Vì sao Hà Nội dự kiến bỏ biển cấm taxi trên 11 tuyến phố?

07:18 14/02/2023

Mới đây, Hiệp hội taxi Hà Nội đã có văn bản gửi UBND thành phố đề nghị dỡ bỏ biển cấm taxi vì cho rằng đây cũng là phương tiện cần được ưu tiên vì phục vụ vận tải hành khách công cộng.

Cũng phải nói thêm rằng, việc cắm biển cấm taxi trước kia cũng là một trong những giải pháp được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đưa ra nhằm hạn chế phương tiện lưu thông trên một số tuyến phố, đồng thời nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc xảy ra.

Tính đến thời điểm này, Hà Nội đang cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ hoạt động trên 11 tuyến phố gồm: Giảng Võ; Láng Hạ; Lê Văn Lương; Khâm Thiên; Hàng Bài (đoạn Trần Hưng Đạo - Lý Thường Kiệt); Hai Bà Trưng; Phủ Doãn (chiều Hàng Bông - Tràng Thi); Trần Hưng Đạo (cấm giờ từ 6-19h, chiều Trần Khánh Dư - Trần Thánh Tông); Nguyễn Văn Cừ (từ ngã ba Hồng Tiến - Nguyễn Văn Cừ đến cầu Chương Dương và cầu Chương Dương từ 6h-9h chiều từ Long Biên - Hà Nội); Trường Chinh (từ Vương Thừa Vũ - Tôn Thất Tùng); Cầu Giấy - Xuân Thuỷ; ngõ 897 Giải Phóng.

Cụ thể, trên tuyến đường Lê Văn Lương và Láng Hạ, Sở GTVT Hà Nội cắm biển cấm xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi (kể cả người lái) lưu thông trong 2 khung giờ từ 6h-9h và từ 16h-19h30. Đây là 2 khung giờ cao điểm, thường xuyên xảy ra ùn tắc trong ngày. Còn trên tuyến đường Hai Bà Trưng, đoạn từ ngã tư Bà Triệu - Hai Bà Trưng, xe taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ được cấm từ 6h ngày thứ sáu đến 24h ngày chủ nhật hằng tuần. Riêng với phố Trần Hưng Đạo, chiều Trần Khánh Dư - Trần Thánh Tông, xe taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ bị cấm giờ từ 6-19h trong ngày...

Một biển cấm taxi trên đường phố Hà Nội.

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho biết những năm qua, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi lượng khách, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, các chi phí cố định, lãi vay doanh nghiệp vẫn phải trả như bình thường. Đặc biệt, 3 năm dịch bệnh liên tiếp đã khiến các doanh nghiệp taxi kiệt quệ khi lượng khách sụt giảm trên 60%. Ngoài việc kiến nghị gỡ bỏ biển cấm ở 11 tuyến phố, Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng đã kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan có cơ chế, giải pháp hỗ trợ tháo gỡ để ngành vận tải taxi duy trì hoạt động, vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay trong đó có việc khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất tiền vay cho các doanh nghiệp taxi.

Thực tế, trong văn bản kiến nghị, Hiệp hội Taxi Hà Nội chỉ rõ 3 lý do khiến việc đặt các biển cấm taxi tại các tuyến phố trên địa bàn thành phố là không còn phù hợp. Thứ nhất, taxi là phương tiện vận tải công cộng nên cần được ưu tiên lưu thông như xe buýt. Nếu cấm thì nên cấm xe cá nhân, một biện pháp đang được cả thế giới áp dụng. Lúc này, tỉ lệ người sử dụng phương tiện công cộng khi tham gia giao thông sẽ tăng lên, giảm tình trạng kẹt xe. Đây cũng là phương hướng, mục tiêu của việc phát triển giao thông tại Hà Nội.

 Thứ hai, Hà Nội được thế giới công nhận là thành phố văn minh, hòa bình. Vì vậy, việc cấm taxi ở các tuyến phố sẽ gây phiên phức cho du khách tới Hà Nội tham quan, du lịch. Thứ ba, trong tiến trình hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, chúng ta đã có rất nhiều những bài học hay để phát triển phương tiện vận tải công cộng, một trong số đó là áp dụng làn đường dành riêng cho xe taxi, để tăng tỷ lệ người sử dụng phương tiện công cộng, phù hợp với tiến trình thế giới đang đi.

Từ đây, Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng: Để giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp, cần xem xét điều chỉnh bỏ các tuyến phố cấm taxi. Bởi taxi là loại hình vận tải hành khách công cộng, đồng thời các tuyến phố có biển cấm đỗ cấm dừng thì đề nghị ưu tiên cho taxi được dừng đỗ đón trả khách trong phạm vi 3 phút; các tuyến phố không cấm thì dừng đỗ 5 phút.

Theo ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đơn vị đang giao Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng phối hợp với Công an thành phố các đơn vị quản lý bảo trì đường khảo sát thực tế. Dự kiến ngày 14/2, sẽ họp đưa ra đánh giá cụ thể từng tuyến xem tuyến nào sẽ vẫn tiếp tục cấm, tuyến nào sẽ bỏ, vì sao. Tinh thần là hạn chế tới mức tối đa việc cấm taxi. Chỉ cấm trên một số tuyến phố phục vụ phố đi bộ hoặc quá ùn tắc.

Đặng Nhật

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文