Châu Âu với nỗi lo mafia

10:04 26/04/2020
Trong suốt lịch sử 150 năm hoạt động ở miền Nam Italy, các tổ chức tội phạm (hay còn gọi là mafia) đã kiếm được lợi nhuận từ các trường hợp khẩn cấp như động đất, dịch tả bằng cách tìm nguồn cung ứng cho công nhân, sửa chữa hợp đồng xây dựng hoặc rút tiền từ quỹ vệ sinh thành phố...

Và kể cả lần này, các tổ chức tội phạm được cho là cũng đã sẵn sàng tận dụng những điểm yếu trong nền kinh tế bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19 để kiếm lời bất hợp pháp.

Trục lợi từ khủng hoảng

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài hàng thập niên ở Italy, các nhóm mafia đã rửa tiền lãi khổng lồ từ buôn bán ma túy bằng cách đầu tư và giành quyền kiểm soát các doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là ở miền Bắc. Nay, đại dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới gây ra lan rộng khắp châu Âu lại đang cung cấp cho mafia một cơ hội kinh doanh có lợi nhuận khác và cơ hội này không chỉ ở riêng Italy.

Người đứng đầu Cơ quan điều tra chống mafia ở Italy (DIA), ông Giuseppe Governale nhận định, việc phong tỏa quốc gia, cảnh sát tuần tra và kiểm soát những chuyến bay nội địa cũng như quốc tế đã làm tê liệt các nguồn thu đáng kể của mafia, bao gồm mại dâm, buôn bán ma túy và tống tiền. Nhưng các tổ chức tội phạm đã sẵn sàng tận dụng những gì tiếp theo.

“Khi châu Âu tìm cách xây dựng lại và tái đầu tư vào nền kinh tế của mình, mafia sẽ xâm nhập vào các doanh nghiệp tư nhân hợp pháp để tận dụng những điểm yếu trong nền kinh tế bị tàn phá. Với tất cả châu Âu bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của dịch bệnh thì hậu COVID-19, hoạt động tội phạm có khả năng tăng đột biến trong khối trong những tháng tới”, ông Giuseppe Governale cảnh báo.

Khu vực mua sắm ở Campo de Fiori (Italy) - Nơi hoạt động khá quen thuộc của mafia. Ảnh: AP.

Đồng quan điểm này, Sabrina Pignoli, một thành viên của Nghị viện châu Âu và đến từ Phong trào 5 Star của Italy nói: “Không một quốc gia châu Âu nào miễn nhiễm trước nguy cơ này. Tôi đã tổ chức một sự kiện trong Nghị viện châu Âu để tăng cường nhận thức về hoạt động mafia ở khu vực. Mafia Nga và Albania cũng đáng lo ngại. Đây không chỉ là vấn đề của riêng Italy. Mafia có thể đã có sẵn một kịch bản cụ thể để trục lợi từ những khoảnh khắc khủng hoảng”.

Phân tích rõ hơn những nguy cơ tiềm ẩn, Maurizio De Lucia, công tố viên trưởng thành phố Messina của vùng Sicilia cho biết, các tập đoàn tội phạm Italy, đặc biệt là tổ chức tội phạm Ndrangheta kiểm soát phần lớn hoạt động buôn bán cocaine của châu Âu, sẽ tìm cách cung cấp thanh khoản cho các công ty gặp khó khăn để đổi lấy cổ phần.

“Mafia sẽ cung cấp một khoản vay cho một chủ doanh nghiệp cần tiền. Chủ doanh nghiệp có thể biết mình đang đối phó với ai song lại cho rằng anh ta có thể quản lý tình huống. Thực tế là người đó đã nhầm. Đây chính là một phương pháp hoạt động hợp thức hóa của mafia. Mafia sau đó sẽ thường xuyên yêu cầu chủ doanh nghiệp thuê một ai đó, một ân huệ mà chủ sở hữu khó có thể từ chối. Người này sau đó bắt đầu đưa ra các đơn đặt hàng, thay đổi sản phẩm hoặc sắp xếp một cuộc cải tạo. Các chủ doanh nghiệp có thể phản đối, nói rằng đó là công ty của mình nhưng không thể làm gì khác. Chủ sở hữu được biến thành một người có uy tín, hoặc người đi trước, cho mafia, được hưởng lợi từ mối quan hệ của anh ta với các ngân hàng”, Maurizio De Lucia chỉ rõ.

Thâm nhập các doanh nghiệp phá sản

Cũng theo lời công tố viên trưởng thành phố Messina, Trung tâm tội phạm của cảnh sát Italy (DAC) mới đây đã cảnh báo các lực lượng về nguy cơ mafia tham gia các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng thực phẩm nông nghiệp, cơ sở hạ tầng y tế, vật tư y tế và lĩnh vực khách sạn, nhà hàng.

Các nhóm mafia cũng đang ngày càng tìm đến các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, chẳng hạn như các quốc gia ở Đông Âu. Các thiên đường thuế và các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) nhưng ít chú ý đến hoạt động rửa tiền cũng có thể trở thành mục tiêu.

Tờ Politico dẫn một nguồn tin khác từ Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) cho hay, đến nay mafia đã thâm nhập vào nền kinh tế Đức và có chỗ đứng vững chắc ở Tây Ban Nha, chủ yếu trong lĩnh vực khách sạn và du lịch. Tại Pháp và Bỉ, mafia cũng mở rộng hoạt động trong các lĩnh vực này.

Còn ở Italy, trong một thập niên qua, mafia đã “phát triển chuyên môn” trong việc rút tiền từ các quỹ của EU được gắn thẻ cho các công trình kết cấu. Điều này mang lợi rất nhiều cho chúng khi các chính phủ bơm dòng tiền vào các nền kinh tế tê liệt của Châu Âu để tái thiết.

Cảnh sát Italy tăng cường các hoạt động chống mafia trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: Getty.

“Đặc biệt, mafia Ndrangheta đã xuất khẩu bí quyết này sang các nước châu Âu khác, nhất là ở Đông Âu. Nhà báo Ján Kuciak đã bị sát hại trong khi điều tra hiện tượng này ở Slovakia năm 2018”, Politico dẫn lời của Sabrina Pignoli.

Chưa hết, theo ghi nhận thực tế của Politico và nguồn tin do người đứng đầu DIA Giuseppe Governale cung cấp, các nhóm mafia đã bắt đầu làm việc xung quanh các điều kiện phong tỏa đường phố, kiểm soát cửa ngõ ở các tỉnh thành, quốc gia của châu Âu.

“Chúng làm việc ở bất cứ nơi nào có khả năng cho các quan chức tham nhũng, những người sẽ rơi vào bẫy hoặc sẵn sàng để bị tha hóa. Đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy nền kinh tế cũng sẽ cung cấp công việc cho các doanh nghiệp hàng đầu truyền thống của mafia trong lĩnh vực  xây dựng, sản xuất xi măng và vận tải. Mặc dù việc các đấu thầu công khai được thiết kế để loại bỏ các doanh nghiệp tội phạm, nhưng quy mô lớn của các khoản đầu tư theo kế hoạch sau đại dịch COVID-19 có thể có nghĩa là các quy trình này được gấp rút thực hiện và tạo ra ít khả năng phát hiện các doanh nghiệp bất hợp pháp”, Giuseppe Governale bày tỏ lo lắng.

Trong khi đó, một thành viên của mafia Cosa Nostra thừa nhận, các nhóm mafia Italy đang mạo hiểm giao ma túy tại nhà để tiếp cận khách hàng trong bối cảnh đất nước bị phong tỏa và lệnh cấm đi lại được ban hành. Một số nhóm mafia khác thì bán hàng một cách kín đáo hơn cho những người xếp hàng đợi bên ngoài siêu thị hoặc nhà thờ.

“Giá vẫn tăng và nhu cầu vẫn có”, nguồn tin này cho biết và nhấn mạnh: “Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc đóng cửa các cửa hàng, quán bar và nhà hàng. Nhưng trên lãnh thổ của mình, các nhóm mafia vẫn đang hoạt động nhộn nhịp”.

“Mafia đang hoạt động với nguyên tắc của người thợ rèn, tức là có lúc phải chịu đựng và có thời gian để tấn công. Ngay bây giờ, chúng giống như một cái đe và chịu đựng và chờ đợi thời điểm tốt hơn. Nhưng khi chính phủ nới lỏng các lệnh cấm, tái thiết kinh tế, chúng sẽ trở thành cây búa và tấn công hết lần này đến lần khác. Một số nhóm tội phạm cũng đang phát triển các hoạt động mới để khai thác tình trạng khẩn cấp”, tờ Politico bình luận và viện dẫn báo cáo của Europol rằng, ngay từ đầu mùa dịch, mafia đã tham gia vào việc buôn bán mặt nạ, khẩu trang, găng tay và dược phẩm giả hoặc không đạt tiêu chuẩn...

Europol cũng báo cáo các vụ trộm ở nhiều quốc gia EU đã sử dụng phương thức hoạt động giống hệt nhau: thủ phạm mạo danh cơ quan thực thi pháp luật hoặc các quan chức y tế cung cấp tài liệu thông tin, sản phẩm vệ sinh hoặc xét nghiệm SARS-CoV-2…

Tăng “địa ngục” và tuyển dụng

Ở vùng trung tâm mafia tại miền Nam Italy, cảnh sát lo ngại rằng tình trạng nghèo đói sẽ trở nên trầm trọng hơn và có thể tạo ra mảnh đất màu mỡ cho việc mafia tuyển dụng thành viên mới. Cảnh sát đã được lệnh tăng cường tuần tra trên các đường phố và đứng canh bên ngoài các cửa hàng tạp hóa ở Palermo, Sicilia khi có sự gia tăng về tình trạng cướp bóc, đột nhập hàng đêm hoặc việc người mua hàng từ chối trả tiền…

Trên mạng xã hội, các nhóm kín Facebook với hàng ngàn thành viên thì kêu gọi bất tuân lệnh chính phủ và tạo ra bạo loạn trên đường phố. Các nhà chức trách cảnh báo rằng, mafia có khả năng đứng sau tình trạng bất ổn này để rồi sau đó bước ra “như một vị cứu tinh” với việc cung cấp các khoản vay và công việc trên thị trường chợ đen.

Chẳng hạn, nhóm La Cosa Nostra đã công khai tuyên bố tuyển mộ một đội quân dân thường hoàn toàn mới, sẵn sàng giúp chúng khai thác bất cứ thứ gì trỗi dậy từ đống tro tàn đại dịch.

“Đại dịch COVID-19 đối với một số đông người Italy còn mang lại sự thất vọng và tức giận. Mọi người đang thiếu tiền lương để trả các khoản thanh toán gồm tiền thuê nhà và thế chấp đến hạn. Các nhà máy đã bị đóng cửa, các doanh nghiệp thất bại hàng ngày và khoảng 3,7 triệu người làm việc trong nền kinh tế đen không có giấy tờ bị bỏ rơi, không đủ điều kiện để nhận được sự giúp đỡ chính thức từ chính phủ. Chúng tôi cần phải hành động nhanh”, Thị trưởng thành phố Palermo Leoluca Orlando đã nói với các phóng viên trong một cuộc trả lời phỏng vấn và bày tỏ: “Nếu không nhanh, căng thẳng có thể biến thành bạo lực”.

Rõ ràng, nỗi lo về việc mafia có thể thổi bùng ngọn lửa bất ổn để rồi từ đó, chúng xuất hiện, mang lại trật tự mới không phải là không có cơ sở. Mafia ở Sicilia đã bắt đầu chính xác theo cách đó vào thế kỷ 19, đưa ra một giải pháp thay thế cho nhà nước có vẻ yếu đuối và không thể giúp đỡ người dân.

Giuseppe Antoci, Chủ tịch Quỹ Caponnetto giúp đỡ các nạn nhân của những cuộc tấn công mafia đã phải mất hàng thập niên để đánh lại tổ chức này, nhưng đại dịch COVID-19 gần như chắc chắn sẽ khiến nó hồi sinh.

“Trong thời điểm khó khăn này, trong đó nhiều gia đình và doanh nhân đang gặp khó khăn lớn; thời điểm mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải chịu một tác động tàn khốc của khủng hoảng kinh tế, ngay từ bây giờ, mafia đã can thiệp. Chúng sẵn sàng chèn thanh khoản, cung cấp thông qua cho vay nặng lãi cho những người sau đó sẽ bị bóp nghẹt và bắt làm nô lệ”, Giuseppe Antoci cảnh báo trong một lần trả lời phỏng vấn tờ The Daily Beast.

Còn Thị trưởng Leoluca Orlando thì nói: “Đằng sau những mối đe dọa của tình trạng bất ổn lặp lại qua mạng xã hội là việc mafia sẵn sàng khai thác sự tuyệt vọng của người nghèo. Chúng ta không thể đánh giá thấp nguy cơ về một liên minh được củng cố bởi sự tuyệt vọng. Ở miền Bắc, rủi ro là đầu cơ, nhưng ở đây, nơi có nghèo đói lớn hơn, nguy hiểm là các đối tượng tuyệt vọng có thể rơi vào tay bọn tội phạm, trở thành các thành viên mới của mafia. Tình trạng bất ổn ở Sicilia và các khu vực phía Nam rất có thể sẽ dễ lây lan như virus SARS-CoV-2 tới miền Bắc”.

Vậy giải pháp là gì? Nghị sĩ Sabrina Pignoli khẳng định: “Để chống lại điều này, Phong trào 5 Star đã kêu gọi phát tờ rơi tới dân chúng và có hỗ trợ khẩn cấp cho tất cả những người không có thu nhập”.

Trên khắp châu Âu cũng vậy, các lãnh đạo doanh nghiệp đang kêu gọi các chính phủ can thiệp. Các quốc gia nên đưa thanh khoản vào hệ thống và bảo lãnh cho các ngân hàng để các công ty bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh có thể có những khoản vay với lãi suất thấp. Chính phủ phải sát cánh với những người gặp khó khăn hoặc “người khác” sẽ làm điều đó.

“Người khác” ở đây sẽ là mafia và các mafia càng trở nên hùng mạnh khi nhà nước vắng mặt. Nó giống như nguyên tắc giao tiếp tàu thuyền: nếu Chính phủ không có mặt, không gian sẽ được lấp đầy bởi “người khác”.

Và giống như COVID-19, sự gia tăng trong hoạt động tội phạm trên toàn khối có thể sẽ yêu cầu một biện pháp khắc phục trên toàn châu Âu. Nhưng các phản ứng có hiệu quả có thể bị hạn chế do thiếu luật pháp chống mafia cụ thể ở từng tiểu bang và thiên đường thuế.

Như Đức không có giới hạn thanh toán tiền mặt. Hay Hà Lan với sự thiếu luật pháp chống mafia mạnh mẽ, có thể tạo điều kiện cho các Ndrangheta thâm nhập một số lĩnh vực, bao gồm cả nghề làm vườn rồi từ đó che đậy việc rửa tiền và giấu các lô hàng ma túy.

Mặc dù chính quyền Hà Lan vẫn đang tăng cường hợp tác tư pháp với các nước khác nhưng thiếu luật định sẽ khiến việc này khó được thực thi một cách triệt để. Hơn nữa, hiện tại, các tổ chức tội phạm có một lợi thế lớn là các nhà lãnh đạo mất tập trung vào chống tội phạm mà đang bị hút vào những rủi ro sức khoẻ tức thời của đại dịch COVID-19 và tội phạm có tổ chức không nằm trong các ưu tiên của Ủy ban châu Âu.

Huyền Chi (tổng hợp)

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文