Trung tướng Châu Văn Mẫn được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân:

Đã sống và cống hiến

18:30 26/12/2011

Gặp Trung tướng Châu Văn Mẫn sau chuyến bay dài từ TP HCM ra Hà Nội để dự lễ phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND), gương mặt của người cựu tù Côn Đảo ấy rạng ngời nụ cười hạnh phúc. Ông chia sẻ rằng, đối với ông đây thật sự là những ngày có ý nghĩa trong cuộc đời.

Danh hiệu này ông xin được dâng tặng các bậc sinh thành cũng như gia đình thân yêu đã luôn bên cạnh ông sau những ngọt bùi, cay đắng. Và hơn hết, vinh quang này ông xin sẻ chia cùng đồng đội thân yêu, những người đã đi xa cùng nỗi đau thương một thời vì đạn bom của toàn dân tộc, cho cả những người còn ở lại với hòa bình, độc lập, tự do. Hơn ai hết, ông là một người may mắn vì được tiếp tục công việc mà bạn bè ông một thuở chưa làm xong, góp phần công sức của mình dựng xây đất nước, để có một ngày đứng trên bục vinh quang nhận danh hiệu AHLLVTND thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Gông cùm nuôi chí lớn

Đồng chí Châu Văn Mẫn, tên khai sinh là Châu Văn Đẹp, bí danh khi hoạt động cách mạng là Trị An, sinh ngày 11/8/1950, tại xã Bình Sa, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Đồng chí Châu Văn Mẫn giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng từ lúc 15 tuổi và được kết nạp vào Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) năm 16 tuổi.

19 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam (Đảng Cộng sản Việt Nam) và được tổ chức phân công hoạt động (đơn tuyến) phát triển mạng lưới cơ sở của ta trong lòng địch. Nhớ lại những ngày tháng ấy, đồng chí Châu Văn Mẫn chia sẻ: "Tháng 10/1965, lúc mới 15 tuổi, tôi tham gia cách mạng trong Đội công tác đặc biệt (K300-H89) của Huyện ủy Krông Pách, tỉnh Đắk Lắk. Dưới vỏ bọc là công nhân đồn điền cà phê, tôi đã thu thập được nhiều tin tức tình báo trong các địa bàn đặc biệt quan trọng ở chiến trường Tây Nguyên, thực hiện tốt nhiệm vụ nắm tình hình của địch, tuyên truyền giáo dục cách mạng cho nhân dân, xây dựng lực lượng nòng cốt và cơ sở cách mạng trong vùng tranh chấp và vùng địch kiểm soát, trấn áp bọn tề, điệp trong vùng địch, nắm danh sách những tên thám báo, chỉ điểm ác ôn có nhiều nợ máu với cách mạng hoặc những tên phụ trách hệ thống an ninh cơ sở của địch để kịp thời có biện pháp xử lý, tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh của nhân dân địa phương nói riêng và phong trào cách mạng của cả nước nói chung ngày càng được củng cố, phát triển".

Đến ngày 10/1/1970, đồng chí Châu Văn Mẫn bị địch bắt, giam cầm tại nhà tù Buôn Ma Thuột khi gặp gỡ cơ sở bí mật trong vùng địch. Tuy không thu được tài liệu chứng cứ quan trọng trong người, nhưng chúng biết đồng chí là một trong những mắt xích, đầu mối cơ sở quan trọng của Huyện ủy Krông Pách nên đã dùng mọi cực hình tra tấn tàn bạo như đánh đập, dí điện, trấn nước... đến dụ dỗ mua chuộc, nhưng địch vẫn không khai thác được bất kỳ thông tin nào.

Ngày 4/4/1970 địch đưa đồng chí ra giam cầm tại nhà tù Côn Đảo. Tại địa ngục trần gian này, đồng chí đã chống lớp học tâm lý chiến, chống ly khai, chống chào cờ, chống khổ sai và các quy định do địch đặt ra. Ở trại 6 khu B, Đảng bộ Lưu Chí Hiếu, đồng chí là một trong những tù chính trị ít tuổi nhất, được Đảng ủy, Chi ủy và lãnh đạo tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Đội viên chống khủng bố, đàn áp, Phân Đoàn trưởng, Trưởng ban Thanh niên phòng 9, Ủy viên Ban Thanh niên Trại. Tham gia ban biên tập các tập san của Phòng, của Trại, của Thanh niên như tờ Rèn luyện, Xây dựng, Vươn lên và được đảng ủy giao biên soạn các tài liệu kế hoạch đấu tranh, báo cáo sơ kết, tổng kết các cuộc đấu tranh chống địch, các bản tin đọc chậm của Đài phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam phục vụ công tác giáo dục, tuyên truyền cho anh em tù chính trị.

Mặc dù bị địch đày đọa, đàn áp dã man, sức khỏe suy kiệt nhưng đồng chí Châu Văn Mẫn đã tích cực tham gia các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, đòi cải thiện chế độ giam giữ bằng hình thức tuyệt thực nhiều ngày, nhiều lần từ 3 đến 5 ngày, đỉnh cao là 19 ngày (từ ngày 12 đến ngày 30/9/1972).

Không khuất phục được ý chí đấu tranh của người tù Cộng sản, tháng 12/1974 tên chúa Đảo đã có báo cáo nhận xét gửi cấp trên của chế độ ngụy Sài Gòn về đồng chí Châu Văn Mẫn như sau: "Hạnh kiểm xấu. Trình độ giác ngộ: Ngoan cố, chống đối, kích động đấu tranh. Trình độ công tác: Chống mọi sinh hoạt của trung tâm và đề nghị tiếp tục an trí". Tháng 3/1975, ta giải phóng Buôn Mê Thuột - Tây Nguyên. Bọn địch ở Côn Đảo liên tục di chuyển các trại tù cầm cố, mục đích là làm mất liên lạc của tù chính trị (qua các nguồn), để phòng ngừa nổi dậy giành chính quyền ở Côn Đảo. Bởi vì trước đó, ngoài nội san Xây dựng tuyên truyền, trại tù 6B có cất giữ radio để nghe tin tức từ đất liền, nhưng khi di chuyển, các anh không được mang theo vì địch kiểm tra gắt gao quá. Vì không có radio nên các anh không nghe được tình hình của đất liền. Chỉ biết rằng, trước ngày Sài Gòn được giải phóng (30-4) vài ngày, máy bay địch đã ra vào Côn Đảo tấp nập, một số lính ngụy trốn bằng đường hàng không bay ra sân bay Cỏ Ống - Côn Sơn để xuống tàu ra hạm đội 7 chạy trốn (địch bỏ lại sân bay Cỏ Ống gần 40 máy bay các loại). Tối 2/5 bộ đội Hải quân ta ra tiếp quản Côn Đảo.

Nước mắt của ngày chiến thắng

Nhớ lại những kỷ niệm sâu sắc của ngày đầu Côn Đảo được giải phóng, Trung tướng Châu Văn Mẫn tâm sự: "Tôi vinh dự được là một trong những người trong đoàn quân từ Côn Sơn sang giải phóng và tiếp quản sân bay Cỏ Ống. Khoảng chập tối, đội vũ trạng tiếp quản sân bay Cỏ Ống di chuyển bằng chiếc xe GMC được dùng để chở củi cho các nhà lao, đi đêm qua các đoạn đường đèo dài tới 11 km, xe không đèn nên phải có một đồng chí đứng đầu xe rọi đèn pin cho tài xế. Tiểu đội của tôi được phân công chốt ở bãi Vông (nhà nghỉ mát của Nguyễn Văn Thiệu), là những người đầu tiên nhận ra 3 tàu hải quân của ta ra tiếp quản Côn Đảo.

Hình ảnh quân giải phóng với mũ tai bèo, quần áo bà ba, khăn rằn quấn cổ đã khiến tôi xúc động nước mắt trào dâng. Những giọt nước mắt sung sướng sau những ngày lao khổ. Niềm mơ ước đã thực sự đến rồi. Tôi đã trở thành anh bộ đội và được phân công làm xạ thủ M30. Từ người tù chính trị, trở thành người đảo đảm bảo an ninh trật tự, là người làm chủ Côn Đảo. Đưa số tù nhân, quân phạm, thường phạm… vào các trại để giam giữ, quản lý và cải tạo. Mặt khác đưa số sĩ quan, công chức, chính trị vào quản lý để cải tạo, giáo dục, giác ngộ họ…".

Kể lại những ngày tháng đầy bi tráng của những ngày chiến đấu ở Côn Đảo, người cựu tù chính trị, Trung tướng Châu Văn Mẫn vẫn khẳng định rằng, đó luôn là những ngày tháng khó quên của cuộc đời ông. Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng là ngày giải phóng Côn Đảo, là ngày ông và đồng đội ông thoát khỏi cảnh gông cùm, tra tấn. Ngày ông được reo vang khúc khải hoàn chiến thắng cùng đồng chí thân yêu cũng như của người dân trên cả nước Việt Nam. Sau ngày giải phóng, anh em tù chính trị Côn Đảo lần lượt được chuyển về đất liền chữa bệnh, phân công công tác hoặc đi học nâng cao nghiệp vụ.

Riêng đồng chí Châu Văn Mẫn, mặc dù không nguôi nỗi nhớ về quê hương, gia đình, người thân nhưng vẫn tiếp tục ở lại Côn Đảo để giữ gìn an ninh trật tự tại huyện Đảo, giữ các chức vụ từ Phó Văn phòng Ban An ninh (lúc Côn Đảo trực thuộc Trung ương), sau đó làm Đội trưởng bảo vệ chính trị, Phó Công an huyện (khi Côn Đảo là một huyện thuộc tỉnh Hậu Giang)… Bởi vì, như những tâm sự trong bức thư mà đồng chí đã gửi về cho cha mẹ mình: "Thưa cha mẹ! Năm năm con lâm vào cảnh lao tù, con biết cha mẹ và các em rất lo lắng, thương nhớ và mong đợi con về. Nhất là sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và gia đình càng mong đợi. Nhưng cha mẹ và các em ạ, nếu không có thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Hồ Chí Minh, không có sức tấn công tốc chiến tốc thắng của quân giải phóng anh hùng, để bọn chúng không có thời gian thực hiện âm mưu thủ tiêu anh em tù chúng con thì chắc rằng ngày hôm nay con không còn để biên thư về thăm cha mẹ nữa đâu. Hoặc nếu còn thì bị đọa đày nơi ngục tù khắc nghiệt. Nhờ Đảng, nhờ cách mạng mà ngày nay con vẫn còn là con thương yêu của cha mẹ. Và ngày con về thăm cha mẹ, các em không còn xa lắm. Con mong cha mẹ và các em hãy vui lên để cùng bà con, cùng đồng bào ta tham gia công tác cách mạng, nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại đất nước, bước nhanh, tiến mạnh vào xã hội mới. Con ước mong như vậy nhưng con cũng tin chắc rằng cha mẹ rất vui mừng, vì thắng lợi vừa qua là thắng lợi lịch sử, thắng lợi rất huy hoàng của cả dân tộc ta".

Đến năm 1981, ông được cấp trên điều động về đất liền giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, cao nhất là Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến cuối năm 2000, ông được Bộ điều động về giữ chức vụ Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Xây dựng lực lượng (Bộ Công an).

Mãi mãi một tình yêu Côn Đảo

Giờ đây, Trung tướng Châu Văn Mẫn đã nghỉ chờ thực hiện chính sách hưu trí sau những tháng ngày làm việc bận rộn của một Trung tướng, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng - Bộ Công an. Đã gần 40 năm kể từ những ngày lịch sử ấy, bạn bè ông, người còn, người mất, có những người đã nằm lại mãi mãi trong chiến trường, nhiều người được yên nghỉ tại nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo), riêng ông, ông vẫn khẳng định rằng, ông là người may mắn hơn tất cả, được là người trở lại sau chiến tranh, được gặp lại gia đình, quê hương, được tiếp tục dựng xây và cống hiến cho đất nước. Nhưng tôi biết chắc rằng, trong lòng ông, trong tâm thức ông chưa ngày nào thôi nghĩ về bè bạn. Vì thế, ngày 3/2/2012 tới đây, cùng với Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời cũng là dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đảng bộ Lưu Chí Hiếu của trại tù 6B. Ông và một số các đồng chí chủ chốt của trại tù 6B ngày trước sẽ trở lại Côn Đảo để tổ chức lễ kỷ niệm, dựng bia tưởng niệm, trưng bày một số hình ảnh, hiện vật còn lưu lại của những người tù trại 6B năm ấy, như một nén tâm hương tưởng nhớ bạn bè.

Trung tướng Châu Văn Mẫn là một người nặng nghĩa vẹn tình. Cũng bởi thế, dù ở cương vị của một người quản lý, một vị Tướng giữa thời bình nhưng ông luôn sống khép kín, luôn lặng lẽ với công việc của mình, lặng lẽ với cả những vết thương trở trời lại nhói lên đau nhức vì do hậu quả của những trận đòn thù.

Sau ngày rời nhiệm sở, gác lại mọi vinh quang của xứ Hà Thành, mảnh đất mà ông đã neo đậu suốt những năm tháng hòa bình để góp phần xây dựng lực lượng Công an, củng cố nền an ninh quốc gia, Trung tướng Châu Văn Mẫn trở về Vũng Tàu để sống gần hơn với mảnh đất Côn Đảo, nơi mà ông đã để lại một phần tuổi thanh xuân của mình, để xích lại gần hơn những ký ức của một thời chưa xa, để mỗi lần nhớ đồng đội, ông có thể trở lại chốn xưa để thắp cho bạn một nén nhang cho ấm lòng người nơi chín suối…

Kể lại những kỷ niệm cũ, tôi thấy trong mắt vị tướng hiền lành, đức độ ấy có những ngấn nước chực trào ra. Những giọt nước mắt thương nhớ đồng đội thân yêu đã mãi ngã xuống, cùng những ngày tháng gông cùm vẫn hằn những vết sẹo trên cơ thể ông, dù bây giờ nó đã liền da. Tôi chợt hiểu rằng, với những người chiến sĩ đã từng gắn bó đời mình trong những ngày trọng đại của lịch sử, họ có những ký ức vẹn nguyên về một thời đã sống, đã cống hiến để mỗi khi nhớ lại, họ bỗng thấy cuộc đời mình có thêm thật nhiều ý nghĩa…

Rồi Trung tướng Châu Văn Mẫn đọc lại một bài thơ mà người bạn chiến đấu gửi từ Quảng Trị, bài thơ mang tên "Bài ca Sáu B": "Sáu B ơi! Mới đó... Phần tư thế kỷ rồi/ Giữa xa khơi biển cả/ Bao lớp người đày đọa/ Bao sấm dậy rung trời/ ... Ngày 15 gió trái.../ Năm 1971 tháng mười hai/ Hơn 800 người ai nhớ quên ai/ Địch dồn về đây cách ly ảnh hưởng/ Chúng ngông cuồng làm điều ảo tưởng/ Nào ngờ đây lãnh địa 6B/ ... Điểm lại xem ai còn ai mất/ Những mái tóc sương bất khuất/ Những gương mặt trẻ hiên ngang/ Những chị, những anh lăn lộn khắp miền/ Những chú, những cô đứng lên theo nhịp sống/ Cũng lắm bạn chưa hết mùi cay đắng/ Mừng bao người thành đạt vẻ vang/ Từng gặp nhau những nẻo đời thường/ Từng gắn bó nhau những nghĩa tình xưa ấy/ Vẫn những ai chưa một lần gặp lại/ Trong tim nồng còn chỗ trống chờ ai/ Thương nhớ nhau hoài..."

Trần Hoàng Thiên Kim

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文