Tháo gỡ các điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam

08:44 24/09/2023

Mặc dù được đánh giá là quyết liệt, đi đầu trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) song tính đến thời điểm này, dự án cao tốc Bắc - Nam với chiều dài hơn 100km đi qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn nhiều điểm vướng khâu GPMB. Địa phương này đang tập trung tháo gỡ để sớm bàn giao mặt bằng sạch cho các đơn vị thi công, đảm bảo dự án về đích đúng tiến độ.

Là một trong số 14 hộ dân trên địa bàn xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) thuộc diện di dời, chuyển đến khu tái định cư (TĐC) để nhường đất cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn, nhưng đến nay vẫn chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, ông Phan Văn Kỳ (SN 1957), trú tại thôn Phúc Lộc cho biết: Khu vườn hiện tại gia đình ông đang sở hữu có diện tích hơn 200m2, nằm trong phạm vi GPMB cao tốc Bắc - Nam, được áp giá 626 triệu đồng. Quá trình bốc thăm để chuyển đến khu TĐC mới Đông Vĩnh, ông Kỳ bốc được lô đất số 18, lối 1 với diện tích 220m2, được định giá hơn 1 tỷ đồng.

Hình hài dự án cao tốc Bắc Nam đoạn giáp ranh Hà Tĩnh – Quảng Bình.

Như vậy, để được chuyển đến nơi ở mới, ông Kỳ phải nộp thêm số tiền 400 triệu đồng, đó là chưa kể gia đình phải tự bỏ kinh phí ra để xây dựng ngôi nhà mới cũng như các công trình phụ trợ với kinh phí không dưới 1 tỷ đồng.

"Tôi là thương binh 1/4, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, bản thân thường xuyên đau ốm nên không có thêm tiền để thêm vào. Mong muốn của bản thân là được chính quyền có chính sách hỗ trợ hoặc đổi ngang đất cho gia đình", ông Kỳ bày tỏ tâm nguyện. Tương tự, ông Nguyễn Lương (SN 1959), trú tại thôn Đông Vĩnh, xã Kim Song Trường có mảnh đất tổng diện tích 846,8m2 thì có đến 664,8m2 cùng nhà cửa, tài sản trên đất nằm trong mốc GPMB dự án.

Qua kiểm đếm, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và TĐC dự án cao tốc Bắc - Nam huyện Can Lộc xác định trong số diện tích đất bị thu hồi chỉ có 390m2 là đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm. Tuy nhiên, gia đình ông Lương chưa đồng thuận giao đất khi cho rằng toàn bộ diện tích đất hiện tại của ông đều là đất ở, nên đề nghị Hội đồng đền bù phải áp giá đất ở. Do chưa có sự đồng thuận nên đến thời điểm này, ông Lương cũng chưa nhận tiền đền bù GPMB.

Được biết, Kim Song Trường là một trong 9 xã, thị trấn của huyện Can Lộc bị ảnh hưởng bởi dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua với tổng chiều dài 6,34km, 118 hộ bị ảnh hưởng đất ở, trong đó có 71 hộ thuộc diện TĐC. Đến nay, vẫn còn 14 hộ dù đã bốc thăm nhận đất tại các khu TĐC nhưng vẫn chưa đồng ý nhận tiền bồi thường. Mặc dù Hội đồng bồi thường GPMB và chính quyền đã nhiều lần trực tiếp xuống tận các hộ dân để tuyên truyền, vận động và tổ chức đối thoại, song vẫn chưa nhận được sự đồng thuận.

Theo ông Trần Mạnh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, những vướng mắc liên quan đến GPMB trên địa bàn, chủ yếu tập trung tại xã Kim Song Trường, do người dân thắc mắc về giá đất bồi thường, giá tài sản thấp, chi phí thuê nhà ở thấp... Đối với các hộ dân này, hướng xử lý sắp tới sẽ chuyển kinh phí vào tài khoản tạm giữ của kho bạc nhà nước và chuẩn bị các phương án bảo vệ thi công hoặc cưỡng chế theo quy định.

Tính đến thời điểm này, tỉnh Hà Tĩnh đã 2 lần tổ chức bảo vệ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam do một số vướng mắc về công tác đền bù GPMB không thể tháo gỡ. Ngày 18/7/2023, UBND huyện Can Lộc phối hợp với các cơ quan, đơn vị và UBND xã Khánh Vĩnh Yên tổ chức bảo vệ thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn thôn Chiến Thắng, xã Khánh Vĩnh Yên do 39 hộ dân có đơn kiến nghị liên quan tới việc bồi thường diện tích đất màu tại xứ đồng Cửa Đình.

Mặc dù đã nhiều lần tổ chức gặp mặt, đối thoại giải đáp các thắc mắc, tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận và nhận thức được phần đất các hộ dân yêu cầu không đủ điều kiện bồi thường về đất theo quy định pháp luật nhưng các hộ dân vẫn cố tình không chấp hành, cản trở thi công. Do đó, huyện Can Lộc đã tổ chức bảo vệ thi công và quá trình các lực lượng thực hiện nhiệm vụ không gặp hành vi cản trở nào.

Trước đó, vào tháng 6/2022, UBND xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) cũng đã tổ chức lực lượng bảo đảm ANTT tại khu vực thi công đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đi qua thôn Vĩnh Phúc. Nguyên nhân, tại khu vực này có 10.332,8m2 diện tích đất màu, từ năm 2009 đã được chuyển đổi sang đất công ích thuộc xã Quang Vĩnh quản lý cho đến nay. Tuy vậy, một số hộ dân cho rằng, diện tích đất nông nghiệp này vẫn thuộc quyền sở hữu của cá nhân mình và đã tập trung gây cản trở, không cho nhà thầu tiến hành thi công. Quá trình bảo vệ, nhà thầu đã thi công thuận lợi đảm bảo an toàn, đáp ứng tiến độ đề ra.

Nút giao cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt với Bãi Vọt - Hàm Nghi trên địa bàn huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Tại huyện Kỳ Anh, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn huyện này tính đến nay vẫn còn 15 hộ chưa nhận tiền, chưa bàn giao mặt bằng. Trong đó, xã Kỳ Phong có 13 hộ và xã Kỳ Trung 2 hộ, cùng với một hộ tại xã Kỳ Văn đã bàn giao mặt bằng nhưng chưa nhận tiền. Theo lãnh đạo huyện Kỳ Anh, vướng mắc tại các vị trí này chủ yếu là do người dân có những kiến nghị phát sinh như có 2 dòng họ tại xã Kỳ Văn và Kỳ Trung đề xuất cấp đất để xây dựng nhà thờ; hoặc có 2 hộ dân xây dựng công trình trên đất nông nghiệp sau thời điểm 1/7/2014, hiện phải chờ UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo.

Ngoài ra, còn một số vướng mắc liên quan đến di dời mỏ khai thác đá Đá Hàn của Công ty CP Hồng Sơn, hiện nay huyện cũng đang tập trung để thống nhất phương án di dời. Một số trang trại chăn nuôi, mỏ vật liệu xây dựng cũng đang là điểm nghẽn trên địa bàn huyện Thạch Hà, hiện các địa phương này đang nỗ lực phối hợp với chủ doanh nghiệp, tiến hành kiểm đếm, áp giá đền bù để sớm bàn giao mặt bằng "sạch" cho các đơn vị thi công thực hiện dự án. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Sáu, tuyến chính cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đi qua 7 xã của huyện có tổng chiều dài 18,27 km.

Để thực hiện dự án, toàn huyện cần bàn giao hơn 170 ha đất các loại với gần 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng, xây dựng 8 khu TĐC, 1 nghĩa trang và di dời hạ tầng đường điện cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật. Phần diện tích mặt bằng phải bàn giao còn lại là không lớn, nhưng hiện đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, có một trang trại chăn nuôi lợn nái của hộ dân ở xã Việt Tiến, dù đã kiểm đếm đất, tài sản và lên phương án bồi thường để di chuyển nhưng chủ trang trại chưa đồng ý và yêu cầu bồi thường toàn bộ đàn lợn nái 600 con. Ngoài ra, trang trại của hộ dân trồng cây tràm trà Australia ở xã Lưu Vĩnh Sơn cũng đã kiểm đếm, áp giá và công khai phương án nhưng hộ gia đình vẫn chưa đồng ý.

Được biết, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 qua địa bàn Hà Tĩnh có chiều dài 102,38km, gồm đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng và Vũng Áng - Bùng. Ngoài ra, còn có 3 tuyến đường kết nối cao tốc dài 12,18km là đường Ngô Quyền - ĐT.550, đường song hành cao tốc nối ĐT.550 - Hàm Nghi kéo dài và đường Cẩm Quan - quốc lộ 1A. Để thực hiện dự án, Hà Tĩnh cần bàn giao 1.000 ha đất các loại với hơn 8.500 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 404 hộ tái định cư; 746 hộ ảnh hưởng một phần tài sản, vật kiến trúc, cây cối; xây dựng 26 khu TĐC, 4 nghĩa trang; di dời hệ thống đường điện cao thế, trung thế, hạ thế và các công trình, hạ tầng kỹ thuật khác.

Đến thời điểm này, địa phương đã hoàn thành việc kiểm đếm; thực hiện việc áp giá, phê duyệt phương án bồi thường đạt hơn 99% và bàn giao mặt bằng đạt trên 98%, giải ngân nguồn vốn GPMB đạt 2.127/2.853,43 tỉ đồng (đạt 74,54%). 26 khu TĐC và 4 khu nghĩa trang đã triển khai xây dựng, trong đó 8 khu hoàn thành.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, Hà Tĩnh luôn nằm trong "top đầu" về bàn giao mặt bằng trong 12 địa phương có các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đi qua địa bàn. Địa phương này cũng được ghi nhận rất quyết liệt trong tháo gỡ các vướng mắc liên quan tới công tác GPMB và nguồn VLXD thi công dự án.

Thiên Thảo

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước một loạt thách thức lớn. Từ những căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Ukraine và Trung Đông, cho đến những vấn đề nội tại như lạm phát và bất ổn thị trường lao động, bức tranh kinh tế thế giới mang đến cả những tín hiệu tích cực lẫn bài học quý giá. Các nền kinh tế lớn và mới nổi đều tìm cách vượt qua nghịch cảnh, tạo động lực để tiếp tục tiến lên trong bối cảnh biến động không ngừng.

Với khoảng 1,2 triệu lao động từ các tỉnh, thành khác đến Bình Dương sinh sống và làm việc đã góp phần rất lớn để phát triển kinh tế của vùng đất công nghiệp Bình Dương. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng kéo theo không ít đối tượng "đầu trộm đuôi cướp", "đá cá lăn dưa" và những thành phần bất hảo, côn đồ tìm đến ẩn náu và gây án…

Từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép các trường phổ thông được xây cao không quá 5 tầng, thay vì 3-4 tầng như hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, sự điều chỉnh này là hướng mở phù hợp, cần thiết nhằm góp phần giải quyết bài toán quá tải trường lớp ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi quỹ đất để xây trường trong nội thành ngày càng eo hẹp.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Mê Linh, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ tai nạn giao thông xảy ra khoảng 5h10' ngày 27/11/2024 tại đường Mê Linh theo hướng từ đường Võ Văn Kiệt đi tỉnh Vĩnh Phúc thuộc xóm Soi, thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội giữa xe ôtô BKS 29C - 733.12 với người đi bộ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文