Jean-Bedel Bokassa - bạo chúa của Cộng hòa Trung Phi

07:34 28/08/2018
Trung Phi cho dù có nguồn tài nguyên thiên nhiên cực kỳ phong phú nhưng vẫn được xếp vào danh sách những quốc gia nghèo nhất thế giới. Trong suốt lịch sử của mình, Trung Phi hoặc phải lâm vào tình cảnh nội chiến, hoặc phải nằm dưới quyền cai trị của những quan chức cầm quyền tham nhũng, trong số đó Jean-Bedel Bokassa vốn nổi tiếng bởi sự tàn bạo và tính khoa trương kệch cỡm của mình.

Có thể nói, thói độc đoán của Bokassa đã vượt qua tất cả những khuôn khổ thông thường nên không có gì ngạc nhiên khi tên của ông ta vẫn được người dân tại Trung Phi nêu ra để dọa trẻ em. Trước khi lên ngôi vào năm 1966, Bokassa vẫn tuyên bố mình là “một người Pháp thuần chủng”, bất chấp màu da đen thẫm cùng sở thích ăn thịt người của mình.

Jean-Bedel Bokassa.

Đăng quang kiểu... Napoleon

Bokassa mặc chiếc áo khoác dài trang điểm hàng ngàn viên ngọc nhỏ; đôi giày đính ngọc trai (tất cả từng được đưa vào Sách kỷ lục Guinness); chiếc áo măng tô bằng nhung đỏ có gắn những biểu tượng đại bàng bằng vàng. Bên cạnh ông ta là hoàng hậu tương lai với chiếc váy đính 935 ngàn chiếc vảy lóng lánh kim loại. Trên vương miện hoàng đế là hình tượng con đại bàng đính rất nhiều kim cương, viên lớn nhất trong số này có trọng lượng 80 carat. Vương miện của hoàng hậu cũng gần như vậy nhưng nhỏ hơn.

Chiếc quyền trượng và thanh kiếm là biểu tượng quyền lực của nhà vua được các nhà kim hoàn nổi tiếng nhất tại Pháp chế tác. Các trang sức và vật dụng đặc biệt trên đều là những bản sao tương tự như lễ xưng vương của Napoleon Bonaparte và Josephine. Chỉ có điều lễ đăng quang của Bokassa và cô vợ Katerina diễn ra sau thần tượng lịch sử của mình 150 năm.

Tính ra, chỉ riêng quần áo cũng như trang sức dùng trong lễ đăng quang này đã tiêu tốn ngân sách của Trung Phi khoảng 5 triệu đôla. Cần nói thêm, phần lớn những trang phục được sử dụng trong buổi lễ này đều được may tại Pháp bởi hãng Gizelin, trong lịch sử cũng từng may trang phục cho lễ đăng quang của Napoleon.

Nhưng chưa hết, chiếc vương miện dành cho buổi lễ được đặt với giá 2,5 triệu đôla; cỗ xe ngựa trải nhung và có nhiều chi tiết làm bằng vàng cùng 8 con ngựa trắng được đặt hàng tại Bỉ. Khách dự buổi lễ được chuyên chở bằng 60 chiếc Mercedes-Benz đời mới nhất.

7 giờ sáng ngày 4-12-1977, những chiếc limousine sang trọng chở khách tới sân bóng rổ là nơi diễn ra lễ đăng quang. Theo những người trực tiếp chứng kiến, toàn cảnh nghi lễ trên được tổ chức khiến nhiều người liên tưởng giống hệt như bức tranh “Lễ đăng quang của vua Napoleon” do họa sĩ Jacques-Louis David vẽ vào năm 1807.

Jean-Bedel Bokassa.

Sau lễ đăng quang là một bữa yến tiệc cực kỳ hoành tráng với đủ các món sơn hào hải vị. Tính ra có hơn 240 tấn thức ăn và đồ uống đã được chuyển bằng máy bay từ châu Âu tới để phục vụ cho bữa tiệc này. Có 40 ngàn chai rượu vang nổi tiếng nhãn hiệu Château Lafite-Rothschild và Château Mouton-Rothschild, 24 ngàn chai rượu sâm banh Moet & Chandon.

Còn đến từ Scotland là loại rượu whisky ưa thích Chivas Regal của Bokassa. Tất cả chi phí cho lễ đăng quang này ước tính lên tới 20 triệu đôla - tức là khoảng 1/3 số ngân sách hằng năm khi đó của cả Trung Phi cộng với toàn bộ số tiền viện trợ từ “nước mẹ” cũ là Pháp.

Đi lên từ quân ngũ

Được biết nhà độc tài tương lai của Trung Phi ngay từ khi 6 tuổi đã mồ côi cha mẹ. Còn theo một số nguồn tin chính thức, cha của ông bị lính Pháp bắn chết còn mẹ sau vụ việc này cũng quyên sinh. Bokassa được họ hàng nhận về nuôi dưỡng với hy vọng cậu bé sẽ trở thành một linh mục.

Tuy nhiên, số phận đã theo một ngã rẽ hoàn toàn khác, Bokassa lại đăng ký phục vụ cho quân đội Pháp, ban đầu chiến đấu tại Congo, tới châu Âu vào năm 1944, tốt nghiệp trường đào tạo sĩ quan tại Senegal và đến năm 1950 tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam.

Cũng tại đây, trong một khu rừng rậm nhiệt đới ở Việt Nam đã diễn ra một vụ việc là vết nhơ suốt đời của Bokassa. Anh ta giết hại một người du kích, sau đó ăn tim và gan, giải thích với cấp dưới của mình rằng, hành động trên là để có được lòng dũng cảm giống con người này.

Bokassa luôn có mối quan hệ thân cận với Tổng thống Pháp.

Sau đời quân ngũ, Bokassa quay trở về quê hương, lúc này đã giành được độc lập từ năm 1960. Tổng thống Trung Phi khi đó là David Dacko, vốn là anh họ của Bokassa. Dacko phong ngay cho em mình quân hàm đại tá cùng chức danh tư lệnh lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, Bokassa không nhẫn nại được bao lâu để thể hiện lòng biết ơn.

Vào một đêm đầu năm mới 1966, ông ta tiến hành đảo chính lật đổ ân nhân của mình. Ngay sau đó là một loạt hành động như giải tán quốc hội, xóa bỏ hiến pháp, thay đổi một loạt điều khoản trong luật pháp. Bokassa tự tuyên bố là tổng thống suốt đời, sau đó quyết định trở thành nguyên soái của Trung Phi, rồi chẳng bao lâu lại lên ngôi hoàng đế.

Trong suốt thời gian lãnh đạo đất nước từ 1966 đến 1979, Bokassa đã xây dựng một loạt cung điện sang trọng dành cho mình cũng như người thân. Tính ra, ông ta có tổng cộng 18 bà vợ chính thức và 77 đứa con. Người được ông ta sủng ái nhất là hoàng hậu Katherina.

Theo báo chí phương Tây, để không nhầm con mình với những đứa trẻ khác sống tại cung điện, Bokassa cấp cho mỗi đứa con ngay sau khi chào đời một chiếc huy hiệu bằng vàng có hình tượng của ông ta.

Lễ xưng vương của Bokassa đã tiêu tốn 20 triệu đôla từ ngân khố.

Tàn ác như thời Trung cổ

Đất nước Trung Phi dưới thời của Bokassa tồn tại những quy định hà khắc và khủng bố như dưới thời Trung cổ. Mọi công dân dù có bất cứ vi phạm nhỏ nào đều bị trừng phạt nghiêm khắc. Nếu 2 lần vi phạm sẽ bị cắt tai, còn đến lần thứ 3 sẽ bị chặt tay. Cơ quan mật vụ chỉ là công cụ chuyên săn lùng những kẻ chống đối Bokassa, còn vị bạo chúa thường xuyên tham gia trực tiếp vào những vụ hành hạ và giết hại họ.

Có điều, chính sách cai trị đẫm máu của Bokassa không khiến cho phương Tây mảy may chú ý. Cụ thể là người Pháp chỉ cần hài lòng với sự trung thành của Bokassa, còn những phương pháp để ông ta duy trì quyền lực của mình thì họ không mấy quan tâm.

Nhưng tình hình kinh tế của Trung Phi đã trở nên kiệt quệ với thói xa hoa hết cỡ của Bokassa. Chi phí của lễ đăng quang, trong đó chính Pháp cũng phải chi trả một phần lớn, càng khiến cho mọi việc trở nên trầm trọng hơn. Đến năm 1979, Paris quyết định không thể nhắm mắt làm ngơ trước mọi chuyện đang diễn ra, việc tiếp tục ủng hộ Bokassa sẽ làm tổn hại đến uy tín chính trị của nước Pháp. Và “giọt nước tràn ly”, sự nhẫn nại của Paris đã đến giới hạn bởi vụ Bokassa thanh trừng tàn bạo các học sinh phổ thông.

Dinh thự ở ngoại ô PariS của Bokassa, là nơi ông ta ẩn náu sau khi bị lật đổ.

Đây có thể coi là một trong những tội ác đẫm máu nhất mà Bokassa từng thực hiện trong giai đoạn cầm quyền của mình. Với mong muốn bổ sung cho ngân sách vốn đã kiệt quệ do chi tiêu quá mức, Bokassa đã đưa ra một chiếu chỉ, theo đó tất cả học sinh đang theo học tại ngôi trường phổ thông duy nhất ở thủ đô cần phải mặc đồng phục tới trường. Trong khi cha mẹ còn phải rất khó khăn mới có thể mua được sách giáo khoa cho con, yêu cầu phải mua đồng phục là chuyện quá sức với phần lớn các gia đình.

Kết quả là các học sinh đồng loạt biểu tình phản đối. Những đứa trẻ sau đó đã bị thanh trừng tàn khốc: khoảng 200 học sinh bị tra tấn và sau đó đánh đập đến chết. Bokassa đích thân tham gia vào những vụ hành quyết này.

Chẳng bao lâu sau, trong thời gian Bokassa tới thăm chính thức Libya theo lời mời của Muammar Gaddafi, lực lượng lính dù Pháp đã đổ bộ xuống thủ đô Bangui và rất nhanh chóng khôi phục lại chế độ của Tổng thống Dacko bị lật đổ 13 năm trước đó.

Nỗ lực quay trở lại

Bokassa và vợ buộc phải sống lưu vong. Tại 2 căn biệt thự sang trọng của ông ta, lính Pháp tìm thấy hàng núi các ấn phẩm khiêu dâm, hàng chục viên kim cương cỡ lớn. Nhưng đáng sợ hơn cả là nhiều phần xương và thi thể trong các buồng đông lạnh của những nạn nhân đã bị Bokassa ra lệnh đem cho cá sấu ăn.

Dù được sống trong một dinh cơ khá sang trọng ở ngoại ô Paris, tuy nhiên Bokassa đến năm 1986 vẫn quyết định quay trở về nước, sẵn sàng ra đứng trước tòa.

Tội ác đủ để Bokassa phải nhận bản án tử hình. Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, bản án cao nhất đã được thay bằng án chung thân, tiếp đó giảm xuống 20 năm tù. Cuối cùng, tay bạo chúa đẫm máu trong lịch sử Trung Phi được trao trả tự do vào năm 1993, sau một lệnh tổng ân xá ban hành khắp đất nước.

Bokassa sau đó còn dự định quay trở lại chính trường, tuyên bố với tất cả rằng, ông ta đã là một người… ăn chay. Một số chuyên gia bình luận của phương Tây khi đó thậm chí còn đánh giá Bokassa có cơ hội chiến thắng không hề nhỏ. Tuy nhiên, số phận đã bảo vệ người dân Trung Phi trước nguy cơ nhà cựu độc tài có thể khôi phục lại quyền lực của mình: Bokassa đã chết vào năm 1996 sau một cơn đột quỵ.

Quỳnh Nga (tổng hợp)

Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại của đất nước. Trước Đại hội XIV của Đảng, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy trong hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, khẩn trương nhằm tạo động lực để đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Từ cuối tháng 11/2024, ngôi nhà nhỏ của vợ chồng Edna và Tony tại thành phố Morelia, Mexico luôn đầy ắp tiếng khóc của trẻ sơ sinh. Đối với đôi vợ chồng trung niên này, đây là những âm thanh ngọt ngào nhất mà họ đã mong chờ từ bao lâu nay - cậu con trai Luis. Và điều đặc biệt hơn cả là Luis đã trở thành đứa trẻ đầu tiên được thụ thai nhờ một quy trình hoàn toàn tự động, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công nghệ hỗ trợ sinh sản.

Lợi dụng sự buông lỏng quản lý của chính quyền cấp huyện trước thời điểm giải thể, cấp xã mới vận hành theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp trong khi đội ngũ làm công tác quản lý khoáng sản của sở, ngành vừa thiếu vừa mỏng nên tình trạng vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thời gian qua có chiều hướng gia tăng. Trong đó, một số vụ việc vi phạm pháp luật có tính chất nghiêm trọng.

Thông tin từ chính quyền xã Vạn An, tỉnh Nghệ An cho hay, sau khi huy động toàn bộ lực lượng Công an, quân sự và phối hợp các lực lượng chức năng Công an tỉnh Nghệ An, hai nạn nhân còn lại trong vụ TNGT xảy ra trên Quốc lộ 46 thuộc tỉnh Nghệ An đã được tìm thấy, tuy nhiên, cả hai nạn nhân đều đã tử vong. Một nạn nhân khác trong vụ tai nạn này đã tử vong trước đó.

Đường dây thu mua, giết mổ và tiêu thụ lợn nhiễm dịch tả châu Phi, lợn chết ra nhiều chợ, nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội vừa bị Công an TP Hà Nội triệt phá khiến người tiêu dùng phẫn nộ. Trở lại chợ Phùng Khoang 2 (phường Đại Mỗ, Hà Nội) nơi có 2 chủ quầy thịt lợn bị tạm giữ hình sự vì bán lợn bệnh, lợn chết cho người tiêu dùng, khu chợ vốn sôi động phục vụ cho hơn 20 nghìn dân quanh khu vực đìu hiu hơn do ảnh hưởng của vụ việc.

Ánh sáng vàng nhạt của buổi hoàng hôn Vienna trải dài trên bàn làm việc của Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi khi ông lật lại báo cáo giám sát mới nhất. Cùng lúc đó, sâu trong lòng đất núi Fordow, những gram uranium làm giàu 60% tiếp tục hành trình bí ẩn qua các cỗ máy ly tâm.

Syria đã ký thỏa thuận trị giá 800 triệu USD với tập đoàn DP World của Dubai, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), nhằm tái phát triển cảng Tartous, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình tái thiết quốc gia sau chiến tranh.

Tối ngày 13/7, Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thành Long (SN 1988, trú xã Kiến Thụy) và Nguyễn Văn Tuấn (SN 1983, trú xã Kiến Minh), cùng TP Hải Phòng về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.