Văn hoá giao thông và cách hành xử của tài xế

Xin đừng phóng nhanh, vượt ẩu (bài 2)

08:06 05/08/2024

Những vụ tai nạn xảy ra do rủi ro trên đường thì ít mà do sự thiếu ý thức của chủ xe thì nhiều và luôn để lại rất nhiều những hậu quả đáng tiếc. Song bên cạnh các tài xế còn “buông lỏng” ý thức khi ngồi sau vô lăng thì còn có rất nhiều, rất nhiều tài xế khác vẫn đang ngày một nỗ lực vì một cộng đồng an toàn hơn. 

Hạnh phúc là đưa hành khách trở về bến an toàn sau mỗi hành trình

35 năm làm nghề lái xe, lần đầu tiên, tài xế Nguyễn Minh Tiến, Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang Futa Bus Lines - Chi nhánh Cà Mau được vinh danh tài xế Văn hoá giao thông tại lễ trao giải giải thưởng Vô lăng vàng 2023. Dù nhận giải thưởng đã hơn nửa năm nhưng đến nay, mỗi lần nhắc đến ông lại trào lên một cảm giác lâng lâng khó tả. Có lẽ với các tài xế khác giải thưởng quý một thì với ông, một tài xế từng “vấp ngã”, giải thưởng này quý hơn gấp vạn lần.

Ông Tiến tâm sự: Hơn 35 năm trước, ông Tiến mê xe lắm. Vì thế ông đã chọn nghề làm lơ xe khách rồi lên phụ xe tải rồi dần dà đi thi lấy bằng để cầm lái. “Tuổi 20 tràn đầy năng lượng, cộng với đam mê nên tôi lái xe không biết mệt. Cần vượt tôi sẽ vượt bất chấp, cuối cùng tôi phải lãnh hậu quả”, người tài xế đứng tuổi ngậm ngùi nhớ lại. Năm 1998, do một lần bất cẩn, trong lúc điều khiển phương tiện ôtô, người thanh niên mới vào nghề đã đâm phải một người đi xe máy khiến người ta văng xa hơn 30m. Vi phạm luật, ông Tiến phải chịu án tù. Nhà cửa, tài sản phải bán tháo để đền bù cho người ta.

Biến cố đó đã khiến người tài xế phải nhìn lại bản thân mình, rồi quyết tâm thay đổi. Sau một thời gian chịu án, ông Tiến quay trở lại với cuộc sống, nhưng lúc này kiếm được việc làm với lý lịch của ông không dễ. Sau nhiều nỗ lực, đồng thời chấp nhận mức lương thấp hơn, ông cũng có được một công việc mới ở tận Đà Lạt. Với quyết tâm thay đổi để làm lại cuộc đời với nghề tài xế, ông cố gắng chăm chỉ gấp đôi, gấp ba người khác để hoàn thành tốt công việc.

"Mình lái xe ở đồng bằng quen rồi, lần đầu đổ đèo Bảo Lộc, đèo Prenn ở Lâm Đồng, chân tay tôi run bần bật. Nhờ đồng nghiệp đi cùng hướng dẫn, động viên mất mấy chuyến nữa tôi mới tự tin cầm lái", ông Tiến kể. Rong ruổi trên những cung đường Bắc - Nam, nhìn rõ hiện thực của nghề tài xế, ông Tiến đặt ra cho mình những quy tắc trong nghề, những định hướng công việc rõ ràng hơn. Chính điều này đã khiến những năm tháng còn lại, ông đạt độ chín của nghề, bao gồm hiệu quả kinh tế và tác phong chuẩn mực của một người tài xế.

Năm 2011, ông Tiến được nhận vào làm tại Công ty CP Xe khách Phương Trang Futa Bus Lines - chi nhánh Cà Mau. Cũng thời gian này, ông dắt díu gia đình về quê vợ ở Cần Thơ và định cư cho tới nay. Vào làm việc trong một công ty có quy định rõ ràng, đãi ngộ tốt là định hướng của ông trong những năm trước đó. "Tôi tự đặt ra yêu cầu với bản thân mình, nếu lái cho chủ xe nào đó buộc tôi chạy quá tốc độ, bất chấp luật giao thông, tôi sẽ từ chối. Tôi trải qua rồi, tôi biết, làm nghề không thể làm mãi như vậy được. Để an toàn cho mình, cho người khác, điều tối thiểu là mình phải tuân thủ luật giao thông, những quy định của công ty", ông phân tích.

Để luôn hoàn thành công việc, ông Tiến tự đặt ra cho mình những quy tắc, thói quen có lợi cho nghề. Trong đó, theo ông tính kỷ luật, tuân thủ tuyệt đối quy định của công ty là điều phải thực hiện. Ngoài tuân thủ giờ giấc, ông Tiến tự nhắc mình không nghe điện thoại khi điều khiển bất cứ phương tiện nào. "Kỷ luật tạo thói quen, thói quen tạo kỷ luật. Những điều này giúp tôi an tâm, tự tin khi cầm lái", ông Tiến đúc kết.

Nói về một số thái độ của tài xế trong các vụ tai nạn gần đây, ông Tiến giãi bày, làm nghề thì không ai mong điều xấu xảy đến, nhất là nghề tài xế. Thế nhưng nếu mỗi lái xe khi đã ngồi trên vôlăng thì nên đặt tính mạng của hành khách và người đi đường lên trên hết. Đừng vì nhanh chậm vài giây, chẳng may tai nạn xảy đến thì ân hận cả đời.

Đến nay sau 35 năm lái xe với những biến cố thăng trầm, ông Tiến chia sẻ: "Được quay lại làm nghề, tôi hạnh phúc lắm. Mỗi chuyến đi đều tự nhắc nhở bản thân phải tuân thủ đúng quy định pháp luật về trật tự ATGT, giúp đỡ hành khách để bù đắp lỗi lầm gây ra thời trẻ nông nổi", ông Tiến tâm sự. Đồng thời cho biết: Quá trình làm tài xế xe khách, ông cũng thường xuyên giúp đỡ hành khách, khi thì bế những người lớn tuổi lên xe, lúc trả đồ cho hành khách bỏ quên.

Cũng là một trong những lái xe từng được nhận giải thưởng Vô lăng vàng do Ủy ban ATGT quốc gia trao tặng, anh Hà Đăng Tính, lái xe thuộc Xí nghiệp xe buýt Yên Viên cho biết, sau hơn 20 năm làm nghề lái xe buýt, anh mới vinh dự nhận được giải thưởng danh giá của nghề”. Đây là giải thưởng không phải lái xe nào cũng dễ dàng đạt được và càng có ý nghĩa hơn với người lái xe gần đến tuổi về hưu lại vinh dự nhận được giải thưởng này.

Khi nhắc đến các vụ TNGT và các hành xử của tài xế trong những tình huống giao thông, anh Tính chia sẻ: Đặc thù lái xe buýt nội thị phải di chuyển trong điều kiện giao thông hỗn hợp, tôi luôn nhắc nhở bản thân tuân thủ các quy định về ATGT, nhường đường cho các phương tiện nhỏ, không phóng nhanh, vượt ẩu bởi anh ý thức được rằng phía sau tay lái mình, không chỉ là tính mạng của hàng chục hành khách mà còn là hạnh phúc của hàng chục gia đình. Tôi cho rằng lái xe an toàn phải bằng cái tâm, quan tâm hành khách từ những việc nhỏ nhất như ra vào các điểm đón/trả khách phải nhẹ nhàng, êm ái, xe dừng mới mở cửa để khách lên xuống an toàn. Với khách lớn tuổi hay trẻ nhỏ cần quan tâm bố trí chỗ ngồi ưu tiên để đảm bảo an toàn cho họ trong suốt chuyến đi.

Giải thưởng “Vô lăng vàng” tôn vinh các lái xe an toàn vì cộng đồng.

Cần nhân rộng các giải thưởng vinh danh lái xe

Năm 2023, Ủy ban ATGT quốc gia đã nhận được hồ sơ tham dự của 50 doanh nghiệp kinh doanh vận tải và 400 lái xe trên cả nước tham gia giải thưởng Vô lăng vàng. Hội đồng bình chọn đã thống nhất chọn 20 tập thể và 50 cá nhân để trao giải thưởng Vô lăng vàng lần thứ 11. Qua 11 năm tổ chức (2013-2023) giải thưởng Vô lăng vàng, đã có 494 lượt lái xe đại diện cho hàng trăm nghìn lái xe kinh doanh vận tải trên cả nước đoạt giải thưởng và 200 lượt đơn vị đại diện cho hàng chục nghìn đơn vị kinh doanh vận tải trên cả nước đoạt giải tập thể. Năm 2024, giải thưởng đã được phát động. Đến nay đã nhận được sự hưởng ứng thi đua của nhiều tài xế và doanh nghiệp vận tải. Lễ trao giải dự kiến sẽ được tổng kết vào tháng cuối cùng của năm 2024.

Ông Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược giao thông, tại thời điểm làm Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia từng nhìn nhận, Giải thưởng Vô lăng vàng là giải thưởng duy nhất ở cấp quốc gia nhằm ghi nhận, biểu dương và tôn vinh thành quả lao động và công tác bảo đảm ATGT của các đơn vị kinh doanh vận tải và đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải. "Chúng ta không thể quên sự đóng góp của hàng ngàn doanh nghiệp, hàng vạn lái xe đang ngày đêm giữ xe tốt, lái xe an toàn, sẵn sàng hy sinh quyền lợi bản thân và gia đình vì đồng nghiệp vì người tham gia giao thông, thực hiện mục tiêu "Tính mạng con người là trên hết" lập nên những cung đường bình an, những chuyến xe mang sum vầy, hạnh phúc cho mọi nhà, cho cộng đồng và cho toàn xã hội", ông Hùng nói. Giải thưởng là sự tôn vinh những đơn vị vận tải đã bảo đảm tuyệt đối ATGT trong năm và cũng luôn đi đầu trong công tác xã hội, tham gia tích cực vào công tác bảo đảm TTATGT. Đồng thời, tôn vinh những tấm gương lái xe an toàn tuyệt đối trên hàng vạn ki lô mét sau tay lái và sẵn lòng hào hiệp đưa người già, trẻ nhỏ bị lạc về với gia đình; trả lại tiền, tư trang cho hành khách bỏ quên; không quản ngày đêm tham gia hỗ trợ những cá nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn đi khám chữa bệnh và biểu dương những doanh nghiệp vận tải, tài xế quan tâm, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm thúc đẩy chất lượng dịch vụ, bảo vệ môi trường giao thông xanh sạch văn minh...”. Chúng ta trân trọng cảm ơn những đóng góp của họ trong công tác xây dựng và bảo đảm TTATGT, trong sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước trong thời gian qua”, ông Hùng bày tỏ.

TS Khương Kim Tạo, nguyên Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, giải thưởng Vô lăng vàng, là một trong những giải thưởng đã tạo ra phong trào lái xe an toàn đối với đội ngũ lái xe, qua đó góp phần chuyển biến tích cực trong đảm bảo TTATGT. “Song có thưởng có phạt thì mới công bằng”, TS Khương Kim Tạo nhấn mạnh và nói thêm, trong điều kiện phát triển kinh tế số, xã hội số, khoa học công nghệ ngày càng phát triển thì việc ứng dụng công nghệ số trong xử lý vi phạm giao thông là tất yếu, kể cả việc tính điểm, trừ điểm giấy phép lái xe như một số nước (Trung Quốc, Đức) đang thực hiện. Quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý nhà nước văn minh, hiện đại để quản lý cả quá trình chấp hành luật của lái xe, thay vì quản lý từng hành vi đơn lẻ.

Đặng Nhật

“Lực lượng chức năng đang khẩn trương tiến hành các biện pháp cứu nạn, cứu hộ… Đề nghị cơ quan, tổ chức và nhân dân phối hợp cung cấp những thông tin, tài liệu có liên quan đến người, phương tiện bị nạn và các thông tin khác có liên quan đến vụ việc trên!”, tiếng loa phát thanh liên tục vang lên trên bờ sông Hồng, mang theo cả nỗi xót xa và sự hy vọng của những CBCS Công an, lực lượng cứu hộ, cứu nạn và cả của người dân, đang mong chờ một phép màu đến với những người bị nạn. 

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, đêm 9/9 và rạng sáng 10/9, nhiều địa bàn của tỉnh Tuyên Quang tiếp tục có mưa to đến rất to. Lượng nước trên các sông liên tục dâng cao gây ngập úng nhiều khu vực. Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, Công an tỉnh Tuyên Quang đã chủ động triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân di chuyển đến nơi tránh trú an toàn.

Trận mưa từ chiều và đêm qua và rạng sáng nay (10/9), đã gây ngập lụt trên một số tuyến phố ở Thủ đô, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình lưu thông của người và các phương tiện. Lực lượng CSGT rất vất vả trong giờ cao điểm sáng để điều tiết, hỗ trợ người dân đi qua các điểm ngập.

Ngày 10/9, thông tin từ Phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai cho biết, hai tàu hút, loại tàu vận tải khoảng 100 tấn (chưa rõ nguồn gốc) trôi dạt từ thượng nguồn sông Hồng qua cầu Cốc Lếu, rồi dạt qua cầu Phố Lu huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai đã được lực lượng chức năng phối hợp cùng người dân lai dắt cứu hộ thành công.

Rạng sáng 10/9, tại thôn Làng Dạ 2, xã Cam Đường, TP Lào Cai xảy ra sạt lở đất nghiêm trọng gây hư hại tài sản, sập nhà cửa. Rất may, 10 hộ dân với 45 nhân khẩu tại đây đã thoát nạn do được lực lượng công an và chính quyền xã di dời từ đêm hôm trước.

8 giờ 30 phút sáng 10/9, Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội đã phát đi thông báo khẩn nêu rõ: Do ảnh hưởng của bão số 3, ngành đường sắt ngừng chạy tất cả các đoàn tàu qua cầu Long Biên, cho đến khi có thông báo mới.

Hàng chục nghìn cây xanh gãy, đổ khi siêu bão Yagi (cơn bão số 3) quét qua Hà Nội. Trong đó không chỉ có những cây nhỏ mới trồng mà còn có nhiều cây cổ thụ, cây quý. Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội), ước tính, có khoảng 1.200 cây xanh trong số các cây bị gãy đổ do bão có giá trị và đường kính dưới 25cm có thể chăm sóc để phục hồi. Số lượng lớn cây xanh gãy đổ do yếu tố mưa bão bất khả kháng là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, liệu có còn những nguyên nhân khác là vấn đề không ít người băn khoăn khi hình ảnh những cây mới trồng bị bật gốc vẫn còn nguyên những tấm nilong bọc bầu, những hố trồng nông choẹt…

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương, trong đó nòng cốt là lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP), trọng tâm là phát hiện, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng về ATTP. Tuy nhiên, thực trạng đáng lo ngại là tội phạm và các vi phạm về ATTP vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文