Xử lý nhiều "ma men" cầm lái đi chúc Tết
Mặc dù lực lượng chức năng đã và đang triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp như tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đẩy mạnh tuyên truyền… song vẫn còn một bộ phận người dân thiếu ý thức, chủ quan khi gia giao thông, nhất là tình trạng sau khi uống rượu, bia vẫn lái xe gây tai nạn.
Trao đổi với PV CAND, Thượng tá Đinh Trung Dũng, Đội trưởng Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, dịp Tết Nguyên đán, tình hình TTATGT có chiều hướng diễn biến phức tạp bởi những cuộc liên hoan, chúc Tết khiến một số người đã sử dụng rượu, bia vẫn “vô tư” lái xe.
Theo chân tổ công tác Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân làm nhiệm vụ trên phố Ngụy Như Kon Tum vào tối 13/2 (tức mùng 4 Tết), trong suốt gần 4 tiếng đồng hồ cắm chốt truy tìm “ma men”, Cảnh sát đã kiểm tra gần 300 lượt phương tiện bao gồm cả ô tô và xe máy lưu thông trên phố. Qua đó phát hiện gần 10 trường hợp vi phạm lỗi nồng độ cồn với đủ các mức từ nhẹ đến kịch khung.
Cũng trong tối 13/2, tại địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) cũng triển khai nhiều tổ công tác tuần tra, cắm chốt kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông trên đường.
Tại chốt kiểm tra trên đường Trần Nhật Duật (phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm), Cảnh sát đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm.
Điển hình như trường hợp ông N.V.V. (SN 1960) vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,700 mg/L khí thở. Mức vi phạm này cao gấp 1,75 lần mức vi phạm cao nhất quy định tại Nghị định 100.
Khi được hỏi về hành vi vi phạm của mình, ông N.V.V. cho rằng ngày Tết sẽ không bị CSGT xử lý vi phạm nên mới chủ quan uống rượu bia khi đi chúc Tết rồi lại lái xe ra đường.
Hay như trường hợp tài xế P.T.S. (SN 1974) cũng bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn ở mức rất cao lên tới 0,896 mg/L khí thở. Lực lượng CSGT phải mất rất nhiều thời gian thì tài xế này mới chấp hành yêu cầu kiểm tra.
Tài xế S. đã bị Tổ công tác lập biên bản với các lỗi: Vi phạm nồng độ cồn, không có giấy phép lái xe, không có đăng ký xe.
Trao đổi với PV, Thiếu tá Đỗ Văn Thắng, cán bộ Đội CSGT số 1 cho biết, dịp Tết tình trạng vi phạm nồng độ cồn diễn biến có phần phức tạp. Người vi phạm thường tập trung vào lứa tuổi trung niên và chiếm đông nhất là các tài xế xe máy cùng với đó là tâm lý ngày Tết không ai xử phạt nên cứ mặc sức rượu bia rồi lái xe ra đường. Đây là sự chủ quan hết sức nguy hiểm bởi khi đã uống vào thì rất khó làm chủ tay lái và đương nhiên nguy cơ tai nạn giao thông là hiện hữu.