Vấn nạn xe khách hoành hành trong nội đô TP Hồ Chí Minh

Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý trách nhiệm người đứng đầu (bài cuối)

06:49 24/10/2023

Mục tiêu đặt ra trong Quyết định năm 2013 về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ là cải tạo, xây dựng, chuyển công năng bến bãi để hình thành 7 bến xe khách liên tỉnh. Trong đó ưu tiên tập trung đầu tư phát triển vận tải hành khách đô thị, đặc biệt là vận tải khối lượng lớn, tổ chức các đầu mối vận tải để giảm thiểu lượng xe trung chuyển đi vào trung tâm gây ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường.

Ngày 25/5/2023, Ban Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị số 23 CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo TTATGT trong tình hình mới; Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ. Thế nhưng đến nay TP Hồ Chí Minh vẫn chưa thể lập lại trật tự vận tải khách liên tỉnh…

Còn nhiều bất cập, chồng chéo

Với quyết tâm lập lại trật tự vận tải khách liên tỉnh tại TP Hồ Chí Minh, ngày 22/9/2020 ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT đã chủ trì cuộc họp về tình trạng xe hợp đồng đón trả khách không đúng quy định trên địa bàn. Khi đó ông Trần Quang Lâm đã giao Thanh tra Sở GTVT khẩn trương thành lập tổ kiểm tra chuyên đề để kiểm tra, xử lý xe hợp đồng và du lịch hoạt động trá hình như xe tuyến cố định. Nhất là những nhà xe thường xuyên tổ chức đón, trả khách không đúng quy định tại các tuyến đường Lê Hồng Phong, Nguyễn Chí Thanh, Sư Vạn Hạnh, Hùng Vương, Nguyễn Duy Dương, Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Hồng Gấm, Đề Thám, Phạm Ngũ Lão…

Ông Lâm cũng chỉ đạo Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, triển khai lắp đặt biển báo cấm dừng xe và đỗ xe hoặc cấm đỗ xe trên các đoạn đường trong danh sách 107 điểm có tổ chức hoạt động đón, trả khách trước trụ sở hoặc trong khuôn viên trụ sở, bãi xe trên địa bàn.

Bến “cóc” rất lớn tồn tại hàng chục năm trên đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.

Theo yêu cầu của Giám đốc Sở GTVT, các đơn vị trực thuộc phải nghiên cứu, đề xuất hạn chế lưu thông phương tiện trên 16 chỗ tại các tuyến đường thường xuyên có tổ chức đón, trả khách không đúng quy định. Điều chỉnh hoặc bổ sung vị trí lắp đặt một số camera giám sát tại các tuyến đường thường xuyên có tổ chức đón, trả khách không đúng quy định khu vực trung tâm thành phố, phục vụ việc xử phạt vi phạm qua hình ảnh.

Nghiên cứu vành đai và đề xuất phương án tổ chức hạn chế hoạt động của phương tiện trên 30 chỗ trong khu vực trung tâm thành phố. Phó Giám đốc Sở GTVT Võ Khánh Hưng chịu trách nhiệm làm việc với các đơn vị vận tải thường xuyên tổ chức đón, trả khách không đúng quy định. Đồng thời khẳng định Sở GTVT sẽ có văn bản gửi đến Sở GTVT các tỉnh, thành phố có doanh nghiệp vận tải hoạt động vận chuyển hành khách theo hợp đồng và du lịch tương tự như hình thức xe tuyến cố định thường xuyên tổ chức đón, trả khách không đúng quy định trên địa bàn thành phố để chấn chỉnh, chế tài.

Để xử lý vấn nạn xe “dù”, bến “cóc” tràn lan, ngày 15/12/2022 vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh tiếp tục ban hành kế hoạch tăng cường đảm bảo trật tự hoạt động vận tải khách bằng xe ôtô trên địa bàn. Ngay sau đó, nhiều quận, huyện đã xây dựng kế hoạch triệt xóa xe “dù”, bến “cóc”, nhưng đến nay, xe “dù”, bến “cóc”, xe hợp đồng trá hình ngày càng lộng hành hơn. Trong khi đó, theo ông Đàm Phan Phát, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, quy định của Luật Thanh tra 2022 có hiệu lực từ 1/7 vừa qua thì một mình lực lượng Thanh tra GTVT không còn được quyền tự lên kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT của những đối tượng như xe khách ở ngoài đường. Muốn kiểm tra, xử lý vi phạm về TTATGT, Thanh tra GTVT phải phối hợp với lực lượng khác. Trong khi các lực lượng chuyên trách khác cũng đang quá tải nên Thanh tra GTVT phải “năn nỉ” các đơn vị phối hợp lên kế hoạch để căn cứ vào đó Thanh tra GTVT phê duyệt và giao trách nhiệm cho các đội chuyên trách tham gia.

Lý giải về tình trạng vài trăm trường hợp xe khách vi phạm mỗi tháng được camera của BXMĐ mới ghi nhận nhưng không được xử phạt, ông Phát cho hay, điều kiện để được kết nối vào hệ thống camera giám sát giao thông của thành phố là thiết bị phải được đầu tư từ vốn ngân sách. Trong khi đó, camera này do bến xe tự bố trí vốn của doanh nghiệp Nhà nước nên cần làm rõ vấn đề vốn đầu tư lắp đặt có phải từ ngân sách hay không mới có thể được kết nối. Vì vậy, việc xác minh, xử lý vi phạm của xe khách bằng hình ảnh do camera này ghi lại là không đơn giản.

Cần cụ thể hoá việc thực hiện các quy định

Thông tin về công tác kiểm tra, xử lý xe ôtô đón trả khách không đúng nơi quy định với Bộ GTVT vào tháng 9/2022, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã nêu ra một loạt vướng mắc trong việc xử lý xe “dù”, bến “cóc”.

Theo ông Cường, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định xử phạt đối với hành vi thành lập điểm giao dịch, đón trả khách trái phép. Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan chưa có khái niệm hoặc quy định thế nào là điểm giao dịch, đón trả khách trái phép. Điều này khiến lực lượng chức năng rất khó xác định hành vi vi phạm và chủ thể vi phạm là ai, bên sở hữu nhà và quyền sử dụng đất tại địa điểm vi phạm hay cá nhân, tổ chức_thuê địa điểm vi phạm để kinh doanh. Đồng thời, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng đã kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo khẩn trương nâng cấp hệ thống xử lý và khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ để làm cơ sở xử lý. Trường hợp chưa thể nâng cấp ngay, thì cần có cơ chế, thủ tục chia sẻ dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ôtô cho Sở GTVT TP Hồ Chí Minh để truy xuất, khai thác dữ liệu, xử lý xe vi phạm.

Trong khi đó, nhìn sang một số địa phương ở phía Bắc là tỉnh Tuyên Quang, từ ngày 8/9/2020 Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quy chế hoạt động của tổ công tác liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm đối với xe hợp đồng trá hình, xe kết hợp và các xe ôtô vận chuyển khách trái quy định trên địa bàn.

Tại tỉnh Thái Nguyên, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 28/7 vừa qua Sở GTVT đã có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố đề nghị rà soát tình hình vi phạm các quy định về vận tải hành khách, thực trạng xe “dù”, bến “cóc”, xe trá hình chạy tuyến cố định, xe ghép, xe tiện chuyến trên địa bàn. Hiệp hội vận tải ôtô Thái Nguyên phối hợp rà soát, thông tin về các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải về tình hình trên. Ngày 10/8 vừa qua, Công an tỉnh Thái Nguyên cũng đã mời các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn dự hội nghị tuyên truyền và ký cam kết chấp hành quy định về trật tự ATGT.

Theo UBND quận 5, địa bàn quận là nơi tập kết hàng chục bệnh viện lớn của thành phố và Trung ương cùng nhiều trường học, chợ, trung tâm thương mại… nên nhu cầu đi lại của người dân từ các tỉnh, thành khác đến TP Hồ Chí Minh là rất lớn, trong khi việc di chuyển đến các bến xe đầu tuyến lại xa và mất nhiều thời gian.

Nắm được nhu cầu này cùng với tâm lý ngại đi xa của hành khách, doanh nghiệp vận tải đã mở rất nhiều phòng vé trên địa bàn quận 5, trong đó nhiều đơn vị vận tải đã lợi dụng điểm bán vé để đón, trả khách sai quy định. Dù vậy, công tác tuần tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý đối với hành vi ôtô khách dừng trên các tuyến đường không lắp biển báo cấm dừng, đỗ xe khách hoặc cấm đỗ xe ôtô như Hồng Bàng, Ngô Gia Tự, Trần Hưng Đạo… sau đó bố trí người cảnh giới để chạy vào các điểm kinh doanh để đón trả khách trong khoảng thời gian rất ngắn, từ 2-3 phút.

Theo UBND quận 5, việc thí điểm cấm xe khách giường nằm vào nội đô từ 6-22h hàng ngày đã đạt kết quả khả quan. Do đó để hạn chế xe “dù”, bến “cóc”, UBND quận 5 kiến nghị thành phố cấm luôn cả xe khách liên tỉnh vào trung tâm 24/24h, trừ những xe phục vụ mục đích khác.

Đồng quan điểm này, bà Diệc Tuyết Mai, Chủ tịch UBND phường 4 (quận 5), một địa bàn nóng về xe “dù”, bến “cóc” cho rằng, do không thể lắp đặt biển báo cấm dừng, cấm đỗ đối với xe khách trên tất cả các tuyến đường để có thể kiểm soát, xử phạt. Do đó để dẹp tình trạng trên, cần cấm xe khách chạy tuyến liên tỉnh ra vào các quận trung tâm của thành phố 24/24h, trừ những xe phục vụ các hoạt động khác.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, đại diện Công ty Vận tải khách H.B cho rằng, ở TP Hồ Chí Minh việc quản lý xe hợp đồng trá hình được thực hiện bằng cách thanh tra, kiểm tra hoặc là đặt bảng cấm ở một số tuyến đường. Điều này giống như việc “bắt cóc bỏ đĩa” vì cấm chỗ này doanh nghiệp quay sang chỗ khác hoạt động. Do vậy, để dẹp xe “dù”, bến “cóc”, chính quyền thành phố cần quyết liệt trong việc chỉ rõ doanh nghiệp vận tải nào là xe hợp đồng du lịch, doanh nghiệp nào là xe hợp đồng trá hình chạy hàng ngày trên tuyến cố định.

Theo ông Tuấn, những doanh nghiệp thực sự hoạt động cho thuê xe hợp đồng du lịch, thực hiện tour, đưa đón học sinh, công nhân… việc kinh doanh tương đối rõ ràng. Riêng đối với các doanh nghiệp vận tải chạy xe hợp đồng trá hình, mỗi tuyến cố định từ TP Hồ Chí Minh về các tỉnh đều có khoảng trên dưới 10 doanh nghiệp hoạt động hàng ngày bao gồm cả hình thức xe hợp đồng và hình thức xe tuyến cố định. Các doanh nghiệp này công khai nhận đặt vé, bán vé qua app, qua điện thoại, trang web và quảng cáo rầm rộ hành trình, giờ xuất bến cố định. Hành khách đều biết, doanh nghiệp biết, bến xe biết, cơ quan quản lý Nhà nước đều biết. Chỉ cần chính quyền và cơ quan chức năng yêu cầu các doanh nghiệp xe hợp đồng cam kết không chạy “dù” và mở bến “cóc”, nếu phát hiện vi phạm sẽ rút giấy phép kinh doanh. Sau khi doanh nghiệp cam kết, Sở GTVT tổ chức tiếp nhận các phản ảnh của người dân, bến xe, các doanh nghiệp vận tải để thanh tra, kiểm tra các dấu hiệu vi phạm.

Ông Tuấn đề nghị, tại một số tuyến đường, khu vực có tập trung các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, Sở GTVT cần thực hiện việc gắn camera phạt nguội, ứng dụng, sử dụng công nghệ nhằm tránh để xảy ra tình trạng tiêu cực, lợi ích nhóm. Đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra việc kê khai, nộp thuế của các doanh nghiệp kinh doanh xe hợp đồng, tập trung vào các doanh nghiệp chạy xe hợp đồng trá hình. Chỉ cần khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để quản lý thuế. Ngoài ra thông qua biểu đồ chạy xe, giá vé của các doanh nghiệp niêm yết công khai, cơ quan thuế hoàn toàn có thể tính được doanh thu của mỗi chuyến xe. Bởi thông thường, các doanh nghiệp vận tải chỉ duy trì hoạt động được khi tỉ lệ lấp đầy ghế đảm bảo trên 50%, từ đó đối chiếu lại với số tiền nộp thuế của doanh nghiệp để truy thu, xử phạt.

Ông Tuấn nhìn nhận, hiện tại các Sở GTVT các tỉnh chưa có sự liên kết, quản lý chặt chẽ đối với doanh nghiệp vận tải khách. Phương tiện đăng ký kinh doanh ở tỉnh, thành khác khi vi phạm tại thành phố, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh chỉ thực hiện bằng văn bản đề nghị rút phù hiệu gửi các sở địa phương khác chứ không thể thực hiện việc thu hồi phù hiệu trực tiếp. Việc cấp, phát, thu hồi phù hiệu cũng chưa được quản lý triệt để, chưa có sự liên kết giữa các Sở GTVT dẫn đến doanh nghiệp có thể dễ dàng né luật khi vi phạm.

Đối với xe tuyến cố định, ông Tuấn đề nghị cần quy định chỉ được phép hoạt động ngoài khu vực đường vành đai. Đồng thời cần ngưng ngay các tuyến cố định chạy xuyên tâm thành phố qua đại lộ Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ. Bởi điều này gây nên tình trạng ùn tắc, kẹt xe trong nội thành, các doanh nghiệp lợi dụng để đón trả khách ở khu vực này.

Ông Hoàng Duy Kha, Giám đốc HTX Vận tải Đông Bắc: Xe "dù", xe hợp đồng trá hình đã tràn lan khắp thành phố, CSGT hay Thanh tra GTVT khó có thể đủ nhân lực để xử lý được hết. Xe “dù” ra vào các bến “cóc”, xe trá hình đón trả khách, lên xuống hàng hóa rầm rộ hàng ngày tại trụ sở ai cũng thấy. Do đó, để lập lại trật tự vận tải khách liên tỉnh, TP Hồ Chí Minh cần vào cuộc quyết liệt và xử lý trách nhiệm người đứng đầu mới có thể dẹp được xe “dù”, bến “cóc” và xe hợp đồng trá hình.

Bảo Sơn – Đức Mừng

Tiếp tục mở rộng điều tra vụ án “Mua bán trái phép hóa đơn GTGT, trốn thuế, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Cổ phần xi măng Hạ Long, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt tạm giam nguyên Tổng giám đốc của công ty này.

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” và “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty Trung Hậu 68, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang và các đơn vị liên quan.

Theo điều tra, Công ty CP đầu tư xây dựng Hùng Phát Group (có địa chỉ tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông), nay đổi tên thành Công ty CP tập đoàn đầu tư Hùng Phát Group (địa chỉ số 6 phố Hoàng Sâm, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) do Lê Phú Long (SN 1989, quê quán tỉnh Thanh Hóa, trú tại huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) là đại diện pháp luật.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, Chủ tịch HĐTV Công ty Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) Trần Tuyết Mai đã sử dụng sai Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) gây thiệt hại hơn 317 tỷ đồng. Ngoài ra, bị can Mai còn dùng hai hệ thống sổ sách kế toán để không đóng hàng chục tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường.

Ngày 10/1, đại diện VKSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tiến hành luận tội và đề nghị mức hình phạt đối với 144 bị cáo có đơn kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam) ĐKVN), 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

Ngày 10/1, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với bị cáo Phạm Thị Tuyết Nhung (Giám đốc Công ty Angel Lina và Công ty Thương mại Dịch vụ Hoàng Gia), Trần Thị Hồng Hạnh (Giám đốc Công ty Hoàng Kim Land) cùng 7 đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Chiều 10/1, Trung tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an dự và chỉ đạo hội nghị tổng kết công tác Công an năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Công an TP Cần Thơ. Về phía địa phương có đồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ. Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ chủ trì hội nghị. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文