Thích ứng với xu thế mở cửa đường bay quốc tế

08:37 27/02/2022

Sau hơn 2 năm nhiều máy bay của các hãng phải “ngủ đông” vì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thì từ ngày 15/2, việc dỡ bỏ hạn chế tần suất các đường bay quốc tế có thể coi là một động thái tích cực, chính thức bình thường trở lại hoạt động hàng không của Việt Nam.

Tuy nhiên, để những chuyến bay có thể cất cánh một cách an toàn, các hãng hàng không có cơ hội vươn xa, cạnh tranh với thị trường quốc tế, còn cần rất nhiều yếu tố cũng như thách thức phải đối mặt. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Công an nhân dân đã có cuộc trao đổi cùng ông Đinh Việt Sơn - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam.

PV: Xin ông cho biết,việc hàng không Việt Nam dỡ bỏ hạn chế tần suất các đường bay quốc tế được dựa trên cơ sở nào?

Ông Đinh Việt Sơn: Việc dỡ bỏ các hạn chế trong hoạt động khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ và không thường lệ đi/đến Việt Nam được triển khai trên cơ sở nội dung chỉ đạo từ các nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch khôi phục lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ. Để thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam đã chủ động làm việc với các nhà chức trách hàng không của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới để xúc tiến việc khôi phục hoạt động khai thác thường lệ.

Cho đến nay, hành khách quốc tế nói chung và công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nói riêng đã có thể nhập cảnh Việt Nam qua các chuyến bay thường lệ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Bắc (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Campuchia, Lào, Hoa Kỳ, Úc, Anh, Pháp, Đức, Nga và không thường lệ từ Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia, Qatar, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ.

PV: Ông đánh giá thế nào về những thuận lợi cũng như khó khăn của các hãng hàng không Việt Nam tại thời điểm sau khi mở cửa trở lại các đường bay quốc tế thường lệ?

Ông Đinh Việt Sơn: Từ ngày 15/2, Việt Nam đã dỡ bỏ các hạn chế đối với hoạt động vận chuyển hành khách trên các chuyến bay quốc tế thường lệ và không thường lệ. Vận chuyển hàng không quốc tế nói chung và vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam nói riêng có những thuận lợi do Chính phủ nhiều nước đã có chính sách nới lỏng quy định về nhập cảnh và mở cửa du lịch. Các hãng hàng không Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, đội tàu bay... để khai thác trở lại các đường bay quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn đối với các hãng hàng không Việt Nam như hiện tại tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp tại Việt Nam và trên thế giới.

Hiện tại, hai dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh cảng HKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang triển khai, năng lực khai thác sân bay vẫn còn hạn chế, ít nhất đến tháng 4/2022. Trên thế giới, một số quốc gia vẫn thực hiện chính sách hạn chế mở cửa, hoặc tiếp tục đóng cửa. Giá xăng dầu leo thang cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch của hãng hàng không Việt Nam. Hiện nay, tình hình chiến sự tại  Ukraine nếu lan rộng thì có thể có khả năng ảnh hưởng đến các đường bay đi châu Âu của các hãng (phải bay vòng, bay tránh ...).

Ông Đinh Việt Sơn - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam.

PV: Dù mở cửa trở lại nhưng các chuyến bay chưa sôi động, cộng thêm việc giá xăng dầu liên tục tăng cao, điều này có tác động nhiều đến giá vé máy bay quốc tế. Nhằm tránh việc các hãng tăng giá vé như một số đường bay nội địa sau Tết, Cục Hàng không có giải pháp nào để đảm bảo quyền lợi cho hành khách trong bối cảnh này?

Ông Đinh Việt Sơn: Theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam, các điều ước quốc tế Việt Nam tham gia cũng như thông lệ quốc tế, nhà nước chỉ can thiệp vào giá vé khi có hiện tượng cao bất thường hoặc thấp quá mức (bán phá giá), giá vé vận tải hàng không quốc tế cơ bản được hình thành trên cơ chế thị trường cạnh tranh. Hiện nay, đã có 39 đường bay quốc tế đến 20 quốc gia/vùng lãnh thổ, việc tiếp tục mở thêm đường bay quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam tăng thêm yếu tố cạnh tranh về giá và chất lượng dịch vụ, thêm lựa chọn chuyến bay cho hành khách.

Ví dụ: Trước đây, thị trường Việt Nam - Mỹ chỉ có Vietnam Airlines thực hiện một số chuyến bay giải cứu, combo. Tuy nhiên, khi mở cửa thị trường, hành khách có thêm nhiều lựa chọn, có thể bay từ Mỹ về Việt Nam qua các điểm quá cảnh tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hoặc bay thẳng trên chuyến bay của Vietnam Airlines. Như vậy, với việc đa dạng về đường bay, sẽ có nhiều giá vé cạnh tranh, không thể nâng giá.

PV: Hiện mỗi ngày Việt Nam có bao nhiêu chuyến bay quốc tế đi/ đến? Tần suất hoạt động của các hãng trong và ngoài nước từ ngày 15/2 đến nay như thế nào? So với thời điểm năm 2021 và thời điểm trước khi bùng phát dịch năm 2019, lượng khách tăng, giảm ra sao, thưa ông?

Ông Đinh Việt Sơn: Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã mở lại các đường bay quốc tế đi/đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ (so với lịch bay mùa đông năm 2019, thời điểm trước dịch là 28 quốc gia và vùng lãnh thổ), bao gồm: Campuchia, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Qatar, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Lào, Trung Quốc, Pháp, Đức, Anh, Úc, Nga và Mỹ. Còn 8 quốc gia và vùng lãnh thổ chưa mở lại các đường bay là Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Ma Cao, Phần Lan, Ý, Thụy Sỹ.

Tần suất khai thác các đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam là 370 chuyến/tuần/chiều, tương đương 53 chuyến bay/chiều/ngày, trong khi tần suất khai thác các đường bay quốc tế theo lịch bay mùa đông năm 2019 là 4.185 chuyến/tuần/chiều, tương đương 598 chuyến/chiều/ngày. Ước sản lượng vận chuyển hành khách quốc tế tháng 3/2022 đạt 112 nghìn khách, tăng 166% so với tháng 3/2021 nhưng vẫn còn giảm 84,5% so với tháng 3/2020.

PV: Trong khi dịch bệnh tại Việt Nam và trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp nhưng gần đây, một số hãng hàng không Việt liên tiếp mở đường bay thẳng đến Anh, Đức, Mỹ… Dưới góc nhìn của nhà quản lý, ông có cho rằng đây là những tín hiệu hồi phục sớm đáng mừng hay là những thách thức trong tình hình mới của hàng không Việt nói chung?

Ông Đinh Việt Sơn: Việc các hãng hàng không Việt Nam mở lại đường bay quốc tế, gồm các đường bay thẳng đến Mỹ, châu Âu là tín hiệu phục hồi đáng mừng của vận chuyển hàng không quốc tế. Như tôi đã nói ở trên, cùng với các hãng hàng không nước ngoài, việc các hãng hàng không Việt Nam tham gia mở đường bay, tăng tần suất khai thác sẽ làm tăng chất lượng dịch vụ hàng không cũng như có thêm các mức giá cạnh tranh.

PV: Trung Quốc là thị trường khách du lịch tiềm năng, rất lớn nhưng hiện nay quốc gia này vẫn có những chính sách rất thận trọng, thậm chí là siết chặt. Điều đó có ảnh hưởng gì đến hoạt động khai thác của các hãng hàng không Việt?

Ông Đinh Việt Sơn: Thị trường hàng không Trung Quốc là thị trường hàng không quốc tế lớn thứ của Việt Nam, sau thị trường Hàn Quốc với tổng khách đạt hơn 7,6 triệu khách vào năm 2019 (giai đoạn trước dịch COVID-19). Việc khôi phục lại các đường bay giữa Việt Nam-Trung Quốc là yếu tố quan trọng trong việc phục hồi thị trường hàng không quốc tế, đặc biệt là việc vận chuyển hành khách du lịch. Hiện tại, Trung Quốc chưa cho phép chở khách thường lệ đi/đến Trung Quốc nên các hãng hàng không của 2 nước chỉ tổ chức các chuyến bay chở hàng hóa và chở khách 1 chiều với tần suất khai thác còn hạn chế. Cục Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục trao đổi với nhà chức trách Trung Quốc để sớm mở lại các đường bay giữa hai quốc gia.

PV: Một vấn đề còn rất nhiều băn khoăn lúc này, đó là điều kiện để bay quốc tế sẽ như thế nào? Với việc xét nghiệm chẳng hạn. Họ phải có xét nghiệm trước khi lên máy bay hay là sau khi hạ cánh, trước khi nhập cảnh? Theo ông làm thế nào để tạo điều kiện tốt nhất cho hành khách đi lại nhưng vẫn đảm bảo an toàn?

Ông Đinh Việt Sơn: Đối với ngành hàng không, hiện không còn hạn chế nào đối với việc khôi phục hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế như giai đoạn trước dịch, tuy nhiên muốn đạt được kết quả như giai đoạn trước dịch cần phải có sự tham gia tích cực của các ban, ngành và đơn vị liên quan như Bộ Y tế, Công an cũng như các địa phương.

Hiện nay, Bộ Y tế đã có hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh tại Công văn số 10688/BYT-MT ngày 16/12/2021, theo đó đã có hướng dẫn chi tiết các vấn đề liên quan đến y tế cho hành khách khi tham gia giao thông bằng đường hàng không đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, ví dụ như: Người đã tiêm đủ hai mũi thì không thực hiện việc test COVID-19 trước và sau chuyến bay. Sau khi nhập cảnh sẽ theo dõi y tế 3 ngày và thực hiện test COVID-19 vào ngày thứ 3 kể từ thời điểm nhập cảnh.

Đối với các quy định về nhập cảnh, Thủ tướng Chính phủ đã có các Công văn số 450/VPCP-QHQT ngày 18/1/2022 về việc giải quyết nhập cảnh cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài cùng nhân thân và Công văn số 777/VPCP-HTQT ngày 31/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giải pháp bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước. 

PV: Xin cảm ơn ông!

Phạm Huyền (Thực hiện)

Căn cứ hợp đồng của dự án đã ký giữa UBND thành phố và doanh nghiệp dự án là Công ty Trung Nam, thì lịch thu hồi nợ vay của BIDV với Công ty Trung Nam và lịch thu hồi nợ tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với BIDV được xác định tương ứng theo lịch thanh toán của UBND thành phố theo quy định tại hợp đồng BT của dự án. Thực chất đây là khoản cho vay ứng trước cho nhà đầu tư khi ngân sách thành phố chưa bố trí được nguồn vốn thanh toán cho nhà đầu tư.

Những năm trở lại đây, song song với sự phát triển, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam cũng trở thành mảnh đất “màu mỡ” để các đối tượng sử dụng công nghệ cao lợi dụng, trục lợi từ các hành vi buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, lừa đảo, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về thương mại điện tử… với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Từ thực tiễn tình hình cho thấy, ngoài việc tạo môi trường thuận lợi để thương mại điện tử phát triển cũng cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước, nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh trên không gian mạng.

Văn phòng Đăng ký liên bang Mỹ ngày 9/5 (giờ địa phương) cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã bổ sung 37 thực thể Trung Quốc vào danh sách hạn chế thương mại do có những hành động được cho là “gây phương hại an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ”.

Thông qua việc thường xuyên đi lễ chùa, Bùi Thị Ninh đã tạo mối quan hệ thân thiết với nhiều người ở trong và ngoài tỉnh rồi kêu gọi họ góp vốn để đầu tư kinh doanh. Sau khi nhận tiền, Ninh không sử dụng đúng mục đích đã thỏa thuận mà dùng cho mục đích cá nhân, chiếm đoạt gần 300 tỉ đồng rồi bỏ trốn khỏi địa phương.

Tỉnh Thừa Thiên Huế có đầm phá nước lợ Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á với chiều dài hơn 70km, rộng trên 22.000ha. Nhiều năm qua, người dân tỉnh Thừa Thiên Huế sống ven vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai đã tận dụng diện tích mặt nước rộng lớn này để nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế. Để đảm bảo ANTT vùng đầm phá, Công an các xã ven đầm phá đã tăng cường tuần tra, thực hiện nhiều biện pháp giúp ngư dân chống nạn khai thác, đánh bắt tận diệt và trộm cắp thủy sản.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội vừa công bố số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2023- 2024. Năm nay, Trường THPT Yên Hòa có tỷ lệ "chọi" cao nhất với 1/3,11, tức trung bình trên 3 thí sinh dự thi mới có 1 em đỗ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文