Xe hợp đồng không vào bến, quản lý thuế bằng cách nào?

07:05 17/06/2024

Lâu nay câu chuyện xe hợp đồng không vào bến, không xuất vé, liệu có trốn thuế vẫn luôn là đề tài nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía doanh nghiệp vận tải, cơ quan quản lý thuế, thậm chí cả góc nhìn của người dân. Mới đây, đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, có nhiều cách để tính thuế, doanh nghiệp khó trốn được.

Ông Lê Ngọc Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH X.E Việt Nam khẳng định, nhìn nhận việc xe hợp đồng trá hình không vào bến, không xuất vé cho hành khách, có trốn thuế là nhận định không đúng, chỉ là ý kiến chủ quan của một số người. Mọi tổ chức, hộ gia đình, kinh doanh, cá nhân đều có nghĩa vụ nộp thuế. Với vận tải hành khách chỉ có một số đối tượng được miễn thuế giá trị gia tăng, còn lại tất cả loại hình đều công bằng và như nhau nghĩa vụ về thuế.

Việc số hoá các hoạt động tại doanh nghiệp vận tải giúp các bên dễ dàng thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ thuế.

"Việc có phát hành vé hay không không phản ánh rằng doanh nghiệp có nộp thuế hay không. Doanh nghiệp kê khai trung thực, xuất hoá đơn, nộp đủ các khoản thuế thì không thể nói họ trốn thuế. Với năng lực của ngành Thuế, cùng sự chuyển đổi số hiện nay, hay các công cụ giám sát hành trình, camera, doanh nghiệp muốn trốn thuế cũng không trốn được", ông Nam cho hay.

Đồng quan điểm, bà Lê Thu Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế - Tổng cục Thuế bày tỏ sự không đồng tình với ý kiến xe hợp đồng không xuất vé, không vào bến xe là có dấu hiệu trốn thuế.

Theo bà Mai, ngành Thuế quản lý theo phương pháp người nộp thuế tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm. Mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tự giác tìm hiểu các quy định pháp luật về thuế. Bên cạnh hỗ trợ, cơ quan thuế quản lý theo hướng thu thập thông tin, phân tích dữ liệu và quản lý theo rủi ro. Trường hợp phát hiện có rủi ro về thuế, cơ quan thuế sẽ tập trung, phân tích, thanh tra, kiểm tra và đối chiếu các thông tin để xác định đủ nghĩa vụ của người nộp thuế, tức là đấu tranh để thu thuế đầy đủ, công bằng với tất cả các đối tượng.

Bà Mai phân tích, nguy cơ "tránh" thuế xảy ra khắp nơi vì đó là tâm lý chung của người kinh doanh, chỗ nào chưa quản lý chặt thì đều phát sinh chứ không riêng với hoạt động vận tải hành khách hay xe hợp đồng. Nói về cách thức thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp vận tải, bà Mai cho biết, trên cơ sở doanh thu của mình, các doanh nghiệp sẽ thực hiện kê khai nộp thuế theo mức thuế mà Nhà nước điều tiết. Đối với xe hợp đồng, không xuất vé, không vào bến nhưng các doanh nghiệp thực hiện ký hợp đồng với người sử dụng dịch vụ, có giá trị hợp đồng sẽ xuất hoá đơn dựa trên giá trị này và sử dụng để kê khai thuế. "Nếu xe hợp đồng thực hiện đúng quy định này thì việc nộp thuế vẫn như các dịch vụ khác", bà Mai khẳng định.

Theo bà Mai, hiện nay các loại xe kinh doanh dịch vụ vận tải đều phải gắn thiết bị giám sát hành trình, xác định số km và giám sát điểm đầu điểm cuối của xe. Đây là các thông tin mà ngành Thuế rất cần để quản lý quãng đường xe chạy, từ đó "đấu tranh" xác định đúng nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. Vị này cũng cho rằng, việc số hoá các hoạt động tại doanh nghiệp giúp các bên dễ dàng thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ thuế.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái - Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, với quy định mới tại Nghị định 41, các doanh nghiệp vận tải hành khách theo hợp đồng phải lưu trữ hợp đồng trong 3 năm, cơ quan thuế có thể căn cứ vào đó để yêu cầu các doanh nghiệp đóng thuế.

Theo các nghị định và Luật Giao thông đường bộ, hiện nay tất cả xe vận tải đều đã lắp thiết bị giám sát hành trình. Khi đó, có thể biết được quãng đường xe di chuyển, điểm đầu, điểm  cuối. Đồng thời, theo quy định hiện hành về chia sẻ dữ liệu để phục vụ công tác quản lý nhà nước, khi các cơ quan như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, CSGT cần, Cục Đường bộ Việt Nam sẵn sàng cung cấp dữ liệu từ hệ thống giám sát hành trình.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Anh, dẫu có dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để tính thuế, song việc kê khai thuế vẫn phụ thuộc vào tính tự giác của doanh nghiệp vận tải. Sẽ có trường hợp doanh nghiệp bao biện xe không chở khách mà đi bảo dưỡng trong khi thực tế vẫn hoạt động để lách luật. Do đó, khi căn cứ vào thiết bị giám sát hành trình cũng nên bổ sung các số liệu, công cụ khác để có bằng chứng cụ thể buộc doanh nghiệp phải đóng thuế đầy đủ.   

“Luật hóa” để quản lý hoạt động vận tải nội bộ

Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ gửi Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ năm 2014 đến tháng 3/2019, vận tải nội bộ được quy định tại Nghị định số 86/2014. Xe vận tải nội bộ được cấp giấy phép kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp, phải lắp thiết bị giám sát hành trình (GSHT). Đơn vị vận tải nội bộ có bộ phận theo dõi ATGT, quản lý hoạt động vận tải người, hàng hóa.

Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định 10/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2014 được ban hành, nội dung liên quan đến xe vận tải nội bộ không còn được đề cập nữa. Trong khi đó, thống kê cho thấy hiện có gần 400.000 phương tiện vận tải nội bộ. Có 15-20% trong tổng số phương tiện vận tải hàng hóa thuộc các doanh nghiệp, nhà máy, các đơn vị thi công công trình đang được sử dụng để vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng phục vụ các công trình do đơn vị mình sản xuất, thi công.

Do ý thức chấp hành hạn chế nên thực tế hoạt động vận tải nội bộ còn diễn biến phức tạp. Tình trạng xe chở quá tải, lái xe sử dụng các chất gây nghiện vẫn còn diễn ra. Không ít vụ tan nạn giao thông liên quan đến xe vận tải nội bộ đã xảy ra. Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, xe vận tải nội bộ hiện nay chỉ cần đăng ký, đăng kiểm là lưu hành, dẫn đến khó quản lý.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, Bộ GTVT đã xây dựng dự thảo Luật Đường bộ, Bộ Công an xây dựng Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, trong đó đã đưa vào nội dung quản lý đối với vận tải nội bộ... (Đặng Nhật)

P.Huyền

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đại diện cử tri, thực hiện những quyền hạn, nhiệm vụ về giám sát, bảo vệ lẽ phải, giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Từ vụ án của ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Lê Thanh Vân cho thấy, cần xem xét bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc giám sát ĐBQH tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và góp phần phòng ngừa vi phạm.

Thông tin trên được Tỉnh ủy Lâm Đồng công bố tại hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 15/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII diễn ra ngày 27/12.

Ngày 27/12, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, Trường Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star International School) gồm Trường Mẫu giáo Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn và Trường tiểu học Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chưa được Sở cấp phép hoạt động giáo dục.

UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành liên quan loại bỏ chức năng nhà ở thương mại đối với lô đất 94 Lò Đúc. Ngay trong nửa đầu năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành công tác đầu tư theo hướng xây dựng không gian hiện đại về thương mại - dịch vụ. 

Ngày 27/12, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh vừa ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Đức Hòa (SN 1989, trú tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và Võ Thành Đạt (SN 2000, trú tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hai phóng viên đến mỏ cát trên địa bàn xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình và đe dọa sẽ viết bài liên quan đến các sai phạm của mỏ cát này và yêu cầu chủ mỏ cát phải chung chi 50 triệu đồng để bỏ qua.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文