Nữ CSKV xứ chè chia sẻ kinh nghiệm cảm hóa người lầm lỗi

09:15 15/11/2016
Qua lời giới thiệu của đồng chí Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh Thái Nguyên, tôi gặp Thiếu tá Lê Thị Thanh Trà (36 tuổi), Tổ trưởng Tổ CSKV Công an phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên - tấm gương tiêu biểu trong công tác hội. Chứng kiến chị trực tiếp đối thoại, giải thích với người dân về thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu lúc chiều muộn lại thấy được ở chị sự tận tình, trách nhiệm.

Tốt nghiệp Trung học CSND I năm 2000, chị được điều động về công tác ở Công an phường Phan Đình Phùng từ đó đến nay. Nhiệm vụ của mỗi CSKV là hàng ngày xuống địa bàn nắm tình hình trong nhân dân về an ninh, trật tự (ANTT), làm tốt công tác đăng ký nhân, hộ khẩu, quản lý đối tượng, phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, triển khai những công việc khác do chỉ huy Công an phường giao cho.

“Phụ nữ làm CSKV thì có nhiều hạn chế, vì thường xuyên đi địa bàn. Hễ có việc là cán bộ tổ dân phố và người dân lại bốc điện thoại gọi ngay cho mình, sau đó mình sẽ trực tiếp xuống. Rồi thỉnh thoảng cùng anh em đi tuần tra kiểm soát ban đêm, trong khi là người vợ, người mẹ nên mình cũng phải chăm sóc gia đình, lo cho con cái học hành…” - chị nói.

Cán bộ CSKV thì gần dân, sát dân, coi dân như người nhà nên chị cũng thường xuyên nhận được điện thoại lúc… nửa đêm. Từ mâu thuẫn vợ chồng, hàng xóm cãi nhau gây mất trật tự khu dân cư, xích mích trong chuyện đất đai, trộm cắp… cứ hễ bức xúc không giải quyết được là bà con lại “alô cán bộ Trà”.

Và đã nhận được điện thoại thì dù có đêm đông buốt giá chị cũng sẵn sàng tung chăn lao ra đường. Suốt 16 năm làm CSKV, mỗi tuần chị đi tuần tra 1 lần, từ 22-24h hoặc 0-2h. May mắn có chồng là bác sỹ công tác ở Trường Văn hoá I – Bộ Công an, cùng ngành nên hiểu và cảm thông với công việc của vợ. Tuy nhiên đặc thù công việc của anh cũng phải trực đêm nên nhiều lúc hai vợ chồng “như mặt trăng, mặt trời” bởi anh chị phải cố gắng căn lịch trực không trùng nhau để người kia ở nhà thay mình lo cho con cái.

“Ông bà nội, ngoại đều ở xa nên cả hai cháu đều do vợ chồng mình chăm sóc. Cháu lớn nay đã học lớp 1, còn cháu nhỏ mới 3 tuổi. Những hôm mình trực đêm, nhìn ông xã ở nhà tất tả ru con ngủ cũng thương lắm” - chị tâm sự.

Phan Đình Phùng là một địa bàn trọng điểm, rộng và tương đối phức tạp về ANTT. Thiếu tá Lê Thị Thanh Trà ngoài giữ chức vụ Tổ trưởng, phụ trách chung thì còn trực tiếp phụ trách 4 tổ dân phố, với 549 hộ, 2.134 khẩu, mỗi năm xảy ra hàng chục vụ phạm pháp hình sự, hiện đang quản lý 155 người nghiện có hồ sơ. Thế nhưng chị luôn nắm vững nhân hộ khẩu và hoạt động của các đối tượng, kịp thời nắm và phát hiện các vụ việc, báo cáo chỉ huy giải quyết dứt điểm, không để phức tạp.

Thiếu tá Lê Thị Thanh Trà luôn gần gũi, quan tâm giải quyết nguyện vọng của nhân dân.

Nhắc đến kỷ niệm công tác, chị vui vẻ kể về một người nghiện lâu năm tên N.T.T. Năm 2014 được phân công phụ trách tổ này, chị đã tìm cách tiếp cận, động viên, cảm hoá anh T. cai nghiện. Ban đầu anh T. “bỏ ngoài tai” mọi lời chị nói, thậm chí phản ứng gay gắt. Chị đã tiếp xúc, tìm hiểu được hoàn cảnh gia đình anh có mẹ mất sớm, bố hay uống rượu và việc anh nghiện ma tuý xuất phát từ mâu thuẫn giữa hai bố con.

Thấy được mấu chốt vấn đề, chị đã tìm cách tác động để hai bố con anh T. gần gũi, hiểu nhau hơn, qua đó động viên anh cai nghiện. Cuối năm 2015, anh này đã cai được ma tuý và hiện đã có việc làm ổn định, nuôi sống bản thân mình.

Năm ngoái, có một người sống ở tổ 6 là đối tượng bị truy nã bởi hành vi cố ý gây thương tích. Tuy không phải địa bàn phụ trách nhưng được chỉ huy giao nhiệm vụ dưới vai trò Tổ trưởng Tổ CSKV, chị Lê Thị Thanh Trà đã phối hợp với đồng chí phụ trách địa bàn đến tận nhà vận động gia đình thuyết phục con ra đầu thú. Gia đình không hiểu hết về pháp luật nên có ý che giấu và đưa con bỏ trốn.

Chị nhớ lại: “Mình trực tiếp tuyên truyền cho họ chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước khi ra đầu thú, được hưởng tình tiết giảm nhẹ; còn việc trốn chạy phải sống cuộc sống lang bạt, vất vưởng, mà cũng không ai trốn mãi được…”. Những lời nói của chị tác động tâm lý của gia đình, ngày một, ngày hai… Thế rồi dần dần họ đã hiểu ra và đưa con đến Công an phường đầu thú. “Khi người ta đưa con đến mình cảm thấy vui lắm, như thể nhà mình có chuyện vui vậy” - chị nói.

Theo chị, nhân dân có nhiều tầng lớp khác nhau, từ trí thức, nông dân, buôn bán, lao động tự do… Muốn dân hiểu, dân tin và lắng nghe thì trước đó phải nghiên cứu đời sống tình cảm, tâm tư nguyện vọng, tính cách của từng người, từ đó có phương pháp truyền đạt hiệu quả. Khi hiểu họ rồi, người cán bộ CSKV càng có cách nhiệm chia sẻ, giúp đỡ họ, bởi có những việc họ chẳng tâm sự với ai trong gia đình nhưng với cán bộ lại kể hết ra.

Qua những mẩu chuyện chị Trà kể lại, tôi phần nào cảm nhận được lòng yêu ngành mến nghề của nữ CSKV. Nhưng bí quyết để chị vừa đảm bảo công việc cơ quan, vừa chu toàn công việc trong gia đình thì dường như chị đang giấu. “Không có gì đao to búa lớn cả, mình cân bằng công việc và gia đình, sắp xếp vị trí của hai thứ đó hợp lý thì sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao mà vẫn chăm sóc tốt cho chồng, con”, chị cho biết.

Trong mắt Trung tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng Công an phường Phan Đình Phùng thì chị rất đảm đang, ngoài vai trò Tổ trưởng, phụ trách 4 tổ dân phố thì còn chăm lo tốt công tác nội cần của đơn vị. “Là phụ nữ nhưng đều đặn mỗi tuần Trà đăng ký một buổi đi kiểm tra cư trú, tạm trú ban đêm. Đồng chí luôn đi sâu đi sát, nắm vững địa bàn, có mối quan hệ chặt chẽ với các cấp chính quyền cơ sở nên được nhân dân tin yêu, địa bàn phụ trách tình hình ANTT luôn đảm bảo”, Trung tá Nguyễn Văn Sơn chia sẻ.

Công việc của CSKV bận rộn “như con mọn”, cảm giác cứ luôn chân luôn tay. Trò chuyện với chị đến khi bóng tối đã chầu chực ngoài cửa cũng là lúc chị vừa gọi điện thoại dặn dò cháu trai thay mẹ đón em về. Tôi đành chia tay chị để nữ CSKV ấy trở về nhà với hai đứa con bé bỏng, thầm cảm phục và chúc chị luôn dồi dào sức khoẻ để có thể đảm đương tốt mọi công việc được giao…

Quỳnh Vinh

Thời gian gần đây, nhiều địa phương trong cả nước liên tục ghi nhận các vụ việc đua xe trái phép do nhóm thanh, thiếu niên thực hiện. Không chỉ gây nguy hiểm cho chính người tham gia, hành vi này còn là mối đe dọa trực tiếp đến an toàn giao thông, trật tự xã hội và sự bình yên của cộng đồng. 

Khoảng chiều và đêm 17/11, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 18-20 độ C, vùng núi có nơi dưới 15 độ C.

Ngày 16/11, báo cáo với đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy làm trưởng đoàn, đại diện đơn vị thi công Dự án cao tốc Hòa Liên-Túy Loan (đoạn qua địa bàn Đà Nẵng) cho biết hiện đang bố trí khoảng 30 mũi thi công để đáp ứng tiến độ; nhưng còn một số vướng mắc về mặt bằng, một số điểm người dân cản trở thi công; mưa nhiều, bụi mù, ùn tắc...

Ngày 16/11, Cục CSGT cho biết, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 (Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt, Cục CSGT) đang củng cố hồ sơ xử lý một tài xế ô tô dừng xe ở làn khẩn cấp cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết để cả gia đình ngồi ăn tối.

Đại úy Lê Thị Hồng Lụa là cô giáo ở Trường Giáo dưỡng số 2, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an. Ngoài truyền đạt kiến thức văn hóa cho học sinh, Đại úy Lê Thị Hồng Lụa còn uốn nắn, dạy dỗ, giáo dục những học sinh từ lầm lì, khép kín, ngỗ nghịch đi vào nền nếp, kỷ cương, trở thành người lương thiện để khi hết thời hạn, các em về với gia đình, trở thành người có ích cho xã hội. Nhiều năm miệt mài làm người “chở đò”, với biết bao tâm huyết, công sức, những kỷ niệm về sự hướng thiện của các em học sinh ở ngôi trường “đặc biệt” vẫn luôn là động lực để Đại úy Lê Thị Hồng Lụa thêm say mê, yêu quý nghề. 

Lúc 8h ngày 16/11, tại khu vực biên giới gần cột mốc 172, thuộc ấp Bình Quới, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh), Đồn Biên phòng Phước Chỉ phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh và Công an thị xã Trảng Bàng bắt quả tang Xu Xin (SN 1997, quốc tịch Trung Quốc) nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào Việt Nam.

Trận lũ quét xảy ra hôm 29/10 vừa qua đã để lại những hậu quả nặng nề về người và của, nằm ngoài tiên lượng của giới chức chính trị Tây Ban Nha và nghiêm trọng hơn, nó còn khiến cho giới chức chính trị Tây Ban Nha chỉ trích và đỗ lỗi cho nhau trong cách ứng phó thiên tai.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文