Ý thức người dân tốt hơn nhờ camera giám sát giao thông

10:59 03/01/2015
Ý thức người dân tốt hơn nhờ camera giám sát giao thông là nhận định của nhiều chuyên gia giao thông, cũng như lực lượng CSGT tại Hội nghị An toàn giao thông năm 2014.

Tại Hội nghị này, báo cáo từ Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho thấy, năm 2014 dù TNGT đã giảm trên cả ba tiêu chí nhưng theo đánh giá, vẫn còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Ứng dụng công nghệ vào đảm bảo ATGT, xã hội hóa để nâng cấp hạ tầng được cho là những giải pháp dài hơi hơn và sẽ áp dụng rộng rãi trong năm 2015.

Ủy ban ATGT Quốc gia cho hay, năm 2014, TNGT trên cả nước đã giảm cả 3 tiêu chí. Số người chết vì TNGT đã giảm xuống mức dưới 9.000 người. Năm 2012 và năm 2013 là 2 năm liên tiếp, số người chết vì TNGT giảm xuống dưới 10.000 người.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia nhìn nhận, đây là những con số hết sức có ý nghĩa, tuy vậy vẫn phải nhìn nhận vấn đề ATGT tại nước ta hiện nay còn nhiều trăn trở. Vẫn còn những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, TNGT trên địa bàn nông thôn có xu hướng diễn biến phức tạp, năng lực, chất lượng hạ tầng giao thông chưa như mong đợi. Trong khi đó, Nghị quyết số 87, Quốc hội khóa XIII về đảm bảo ATGT năm 2015 đã đưa ra, giảm TNGT từ 5-10% trên cả ba tiêu chí và ở tất cả các địa phương.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, để làm được điều này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cần những biện pháp mạnh và đồng bộ, trong đó cần quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống giao thông thông minh. Trong khi đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong đảm bảo ATGT đã và đang được đánh giá là mang lại hiệu quả, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người đi đường.

Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu và giám sát qua camera giao thông Hà Nội.

Đại tá Lê Xuân Đức, Trưởng phòng 6, Cục CSGT đường bộ, đường sắt cho biết, Dự án thí điểm giám sát giao thông bằng hình ảnh trên tuyến đường Pháp Vân- Cầu Giẽ và tuyến QL1 qua 10 tỉnh, thành,  từ Hà Nội- Vinh và TP. HCM- Cần Thơ mang lại hiệu quả lớn.

Trên tuyến Pháp Vân- Cầu Giẽ, việc giám sát phương tiện bằng camera kết hợp hệ thống thu phí, tích hợp BKS xe vi phạm được thực hiện từ năm 2008. “Mô hình kết hợp trạm thu phí và hệ thống giám sát trên đường rất hiệu quả. Ở mỗi trạm thu phí lắp đặt barie và đèn cảnh báo. Những xe nào vi phạm bị hệ thống camera giám sát ghi lại, khi về đến trạm thu phí thì đèn đỏ sẽ báo và barie không mở ra. Rất đảm bảo an toàn cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên đường, ý thức của người tham gia giao thông cũng được nâng cao”, Đại tá Lê Xuân Đức thông tin.

Cụ thể, từ khi lắp đặt hệ thống giám sát camera, tình hình TNGT đã có chuyển biến,  TNGT trên tuyến Pháp Vân- Ninh Bình đã giảm  43 vụ, số người chết giảm 60 người, so với thời gian liền kề trước đó.

Tại Hà Nội, trao đổi với phóng viên, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Hà Nội cho biết, trong tháng 12/2014, Phòng đã phối hợp lắp đặt thêm 15 camera các loại, nâng tổng số camera đã lắp đặt lên 300/450 chiếc.

Đại tá Đào Vịnh Thắng cũng nhìn nhận, hệ thống camera này là công cụ hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu chống ùn tắc, giảm tai nạn giao thông tại Hà Nội. Hình ảnh do camera ghi lại được truyền về trung tâm 24/24h. Bắt đầu đi vào thử nghiệm từ 1/10/2014, hình ảnh từ camera truyền về cho thấy phương tiện ô tô vi phạm nhiều hơn xe máy, chủ yếu là xe buýt và xe taxi với các lỗi vi phạm như đi sai làn, không chấp hành đèn tín hiệu… Căn cứ hình ảnh trên camera, Đội điều khiển tín hiệu đèn có thể nhận biết những xe vi phạm và báo cho người làm nhiệm vụ ở điểm gần nhất để xử lý. Chẳng hạn, người lái ôtô, xe máy vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, không đội mũ bảo hiểm... camera sẽ chụp ảnh biển số và lưu trữ. CSGT sẽ lấy đó làm căn cứ xử phạt nguội với người điều khiển phương tiện. Trong năm qua, hệ thống camera giám sát, Hà Nội đã xử lý 460 trường hợp vi phạm, tước giấy phép lái xe 102 trường hợp, trong đó đa phần là xe khách và xe tải.

Tại một trung tâm điều khiển giao thông Hà Nội giờ cao điểm.

Còn hệ thống camera giám sát tại 10 tỉnh trên QL1, từ ngày 1/1/2012 đến ngày 31/3/2014, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt 10 địa phương đã lập biên bản 22.650 trường hợp vi phạm. Qua giám sát đã phát hiện 2 vụ phạm pháp hình sự, bắt 2 đối tượng trộm cắp 1 ôtô, phát hiện 1 ôtô bỏ chạy. Trên tuyến này, không có vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra đối với các địa phương đã lắp đặt hệ thống camera giám sát.

Đại tá Lê Xuân Đức nhận định: “Việc lắp đặt hệ thống camera giám sát mang lại hiệu quả cao, từng bước nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm soát giao thông. Hơn 50.000 trường hợp vi phạm giao thông đã bị xử lý qua hệ thống giám sát, nhưng chưa nhận được bất kỳ trường hợp khiếu nại nào”.

Theo Đại tá Lê Xuân Đức, tình hình ATGT còn diễn biến phức tạp TNGT tiềm ẩn ở mức cao, nhất là trên hệ thống đường cao tốc. Theo quy hoạch, Việt Nam sẽ có 22 tuyến cao tốc, nhưng hiện mới có tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình được lắp đặt camera giám sát. Đại tá Lê Xuân Đức cho rằng, những tuyến cao tốc dài, chạy qua nhiều địa phương cần nhanh chóng triển khai việc lắp đặt hệ thống giám sát này. Ngoài ra, cần bổ sung quy định việc xây dựng hệ thống giám sát, kết hợp trạm thu phí là một thành phần của dự án làm đường. Tuy nhiên, việc này phải có sự phối hợp của Bộ GTVT và Bộ Công an để tránh đầu tư dàn trải, lãng phí.

Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt: Áp dụng CNTT là xu thế tất yếu

Toàn bộ hệ thống hình ảnh qua camera giám sát giao thông trên QL1 từ Pháp Vân đến Cần Thơ được truyền thẳng về Trung tâm chỉ huy của Bộ Công an. Tuy nhiên, hiện nay trên QL1, nhiều đoạn đang được sửa chữa nâng cấp, nên một số vị trí phải thay đổi, việc giám sát cũng như phạt nguội còn chưa phát huy hết. Đến ngày 1/1/2015, CSGT sẽ xử phạt những hành vi không sang tên đổi chủ khi mua bán, trao tặng, thừa kế đối với ôtô sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của việc giám sát giao thông, cũng như xử phạt qua hình ảnh. Về lâu dài, áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật trong tổ chức, giám sát giao thông là xu thế tất yếu, nên cần đẩy mạnh triển khai.

Đặng Nhật

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文