Ivan hung bạo – Tên đồ tể cuối cùng của Đức Quốc xã

16:25 31/05/2011

Ngày 12/5 vừa qua, một trong những phiên tòa lớn cuối cùng xét xử tội phạm chiến tranh dưới thời Đức Quốc xã đã kết thúc tại Munich, Đức, với bản án 5 năm tù dành cho cựu đồ tể phát xít Đức John Demjanjuk, có biệt danh là “Ivan hung bạo” 91 tuổi.

Tuy nhiên, tòa đã cho y được tự do trong thời gian đợi phiên phúc thẩm, có khả năng kéo dài tới 6 tháng. Phán quyết của tòa là chiến thắng của công lý và đã gửi đi một thông điệp quan trọng là dù nạn diệt chủng đã trôi qua nhiều năm, nhưng thủ phạm vẫn bị đưa ra xét xử.

Chân dung tên đồ tể

Là một trong những kẻ bị truy nã gắt gao nhất, John Demjanjuk, tên khai sinh là Iwan Nikolayevich Demjanjuk sinh ngày 3/4/1920 tại làng Dubovi Makharintsi, hạt Vinnitsa, Ukraina. Khi Chiến tranh thế giới thứ II nổ ra, Demjanjuk gia nhập Hồng quân để bảo vệ Tổ quốc và sau đó bị lính Đức bắt làm tù binh.

Vì tham sống sợ chết, Demjanjuk tình nguyện gia nhập lực lượng SS của Đức Quốc xã. Y được huấn luyện ở một doanh trại SS tại thị trấn Trawniki, Ba Lan. Kết thúc khóa huấn luyện, y được chuyển tới làm việc tại trại tập trung tử thần Sobibor. Giai đoạn Iwan Demjanjuk làm cai ngục tại Sobibor,  về sau đã được cựu sĩ quan SS Ignat Danilchenko và 3 cựu tù binh xác nhận.

Trại tập trung Sobibor nằm ở ngoại ô thành phố Sobibor bị Đức chiếm đóng. Giữa tháng 4/1942, những thí nghiệm về việc giết người bằng hơi ngạt được tiến hành tại đây. Sau đó, có khoảng 250 người Do Thái đã bị đem ra làm vật thí nghiệm.

Nhiệm vụ chính của Demjanjuk là vận hành các lò hơi ngạt trong những trại tập trung nói trên. Y cũng trực tiếp thực hiện toàn bộ các công đoạn của một quy trình hủy diệt khép kín, bao gồm: dùng vũ lực lùa người Do Thái ra khỏi trại tập trung, tống họ lên những chiếc xe tải chật chội và cuối cùng là lùa các nạn nhân vào lò hơi ngạt. Một số người may mắn sống sót kể lại rằng, thời gian rảnh rỗi "Ivan hung bạo" tiêu khiển bằng những thú vui bệnh hoạn như cắt ngực của phụ nữ hoặc bắt tù nhân Do Thái phải cưỡng bức những em gái mới 12 tuổi, hay dùng kiếm chém vào những nạn nhân không một mảnh vải trên người trước khi lùa họ vào các phòng hơi ngạt.

Sau khi Sobibor bị đóng cửa cuối năm 1943, Demjanjuk chuyển sang phục vụ tại một đơn vị chiến đấu của Đức Quốc xã và bị quân Mỹ bắt làm tù binh khi chiến tranh sắp kết thúc. Sau vài năm nằm trong trại dành cho người vô gia cư ở Đức, y chuyển tới định cư tại Ohio, Mỹ và làm việc trong một nhà máy sản xuất ôtô.

Cuộc truy tìm "Ivan hung bạo"

Demjanjuk đứng hàng thứ hai trong danh sách truy nã tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã của Trung tâm Simon Wiesenthal, chỉ sau bác sĩ tử thần Aribert Heim. Dẫu vậy tòa án xét xử tội phạm chiến tranh chỉ thu thập được những chứng cứ cho thấy y là thành viên cấp thấp của một đơn vị cảnh vệ khét tiếng tàn ác được Đức Quốc xã huấn luyện tại làng Trawniki, Ba Lan, để điều hành những trại tập trung tử thần.

Vào ngày 14/11/1958, Demjanjuk chính thức nhập quốc tịch Mỹ. Sáng ngày 25/8/1977, khi đang làm việc như thường lệ tại nhà máy thì Demjanjuk nhận tin y bị nghi ngờ là tội phạm chiến tranh của Đức Quốc xã. Ngày 25/6/1981, một tòa án Liên bang đã tước quyền công dân của y nhưng chỉ với lý do y sử dụng giấy tờ giả. Sau đó y bị dẫn độ về Israel và bị án treo cổ sau một phiên tòa đầy kịch tính làm rung chuyển cả nhà nước Do Thái. Y bị biệt giam trong thời gian kháng cáo.

Tuy nhiên, sau sự sụp đổ của Liên Xô, một tình tiết khác xuất hiện: có một cai ngục khác tại trại Treblinka có khả năng là "Ivan hung bạo", và mặc dù đã phục vụ tại nhiều trại tập trung của Đức Quốc xã, nhưng Demjanjuk không phải là một tên đồ tể cộm cán. Ngày 29/7/1993, Tòa án tối cao Israel mở lại phiên tòa bác phán quyết trước đó trên cơ sở kháng cáo của Demjanjuk, và sau đó ra lệnh hủy bỏ bản án treo cổ. Chứng cứ mới được đưa ra lần này là một số thông tin thu thập được từ Nga cho thấy y chỉ  là nạn nhân của những sai lầm trong quá trình điều tra. 

Tuy nhiên phía Nga sau này đã cung cấp cho Mỹ một thẻ căn cước và khẳng định nó được phát hiện từ đống hồ sơ thu được của Đức Quốc xã. Theo đó Demjanjuk cho dù không phải là "Ivan hung bạo" của trại Treblinka thì y cũng là cảnh vệ của trại tử thần Sobibor. 

Năm 1999, Bộ Tư pháp Mỹ lại đưa Demjanjuk ra tòa. Lần này y bị tước quyền công dân Mỹ trong 3 năm vì tội khai man về vai trò của mình tại các trại tập trung trong những hồ sơ di trú gốc. Dẫu vậy nhà chức trách Mỹ cũng  không thể trục xuất Demjanjuk bởi không có nước nào đồng ý cho y trú ngụ. Đến năm 2008, Giám đốc Cơ quan Điều tra Tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã Kurt Schrimm (Đức) đã yêu cầu các công tố viên ở Munich, nơi Demjanjuk sống trước khi sang Mỹ, buộc tội y vai trò đồng lõa với tội ác chiến tranh tại Sobibor.

Tháng 3/2009, sau khi phân tích các chứng cứ, Tòa án Munich đã quyết định bắt giữ Demjanjuk. Trong quá trình chờ xét xử, y nằm chờ tại bệnh viện của cảnh sát tại Munich-Stadelheim. Y bị bệnh bạch cầu ở giai đoạn đầu và có vấn đề về cột sống. Các chuyên gia không loại trừ khả năng cản trở tiến trình nếu bị cáo chứng minh là quá yếu để có thể chịu đựng được phiên xử.

66 năm đã trôi qua kể từ khi Thế chiến II kết thúc, không nhân chứng nào còn sống để chứng thực sự có mặt của Demjanjuk tại trại tập trung tử thần, cũng như những cáo buộc về tội ác ghê rợn mà y đã gây ra cho đồng loại ở đó.

Phải  mất  nhiều  tháng  nữa  phiên phúc thẩm mới được mở. Cũng có thể y không sống được cho đến ngày đó. Và như vậy đây có thể là phiên tòa cuối cùng xử tội phạm chiến tranh dưới thời Đức Quốc xã, chấm dứt một kỷ nguyên đòi lại công bằng được khởi đầu tại Tòa án Nuremberg năm 1945

Lương Lê Giang (tổng hợp)

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文