Vụ tai nạn đường thủy tại Cửa Đại khiến 17 người tử vong: Vì sao chiếc ca nô gặp nạn?

09:31 01/03/2022

Ngày 28/2, Đại tá Nguyễn Hà Lai, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết, Công an tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với lực lượng chức năng, người dân tìm kiếm cứu nạn; phối hợp với Công an TP Hội An điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn nghiêm trọng do lật ca nô du lịch ở biển Cửa Đại.

Công tác điều tra được tiến hành khẩn trương, khách quan, chi tiết theo đúng quy định của pháp luật để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân liên quan.

Theo Trung tá Trần Thăng Quyết, Phó Thủy đoàn trưởng Thuỷ đoàn I - Cục CSGT, bước đầu điều tra cho thấy, ca nô số hiệu QNa-1152 đóng vào năm 2019, được cấp phép là tàu cao tốc chở khách, có tổng công suất máy 400CV, được hoạt động trong vùng pha sông biển. Ca nô có chiều dài 10,33m, rộng 2,45m và chiều cao mạn 1,54m; được phép chở 35 người và trọng tải toàn phần 4,1 tấn; được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm định kỳ lần gần nhất vào ngày 19/1/2022 và có thời hạn đến 19/1/2023.

Chủ phương tiện theo đăng ký là Công ty TNHH MTV du lịch Phương Đông ở phường Cửa Đại, TP Hội An (Quảng Nam). Đặc biệt, ca nô QNa-1152 được hoạt động an toàn trong điều kiện gió tối đa cấp 5 Beaufort và hoạt động đúng phạm vi vùng nước được chứng nhận đăng kiểm. Đối với người điều khiển ca nô là ông Lê Sen (SN 1970, trú phường Cửa Đại, Hội An), được cấp bằng thuyền trưởng hạng TY3 lần đầu vào ngày 30/11/2016 và hết hạn vào ngày 30/11/2021. Vào ngày 10/2/2022, ông Sen đã được Sở GTVT tỉnh Quảng Nam cấp lại bằng thuyền trưởng hạng TY3, có thời hạn đến 10/2/2027. Ngoài ra, ông Sen được cơ quan chức năng cấp các chứng chỉ chuyên môn điều khiển ven biển, điều khiển cấp độ cao I, an toàn cơ bản, an toàn ven biển, chứng chỉ máy trưởng đang còn thời hạn…

Chiều cùng ngày, trao đổi về vụ ca nô QNa-1152 chở 39 người bị sóng đánh lật và chìm trên vùng biển Cửa Đại, ông Lê Công Sỹ, Chủ tịch UBND phường Cửa Đại, TP Hội An cho biết, sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, lúc 13h10 chiều 28/2, bé trai 3 tuổi bị mất tích cuối cùng là cháu Nguyễn Minh Quang (SN 2019, quê Hà Nội) đã được tìm thấy tại bờ kè nam bãi biển Cửa Đại. Trước đó, vào sáng cùng ngày, thi thể bé gái cùng mất tích là cháu Nguyễn Mai Anh (SN 2019, quê Hà Nội) cũng được tìm thấy bị mắc kẹt trong khoang chiếc ca nô bị nạn. Cả 2 nạn nhân đã được đưa về nhà tang lễ TP Hội An tiến hành hỏa táng theo nguyện vọng của gia đình.

Ca nô QNa-1152 bị sóng đánh lật và chìm trên biển Cửa Đại.

Lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã hoàn tất quá trình tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân vụ lật ca nô thương tâm trên vùng biển Cửa Đại. Như vậy, vụ lật ca nô QNa-1152 chở khách du lịch của Công ty TNHH MTV du lịch Phương Đông đã khiến 17 người chết, 22 người được cứu nạn kịp thời. Vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này đang được Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Viện Khoa học hình sự, Cục CSGT - Bộ Công an tổ chức điều tra, làm rõ nguyên nhân.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết thêm, luồng đường thủy nội địa Cửa Đại - Cù Lao Chàm là đường thủy quốc gia, do Sở GTVT Quảng Nam quản lý luồng tuyến và thực hiện công tác quản lý cấp phép cho phương tiện vào, rời cảng bến. Hiện TP Hội An có hơn 40 doanh nghiệp vận tải đang khai thác 130 ca nô chở khách du lịch trên tuyến đường thủy này.

Qua kiểm tra các dữ liệu ban đầu, lực lượng chức năng xác định, thuyền trưởng Lê Sen và thuyền viên ca nô QNa-1152 đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn nghiệp vụ để vận hành phương tiện. Thời điểm xảy ra tai nạn, cấp độ gió ở khu vực này chỉ khoảng cấp 4 Beaufort, trong khi ca nô được phép hoạt động tối đa ở cấp 5 Beaufort. Việc ca nô QNa-1152 được đóng kín mui có thể cũng là một trong những nguyên nhân việc cứu hộ gặp khó khăn do các nạn nhân bị mắc kẹt bên trong, bị ngộp, đuối nước mặc dù đã được trang bị, mặc áo phao đầy đủ…

Một diễn biến liên quan, đó là các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, du lịch tại Hội An và tuyến đưa tour du khách tham quan Cù Lao rất lo ngại về an toàn đường thủy. Nguyên do, hai năm gần đây cửa biển Cửa Đại thường xuyên biến đổi dòng chảy, bị bồi, lấp liên tục tạo ra đảo cát bồi dài hàng cây số. Do vậy không thể tránh khỏi việc tàu du lịch đâm, mắc cạn nếu tài công không có kinh nghiệm và am tường luồng, lạch khi vào Cửa Đại. Trong khi đó, vùng biển bị bồi lấp lại không có những phao mốc cắm cảnh báo thường xuyên cho tàu bè qua lại.

Anh Trần Văn Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành Khoa Trần Hoi An Eco – Tour nói rằng, là một doanh nghiệp gắn bó nhiều năm hoạt động du lịch, lữ hành tuyến Cửa Đại – Cù Lao Chàm, nhưng hiện công ty của anh đã quyết định tạm dừng tuyến này. Theo anh Khoa, một trong những nguyên nhân là lo ngại việc mất an toàn trên các chuyến tàu đưa khách ra đảo và trở về ngay trong chiều cùng ngày…

Theo lời khai ban đầu của ông Lê Sen, ông đã gắn bó với nghề đi biển từ năm 10 tuổi. Khoảng 5 năm trở lại đây, ông Sen hành nghề lái ca nô chở khách du lịch từ Cửa Đại ra đảo Cù Lao Chàm kiếm sống.

Do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên gần cả năm vừa qua ông Sen thất nghiệp. Bắt đầu từ giữa tháng 1/2022 và liên tục sau Tết Nguyên đán âm lịch đến nay, khi Hội An được phép đón du khách, các loại hình vận tải du lịch đưa, đón khách ra thăm quan đảo Cù Lao Chàm hoạt động trở lại… ông Sen đã được Công ty TNHH MTV du lịch Phương Đông ký hợp đồng thuê làm việc với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Vào đầu giờ chiều ngày 26/2, theo đúng lịch trình, ông Sen cùng hai lái phụ đón khách từ đảo Cù Lao Chàm vào lại đất liền. Tất cả hành khách lên ca nô đều mặc áo phao vì đây là điều kiện bắt buộc. Khi rời đảo, ca nô chạy với tốc độ 40-45km/h. Khi gần vào bờ, tàu giảm tốc xuống còn 25-30km/h, thời điểm này trên biển có xuất hiện những đợt sóng lớn.

“Với 5 năm hành nghề chở khách du lịch từ bến Cửa Đại ra Cù Lao Chàm và ngược lại, tôi rất thông thạo luồng lạch, biết cồn cát bồi ở biển Cửa Đại thường xuyên có sóng nên khi tàu vào gần bờ là lập tức cho hạ vận tốc. Chiều xảy ra tai nạn, tàu lúc này cách đất liền khoảng 3km, phát hiện có đợt sóng lớn ập đến, tôi đã giảm tốc chờ sóng êm để đi qua. Tuy nhiên, con sóng ập vào mạn khiến tàu lật úp. Mọi thứ diễn ra quá nhanh… Đây là lần đầu tiên gặp trường hợp trên, tàu không va chạm gì, cũng không mắc cạn”, ông Sen buồn bã nói.

Hoài Thu

Chiều 9/12, phát biểu thảo luận tại tổ HĐND TP Hà Nội về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu quan tâm đến tình trạng "thổi giá" trong các buổi đấu giá đất nền ở các huyện ngoại thành, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng, giá khởi điểm đất đấu giá ở TP hiện nay có nơi chỉ 1,7 triệu đồng/m2, trong khi đó các bước đấu giá nhảy hỗn loạn.

Thời gian gần đây, hiện tượng một số cá nhân và tổ chức sử dụng chiêu trò đấu giá đất cao rồi bỏ cọc không chỉ làm méo mó thị trường bất động sản mà còn thể hiện sự coi thường pháp luật. Hành vi này, dù có vẻ như là “trò đùa” với quy định pháp lý, thực chất đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng, khiến cả thị trường và xã hội phải trả giá đắt. Các tập thể, cá nhân gây ra “trò đùa” đó cần phải chịu trách nhiệm trước pháp luật!

Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Thân Thị Hường (SN 1970, trú tại thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) về tội “Buôn lậu” và Thân Thị Thành (SN 1977, trú tại xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Chiều ngày 9/12, Công an thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng Võ Ngọc Khánh (SN 1981; HKTT tại xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) d0 có hành vi vi phạm về tham gia giao thông đường bộ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文