Cán bộ ngân hàng lừa đảo nhận hàng tỷ đồng "chạy việc"
Ngày 5-1-2017, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết vừa thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Phùng Hữu Trường (32 tuổi, trú tại ngách 164/33 Hồng Mai, phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nguyên cán bộ một ngân hàng tại Hà Nội. Trước đó, đầu tháng 12-2016, vị cán bộ ngân hàng này đã tới cơ quan điều tra xin tự thú về việc đã lừa nhiều người có nhu cầu xin việc tại ngân hàng, chiếm đoạt khoảng 5 tỷ đồng.
Trong đơn tự thú, Phùng Hữu Trường khai nhận, khoảng tháng 10-2012, khi đang làm việc tại ngân hàng An Bình - chi nhánh Hà Nội, do làm sai hồ sơ nên Trường phải đền bù cho ngân hàng 400 triệu đồng và bị buộc thôi việc. Để có tiền trả cho ngân hàng, Trường đã vay số tiền 300 triệu đồng với lãi suất 3000đ/1 triệu/ngày và vay nặng lãi ở nhiều nơi với số tiền rất lớn. Không trả được nợ, Trường nghĩ ra cách đánh lô đề để có tiền, nhưng càng đánh càng thua, khoản nợ ngày một lớn. Anh ta lên kế hoạch lừa đảo thông qua thủ đoạn "chạy việc" cho những người có nhu cầu làm việc tại ngân hàng.
Đối tượng Phùng Hữu Trường đến Cơ quan CSĐT tự thú hành vi lừa đảo. |
Thông qua các mối quan hệ quen biết hoặc người thân, Trường tự giới thiệu đang là Trưởng khu vực 7 của Ngân hàng V, khoe có quan hệ thân thiết với lãnh đạo nên có thể giúp "chạy" vào làm việc tại ngân hàng này với chi phí từ 150-300 triệu đồng/suất. Chị Đào Thu T. (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết quen Phùng Hữu Trường từ đầu năm 2015.
Đến đầu tháng 7-2016, Trường chủ động nhắn tin thông báo đã chuyển sang làm việc tại ngân hàng V, trụ sở tại quận Hoàn Kiếm. Trường nhắn chị T. nếu có nguyện vọng vào làm việc tại ngân hàng này thì làm hồ sơ rồi chuyển cho anh ta, kèm chi phí để lo lót thủ tục "đầu vào" là 250 triệu đồng.
Sau khi chị T. chuyển hồ sơ, Trường nhắn tin số tài khoản mang tên anh ta mở tại ngân hàng V để chị T. chuyển tiền. Để chị T. tin tưởng, Trường hẹn chị T. đến trụ sở ngân hàng V. viết giấy vay nợ số tiền mà chị T. đã chuyển, hứa hẹn sau 1 tháng chị T. sẽ được đi làm. Tuy nhiên đến thời điểm Trường ra tự thú thì chị T. mới biết khả năng "chạy việc" của Trường chỉ là một chiêu trò lừa đảo.
Theo tố cáo của những người bị hại, sau khi nhận tiền và hồ sơ xin việc của bị hại, Trường đều cam kết trong thời hạn từ 3-4 tháng sẽ xin được cho họ vào làm việc tại ngân hàng V.. Thực tế Trường không làm gì để thực hiện thỏa thuận mà dùng tiền trả nợ, tiêu xài hết, hồ sơ thì vứt bỏ.
Đến hẹn, các bị hại không được đi làm đã gặp Trường để hỏi lý do thì anh ta đã tự làm giả "Kết quả thi tuyển" và "Xác nhận phỏng vấn" để bị hại ký vào. Sau đó Trường thu lại các tài liệu trên, nói để làm thủ tục đưa vào hồ sơ tuyển dụng, bị hại không cần đến ngân hàng để dự thi và phỏng vấn bởi nếu thi thật thì sẽ trượt hết. Chính vì thế nên mọi người rất tin tưởng.
Quyết định khởi tố bị can đối với Phùng Hữu Trường đã được Viện kiểm sát phê chuẩn. |
Bà Nguyễn Thị N., ở Nghệ An cho biết, con gái của bà N. đã thi tuyển vào một số ngân hàng nhưng không đỗ. Sau khi được Trường thông báo sẽ "chạy" giúp vào ngân hàng mà không cần thi, cô con gái đã thông báo với bà N. ra Hà Nội gặp Trường để đưa tiền nhờ giúp đỡ. Đọc nhiều thông tin về các vụ lừa đảo việc làm trên báo, bà N. cũng rất lo ngại.
Tuy nhiên khi nói chuyện với Trường, bà N. thấy anh ta rất am hiểu về quy trình tuyển dụng của ngân hàng, bản thân Trường lại giới thiệu đang làm việc tại ngân hàng V. và đã đến tận nhà anh ta giao tiền nên những yếu tố "người thật" này đã củng cố niềm tin của bà N. đối với Trường.
Trường hợp chị Nguyễn Thị H. ở Hà Nội, Phùng Hữu Trường còn làm giả "Quyết định tiếp nhận" của ngân hàng V.. Chị H. cho biết, khi xem quyết định, chị rất vui và yên tâm vì có dấu đỏ, có chữ ký của lãnh đạo ngân hàng. Tuy nhiên sau khi cho chị H. xem xong, Trường thu lại ngay.
Sau này khi cơ quan điều tra tiến hành thực nghiệm lại hành vi làm giả mạo văn bản trên, Trường cho biết anh ta lấy mẫu quyết định tiếp nhận nhân sự của ngân hàng để làm giả nội dung tương tự, sau đó sử dụng tờ văn bản trang cuối cùng con dấu, chữ ký của lãnh đạo ngân hàng (văn bản có nội dung không liên quan đến việc tuyển dụng) để đính vào thành trang 2 của quyết định tiếp nhận đã được làm giả. Chính vì vậy khi xem giấy tờ, người bị hại thấy con dấu thật đã yên tâm giao tiền cho Trường.
Ngay sau khi Phùng Hữu Trường tự thú, Cơ quan CSĐT đã làm việc với Ngân hàng V. Phía ngân hàng xác nhận Trường làm việc từ đầu tháng 12-2014, là nhân viên phòng khách hàng vừa và nhỏ ngân hàng V., đến ngày 2-12-2016, Trường đã bị thôi việc.
Bản thân Trường không có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến tuyển nhân viên. Quá trình xác minh, đến nay cơ quan điều tra đã làm rõ 14 trường hợp đưa tiền cho Trường để nhờ xin việc với tổng số tiền đã bị Trường chiếm đoạt là 3.160.000.000 đồng. Trong đó, một số người đưa tiền trực tiếp còn một số thì chuyển khoản cho Trường.
Ngày 20-12-2016, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phùng Hữu Trường về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Sau khi được Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội phê chuẩn, ngày 29-12-2016, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trường.
Trước đó, cuối năm 2015, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã bắt giam đối với Phạm Thế Tuấn (SN 1981), nhân viên tín dụng ngân hàng VP Bank - Chi nhánh Chương Dương cũng về hành vi lừa đảo xin việc. Tự nhận mình có nhiều quan hệ với lãnh đạo, Tuấn khoe khoang khả năng có thể xin việc vào bất cứ ngân hàng nào trên địa bàn Hà Nội với giá 350 triệu đồng/người.
Thấy Tuấn là cán bộ ngân hàng nên anh Nguyễn Trọng Lực ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy đã tin là Tuấn có khả năng xin việc thật nên chuyển tiền nhờ Tuấn xin việc cho 2 người vào ngân hàng V và B. Tuấn cam kết chỉ sau 1-2 tuần sẽ có quyết định tiếp nhận và giấy báo trúng tuyển. Tuy nhiên không ai được đi làm như cam kết, còn Tuấn thì khất lần, khi bị đòi tiền chỉ trả nhỏ giọt.
Theo cơ quan điều tra, mặc dù kinh tế suy thoái, ngân hàng không còn là ngành "hot" như những năm trước nhưng do nhu cầu việc làm trong xã hội rất lớn, hơn nữa việc thi tuyển vào các ngân hàng rất chặt chẽ, chọn lọc nên không ít người đã tìm cách chạy chọt để xin việc. Chính vì vậy đã xuất hiện những cán bộ ngân hàng biến chất, lợi dụng danh nghĩa đang làm việc tại ngân hàng để lừa đảo "chạy việc" cho người khác.
Đây là bài học cho những người muốn xin việc bằng con đường "tắt" cần cảnh giác trước những đối tượng lừa đảo gắn mác công chức.
Thông báo Cơ quan CSĐT đề nghị, những ai đã đưa tiền cho Phùng Hữu Trường để nhờ xin việc, yêu cầu đến Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC46) Công an TP Hà Nội để trình báo và giải quyết. Địa chỉ: 40B Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 0166.412.6666. |