Xây dựng văn hóa giao thông trong lứa tuổi học đường

07:43 29/11/2024

Để giảm thiểu tình trạng vi phạm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) cũng như những vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến học sinh, một trong những giải pháp được cơ quan chức năng khuyến nghị đưa ra, đó là tích cực phối hợp tuyên truyền gắn với tăng cường kiểm tra, xử lý, góp phần xây dựng văn hóa giao thông trong lứa tuổi học đường.

Thương tâm những vụ tai nạn giao thông liên quan học sinh

Thời gian qua, tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh vi phạm luật giao thông như điều khiển xe môtô không đội mũ bảo hiểm, chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, bốc đầu... xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, gây mất TTATGT, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông TNGT.

Ngay tại Hà Nội, theo số liệu từ Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, chưa đầy 1 tháng nay, tính từ 1/11 đến hết 24/11, lực lượng CSGT toàn TP Hà Nội đã xử lý 2.200 trường hợp vi phạm giao thông liên quan đến học sinh. Trong số này có 517 trường hợp lái xe khi không đủ điều kiện, xử phạt 275 trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện. Các lỗi vi phạm giao thông chủ yếu của học sinh là không đội mũ bảo hiểm với hơn 1.900 trường hợp, 17 trường hợp chở quá số người quy định, 11 trường hợp không chấp hành đèn tín hiệu.

Còn tại địa bàn tỉnh Hà Nam, từ đầu năm 2024 đến nay, đã xảy ra hơn 30 vụ TNGT liên quan đến lứa tuổi học sinh. Đây là con số rất đáng báo động. Những vụ tai nạn không chỉ cướp đi sinh mạng của nhiều em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường mà còn làm cho nhiều em phải mang thương tật suốt đời.

Điển hình, ngày 15/9/2024, em Đ.M.N (SN 2008, trú tại phường Trần Hưng Đạo, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), điều khiển xe máy điện trên đường đi học do thiếu quan sát và không nhường đường cho xe ôtô đến từ bên phải dẫn đến bị tai nạn khiến em N. bị vỡ xương xoang hàm trái và bị hư hỏng phương tiện. Hay gần đây nhất, vào cuối tháng 10/2024, em N.D.D, (SN 2007, trú ở thôn Hồng Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) điều khiển xe môtô thiếu quan sát đã xảy ra va chạm với xe ôtô đầu kéo. Hậu quả làm em D bị thương nặng.

CSGT Công an tỉnh Hà Nam kiểm tra, lập biên bản vi phạm đối với học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Kết quả phân tích nguyên nhân những vụ TNGT liên quan đến học sinh cho thấy, tai nạn xảy ra chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận học sinh chưa cao; thiếu quan sát, không nhường đường, phóng nhanh, vượt ẩu. Các hành vi vi phạm quy định về TTATGT đối với lứa tuổi học sinh thường xảy ra phổ biến, như: điều khiển xe môtô, xe gắn máy, xe máy điện khi chưa đủ tuổi; không chấp hành tín hiệu giao thông; không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm; đi dàn hàng ngang, chở quá số người cho phép.

Nhiều phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ, chưa thực sự quan tâm giáo dục con em đúng mức hoặc quá nuông chiều, để con em mình tự do sử dụng phương tiện theo ý thích. Nhiều gia đình cho con em tự điều khiển xe môtô, xe gắn máy, xe máy điện dù biết con chưa đủ tuổi và việc làm đó tiềm ẩn nguy cơ về TNGT. Cá biệt, có một số phụ huynh còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, giáo dục, khi con em vi phạm TTATGT còn tỏ thái độ thiếu hợp tác với lực lượng chức năng, bao che hành vi vi phạm của con em mình.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là phổ biến kiến thức pháp luật về TTATGT đối với học sinh tại một số nhà trường tuy đã được thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng giao thông tại một số địa phương còn hạn chế, thiếu đồng bộ như thiếu biển báo, thiếu đèn tín hiệu giao thông, gờ giảm tốc…, tạo nên một số “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT. Mặt khác, việc xử lý học sinh vi phạm TTATGT thường mới chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, dẫn đến tâm lý chủ quan hoặc coi thường mà chưa lường hết được những nguy cơ TNGT có thể xảy ra.

Ở một khía cạnh khác, công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục giữa nhà trường và các cơ quan chức năng, giữa nhà trường và gia đình chưa thật sự đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả, dẫn đến ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT trong học sinh chưa cao. Điều đáng nói, khi TNGT xảy ra, hậu quả thường rất nặng nề, nhất là đối với lứa tuổi học sinh, nhiều trường hợp dẫn đến thương tật, ảnh hưởng rất tiêu cực đối với sức khỏe, trí tuệ, khả năng lao động, học tập của các em, gây tốn kém chi phí, thời gian, công sức phục vụ điều trị của gia đình. Thậm chí có những trường hợp tử vong để lại mất mát, đau thương vô cùng lớn cho người thân.

Chung tay xây dựng văn hóa giao thông

Để hạn chế, giảm thiểu TNGT liên quan đến lứa tuổi học sinh, ngày 21/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31 về việc tăng cường công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới. Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 31 của Chính phủ, hạn chế đến mức thấp nhất những vụ TNGT liên quan đến học sinh, bên cạnh việc phát hiện, kiểm tra, xử lý của lực lượng Công an, rất cần có sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành, lực lượng chức năng, nhất là vai trò quản lý, giáo dục của ngành Giáo dục nói chung và của mỗi gia đình, nhà trường nói riêng.

Cán bộ CSGT Công an tỉnh Bình Dương hướng dẫn các em học sinh kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông.

Theo đó, các cấp, ngành cần quan tâm huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế tốc độ gia tăng phương tiện giao thông hiện nay. Ngành Giáo dục và Đào tạo, cần ban hành văn bản quy định thống nhất, phù hợp về việc xử lý học sinh vi phạm trong lĩnh vực này, qua đó giúp các nhà trường có thêm cơ sở pháp lý đồng bộ trong thực hiện công tác quản lý, xử lý vi phạm; tiếp tục phối hợp ngành chức năng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, chú trọng tuyên truyền cá biệt, ứng dụng mạng xã hội để học sinh dễ ghi nhớ, dễ hiểu, dễ liên hệ, áp dụng thực hiện. Đồng thời, tăng cường thông tin rộng rãi những vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến học sinh để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của phụ huynh, giáo viên, học sinh trong việc chủ động, tự giác phòng, tránh TNGT.

Lực lượng Công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục, các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn khi tham gia giao thông cho học sinh, nâng cao ý thức tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh.

Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý đối với học sinh vi phạm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với học sinh vi phạm điều khiển xe môtô, xe gắn máy khi chưa đủ điều kiện, chưa có GPLX, không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ, chở người quá quy định, lạng lách, đánh võng, tụ tập gây rối trật tự công cộng... Cùng với đó, xử lý nghiêm những trường hợp cha, mẹ giao xe cho học sinh điều khiển không đúng quy định. Đặc biệt, chú trọng duy trì trao đổi thông tin về vi phạm TTATGT của học sinh giữa lực lượng chức năng tới nhà trường và từ nhà trường tới gia đình để cùng quản lý, giáo dục, nhằm phát huy tính hiệu quả cao nhất trong việc bảo đảm an toàn giao thông đối với học sinh.

Một điều quan trọng nữa mỗi phụ huynh cần lưu ý đó là nâng cao ý thức trách nhiệm, thường xuyên theo dõi, nhắc nhở con em chấp hành nghiêm quy định của pháp luật khi tham gia giao thông; không giao xe môtô, xe gắn máy khi các con chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, để phòng tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Sơn La:Tăng cường tuyên truyền an toàn giao thông cho phụ huynh và học sinh

Với tinh thần “thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, việc kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong lứa tuổi học sinh trên địa bàn toàn tỉnh Sơn La đã được triển khai một cách nghiêm túc. Việc tuyên truyền, xử lý vi phạm đã được duy trì thường xuyên, liên tục nhằm tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của phụ huynh và học sinh.

Thượng tá Hoàng Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Sơn La cho biết, thực hiện Chỉ thị số 31 của Chính phủ về bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, thời gian qua Công an tỉnh Sơn La đã chủ động tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai, đồng bộ có hiệu quả các biện pháp nhằm kiềm chế tai nạn giao thông, nhất là đối với lứa tuổi học sinh trên địa bàn tỉnh. Tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an toàn tỉnh, lãnh đạo, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh về kế hoạch bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh.

Có mặt tại tuyến quốc lộ 297D, đoạn đi qua địa bàn thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, chỉ sau khoảng 30 phút ra quân, Tổ công tác của Công an huyện Mường La đã xử lý một loạt các em học sinh vi phạm, trong đó lỗi “Chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện” là lỗi phổ biến nhất trong quá trình xử lý. Em Lò Văn H. (SN 2009, là học sinh lớp 10 Trường THPT Mường La) khi bị cơ quan Công an xử lý thì đưa ra lý do rằng do nhà xa cách trường hơn 10km, gia đình lại không có bố mẹ ở nhà, anh chị đi làm xa nên em được giao xe để đi học hằng ngày cho tiện.

Với lỗi tương tự, em Tòng Đức T. (SN 2010, là học sinh lớp 9) cũng chưa đủ tuổi điều khiển xe máy điện, nhưng bố mẹ vẫn giao xe để em điều khiển. Đối với các trường hợp vi phạm, ngoài việc tuyên truyền nhắc nhở, lực lượng CSGT Công an huyện Mường La phối hợp thông báo tới các nhà trường để có biện pháp xử lý kịp thời.

Thượng tá Lê Mùi, Trưởng Công an huyện Mường La cho biết: Riêng trong đợt cao điểm, lực lượng CSGT Công an huyện Mường La đã xử lý 82 trường hợp vi phạm liên quan đến học sinh, phạt tiền và nộp ngân sách Nhà nước gần 70 triệu đồng, trong đó một số lỗi vi phạm chủ yếu như chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, không đội mũ bảo hiểm, tự ý thay đổi đặc tính của phương tiện… 

Trên thực tế kiểm tra, các trường hợp học sinh vi phạm đa phần các em đều đưa ra lý do rằng: Do nhà xa nhưng bố mẹ không đưa đón được nên giao xe cho đi hay vì em biết lái xe nên bố mẹ đã giao xe cho đi,… hoặc nhiều trường hợp chỉ đơn giản rằng nhà có điều kiện nên đi xe máy đi học cho nhanh. Các trường hợp nêu trên đều bị xử lý nghiêm minh, tạo tính răn đe.

Không chỉ có vậy, trong những năm gần đây, đời sống kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, việc di chuyển đến trường của học sinh phổ thông ngày càng được thuận tiện hơn, lớp nhỏ có đưa đón của người thân, lứa tuổi lớn hơn tự điều khiển xe đạp điện, xe máy điện… Ngoài ra, các em học sinh Trung học cơ sở, Trung học phổ thông đủ 16 tuổi được điều khiển xe gắn máy có dung tích xilanh dưới 50cc… Tuy nhiên, không ít phụ huynh vẫn giao xe cho học sinh điều khiển xe gắn máy có dung tích xilanh trên 50cc, đây là hành vi tiếp tay cho con em vi phạm pháp luật.

Việc vi phạm của các em học sinh nếu bị Công an phát hiện sẽ bị xử lý, nhưng điều nguy hiểm hơn, giao phương tiện cho người chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái xe dễ xảy ra tai nạn giao thông đáng tiếc. Trong đợt cao điểm này, ngoài việc xử lý người điều khiển phương tiện chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái sẽ còn xử lý cả người giao phương tiện khi biết người điều khiển chưa đủ điều kiện cầm lái. Theo quy định tại Điều 264, Bộ luật Hình sự 2015 thì “Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe…” mà gây tai nạn, gây thương tích, gây chết người… sẽ bị xử lý hình sự.

Thực tế trên địa bàn tỉnh Sơn La đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi này, điển hình như: Trung tuần tháng 3/2024, tại Km 69+530 quốc lộ 4G thuộc bản Anh Trung, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa 2 xe môtô do hai học sinh điều khiển, hậu quả khiến một em học sinh 15 tuổi tử vong, 1 em học sinh 17 tuổi bị thương nặng.

Tính riêng từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 57 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, làm 36 em tử vong, 63 em bị thương. Điều đáng nói, hầu hết các vụ tai nạn giao thông xảy ra, các học sinh chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, do không đi đúng phần đường, không chú ý quan sát khi sang đường.

Trao đổi với PV, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, cho biết: Sở tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm Chỉ thị 31 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cấp, ngành đảm bảo TTATGT cho học sinh; lồng ghép nội dung giáo dục ATGT trong các môn học và các hoạt động của nhà trường; quản lý, giám sát ngay từ cổng trường đối với các vi phạm của học sinh. Gắn trách nhiệm, xem xét xử lý người đứng đầu các đơn vị trường học nếu để tình hình TTATGT liên quan đến học sinh xảy ra phức tạp. Đưa nội dung bảo đảm TTATGT đối với học sinh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với các các cơ sở giáo dục, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh trong từng học kỳ, năm học.

Cao Thiên – Hoàng Hiếu

Tâm Minh

Thời gian vừa qua, các cụm từ như “từ thiện phông bạt”, “trục lợi từ thiện” được nhiều người nhắc đến để lên án các hành vi lợi dụng từ thiện nhằm đánh bóng tên tuổi, làm màu, trục lợi cá nhân. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có một loại thủ đoạn lợi dụng từ thiện cũng đáng bị lên án, tạm gọi là “từ thiện trá hình”, đi từ thiện nhưng để che giấu, làm bình phong cho việc thực hiện các hành vi vi phạm khác.

Hỏi: Con tôi đi lao động ở nước ngoài, mỗi tháng cháu có trích một phần tiền lương để mua vàng. Hiện tại, con tôi đang có 20 lượng vàng đều là vàng trang sức như nhẫn, vòng tay... Cuối tháng 12 này, con tôi về Việt Nam, tôi xin Quý báo cho biết con tôi có được mang theo số vàng trên về Việt Nam không? (Trần Thu Hà - Lý Nhân, Hà Nam).

Một quyết định lịch sử vừa được Quốc hội Australia thông qua vào đêm 28/11, khi quốc gia này trở thành nước đầu tiên trên thế giới cấm hoàn toàn trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Đây không chỉ là một biện pháp bảo vệ sức khỏe tâm lý của trẻ em, mà còn là lời tuyên bố mạnh mẽ gửi đến các tập đoàn công nghệ lớn rằng, lợi ích của thế hệ tương lai không thể bị hy sinh vì lợi nhuận.

Đội tuyển Việt Nam đã giành 2 chiến thắng trong các trận giao hữu tại Hàn Quốc. Đây được xem là cú hích cần thiết trong quá trình chuẩn bị cho AFF Cup 2024.

Dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản được tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai trong thời gian qua nhằm hình thành sinh cảnh nhân tạo cho các loài thủy sản cư trú, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên quá trình thực hiện hợp phần trồng, phục hồi rạn san hô trên biển thuộc dự án này gặp nhiều khó khăn, buộc địa phương kiến nghị dừng triển khai.

Tối 29/11, lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần VII năm 2024 đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Lê Quốc Minh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Ngày 29/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo chủ đề “Ứng dụng công nghệ AI trong xây dựng nội dung tuyên truyền, truyền thông”. Sự kiện thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông nhằm thảo luận về tiềm năng, cơ hội cũng như thách thức khi áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác tuyên truyền và truyền thông.

Hồi 8h50 ngày 29/11, Công an xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai nhận được tin báo của người dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh. Thông tin ban đầu cho biết, trước đó, họ nghe thấy có một tiếng nổ lớn trên núi Voi, khu vực bị sạt lở ngày 10/9 và có khói bụi bốc lên từ khu phát ra tiếng nổ.

Giải Taekwondo Cảnh sát Châu Á mở rộng năm 2024 do Bộ Công an Việt Nam đăng cai, cùng Hiệp hội Thể thao CAND Việt Nam và Liên đoàn Taekwondo Cảnh sát thế giới (WPTF) tổ chức. Với khẩu hiệu “Sức mạnh của Cảnh sát! Cảnh sát Taekwondo - người bảo vệ công dân toàn cầu”, giải đấu sẽ diễn ra từ 6/12 đến 9/12, tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Quảng Ninh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文