Xây dựng sân bay: Không thể cứ muốn là đề xuất

08:59 13/09/2022

Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã có báo cáo Bộ Giao thông Vận tải việc rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc. Một lần nữa, câu chuyện đầu tư sân bay tại một số địa phương lại thêm "nóng".

Sơn La cùng lúc đề xuất xây 2 sân bay

Đầu tháng 9/2022, UBND tỉnh Sơn La lại đề nghị bổ sung Cảng hàng không Mộc Châu vào Quy hoạch tổng thể cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lê Hồng Minh ký gửi tới Bộ Giao thông Vận tải khẳng định: Việc quy hoạch và đầu tư phát triển Cảng hàng không Mộc Châu là cần thiết, nhằm phục vụ mục đích an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Dự án xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 109.000 tỷ đồng hiện đang chậm tiến độ. Ảnh minh họa

Theo đề xuất của Sơn La, Cảng hàng không Mộc Châu được xác định là sân bay cấp 4E, phân kỳ đầu tư làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2030), là cảng hàng không dân dụng (thực hiện khai thác các tuyến bay nội địa hàng không thường kỳ và một số tuyến quốc tế) với công suất dự kiến 1 triệu hành khách/năm. Giai đoạn 2 (sau năm 2030), dự kiến công suất là 2 triệu hành khách/năm. Dự kiến tổng mức đầu tư cảng hàng không Mộc Châu khoảng 6.500 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tại văn bản báo cáo Bộ GTVT, lãnh đạo Sơn La chưa nêu rõ vị trí của cảng hàng không Mộc Châu mà chỉ khẳng định "lựa chọn tại vị trí thuận lợi, địa hình bằng phẳng, phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo quy mô khai thác, thuận lợi kết nối các tuyến giao thông đường bộ".

Cần phải nói thêm rằng, hồi giữa tháng 8, UBND tỉnh Sơn La đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đầu tư xây dựng Cảng hàng không Nà Sản tại huyện Mai Sơn, trên nền sân bay cũ với diện tích khoảng 249ha (mở rộng thêm khoảng 78,5ha). Việc đầu tư sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 sẽ xây dựng Cảng hàng không Nà Sản đạt cấp 4C (theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO) và sân bay quân sự cấp I đạt công suất 1 triệu hành khách/năm. Trong giai đoạn 2, sẽ mở rộng các hạng mục để đạt công suất 2 triệu hành khách/năm, đảm bảo phù hợp với quy hoạch sau năm 2030. Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án theo lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La lên tới 3.028 tỷ đồng, giai đoạn 1 cần 2.560 tỷ đồng.

Tương tự, ngày 10/9, UBND tỉnh Tuyên Quang cũng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét đồng ý chủ trương cho phép cập nhật Cảng hàng không Na Hang vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và cho phép tiến hành các thủ tục đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Theo đó quy mô sân bay cấp 4C có diện tích khoảng 280ha và sân bay quân sự cấp II diện tích khoảng 70ha.

Hiệu quả và hậu quả

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có hàng không là rất quan trọng. Tuy nhiên, quan trọng nhất là đã làm thì phải hiệu quả, nếu hoạt động hiệu quả thì sẽ phát triển được kinh tế của vùng, ngược lại sẽ mang lại hậu quả nặng nề cho chính địa phương đó.

 Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, không phát triển ồ ạt mà đầu tư có trọng điểm, đầu tư cảng lớn mang tính cách mạng về quy mô, năng lực. Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, một số tỉnh muốn đưa sân bay tỉnh mình thành sân bay quốc tế, nhiều địa phương lại có sân bay to hơn. Trong khi về nguyên tắc phải phát triển đồng bộ, phát triển đến đâu, đầu tư đến đấy chứ không thể tỉnh nào cũng muốn sân bay thật to, nhà ga thật đẹp. Sân bay là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để phát triển một tỉnh.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển - Trường đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: nhiều địa phương khả năng tìm kiếm cơ hội đầu tư cho các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội đang gặp khó khăn, do đó muốn mở rộng phát triển sân bay, bến cảng và đường bộ với tinh thần giao thông đi trước mở đường để đánh thức nguồn lực của địa phương. Tuy nhiên, việc tạo nguồn vốn từ đất tại các dự án xung quanh cũng không phải dễ dàng.

Cũng theo GS.TS Đặng Đình Đào, đừng coi việc xã hội hoá các dự án sân bay là không tốn kém vì suất đầu tư lớn, quỹ đất lớn nếu không hiệu quả sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân sống trong khu vực. Do đó, cho dù tiền đầu tư đó có thể của Nhà nước, có thể của tư nhân nhưng đều là nguồn lực của quốc gia. Mà muốn biết được có hiệu quả hay không, cần phải tính toán thật kỹ, chứ không phải cứ "muốn là đề xuất", làm theo phong trào.

Nhắc đến vấn đề quy hoạch cảng hàng không, ông Phạm Bích San, Viện Nghiên cứu xã hội và các vấn đề phát triển lại cho rằng, có thể sẽ là tốt hơn nếu trong 10 năm tới chỉ nên tập trung xây dựng một số sân bay trọng điểm đủ tốt và có thể cân đối được thu chi để vận hành đồng thời nâng cao khả năng vận tải của hệ thống đường bộ kết nối giữa các cảng hàng không, điều đó dẫn đến nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Ông San cũng cảnh báo những loại hình có thể làm thay đổi tính chất vận chuyển hành khách như đường sắt tốc độ cao, đường cao tốc, xe tự lái hay taxi bay cũng nên tính tới trong quy hoạch khi không nhất thiết phải có quá nhiều sân bay và cảng hàng không.     

Tại dự thảo về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc và qua rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch tổng thể của Cục Hàng không Việt Nam, trong thời kỳ 2021-2030, mạng cảng hàng không được quy hoạch theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, hình thành 28 cảng hàng không bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế. Tổng công suất thiết kế hệ thống cảng hàng không đáp ứng khoảng 283 triệu hành khách, đảm bảo trên 95% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100km.

Bên cạnh đó, hồ sơ quy hoạch cũng nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch, xây dựng cảng hàng không, sân bay tại các đảo (như Lý Sơn, Phú Quý...), quần đảo có nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; quy hoạch, xây dựng cảng hàng không tại một số sân bay quân sự (Thành Sơn, Biên Hòa...) trong trường hợp đủ điều kiện. Về tầm nhìn đến năm 2050, hồ sơ quy hoạch kiến nghị hình thành 31 cảng hàng không, bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế, 17 cảng hàng không quốc nội đồng thời hình thành một số cảng hàng không, sân bay tại các đảo, quần đảo có nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và có điều kiện tự nhiên thuận lợi.

Đặng Nhật

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文