Người 30 năm làm khám nghiệm tử thi

09:29 23/09/2019
“Đã 4 năm trôi qua, hình ảnh thương tâm của người bà và 3 đứa trẻ nhỏ bị sát hại khiến những người làm công tác khám nghiệm như chúng tôi cũng cảm thấy xót xa - đó là chia sẻ của Trung tá Trần Hồng Phương – Đội trưởng Đội Khám nghiệm hiện trường (KNHT) và Giám định pháp y sinh vật (PYSV), Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh khi kể về hành trình truy tìm thủ phạm vụ án thảm sát 4 bà cháu xảy ra tại phường Phương Nam, TP Uông Bí năm 2016 mà anh trực tiếp làm công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.

Khi mới tiếp cận hiện trường, 4 nạn nhân với những vết máu loang lổ khắp ngôi nhà, Trung tá Phương xác định đây là một vụ trọng án cần phải thu thập các dấu vết một cách tỉ mỉ, cẩn trọng.

Từ kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm 4 tử thi, Trung tá Trần Hồng Phương và đồng đội đã nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, thời gian tử vong của từng nạn nhân, đó là một trong những căn cứ quan trọng để xác định đối tượng gây án.

Trung tá Trần Hồng Phương chuẩn bị “hành trang” lên đường làm nhiệm vụ.

Tiếp xúc với Trung tá Trần Hồng Phương, trông anh khá giản dị, gần gũi. Dáng người cao, nước da rám nắng của anh cho thấy phần nào sự vất vả, gian lao trong công việc mà anh đã làm gần 30 năm qua. Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1995, là bác sỹ đa khoa, được “làm quen” với tử thi ngay từ khi ngồi trong ghế nhà trường, lại say mê nghiên cứu những môn khoa học, tâm lý con người, bác sỹ Phương đã viết đơn xin vào Công an tỉnh Quảng Ninh công tác, trở thành “người bắt bệnh tử thi” cho đến nay.

Chia sẻ với chúng tôi về trải nghiệm đầu tiên mà anh trực tiếp tham gia khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi đến nay nghĩ lại vẫn có lúc rùng mình. Đó là một vụ nổ mìn xảy ra trên vùng đồi Mỏ than Núi Béo. Khi mới đến hiện trường, mọi thứ không còn gì nguyên vẹn.

Tỉ mỉ nhặt từng mảnh vụn của tử thi bị văng ra nhiều nơi trong phạm vi một rừng cây lớn, kiên nhẫn ghép lại, cuối cùng Trung tá Phương cũng thu được mẫu vân tay của tử thi, là kết quả chính xác để cơ quan điều tra xác định được danh tính nạn nhân. Bất kì một vụ án nào xảy ra, việc đầu tiên cơ quan Công an làm đó là khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.

Kết quả khám nghiệm là căn cứ khoa học chính xác nhất để cơ quan điều tra tiến hành những bước tiếp theo. Vì vậy, công tác khám nghiệm phải hết sức thận trọng, tỉ mỉ. Trung tá Trần Hồng Phương luôn ý thức được rằng đối với nghề này thì tuyệt đối không thể gói chữ “nhầm” trong hành trang. Bởi chỉ cần sai lệch một chút thôi cả vụ án sẽ bị đi chệch hướng, có thể dẫn đến những oan sai, chết người.

Tất cả những công việc mà một giám định viên pháp y phải làm không chỉ đòi hỏi có một “thần kinh thép”, mà cần phải có một tấm lòng yêu nghề, sự nhiệt huyết, tận tâm. Đó cũng chính là hành trang mà Trung tá Trần Hồng Phương mang theo trong sự nghiệp “bắt bệnh tử thi” của mình.

Có lẽ nghề bác sĩ pháp y có thể được liệt vào một trong những nghề đáng sợ và nguy hiểm vào bậc nhất. Ở địa bàn tỉnh Quảng Ninh, những tử thi phát hiện trên biển đã phân hủy, bốc mùi hôi thối không còn là chuyện lạ, có tử thi giòi bò như vãi gạo. Nhìn qua thôi những người thường không ai dám tới gần, vậy mà Trung tá Phương đã nhiều lần tận mắt, tận tay chạm vào, dùng con dao mổ...

Chứng kiến những tấm hình ghi lại khoảnh khắc đời thường của Trung tá Phương, tôi mới hiểu phần nào những vất vả, gian lao của nghề “mổ xác”. Anh và đồng đội luôn phải đối mặt với những nỗi hiểm nguy thường trực từ chính những xác chết kia. Những ngày 30, mùng 1 Tết, khi mọi người tấp nập trở về nhà đón Tết thì anh và đồng đội luôn trong tư thế sẵn sàng lên đường khi có án.

Có lần vào đúng chiều 30 Tết, anh và đồng đội nhận nhiệm vụ đến TP Móng Cái khám nghiệm hiện trường vụ án giết người. Đến thị trấn Tiên Yên thì đúng khắc giao thừa. Các cán bộ pháp y như anh cũng chỉ kịp gọi điện chúc mừng năm mới gia đình rồi bắt tay ngay vào nhiệm vụ, làm xuyên đêm giao thừa. 

Gần 30 năm bén duyên với nghề, Trung tá Trần Hồng Phương đã giải phẫu gần 3.000 tử thi, giải quyết nhiều “ca khó” của ngành pháp y tỉnh Quảng Ninh. Kết quả khám nghiệm tử thi là một trong những chứng cứ quan trọng góp phần làm sáng tỏ nhiều vụ trọng án, để cơ quan điều tra truy tìm tội phạm, buộc kẻ thủ ác phải cúi đầu nhận tội.

Gần 30 năm công tác trong lực lượng Công an là ngần ấy thời gian Trung tá Trần Hồng Phương gắn bó với nghề “bắt bệnh tử thi”. Dù môi trường làm việc nhiều khắc nghiệt, độc hại song Trung tá Trần Hồng Phương luôn cảm thấy hạnh phúc khi anh cùng đồng đội đã góp phần không nhỏ vào công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Phước Lâm

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文