Hiện đại hóa ngành Công an, Tình báo ở Trung Quốc

16:55 16/02/2012

Năm 2012, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 18. Quá trình xây dựng và trưởng thành của Đảng Cộng sản Trung Quốc gắn liền với sự trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân nước CHND Trung Hoa với cuộc hiện đại hóa thứ 5 mà về công khai ít quảng bá nhưng thực tế sau hơn 30 năm, Trung Quốc đã tiến những bước dài so với thế giới: Hiện đại hóa ngành Công an, An ninh, Tình báo. chuyên đề ANTG xin giới thiệu một số thành tựu cơ bản của cuộc hiện đại hóa thứ 5 này.

Cuối năm 1978, Trung Quốc chính thức phát động 4 hiện đại hóa nổi tiếng. Quá trình cải cách và mở cửa ở Trung Quốc đã thu được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm thay đổi vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế. Tuy nhiên tình hình an ninh, trật tự của Trung Quốc cũng có nhiều diễn biến phức tạp.

Nếu như trước cải cách, hàng năm chỉ có khoảng 5.000 người nước ngoài vào Trung Quốc thì sau năm 1978 số lượng người nước ngoài vào Trung Quốc lên tới hàng triệu người, năm cao nhất lên tới hàng chục triệu người. Nhiều băng nhóm tội phạm quốc tế như Hội Tam hoàng, các băng nhóm tội phạm gốc châu Á, gốc Hoa đã vào Trung Quốc. Các hoạt động tình báo, gián điệp của các nước với Trung Quốc tăng mạnh, nhất là ở các đặc khu kinh tế, các vùng kinh tế mở, các đô thị lớn. Nhiều giáo phái mới xuất hiện, điển hình là giáo phái Pháp luân công tuyên truyền nhiều vấn đề trái với luân thường đạo lý và đường lối chính sách cải cách, mở cửa. Tình hình tội phạm trong nước cũng diễn biến phức tạp theo sự phát triển của nền kinh tế thị trường, nhiều loại tội phạm mới xuất hiện.

Trong khi các ngành kinh tế, khoa học kỹ thuật, quân sự, công nghiệp, nông nghiệp được hiện đại hóa mạnh mẽ thì ngành Công an Trung Quốc một mặt đang đứng trước các nguy cơ tụt hậu, mặt khác luôn phải đối diện với những yêu cầu mới về tăng cường công tác bảo vệ bí mật quốc gia, đấu tranh với các hoạt động tình báo, gián điệp và các hoạt động tội phạm nhằm tạo sự ổn định chính trị - xã hội để chấn hưng nền kinh tế.

Sau hơn 30 năm thành lập (1949-1978), Công an Trung Quốc hầu như đứng biệt lập với thế giới: về tổ chức bị ảnh hưởng nặng theo mô hình quân sự; quân phục không đẹp và nhìn người cán bộ công an thiếu sự chính quy; trình độ pháp luật quốc tế và ngoại ngữ của cán bộ công an hạn chế. Hệ thống tổ chức Công an Trung Quốc chưa khoa học, bộ máy cồng kềnh, không phân định rõ các chức năng quản lý nhà nuớc và chức năng tác chiến cụ thể. Hệ thống nhà trường nặng về dạy lý luận, ít thực hành. Trong khi hầu hết các nước trên thế giới tổ chức hai hệ thống Cảnh sát và Tình báo độc lập thì tổ chức Công an Trung Quốc quá tải trong điều kiện cải cách và mở cửa.

Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc đã rất nhanh nhận ra khiếm khuyết này trong đường lối hiện đại hóa của mình. "Cuộc hiện đại hóa thứ 5" như các nhà báo nước ngoài vẫn thường gọi đã ra đời ở Trung Quốc. Ngành Công an Trung Quốc bắt đầu cuộc hiện đại hóa của mình từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX.

Điểm đột phá hiện đại hóa đầu tiên của ngành Công an Trung Quốc là tổ chức lại hệ thống Công an Trung Quốc theo mô hình chung của thế giới. Tháng 6/1982, Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc nước CHND Trung Hoa thông qua việc thành lập Bộ An ninh quốc gia. Ngày 1/7/1983, Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc chính thức đi vào hoạt động và đảm nhiệm toàn bộ các công tác tình báo chiến lược, bảo vệ an ninh đối ngoại bên ngoài biên giới quốc gia. Bộ Công an đảm nhiệm toàn bộ công tác an ninh, trật tự trong nước, kể cả công tác biên phòng. Chính phủ Trung Quốc cũng thành lập Tổng bộ Cảnh sát vũ trang trực thuộc Quốc vụ viện và do Bộ trưởng Bộ Công an kiêm chức Chính ủy.

Nếu như trước đây ngành Công an Trung Quốc tổ chức theo cấp bậc hàm cấp sĩ, cấp úy, cấp tá, cấp tướng giống như bộ máy quân sự thì từ năm 1982 Trung Quốc đã chính thức bãi bỏ các cấp hàm này. Các cấp hàm của cán bộ, chiến sĩ Bộ Công an, Bộ An ninh quốc gia và Tổng bộ Cảnh sát vũ trang tổ chức theo hệ thống cấp hàm Cảnh sát của thế giới. Hệ thống cấp bậc hàm của Công an, Cảnh sát Trung Quốc bao gồm: chiến sĩ (constabie) bậc 1, 2; thanh tra sơ cấp (superintendent) bậc 1, 2, 3; thanh tra trung cấp (supervisor) bậc 1, 2, 3; thanh tra cao cấp (commissioner)  bậc 1, 2, 3. Bộ trưởng Công an và Bộ trưởng An ninh quốc gia có cấp hàm Tổng Thanh tra cảnh sát (Commissioner General), Thứ trưởng có cấp hàm Phó Tổng Thanh tra cảnh sát (Deputy Commissioner General). Mặc dù các lực lượng Công an, An ninh quốc gia Trung Quốc không phải là lực lượng vũ trang nhưng có thang lương cao nhất nước ngang với thợ mỏ hầm lò và thủy thủ lao động ngoài biển.

Cảnh sát Trung Quốc chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ. Nguồn: Internet.

Điểm đột phá thứ hai là Trung Quốc đã tách được rạch ròi các tổ chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và tác chiến trực tiếp với nguyên tắc quản lý nhà nước nổi tiếng được nhà bác học Fayon người Pháp đề ra cách đây hơn 100 năm "Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực nhưng một việc phải do một bộ, một ngành đảm nhiệm là chủ yếu". Cũng giống nhiều nước châu Âu, châu Mỹ, châu Á khác, Chính phủ Trung Quốc phân cấp rất rõ. Cảnh sát trung ương chỉ tiến hành các hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự có quy mô quốc gia, còn các công tác khác như bảo vệ trật tự giao thông, điều tra tội phạm... thường giao cho cảnh sát địa phương, cơ sở giải quyết hoàn toàn. Trưởng đồn cảnh sát cơ sở có toàn quyền giải quyết các tội phạm, vi phạm pháp luật thuộc địa bàn mình phụ trách và chỉ chịu sự chỉ huy của trưởng công an, cảnh sát cấp  trên.

Đến thăm Bộ Công an Trung Quốc hôm nay sẽ thấy rõ điều này. Với hơn 1,3 tỉ dân nhưng Tổng vụ Phòng chống ma túy Bộ Công an Trung Quốc chỉ có 75 cán bộ mà đảm nhiệm toàn bộ các công tác phòng chống ma túy như phòng chống tội phạm ma túy, cai nghiện ma túy, tuyên truyền giáo dục phòng chống ma túy, đảm nhiệm chức năng Văn phòng Ủy ban Quốc gia phòng chống ma túy, triệt phá cây thuốc phiện, tình báo ma túy v.v...

Các Cục, Vụ, Tổng vụ thuộc Bộ Công an Trung Quốc không làm nhiệm vụ tác chiến mà chỉ làm quản lý nhà nước, hướng dẫn địa phương. Khi có các vụ án liên quan quốc tế và nhiều địa phương Bộ Công an thành lập các Ban chuyên án và trưng tập cán bộ giỏi ở các khu, tỉnh, thành phố về điều tra, phá án. Xong vụ án, Ban này giải tán và các cán bộ sẽ trở về các địa phương. Chính vì vậy nên mô hình tổ chức và biên chế Bộ Công an, Bộ An ninh quốc gia nước bạn rất gọn nhẹ và chỉ gồm các chuyên gia giỏi để điều phối, chỉ đạo địa phương.

Một buổi tập luyện của cảnh sát Trung Quốc. Nguồn: Internet.

Nước bạn còn cải cách đồng bộ quân phục công an, cảnh sát và các trang thiết bị phục vụ tác chiến của ngành. Một ban nghiên cứu cải cách quân phục Công an, cảnh sát đã được thành lập và cuối cùng đã đưa ra kiến nghị: học tập mô hình quân phục công an, cảnh sát nước ngoài và có cải tiến cho phù hợp với điều kiện Trung Quốc. Vì vậy sau khi Trung Quốc thay trang phục mới cho lực lượng Công an, An ninh quốc gia, Cảnh sát vũ trang, người dân rất hoan nghênh. Một bộ quân phục đẹp, tiện lợi cũng làm tăng tính uy nghiêm của người cán bộ công an, cảnh sát trong khi thi hành công vụ.

Cũng giống như nhiều nước, tổ chức bộ máy Bộ Công an, Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc rất gọn nhẹ. Bộ An ninh quốc gia chỉ có 12 Cục. Cơ quan An ninh quốc gia chỉ tổ chức đến cấp tỉnh. Bộ trưởng Bộ An ninh quốc gia là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và  Ủy viên Quốc vụ viện. Bộ Công an có 23 Cục, Vụ, 5 Học viện, Trường đại học, 4 Viện Nghiên cứu. Bên dưới có 31 Sở, 333 Cục Công an thành phố thuộc tỉnh, 2.861 Cục Công an cấp huyện. Bộ trưởng Bộ Công an là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Quốc vụ viện.

Điểm đặc biệt ở Trung Quốc là để không tăng biên chế của Bộ Công an và gắn kết với các ngành mà Công an có nhiệm vụ bảo vệ, Chính phủ Trung Quốc đã thành lập nhiều lực lượng Công an biệt phái ở các bộ, ngành như: Cảnh sát Tư pháp trực thuộc Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để làm nhiệm vụ quản lý và cải tạo phạm nhân, bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, chống tham nhũng; Cảnh sát Đường sắt thuộc Bộ Đường sắt; Cảnh sát Hải quan thuộc Bộ Hải quan; Cảnh sát Lâm nghiệp thuộc Bộ Lâm nghiệp; Cảnh sát Hàng không thuộc Tổng cục Hàng không; Cảnh sát Giao thông thuộc Bộ Giao thông, Cảnh sát Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng v.v...

Cũng giống như ở nhiều nước, ở Trung Quốc các nhà lãnh đạo ngành Công an quan niệm tội phạm xảy ra ở cơ sở, cộng đồng nên biên chế ngành cảnh sát phải tập trung chủ yếu ở cơ sở. Cấp cơ sở nhất của Công an Trung Quốc là đồn, trạm  cảnh sát. Bộ trưởng Công an là người thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ giải quyết toàn bộ các công tác Công an, cảnh sát. Cơ cấu Công an, cảnh sát Trung Quốc gần giống cảnh sát các nước phương Tây, Cảnh sát Quốc gia Nhật bản. Ở đây Cảnh sát biên phòng, Cảnh sát Bảo vệ an ninh nội địa (cơ quan phản gián) cũng nằm trong bộ máy Bộ Công an. Trong bộ máy cơ quan Bộ Công an Trung Quốc có Cục  Bảo vệ an ninh nội địa.

Trung Quốc tham gia Interpol từ đầu những năm cải cách, mở cửa và đã đăng cai Hội nghị Đại hội đồng Interpol vào năm 1999. Nếu như trước đây Cảnh sát Trung Quốc thu thập thông tin chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với nhân dân thì ngày nay liên lạc chủ yếu qua hệ điện thoại tự động 113. Các Trung tâm Cảnh sát 113 của nước bạn được thành lập đến tận đồn cảnh sát và được nối mạng toàn quốc. Trong suốt 24 giờ người dân Trung Quốc và khách nước ngoài đều có thể gọi báo tin về tội phạm đến số điện thoại miễn phí này.

Trung Quốc được đánh giá có tình hình an ninh, trật tự vào loại tốt ở châu Á và thế giới. Đi tàu điện ngầm, đi ôtô, đi bộ vào lúc nửa đêm ở thủ đô Bắc Kinh hay bất cứ thành phố nào của Trung Quốc, bạn có thể hoàn toàn yên tâm về tình hình an ninh trật tự. Cảnh sát Trung Quốc nói chung và Cảnh sát thủ đô Bắc Kinh nói riêng, trừ các cán bộ làm việc tại các đồn cảnh sát cơ sở, rất ít khi mặc quân phục ra ngoài đường. Vì vậy, việc ít thấy cảnh sát ngoài đường phố là lẽ đương nhiên.

Hơn nữa do công tác điều khiển giao thông, tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm, v.v.... đã được kỹ thuật hóa cao nên đã hạn chế tối đa số cán bộ cảnh sát mặc quân phục công khai ngoài đường phố. Do ngành công nghiệp nội địa của Trung Quốc đã sản xuất được ôtô, máy tính, điện thoại di động và hầu hết các trang thiết bị kỹ thuật, vũ khí, khí tài tác chiến, kể cả máy bay trực thăng, tàu tuần tra biển nên trang bị của Cảnh sát Trung  Quốc rất tốt.

Những năm đầu thế kỷ XXI này, bên cạnh những tội phạm truyền thống, nhiều tội phạm mới như tội phạm máy tính, tội phạm khủng bố, hối lộ, bắt cóc tống tiền, tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em xuyên quốc gia v.v... đã xuất hiện mặc dầu không nhiều như một số nước nhưng cũng là những nguy cơ mới với an ninh, trật tự nước bạn. Chính vì vậy để đáp ứng các yêu cầu bảo vệ công cuộc cải cách và mở cửa, Bộ Công an Trung Quốc đã thành lập các cơ quan mới là Cục Chống ma túy, Cục Chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục Chống khủng bố, các đơn vị làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, các đơn vị cảnh sát gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc v.v...

N.X.Y.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文