Báo chí Mỹ bóp méo hồ sơ WikiLeaks về Iran

17:25 17/12/2010
Những thông tin do trang web WikiLeaks tiết lộ trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh đang tìm mọi cách kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran đã bị báo chí Mỹ lợi dụng bóp méo để phục vụ ý đồ chính trị, ngoại giao của chính quyền ở Washington.

Việc làm không thể chấp nhận nêu trên vừa bị tờ Asia Times Online (ATOL), tờ báo điện tử hàng đầu châu Á, lật tẩy. Theo ATOL, trò bóp méo thông tin do WikiLeaks tiết lộ được thực hiện bởi 2 tờ báo hàng đầu nước Mỹ là New York Times, số ra ngày 1/12, và Washington Post, số ra ngày 6/12. Nội dung thông tin bị 2 tờ báo lớn và uy tín bậc nhất nước Mỹ này bóp méo có liên quan đến quan điểm của các nước Arập trong khu vực Trung Đông đối với chương trình hạt nhân của Iran và ý kiến của lãnh đạo các nước về việc Mỹ và Israel có nên sử dụng sức mạnh quân sự tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran hay không.

Theo ATOL tờ New York Times đã giật tít trang nhất bài báo nhan đề "Người Arập và Israel đều không chấp nhận Iran có vũ khí hạt nhân", trong đó viết về các bức điện ngoại giao bị WikiLeaks tiết lộ: "Các chế độ Arập trong Vùng Vịnh do Arập Xêút dẫn đầu có cùng quan điểm với Israel rằng, chương trình hạt nhân của Iran phải được dừng lại, nếu cần thì sử dụng sức mạnh quân sự". Chưa thôi, vào ngày khai mạc cuộc đàm phán mới giữa Iran và 6 cường quốc về vấn đề hạt nhân, tờ Washington Post tiếp tục khẳng định rằng, các bức điện do WikiLeaks tiết lộ "cho thấy các lãnh đạo Vùng Vịnh đã thúc đẩy một cuộc tấn công quân sự vào các cơ sở hạt nhân của Iran".

Những thông tin méo mó này lập tức được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và phái diều hâu tân bảo thủ trong Quốc hội Mỹ chộp lấy và xem đó như một lời khẳng định "quan điểm đúng đắn" của Israel trong cuộc đối đầu với Iran. Chúng đã được nhiều tờ báo lớn nhỏ trên thế giới đăng lại hoặc trích dẫn.

Sự thật là các bức điện do trang WikiLeaks tiết lộ chứa đựng nội dung hoàn toàn khác với những gì hai tờ báo hàng đầu nước Mỹ đã nêu. Các bức điện WikiLeaks thật ra đã nói rằng "phần lớn các chế độ ở Vùng Vịnh, kể cả Arập Xêút, rất quan ngại về những hậu quả từ một cuộc tấn công Iran" vì lo ngại về vấn đề an ninh, hoàn toàn trái ngược với quan điểm hiếu chiến của Israel.

Một trong những chi tiết đáng chú ý nhất chính là câu nói của Vua Arập Xêút Abdullah bin Abdul Aziz đã bị tờ New York Times vừa bóp méo vừa diễn giải sai bối cảnh, sai thời điểm và sai cả trọng tâm chủ đề nhằm mục đích làm nổi bật lên quan điểm chủ chiến chống Iran. Kể cả các phát biểu của Đại sứ Arập Xêút tại Mỹ Adel al-Jubeir và Bộ trưởng Ngoại giao, Hoàng thân Muqrin bin Abdul Aziz được thuật lại trong các bức điện cũng bị New York Times bóp méo và trích dẫn sai có chủ đích.

Trong bài báo ngày 1/12 của mình, tờ New York Times đã trích dẫn: Vua Abdullah kêu gọi Mỹ nên "chặt đầu con rắn", ám chỉ Iran trong cuộc nói chuyện giữa nguyên thủ Arập Xêút với tướng David Petraeus vào tháng 4/2008. Bài báo còn khẳng định chính Đại sứ Al-Jubeir đã bảo rằng: "Vua Abdullah đã cổ vũ Mỹ tấn công Iran", còn Bộ trưởng Ngoại giao - Hoàng thân Muqrin thì "kêu gọi Mỹ và cộng đồng quốc tế có hành động chế tài mạnh hơn nữa đối với Iran",...

Sự thật thì các bức điện chỉ nói rằng, tại cuộc gặp tướng Petraeus, Vua Abdullah không hề nói chuyện về chương trình hạt nhân Iran mà chỉ bàn về việc "phản kháng và kiềm chế ảnh hưởng của Iran tại Iraq". Còn lời phát biểu của Đại sứ Al-Jubeir thì không phải vào lúc đó mà vào một thời điểm khác, nhưng cũng không phải nói chuyện "cổ vũ Mỹ tấn công Iran". Riêng phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao thì bị bóp méo trầm trọng; Hoàng thân Muqrin chỉ nói rằng "không nên loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng vũ lực chống Iran". Đây là những phát biểu trong giai đoạn ông Obama chưa lên thay ông Bush trên cương vị Tổng thống Mỹ.

Quốc vương Qatar Sheikh Hamad bin Khalifa al-Thani (phải) và Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad.

Các chuyên gia về Trung Đông cho rằng, phong cách ngoại giao của Arập Xêút là "nói cho người Mỹ nghe những gì họ thích nghe" chứ không phải "những gì mình muốn nói". Điều này hoàn toàn đúng. Các bức điện trong giai đoạn sau khi ông Obama lên làm Tổng thống đều thể hiện quan điểm khác hẳn của Arập Xêút là nhấn mạnh vào các giải pháp chính trị và kinh tế để đối phó với Iran - rất phù hợp với quan điểm "mềm mỏng, lôi kéo đối phương" của ông Obama. Chẳng hạn, nội dung bức điện đề ngày 10/2/2010 nhấn mạnh việc sử dụng "quyền lực mềm" để ngăn chặn ảnh hưởng của Iran tại Iraq, đồng thời khuyến khích sự hòa giải giữa Hamas với chính quyền Palestine ở khu Bờ Tây, tăng cường quan hệ với Nga, Trung Quốc và Ấn Độ để tạo sức ép gián tiếp lên Iran,... mà không cần trông cậy vào sức mạnh quân sự, ngoại giao của Mỹ.

Thêm những bằng chứng bóp méo sự thật nữa cho thấy không hề có chuyện "một mặt trận Arập chống Iran" như New York Times đã nêu. Chẳng hạn, New York Times trích dẫn một bức điện tháng 2/2007 nói, Hoàng thái tử xứ Abu Dhabi Mohammed bin Zayed al-Nahyan nói rằng, chương trình hạt nhân của Iran "phải được dừng lại bằng mọi cách có thể". Sự thật thì bức điện đề ngày 7/2/2007 nói rằng: "UAE lo ngại bất cứ hành động nào của Mỹ chọc tức người láng giềng lớn và mạnh hơn" của mình.

Hai năm sau bức điện đó, một bức điện đề ngày 5/4/2009 đã làm rõ hơn quan điểm của UAE khi trích thuật phát biểu của Hoàng thái tử Zayed al-Nahyan cho rằng "một giải pháp quân sự sẽ không làm cho chương trình hạt nhân của Iran bị gián đoạn", và rằng "một cuộc chiến với Iran chỉ có gây hại cho UAE"

An Châu (tổng hợp)

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Hết quý I/2024, thị trường bất động sản đã có thêm những tín hiệu tích cực khi sự quan tâm của người dân dành cho nhà ở đã tăng lên so với giai đoạn quý IV/2023. Theo đại diện Bộ Xây dựng, nguồn cung cũng đã tăng khi số lượng dự án hoàn thành và được cấp phép tăng lên. Tuy nhiên, nhận định về thị trường bất động sản, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, dù đã có những chuyển động tích cực nhưng cơ bản thị trường vẫn chưa hết khó khăn. Những bất cập, vướng mắc dù đã được nhận diện nhưng vẫn cần thời gian để tháo gỡ.

Hơn 14 năm công tác trong lực lượng Công an, trong đó có hơn 10 năm gắn bó với công tác an ninh, Thiếu tá Trần Xuân Hoàng, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã vận động, giúp đỡ hàng trăm trường hợp lầm lỡ trót tin lời kẻ xấu, vượt biên trái phép, theo "Tin lành Đêga"… trở về hòa nhập với cộng đồng.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文