Góc khuất sau cái chết oan nghiệt của Andres Escobar

12:49 02/05/2019
Định mệnh đã gọi tên Andres Escobar khi cựu thủ quân đội tuyển Colombia bị bắn chết tại ngoại ô thành phố Medellín vào ngày 2-7-1994 khi mới 27 tuổi. Đằng sau cái chết oan nghiệt của Escobar từ pha đá phản lưới nhà tại vòng chung kết World Cup 1994 còn có khá nhiều góc khuất mà ít ai biết đến một cách tường tận…


“Quý ông của bóng đá”

Sinh ngày 13-3-1967 tại Medellin (Colombia) trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, Andres Escobar Saldarriaga (tên đầy đủ của Andres Escobar) sớm bộc lộ niềm đam mê với trái bóng tròn. Darío Escobar, cha của Andres Escobar vốn là chủ ngân hàng đã khích lệ con trai mình theo nghiệp quần đùi áo số thay vì ép buộc theo nghề gia truyền làm ngân hàng như mình.

Sở hữu những tố chất thiên bẩm cần có của một cầu thủ về cả sức mạnh, sức bền, nhãn quan chiến thuật, “cậu ấm” Escobar đã nhanh chóng gây ấn tượng mạnh mẽ khi theo tập tại đội trẻ của CLB Atletico Nacional từ năm 1985 tới 1986. Sự tiến bộ vượt bậc của Escobar trên sân cỏ đã được ghi nhận một cách xứng đáng với việc được đôn lên đá ở đội 1 của Atletico Nacional từ năm 1986 tới năm 1989.

Với lối chơi thông minh, phán đoán tình huống cực tốt, đặc biệt là luôn giữ thái độ chừng mực, ôn tồn, trung vệ đeo áo số 2 của Atletico Nacional đã được đông đảo fan đội bóng giàu truyền thống của Colombia gán cho biệt danh "El Caballero del Fútbol" (Quý ông của bóng đá).

Andres Escobar qua đời ở tuổi 27.

Thành công của Escobar trong màu áo Atletico Nacional đã được thể hiện một cách rõ nét với việc gặt hái một loạt danh hiệu cao quý như vô địch Copa Interamericana 1989, vô địch Copa Libertadores 1989, Á quân Intercontinental Cup (Cúp Liên lục địa) 1989. Trở thành tấm lá chắn thép ở trung tâm hàng phòng ngự của Atletico Nacional nên dễ hiểu vì sao Escobar đã được CLB Young Boys tại giải vô địch Thụy Sỹ trải thảm đỏ mời sang thi đấu. Sau một mùa giải thi đấu tại đây (1989-1990), Escobar quay trở lại thi đấu cho đội bóng cũ Atletico Nacional tại quê nhà Colombia (1990-1994).

Cùng với những chiến tích có được tại cấp độ CLB, Escobar còn ghi dấu ấn qua những gì thể hiện trong màu áo đội tuyển quốc gia Colombia. Ngày 30-3-1988, Escobar có trận ra mắt ở đội tuyển Colombia, trong trận thắng 3-0 trước Canada. Khi đó, Escobar vừa bước sang tuổi 21. Trong suốt 51 trận ra sân sau đó cho đội tuyển Colombia, Escobar ngày càng thi đấu thăng hoa, trở thành chốt chặn đáng tin cậy ở trung tâm hàng phòng ngự.

Không chỉ có vậy, Escobar còn nhận được sự yêu mến từ đông đảo fan hâm mộ bởi sự mẫu mực  cả ở trong lẫn ngoài sân cỏ. Điều đó phần nào đã giải thích vì sao Escobar nhanh chóng trở thành thần tượng của giới trẻ tại quốc gia Nam Mỹ trong những năm 1990 ở thế kỷ trước. Chừng đó đủ thấy sức hút mạnh mẽ mang tên Andres Escobar như thế nào với khán giả tại Colombia.

Bi kịch phản lưới nhà

Không chỉ có Andres Escobar, đội tuyển Colombia còn có sự góp mặt của một loạt hảo thủ thuộc thế hệ vàng của bóng đá nước này như Faustino Asprilla, Carlos Valderrama, Chonto Herrera, Adolfo Valencia hay Freddy Rincon…

Anh em nhà Gallón Henao.

Nằm ở bảng A tại vòng loại World Cup 1994 khu vực Nam Mỹ cùng 3 đội bóng khác là Argentina, Peru và Paraguay, Colombia đã trở thành một hiện tượng với lối chơi đầy bùng nổ, hiệu quả. Càng ấn tượng hơn khi Colombia là đội bóng duy nhất không thua trận nào sau cả 6 lượt trận ra sân ở bảng A tại vòng loại World Cup 1994 khu vực Nam Mỹ: thắng 4, hòa 2. Qua đây Colombia đã đứng đầu bảng A sau khi khép lại loạt  trận ở vòng loại World Cup 1994 khu vực Nam Mỹ.

Cũng chính đội tuyển Colombia đã làm nức lòng hàng triệu người hâm mộ bằng chiến thắng tưng bừng “5 sao” (5-0) trước Argentina, đội bóng vốn được coi là “ông kẹ” của làng bóng đá Nam Mỹ nói riêng và làng bóng đá thế giới nói chung trong trận đấu giữa hai đội diễn ra trên sân vận động Monumental Antonio Vespucio Liberti với sức chứa 53.000 chỗ ngồi tại Buenos Aires (Argentina) hôm 5-9-1993.

Với dàn hảo thủ như vậy lại có trung vệ đội trưởng Andres Escobar ở tuổi 27 đang trong độ chín của sự nghiệp thi đấu, đội tuyển Colombia xuất sắc nhất trong lịch sử được rất nhiều người kỳ vọng sẽ làm nên chuyện lớn tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh diễn ra tại Mỹ vào mùa hè năm 1994.

Thậm chí, có người còn tràn đầy lạc quan về việc “La Tricolor” (biệt danh của đội tuyển Colombia) là ứng viên nặng ký cạnh tranh chức vô địch với những anh tài khác của làng túc cầu thế giới.

Mặc dù vậy mọi chuyện đã diễn ra không theo như mong đợi từ nhiều người khi đoàn quân của HLV Francisco Maturana thua sấp mặt với tỷ số 1-3 trước Romania ngay trận mở màn tại World Cup 1994. Áp lực tâm lý còn đè nặng hơn nữa lên đôi vai dàn tuyển thủ Colombia khi trước đó rộ lên thông tin về việc HLV trưởng Francisco Maturana bị đe dọa sát hại từ một số tay trùm ma túy tại Colombia nếu không lựa chọn đội hình theo yêu cầu của chúng.

Cụ thể, ông thầy Francisco phải đưa vào sân tiền vệ Gabriel Jaime Gomez  cho trận đấu tiếp theo gặp đội tuyển Mỹ. Chỉ có điều, mọi hy vọng đi tiếp của Colombia ở trận đấu gặp đội chủ nhà Mỹ hôm 22-6-1994 đã tắt ngấm. Trong nỗ lực cản phá từ đường tạt bóng sệt vào của tuyển thủ Mỹ, John Harkes, Escobar đã vô tình nhoài người xoạc bóng thẳng về lưới nhà, giúp Mỹ mở tỷ số ở phút thứ 34.

Thua chung cuộc 1-2 sau 90 phút thi đấu trước đội bóng xứ cờ hoa, Escobar và đồng đội tại Colombia phải xách vali về nước sớm ngay sau vòng bảng. Bỗng chốc Escobar trở thành tội đồ trong con mắt của không ít fan cuồng.

Theo lời chia sẻ từ đồng đội của Escobar, trung vệ này cực kỳ tuyệt vọng sau tình huống đá phản lưới nhà. Hơn thế nữa, Escobar còn  chưa từng xem lại pha phản lưới nhà của mình qua truyền hình sau đó. Đó thực sự là một tấn bi kịch với Escobar sau những gì xảy đến ngoài sự tưởng tượng của anh trong những trận đấu tại vòng chung kết World Cup 1994.

Ai sát hại Escobar?

Sau kỳ World Cup 1994, một  Escobar trong tâm trạng chán chường đã quyết định quay trở về thành phố quê nhà Medellín để nghỉ ngơi 10 ngày. Một mặt để lấy lại sự cân bằng về mặt tinh thần, mặt khác đây là bước đệm cho Escobar trong quá trình thương lượng với AC Milan trong thương vụ gia nhập CLB lừng danh tại Italy từ Atlético Nacional. Trước khi quay trở về Medellín, Escobar đã được khá nhiều đồng đội tại đội tuyển Colombia can ngăn.

Humberto Munoz, kẻ đã sát hại Escobar.

Cá nhân ông thầy Maturana còn cảnh báo  Escobar về nguy hiểm rình rập nếu vẫn nhất quyết xuất hiện trên đường phố vào thời điểm cực kỳ nhạy cảm đó. Bỏ mặc ngoài tai mọi lời khuyên ngăn, trung vệ được đánh giá là hay nhất của bóng đá Colombia nói riêng và bóng đá Nam Mỹ nói chung vẫn nhất quyết đáp máy bay trở về Medellín. Đồng thời, Escobar đã quyết định hủy bỏ kế hoạch thăm họ hàng tại Las Vegas, Nevada (Mỹ) đặt ra trước đó.

Số phận dường như đã an bài với Escobar khi anh và mấy người bạn thân thiết tới một quán bar ở khu vực El Poblado, ngoại ô Medellín vào đêm ngày 1-7-1994. Điểm đến tiếp theo của nhóm Escobar là hộp đêm El Indio. Chia tay những người bạn, Escobar lững thững ra bãi đậu xe của hộp đêm El Indio để lên xe ra về.

Thời điểm đó vào khoảng 3 giờ sáng ngày 2-7-1994 (giờ địa phương). Bất thình lình, có 2 gã đàn ông tiến đến rồi quây lấy Escobar. Xô xát đã xảy ra khi 2 gã đàn ông về sau được xác định rõ danh tính là anh em nhà Gallón Henao, Juan Santiago Gallón Henao và Pedro David Gallón Henao, hai tên trùm ma túy, cờ bạc lớn tiếng mạt sát, thóa mạ Escobar về bàn đá phản lưới nhà.

Humberto Munoz, vệ sỹ đồng thời là tài xế cho anh em nhà Gallón Henao lúc đó đang ngồi sau vô lăng chiếc xe SUV nhãn hiệu Toyota. Chứng kiến màn xô xát của hai ông chủ với Escobar, gã sát thủ máu lạnh đã làm như đúng những gì mà anh em nhà Gallón Henao vẫn căn dặn hắn: Giết bất kỳ ai nếu dám gây hấn với ông chủ.  Không thèm quan tâm đến đối phương là ai, Humberto đã rút khẩu súng ngắn, bước theo Escobar rồi bắn liên tiếp 6 phát súng vào lưng và cổ Escobar. 

Theo biên bản điều tra của cảnh sát, cứ sau mỗi phát súng bắn vào người Escobar, Humberto lại gào lên một cách man dại “¡Gol!” (Vàoooo), kiểu như bình luận viên hô vang mỗi khi có đội bóng nào ghi bàn trong lúc tường thuật. Dù được đưa đến bệnh viện nhưng Escobar đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 27.

Sau khi sát hại Escobar, anh em nhà Gallón Henao đã tạo chứng cớ ngoại phạm về việc bị cướp xe, bản thân Humberto đã bị chúng đánh cho tơi tả như thể một vụ cướp. Tuy nhiên, mánh khóe này đã bị lật tẩy. Đành rằng đã có giả thiết cho rằng em nhà Gallón Henao sát hại Escobar vì cay cú cho số tiền chúng đã mất vì đặt cược vào trận gặp Mỹ nhưng diễn biến thực tế tại phiên tòa lại trái ngược hẳn.

Trước sau như một, anh em nhà Gallón Henao chỉ một mực khai rằng việc va chạm với Escobar chỉ là bùng phát chứ không hề có sự sắp đặt gì cả. Hơn nữa, việc Humberto bắn Escobar không hề do bọn chúng ra lệnh. Còn với Humberto, hắn ta quả quyết chưa từng xem trận đấu giữa Mỹ và Colombia tại World Cup, thậm chí còn không biết “phản lưới nhà” có nghĩa là gì.

Với những chứng cứ thu thập được, tòa án Colombia đã tuyên phạt anh em nhà Gallón Henao 15 tháng quản thúc tại gia và nộp phạt 1,5 triệu peso (đơn vị tiền tệ Colombia, tương đương 1.850 USD vào thời điểm đó) vì hành vi... che giấu tội phạm.

Humberto bị kết án 45 năm tù giam và bồi thường 40 triệu peso (khoảng 49 nghìn USD) cho gia đình Escobar. Theo đánh giá từ dư luận, Humberto thực chất chỉ là con tốt thí cho vở kịch tàn nhẫn mà hai tay trùm ma túy dựng nên nhằm vào Escobar một cách có chủ ý. Sau 11 năm ngồi tù, Humberto đã được ra tù vào năm 2005 do cải tạo tốt.

“Cuộc sống không thể kết thúc ở đây. Chúng ta phải tiếp tục. Không có gì là khó khăn cả. Chúng ta sẽ đứng dậy từ đây. Chúng ta sẽ gặp lại nhau nhanh thôi bởi cuộc đời không thể kết thúc như vậy”, Escobar đã nói như vậy trên tờ nhật báo El Tiempe de Bogota chỉ vài ngày trước khi bị hạ sát.

Chẳng ai ngờ định mệnh đã nhanh chóng gọi tên Escobar sau đó. Tới hiện tại, Escobar vẫn là cái tên nhận được sự yêu mến và cũng là vết đau khó lành với bóng đá Colombia sau những gì khủng khiếp mà người đội trưởng mẫu mực gánh chịu, thậm chí đánh đổi bằng chính sinh mạng của mình trước mũi súng của kẻ sát nhân mang tên Humberto Munoz từ bàn đá phản lưới nhà đầy oan nghiệt.

Bảo Quyên

Trong giai đoạn 1997-2006, Việt Nam triển khai tích cực đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ và hội nhập khu vực và quốc tế. Trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí Trần Đức Lương đã có nhiều đóng góp vào việc chỉ đạo xây dựng đường lối đối ngoại và triển khai công tác đối ngoại, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và phu nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức Malaysia và tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tại Kuala Lumpur, Malaysia từ ngày 24-28/5.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra đúng dịp kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, đánh dấu sự khởi đầu tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam dành cho Malaysia trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2025 và quyết tâm cùng Malaysia và các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng ASEAN “Bền vững và bao trùm”, đoàn kết, vững mạnh, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN đối với hòa bình, ổn định tại khu vực.

Sáng sớm 24/5, Hà Nội trời mưa to. Dưới cơn mưa, tại khu vực xung quanh Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông- nơi đặt linh cữu nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Công an TP Hà Nội phối hợp với các lực lượng chức năng đã có mặt, thực hiện nhiệm vụ đảm bảo tuyệt đối an toàn Lễ Quốc tang, phục vụ nhân dân tiễn đưa nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương về nơi an nghỉ cuối cùng.

Theo tin từ TAND quận Tây Hồ (Hà Nội), ngày 5/6, cơ quan này sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử tài xế xe Lexus hành hung nam shipper gây bức xúc trong dư luận. Bị cáo là Tống Anh Tuấn (SN 1982, trú tại phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 1, Điều 134 BLHS.

Ngày 23/5, Viện KSND tỉnh Bạc Liêu cho biết vừa hoàn tất cáo trạng truy tố các bị can: Võ Văn Phượng (SN 1958, cựu Phó Chủ tịch UBND huyện Giá Rai, nay là thị xã Giá Rai) về hành vi vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Nguyễn Văn Trận (SN 1980, cựu Phó Chủ tịch UBND huyện Giá Rai, nay là thị xã Giá Rai); Nguyễn Thanh Lẹ (SN 1967, cựu Phó trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Giá Rai, nay là thị xã Giá Rai) cùng về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 

Thực hiện chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, ngày 18/5, Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an Lào triệt xóa băng nhóm tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng công nghệ cao.

Công an tỉnh Phú Thọ vừa đánh sập đường dây kinh doanh đa cấp có quy mô đặc biệt lớn, với số lượng thành viên gần 200.000 người, trong đó có 107.348 thành viên là người Việt Nam tham gia. Đáng chú ý, đường dây này kinh doanh thực phẩm chức năng có chứa chất cấm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người dân, thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng.

Để bảo đảm an ninh, an toàn và giao thông thông suốt, phục vụ Lễ Quốc tang đồng chí Trần Đức Lương - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chiều 25/3, Công an TP Hà Nội thông báo kế hoạch phân luồng giao thông và tổ chức hướng đi cho các phương tiện trong diện tạm cấm, hạn chế như sau:

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.