Những người thầy đặc biệt tại Trại giam Định Thành
Tại căn buồng giam, phân trại số 2, Trại Giam Định Thành, chúng tôi bắt gặp hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn, đang cặm cụi viết từng chữ một vào tờ giấy trắng. Hỏi thăm, người phụ nữ này cho biết mình là Trần Thị Hồng Oanh, quá khứ đã mắc sai lầm vướng vào vòng lao lý vì tội trộm cắp tài sản, bỏ lại 6 đứa con thơ tại quê nhà.
Cán bộ Trại giam Định Thành ân cần dạy chữ cho các phạm nhân. |
Hướng dẫn kỹ thuật may cho phạm nhân. |
Đó là một điển hình trong nhiều phạm nhân được dạy học chữ tại Trại giam Định Thành. Khi phạm nhân biết đọc, biết viết, nhận biết cái đúng, cái sai và quý trọng sức lao động mà bản thân tạo ra, đó cũng là lúc cán bộ quản giáo vui mừng vì việc làm lặng thầm đã “đơm bông” .
Những “người thầy” khoác trên mình màu xanh của sắc phục, như gieo màu xanh của niềm tin và hy vọng, thắp sáng con đường trở về nẻo thiện của những “người trò” từng lầm đường lạc bước. Những nét chữ ngả nghiêng, vụng về được viết bởi đôi tay của những người từng gây nhiều sai trái, đó là sự nỗ lực của chính của những người trót lầm lỡ và những “người thầy”.
Một buổi giảng dạy về kiến thức pháp luật cho phạm nhân ở Trại giam Định Thành. |
Dạy chữ là cầu nối để cán bộ quản giáo tiếp xúc nhanh nhất và chân thành nhất với phạm nhân. Từ đó, nắm bắt được những tâm tư, tình cảm của từng đối tượng phạm nhân mà có những động viên, chia sẻ kịp thời.
Trung tá Dương Văn Long, Phó Giám thị Trại giam Định Thành cho biết, về công tác dạy văn hóa xóa mù chữ cho phạm nhân thì đơn vị phối hợp với Phòng Giáo dục huyện Thoại Sơn, trường Tiểu học B Vĩnh Khánh dạy lớp xóa mù mức I, II, III theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các phạm nhân mới nhập trại chưa biết chữ. Ngoài ra, trại giam thường xuyên phối, kết hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm và Trường Cao đẳng nghề An Giang mở các lớp nghề như điện dân dụng, may công nghiệp.
Hiện, tại các phân trại đang hoạt động xây dựng và sản xuất, bên cạnh việc tổ chức các lớp dạy nghề, phối hợp cùng các đơn vị chuyên môn cấp chứng chỉ nghề nghiệp cho phạm nhân.
Phạm nhân tại Trại giam Định Thành đọc sách, báo. |
Thiếu tá Đinh Xuân Lãm, Phó Đội trưởng Đội Giáo dục, Hồ sơ, Trại Giam Định Thành chia sẻ: “Để làm tốt công tác giáo dục thì hàng ngày chúng tôi phải tìm hiểu thật kỹ về từng phạm nhân để hiểu được xem người ta cần cái gì, có khiếm khuyết như thế nào, để từ đó chúng tôi đa dạng các hình thức giáo dục, bằng nhiều phương pháp để bù đắp lại cho họ, để đến khi phạm nhân chấp hành án xong án phạt tù, họ trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”.
Mỗi phạm nhân là một thân phận, một câu chuyện cuộc đời với những đắng cay, thăng trầm, cho đến những bi kịch về một thời lầm lỡ. Vì thế mỗi cán bộ trại giam ngoài việc là người giáo viên truyền tải kiến thức, kĩ năng sống mà còn là những “bác sĩ” điều trị căn bệnh về tinh thần, tâm hồn.
Cuộc sống của phạm nhân không lạnh lẽo sau song sắt trại giam, mà Ban Giám thị cùng các quản giáo tại Trại giam Định Thành luôn cố gắng tạo cho phạm nhân sống trong một môi trường được quan tâm, chia sẻ và ấm áp tình người.