Những cặp vợ chồng vượt "vũ môn" giữa lòng hồ Thác Bà

15:44 09/01/2013
Lý Thị Sầu có nét mặt buồn buồn, già trước tuổi. Chiếc khăn đội đầu rực rỡ, giọng nói lơ lớ tiếng Kinh … Ai cũng biết Sầu là người dân tộc Mông. Chỉ có cái lạ là sao Sầu lại ở đây - giữa hòn đảo lớn trên hồ Thác Bà? Và cả chồng Sầu nữa. Hai vợ chồng nhìn thấy nhau hàng ngày mà chẳng được ở cùng nhau. Núi rừng Mù Cang Chải nhớ họ. Đứa con gái cũng đứng trên ngọn núi phía mờ xa từng ngày chờ bố, mẹ trở về.

Vợ chồng tìm nhau giữa lòng hồ

Lý Thị Sầu cầm cái bay xới xới đất. Mặc kệ mọi người xung quanh nói chuyện vui vẻ, Sầu vẫn cắm cúi trồng rau. Nữ cán bộ Hiền nhắc Sầu làm gì, Sầu làm theo đó. Trông Sầu lành như cục đất, thấy khách đến thì cười cười. Ấy thế mà Sầu phải vào Trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội (GDLĐXH)  giữa lòng hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái để cai nghiện.

Chồng nghiện, vợ cũng nghiện. Chồng vào Trung tâm trước. Vài tháng sau, vợ cũng được đưa vào đây. Chồng Sầu là Sùng A Páo, hơn Sầu mấy tuổi. Hai vợ chồng ở xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Có thể nhìn thấy nhau hàng ngày nhưng không được nói chuyện với nhau. Mỗi tháng họ được gặp nhau trò chuyện một lần theo quy định. Nỗi khát khao vợ chồng của cặp người Mông này ẩn chứa sau sự im lặng, lầm lũi nơi lòng hồ Thác Bà.

Chị Hiền hướng dẫn Lý Thị Sầu và các bạn học viên nữ trồng rau.

Câu chuyện giữa phóng viên và người phụ nữ Mông này bị trúc trắc bởi Sầu biết rất ít tiếng Kinh, những từ nói được thì lại lơ lớ, khó nghe. Mấy phụ nữ trồng rau bên cạnh và chị cán bộ quản lý phiên dịch.

- PV:  Sầu bao nhiêu tuổi?

- Sầu: (Ngơ ngác tỏ vẻ không hiểu)

- Chị ngồi bên cạnh thuyết minh: "Sầu mấy tuổi".

- Sầu:  Không biết được.

- PV: Phải biết mình bao nhiêu tuổi chứ!

- Sầu: Cứ cho là 35.

- PV: Sầu có mấy con?

- Sầu: Một.

- PV: Cháu mấy tuổi? Học lớp mấy?

- Sầu: 15 tuổi. Không đi học.

- PV: Tại sao?

- Sầu: Không có tiền. Tiền mua thuốc phiện hết rồi.

- PV: Sầu nghiện thuốc phiện lúc nào?

- Sầu: Lúc con nhỏ, cứ thấy đau cái này (Sầu chỉ tay vào bụng). Chồng cho thuốc phiện thấy đỡ đau. Nhưng rồi nhớ. Không có nó, không chịu được.

- PV: Hút thuốc phiện có tốn tiền không?

- Sầu: Mỗi ngày 100.000 đồng.

- PV: Lấy tiền đâu mà mua thuốc?

- Sầu: Kiếm củi, kiếm rau bán.

Cuộc sống của vợ chồng Lý Thị Sầu khốn khổ vì ma túy. Kiếm được bao nhiêu tiền, cả hai vợ chồng nướng cả vào những cơn say. Con "ma" trong người thôi thúc Sầu lần mò hết các đỉnh núi ở Mồ Dề để kiếm củi, kiếm rau về bán lấy tiền mua thuốc phiện. Đứa con gái mười mấy tuổi đầu, cao lớn bằng mẹ.

Nó sống tự nhiên như núi rừng Mù Cang Chải. Bố nghiện, mẹ nghiện, chẳng còn thời gian mà quan tâm đến nó. Một ngày, cán bộ đến nhà nói rằng đưa A Páo đi cai nghiện. Sầu sợ, không hiểu cái cai nghiện là gì. Thế nhưng, chồng đi khỏi, Sầu vẫn lang thang đi kiếm thuốc phiện. Và rồi, chỉ mấy tháng sau, Sầu đi theo chồng vào Trung tâm cai nghiện hồ Thác Bà. Chẳng bao giờ đi xa, thế nên khi được các cán bộ đưa lên thuyền, ra giữa hồ rộng mênh mông, xung quanh toàn núi, Sầu càng sợ. Thế rồi, khi lên được giữa hòn đảo, lại nhìn thấy chồng khỏe mạnh, đang lao động tại đây, Sầu chuyển từ sợ sang ngỡ ngàng.

Cán bộ Hiền kể lại, ngày đầu tiếp nhận Sầu, các cán bộ ở Trung tâm vô cùng lo lắng. Sầu gầy guộc, tàn tạ như một tàu lá chuối gặp nắng gắt: xanh lét, héo rũ. Các cán bộ ở đây ví Sầu như "thần chết". Những ngày đầu điều trị cắt cơn, Sầu nằm mê mệt, tỉnh dậy lại nôn ói. "Chúng tôi lo chị ấy chết mất" - chị Hiền tâm sự.

Lý Thị Sầu luôn chăm chỉ lao động.

Thế rồi, nhờ được sự chăm sóc của bác sỹ và các y tá tại Trung tâm, Sầu phục hồi dần dần. Ban đầu ăn được lưng bát cơm, dần dà Sầu đã hào hứng đến 3 bát. Có sức khỏe, đầu óc tỉnh táo trở lại, Sầu mới nhớ tới chồng, tới con. Nơi này xa nhà quá, con gái cũng chẳng tới thăm được. Sầu nhớ con da diết. Nhưng đành vậy, Sầu còn một niềm an ủi là hàng ngày được nhìn thấy chồng.

Trước đây, khi cả hai cùng nghiện, tiền không có, tính khí lại thất thường nên vợ chồng trục trặc, nhiều lúc chẳng muốn nhìn mặt nhau. Ấy thế mà bây giờ lại khác, sức khỏe cải thiện, họ lại khát khao được ở bên nhau, động viên nhau. Theo quy định, dù nhìn thấy nhau hàng ngày nhưng họ chỉ được gặp nhau để nói chuyện, động viên nhau duy nhất một buổi trong một tháng và có sự giám sát của cán bộ. Tuy vậy, thời gian ít ỏi đó cũng giúp họ có thêm động lực để cùng nhau cai nghiện tốt và chăm chỉ học nghề.

Nói đến chồng, Sầu ngượng nghịu. Hỏi Sầu có nhớ thuốc phiện nữa không, Sầu lắc đầu: "Không nhớ nữa đâu". Bây giờ thì trông Sầu khỏe mạnh nhất nhóm học viên nữ, lại chăm chỉ, chịu khó và "ngoan" nhất. Chỉ tháng sau, chồng A Páo sẽ được về nhà. Sầu ở lại thêm một thời gian. Họ cùng chăm chỉ cai nghiện, hẹn ngày tái ngộ với con gái ở núi rừng Mù Cang Chải.

"Cho em gặp vợ một tí thôi!"

Thào A Hử đã nhiều lần nói vậy để xin cán bộ được gặp vợ. Trước đây, Hử có bao giờ quan tâm đến vợ vậy đâu. Thậm chí, "nó" sống hay nó chết thì mặc "nó". Vì sao? Vì vợ Hử là Hờ Thị Dờ còn nghiện nặng hơn Hử. "Nó nghiện, nó chả quan tâm đến gì cả". Rồi Hử bỏ đi. Hai vợ chồng chẳng ai quan tâm đến ai. Suốt thời gian dài hai đứa ở hai nơi. Đứa con mới vài tuổi chủ yếu ở với bà nội ở bản Mý Háng, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải.

Thào A Hử nghiện thuốc phiện nặng. Dờ thì mắc bệnh hen suyễn. Thấy người ta bảo dùng thuốc phiện chữa được bệnh, Dờ xin chồng thuốc. Ban đầu, uống vào Dờ thấy dễ chịu thật, rồi xin chồng tiếp. Thế rồi, Dờ mắc nghiện. Bệnh thì chả khỏi, chỉ thấy Dờ bị phụ thuộc vào thuốc ngày càng sâu.

Hử bị bắt khi đang dùng thuốc phiện ở xa nhà. Dờ ở nhà, không biết tin ấy. Mà Hử có đi xa lâu ngày thì cũng vậy. Lâu lắm rồi, "nó" có về nhà đâu. Dờ không quan tâm chồng mình được đưa đi đâu nên cũng chẳng đi thăm "nó" bao giờ. Dờ còn bận chìm đắm trong cơn nghiện và bệnh tật hành hạ.

Thế rồi, cũng mấy tháng sau, Dờ bị đưa đi cai nghiện. Nơi Dờ đến là một vùng sông nước đẹp đến mê hồn. Thế mà Dờ đâu có quan tâm đến cảnh vật xung quanh. Bước chân lên đảo, Dờ giật mình khi nhìn thấy chồng. Chồng Dờ ở Khu B, Dờ ở Khu A, tại dãy phòng dành riêng cho học viên nữ cai nghiện. Ở nơi này, cái nghĩa vợ chồng tự dưng trỗi dậy. Hử được gặp vợ, động viên vợ vượt qua những ngày tháng cai nghiện để cùng về làm lại cuộc đời.

Cơn hen suyễn liên tục hành hạ, Dờ được chăm sóc một chế độ đặc biệt. Suốt thời gian ở Trung tâm, hầu như Dờ chỉ nằm trong nhà chứ không phải đi lao động. Không thở được, cán bộ y tế phải cấp cứu, cho thở ôxy. Lo lắng bệnh tật, Dờ đâm ra căng thẳng, suy nghĩ tiêu cực. Cán bộ quản lý phải linh hoạt, cho Hử gặp để động viên vợ. Cách làm đó lại hóa hiệu nghiệm. Tinh thần của Dờ khá lên.

Khi khỏe, Dờ có thể tự giặt giũ. Khi mệt, chồng Dờ lại đến chăm sóc, giặt giũ cho vợ. Họ đã lấy lại được tình cảm, thương yêu nhau như thuở ban đầu. Mỗi vợ chồng ở một khu, lâu lâu không được gặp nhau, Hử lại nhờ cán bộ chuyển giúp mì tôm, túi cháo ăn liền cho vợ. Nhớ và lo lắng cho vợ, Hử đề xuất với cán bộ quản lý: "Cho em gặp vợ để em động viên vợ tí. Em bảo nó cố gắng uống thuốc, khi về sẽ lấy lại nó". Cán bộ Hiền xúc động nói: "Cũng không ngờ, tình cảm vợ chồng của họ lại gắn kết sau thời gian ở đây".

Hờ Thị Dờ nghỉ dưỡng bệnh trong trung tâm GDLĐ XH Yên Bái.

Chúng tôi tìm Hờ Thị Dờ khi các học viên nữ khác đang tập trung trồng rau ở khoảnh vườn cạnh Khu nhà hành chính của Trung tâm. Dờ yếu ớt, ngồi giữa đống chăn ở góc phòng. Trông Dờ già sọm đi so với tuổi 41 của mình. Trước đây, khi mới vào Trung tâm, hỏi lý do hai vợ chồng không ở với nhau, Dờ bảo: "Không hợp".

Nhưng bây giờ thì khác, Dờ lại bảo: "Chỉ tức lên thì chồng em bỏ đi thôi. Khi nào về nhà lại ở cùng nhau". Những lần được gần chồng, sự chăm sóc, quan tâm của chồng, Dờ thấy mềm lòng. Chồng Dờ cũng vậy. Dù theo quy định, họ không được ở bên nhau như những cặp vợ chồng thực thụ ngoài đời.

Chỉ hai năm ở nơi cai nghiện, tư tưởng của các học viên đã thay đổi rõ rệt. Họ lại có thêm kỹ năng lao động ở các lĩnh vực khác nhau. Anh Lê Công Huấn, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, họ sẽ có kiến thức cơ bản về trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng hoặc may mặc… Thêm nữa, với hai vợ chồng Lý Thị Sầu, Sùng A Páo và Thào A Hử, Hờ Thị Dờ, nơi này còn mang ý nghĩa như một điểm gắn kết gia đình, giữ cho những đứa con của họ sẽ được sống trong mái nhà có đủ mẹ, cha.

Mối tình cổ tích

Ở Trung tâm GDLĐXH có một mối tình đẹp như trong chuyện cổ tích giữa cô y tá và một học viên cai nghiện tại đây (năm 1992). Nữ y tá xinh đẹp Trương Thị Kim Hiền đã gắn bó với Trung tâm từ ngày đầu thành lập. Sống giữa những học viên cai nghiện, Hiền đã không còn mặc cảm về người nghiện gớm ghiếc hay khác người bình thường như nghe kể hay trong trí tưởng tượng của một cô gái mới 21 tuổi.

Khi đã cắt cơn, họ cũng như bao người bình thường khác, chăm chỉ lao động, luôn ẩn chứa tâm tư và khát khao một cuộc sống bình dị, hạnh phúc. Đó không chỉ là ước mơ của người một thời đi lầm đường mà bất kỳ ai, kể cả Hiền lúc đó cũng mong cuộc sống ấy. Bởi vậy, cô gần gũi với các học viên, như một địa chỉ tin cậy để họ chia sẻ buồn vui.

Cũng vào thời gian đó, chị chú ý đến một thanh niên hiền lành, chăm chỉ lao động. Anh cũng để ý chị đã lâu mà không dám ngỏ lời vì còn một rào cản khó nói. Thế nhưng, cái rào cản vô hình đó đã không ngăn được tình yêu của đôi nam nữ. Hết thời gian anh ở Trung tâm, họ nên vợ nên chồng. Ngôi nhà của hai vợ chồng ở cách Trung tâm chừng 15 cây số. Hai đứa con lần lượt ra đời trong niềm hạnh phúc vô bờ. Để chị yên tâm công tác, anh phải chọn công việc làm gần nhà rồi nhận nhiệm vụ đưa đón con đi học.

Những ngày chị trực trong Trung tâm cũng thấp thỏm, lo lắng, nhưng rồi lại yên tâm khi 3 bố con ở nhà với nhau luôn ổn. Bây giờ, con lớn của chị đã theo học một trường Cao đẳng, đứa nhỏ cũng đã học lớp 4. Mối tình đơm hoa kết trái giữa lòng hồ Thác Bà đã có một kết quả thật đẹp

Việt Hà - Trần Hằng

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

Lâu nay, các tổ chức như Phóng viên không biên giới, tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các đài BBC, RFA, RFI, VOA tiếng Việt và một số tổ chức, cá nhân thù địch, phản động khác luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bịa đặt về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam.

Khoảng hai tháng qua, nhiều hộ nông dân tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước lo lắng, đứng ngồi không yên khi vườn sầu riêng đang xanh tốt bỗng dưng chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Tính đến nay đã có khoảng 200ha sầu riêng ở địa phương bị chết.

Chính quyền địa phương cho biết lũ lụt kỷ lục ở bang Rio Grande do Sul, miền Nam Brazil đã khiến ít nhất 75 người thiệt mạng trong 7 ngày qua và 103 người khác được báo cáo mất tích.

Thủ đô Hà Nội cùng với nhiều tỉnh thành ở miền Bắc được dự báo có mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa to về chiều tối, thời tiết mát mẻ. TP Điện Biên Phủ khả năng mưa diễn ra vào ban ngày.

Miền Trung đang bước vào đợt cao điểm nắng nóng, đây cũng là thời điểm liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các tỉnh, thành phố. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm xuất phát từ việc chủ các cửa hàng kinh doanh, mua bán các loại thực phẩm trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trước thực trạng này, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

Gần nửa năm sau khi chính thức chia tay HLV Mai Đức Chung, đội tuyển nữ Việt Nam vẫn chưa tìm được “thuyền trưởng” mới. Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) không có nhiều động thái tìm người trong thời gian này khiến người yêu mến bóng đá nữ phiền lòng. Tuy nhiên, đây cũng có thể là điều tốt cho đội bóng áo đỏ.

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, bằng các biện pháp nắm tình hình, thời gian qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động trong công tác quản lý người nước ngoài (NNN) nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam; phát hiện, xử lý dứt điểm các vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra, không để trở thành vấn đề nóng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại cơ sở cũng như ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch và quan hệ đối ngoại với các nước.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文