chủ quan để xảy ra tai nạn.

Ngoài ra, tiếp tục thực hiện các kế hoạch xây dựng hạ tầng an toàn như đường gom, hàng rào cách ly, xóa bỏ lối đi tự mở trái phép, cắm mốc hành lang ATGT đường sắt và bàn giao quản lý theo quy định.

Tai nạn đường sắt tăng mạnh: Nhiều lỗi chủ quan từ người dân -0
Ảnh minh họa.

Hành vi ném đất, đá, chất bẩn lên các đoàn tàu liên tục xảy ra

Cũng liên quan đến trật tự ATGT đường sắt,  Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Lê Kim Thành thông tin, từ đầu năm đến nay, vi phạm pháp luật về trật tự ATGT đường sắt với các hành vi ném đất, đá, chất bẩn lên các đoàn tàu liên tục xảy ra, có chiều hướng tăng và diễn biến rất phức tạp, đe dọa trực tiếp đến an toàn chạy tàu. Những hành vi này đã gây nhiều thiệt hại về tài sản cho ngành đường sắt, ảnh hưởng tới tâm lý của hành khách và nhân viên đường sắt làm việc trên các đoàn tàu.

Theo thống kê, từ ngày 1/1 đến ngày 12/5/2025, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 57 vụ ném đất, đá lên tàu. Nhiều nhất phải kể đến là tỉnh Khánh Hòa với 13 vụ, kế đến là Đồng Nai 6 vụ, Quảng Bình 5 vụ, thành phố Huế 5 vụ, Ninh Thuận 5 vụ, Quảng Ngãi 3 vụ, Bình Định 3 vụ. Các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Nam, Phú Yên, Lào Cai mỗi địa phương xảy ra 2 vụ. Ngoài ra, tình trạng này còn xảy ra tại một số địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Quảng Trị, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Bình Thuận.

Để ngăn chặn các hành vi vi phạm, nâng cao an toàn chạy tàu, giữ gìn an ninh trật tự cũng như tạo được hình ảnh đẹp trong con mắt bạn bè quốc tế khi khôi phục, tổ chức vận hành tàu khách liên vận giữa Việt Nam và Trung Quốc qua cửa khẩu Đồng Đăng-Bằng Tường, Ủy ban ATGT quốc gia đề nghị Ban An toàn giao thông 34 tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm phối hợp, hỗ trợ các đơn vị đường sắt đóng, trú trên địa bàn.

Chính quyền địa phương (xã, phường) dọc hai bên đường sắt, các trường học, trung tâm giáo dục, dạy nghề... thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân, học sinh thực hiện các quy định pháp luật về trật tự ATGT đường bộ, đường sắt; tổ chức ký cam kết không ném đất, đá, chất bẩn lên các đoàn tàu; tổ chức phát thanh trên các phương tiện truyền thông, tuyên truyền việc nghiêm cấm các hành vi vi phạm (ném đất, đá, chất bẩn lên tàu) và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định pháp luật.

Phạm Huyền

Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, CSGT huy động 14 tàu, xuồng và hơn 200 CBCS phối hợp với các lực lượng và ngư dân chia thành 28 mũi để triển khai ngay các biện pháp tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, đưa người bị thương vào cấp cứu tại các bệnh viện, bảo vệ tài sản của người bị nạn.

Ngày 20/7, trước diễn biến khó lường của cơ bão số 3, với nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến TP Hải Phòng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã phát đi công điện khẩn, yên cầu lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn, tập trung ở cấp độ cao nhất, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bão.

Vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh 58, số đăng ký QN-7105 tại Quảng Ninh đến nay vẫn làm bàng hoàng dư luận cả nước. Sau tai nạn thương tâm trên, nhiều người đặt câu hỏi: Kỹ năng nào để có thể sống sót trên biển khi tàu gặp nạn?

Bão Wipha (bão số 3) đã tăng lên cấp 11-12 (103-133 km/h) giật cấp 15. Theo dự báo, bão sẽ đổ bộ vào vùng ven biển Quảng Ninh - Ninh Bình ngày 21/7 với cường độ cấp 10-11, giật cấp 14. Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đã có chỉ dẫn, khuyến cáo người dân để đảm bảo an toàn trước, trong và sau bão.

Thông tin về tình hình giải ngân vốn đầu tư công ở các dự án trọng điểm, ông Đậu An Phúc, Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP Hồ Chí Minh (Ban Hạ tầng) cho biết năm nay Ban hạ tầng được giao giải ngân 12.029 tỷ đồng vốn đầu tư công. Tuy nhiên, đến tháng 6 vừa qua mới chỉ có hơn 912 tỷ đồng được giải ngân…

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 7h ngày 20/7, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 21,7 độ vĩ Bắc, 114,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc biển Đông, cách Quảng Ninh, Hải Phòng khoảng 705 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất gần tâm bão mạnh cấp II (103 - 117 km/giờ) giật cấp 14; di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20 – 25 km/h…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.